Ta xây dựng hiện thực xã hội như thế nào?

Hãy nghĩ đến một tình huống mà bạn đã làm mọi cách để đến nơi phỏng vấn xin việc đúng giờ, nhưng không điều gì diễn ra theo ý bạn cả. Giữa đêm nhà mất điện, thế là đồng hồ báo thức không gọi bạn dậy. Người bạn đáng lẽ sẽ chở bạn đi thì xe lại bị xẹp lốp. Bạn đã cố gắng rút tiền để đi taxi, nhưng máy ATM lại ăn mất thẻ của bạn. Cuối cùng khi bạn đến văn phòng, bạn có thể đoán người quản lý đang nghĩ gì: “Tại sao tôi lại phải giao việc cho một người không đáng tin cậy như anh chị? ” Bạn muốn phản đối, “Không phải tại tôi, hoàn cảnh nó thế!” Khi bạn đã dự tính kịch bản này, bạn đã bắt đầu bước vào thế giới của tâm lý học xã hội — lĩnh vực tâm lý học điều tra những cách thức mà các cá nhân tạo ra và diễn giải các tình huống xã hội.

Tâm lý học xã hội (social psychology) là nghiên cứu về những cách thức mà suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức, động cơ và hành vi chịu ảnh hưởng của các tương tác và giao dịch giữa người với người.

Các nhà tâm lý học xã hội cố gắng hiểu hành vi trong bối cảnh xã hội của nó. Bối cảnh xã hội này là bức tranh sống động, trên đó các chuyển động, điểm mạnh và điểm yếu của sinh vật xã hội được vẽ nên. Được định nghĩa một cách rộng rãi, bối cảnh xã hội bao gồm sự hiện diện thực sự, tưởng tượng hoặc mang tính tượng trưng của những người khác; các hoạt động và tương tác diễn ra giữa con người với nhau; các tính năng của bối cảnh nơi hành vi xảy ra; cũng như kỳ vọng và chuẩn mực chi phối hành vi trong một bối cảnh nhất định (Sherif, 1981).

Xây dựng hiện thực xã hội

Tôi vừa yêu cầu bạn tưởng tượng mọi thứ có thể xảy ra sai cách trước một cuộc phỏng vấn xin việc. Khi bạn cuối cùng cũng đến văn phòng của người quản lý, bạn và người quản lý đã có các cách hiểu rất khác nhau về cùng một sự kiện. Bạn biết bạn là nạn nhân của hoàn cảnh. Tuy nhiên, ít nhất trong ngắn hạn, người quản lý chỉ đánh giá bạn bằng những gì dễ thấy:

Bạn đến muộn, và bạn đang rối bời. Đó là những gì được định nghĩa là xây dựng hiện thực xã hội (social reality). Người quản lý xem xét các bằng chứng bạn trình bày và giải thích tình huống. nếu bạn vẫn muốn hoàn thành công việc, bạn sẽ phải yêu cầu người quản lý xây dựng một cách diễn giải mới.

Các nhà tâm lý học xã hội đã mang đến nhiều ví dụ về hoàn cảnh trong đó niềm tin của mọi người khiến họ xem cùng một tình huống từ các điểm thuận lợi khác nhau và đưa ra kết luận trái ngược về những gì “thực sự đã xảy ra”. Một nghiên cứu kinh điển từ những năm 1950 tập trung vào những nhận thức khác biệt rõ ràng về một trò chơi bóng đá gây nhiều tranh cãi (Hastorf & Cantril, 1954). Sinh viên từ mỗi trường đánh giá đội kia có chịu trách nhiệm cho hầu hết các hành vi xấu xảy ra trong một hiệp đấu đặc biệt khó khăn. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi các sự kiện thể thao tiếp tục mang đến các tình huống khiến người ta xây dựng các thực tế xã hội khác nhau.

Tại Thế vận hội Mùa đông ở Thành phố Salt Lake, Utah, một cặp vận động viên trượt băng nghệ thuật của Nga ban đầu được trao huy chương vàng, suýt đánh bại một cặp người Canada. Tuy nhiên, bốn ngày sau, sau khi cặp này bị một thẩm phán buộc tội hành vi không trung thực, đôi người Canada đã được trao một bộ huy chương vàng khác.

Cuộc tranh cãi sang một bên, một câu hỏi quan trọng vẫn còn: Đội nào thực sự trượt tốt hơn? Để xác định cách thức mà “thực tế” của các sự kiện được xây dựng từ sự đối lập quan điểm, một nhóm các nhà nghiên cứu đã thu thập được 169 bài báo từ báo Nga và 256 bài báo của Mỹ đã thảo luận về các buổi biểu diễn (Stepanova và cộng sự, 2009). Phân tích nội dung của các bài báo cho thấy sự khác biệt nhất quán. Ví dụ, các bài báo của Mỹ cung cấp nhiều lý lẽ hơn cho sự vượt trội của người Canada. Trong khi đó, các bài báo của Nga gợi ý rằng chất lượng các buổi biểu diễn khớp nhau chặt chẽ hơn các bài báo của Mỹ.

Nghiên cứu này làm rõ rằng một sự kiện xã hội phức tạp, chẳng hạn như một cuộc thi trượt băng, không thể được quan sát một cách khách quan, không thiên vị. Các tình huống xã hội trở nên có ý nghĩa khi những người quan sát « mã hóa » một cách có chọn lọc (selectively encode) những gì đang xảy ra về những gì họ mong đợi được xem và muốn xem. Trong trường hợp cuộc thi đấu trượt băng, mọi người đã xem cùng một hoạt động, nhưng họ đã thấy những bài biểu diễn khác nhau.

Để giải thích cách báo chí Mỹ và Nga đi đến những cách giải thích khác nhau như vậy về sự cạnh tranh của các cặp, ta cần trở lại lĩnh vực nhận thức (perception). Ta thường phải đặt kiến ​​thức lên trước để làm việc diễn giải những đối tượng tri giác mơ hồ. Nguyên tắc giống nhau đối với cuộc thi trên — mọi người mang kiến ​​thức trong quá khứ để dùng diễn giải các sự kiện hiện tại — nhưng các đối tượng của việc xử lý tri giác là con người và tình huống. Nhận thức xã hội (social perception) là quá trình mà mọi người hiểu và phân loại hành vi của người khác. Phần này tập trung chủ yếu vào hai vấn đề nhận thức xã hội. Đầu tiên, ta xem xét cách mọi người đưa ra đánh giá về các lực ảnh hưởng đến hành vi của người khác, quy kết nhân quả (causal attribution) của họ. Tiếp theo, ta xem cách các quá trình nhận thức xã hội đôi khi có thể mang lại thế giới phù hợp với mong đợi.

Loạt bài viết về chủ đề:

  1. Ta xây dựng hiện thực xã hội như thế nào?
  2. Nhận thức xã hội là gì? Và ta quy kết như thế nào?
  3. Các lỗi quy kết cơ bản
  4. Thành kiến ​​Tự-phục vụ
  5. Kỳ vọng và những lời tiên tri tự ứng nghiệm

Vân Anh dịch và tổng hợp

Nguồn: Tâm lý học và đời sống, Richard J. Gerrig, Philip G. Zimbardo, bản in thứ 16, 2002, Pearson Education Inc, bản dịch 2020 của Van Lang Culture JSC. Người dịch Kim Dân

Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc

Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

2 thoughts on “Ta xây dựng hiện thực xã hội như thế nào?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang