Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Đó là cái nôi nuôi dưỡng, chăm sóc, định hướng cho ta và cũng là môi trường giáo dục đầu tiên mà ta được tiếp xúc. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của mỗi cá nhân, đôi lúc việc chăm sóc cho gia đình sẽ gặp phải nhiều sóng gió và thử thách. Để gìn giữ tổ ấm của mình, chúng ta cần có những hiểu biết cũng như kỹ năng phù hợp. Cuốn sách “Cẩm nang gia đình Việt” sẽ là một lựa chọn không tồi cho những ai muốn trang bị thêm kiến thức về hôn nhân, chăm sóc con cái hay cách giải quyết những khó khăn trong cuộc sống gia đình.
Nhân ngày Quốc tế Gia đình 15/5, hãy cùng Viện Tâm lý học & Truyền thông trò chuyện với hai tác giả của cuốn sách cực kỳ thú vị này là PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa và TS. Nguyễn Thị Chính.
Link đặt mua sách Cẩm nang gia đình Việt: https://sachsuthattphcm.com.vn/cam-nang-gia-dinh-viet/
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa hiện đang là Viện trưởng Viện Tâm lý học & Truyền thông. Cô là Tiến sĩ Tâm lý học Xã hội, đồng thời là nhà tâm lý học có nhiều năm kinh nghiệm trong trị liệu gia đình, các rối loạn về tâm thần và các phương pháp điều trị cho người Việt Nam.
——
Phóng viên: “Thưa cô, đâu là niềm cảm hứng giúp cô viết cuốn sách “Cẩm nang gia đình Việt”?”
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa: “Cẩm nang gia đình Việt” được viết từ gợi ý của một người bạn tôi về cuốn cẩm nang gia đình Nhật được dịch ra tiếng Việt. Cuốn sách mô tả một số tình huống cụ thể gặp phải trong gia đình Nhật và cách nên giải quyết vấn đề một cách khả thi. Một gợi ý theo tôi rất đặc sắc của cuốn sách là các tình huống cụ thể được minh hoạ bằng một câu chuyện tranh nho nhỏ, ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều tình huống trong cuốn sách đặc trưng cho gia đình Nhật chứ không phải gia đình Việt và các hình vẽ trong sách cũng tượng trưng cho một gia đình Nhật Bản hiện đại. Từ suy nghĩ, phải chăng chúng ta nên có một cuốn sách tương tự, nhưng viết cho gia đình Việt Nam hiện đại, với những đặc thù văn hoá và đặc trưng riêng của gia đình Việt, chúng tôi đã viết một cuốn sách mới từ góc nhìn tâm lý và văn hoá của người Việt Nam.
Cuốn sách được viết từ những tâm huyết của các tác giả muốn đưa một số kiến thức giáo dục về gia đình vào nhà trường – một cách giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên và giáo dục một số kiến thức về hôn nhân và nuôi dạy con nhỏ cho các cặp vợ chồng trẻ. Văn phong được chọn trong cuốn sách khá giản dị và gần gũi, dễ đọc. Đồng thời, các tác giả cũng cố gắng chọn lựa những tình huống nhẹ nhàng, nhưng có ý nghĩa giáo dục và được mô tả theo phong cách truyện tranh hiện đại để hấp dẫn giới trẻ.
Chúng tôi mong muốn, khi cuốn sách được độc giả đón nhận thì có thể chuyển thể thành phim hoạt hình ngắn để truyền thông trên các phương tiện truyền thông dễ tiếp cận giới trẻ hơn.”
Phóng viên: “Theo cô, trong thời đại số hiện nay, có những cách thức nào để gắn kết thành viên gia đình nếu mọi người phải sinh sống làm việc xa nhau về khoảng cách địa lý?”
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa: “Thời đại kỹ thuật số cho phép các thành viên gia đình giao tiếp thuận lợi cho dù cách xa nhau cả hàng chục ngàn cây số.
Tuy nhiên, việc dễ dàng giao tiếp trên mạng, nhờ các kết nối điện tử có thể khiến chúng ta coi nhẹ việc gặp mặt, coi nhẹ các giao tiếp vật lý giữa các thành viên trong gia đình. Có một câu chuyện cười, kể rằng các con trở nên lo lắng khi không thấy mẹ online để có thể xin phép mẹ tham gia một hoạt động ngoại khóa của nhà trường, trong khi người mẹ chỉ đang ở trong phòng mình, liền kề ngay bên cạnh các con mà thôi.
Rõ ràng rằng, việc giao tiếp trên mạng có thuận tiện đến đâu cũng không thể thay thế những cuộc gặp mặt thực sự, không thể thay thế những cái nắm tay, không thể thay thế những cái ôm, không thể thay thế một bữa cơm gia đình sum họp đầm ấm.
Vậy nên, cách thức để gắn kết gia đình thực sự vẫn là cố gắng dành cho nhau những khoảng thời gian nhiều nhất, và khi ở bên nhau, dù rằng đang ở bên cạnh nhau hay vì khoảng cách địa lý mà phải nói chuyện qua mạng, thì chúng ta cũng cần thực sự dành thời gian ấy cho nhau, suy nghĩ cho nhau, giúp nhau cởi mở, giúp nhau nói ra được những khó khăn của bản thân, giúp nhau trao đổi để gợi mở những cách tự giải quyết những khó khăn của mỗi người.
Điều quan trọng nhất của một gia đình là tình thân, là sự gắn bó nhiều chiều của các thành viên, nếu mất đi sự gắn bó này, gia đình sẽ không còn là một gia đình đầy đủ ý nghĩa.”
Phóng viên: “Theo cô, cha mẹ cần làm gì để điều hòa mối quan hệ, tránh xung đột giữa những đứa trẻ trong gia đình?”
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa: “Những đứa con trong một gia đình luôn có những sự bất đồng, đôi khi là có ý thức, đôi khi là những ẩn ức vô thức. Khi người em được sinh ra, bên cạnh việc mang lại niềm vui vì có “đồng minh” cho người anh, người chị cả trong gia đình, thì đồng thời vị trí “độc tôn” của anh, chị cũng bị người em tước đi mất. Giờ đây, bố mẹ sẽ lo lắng, chăm sóc không chỉ đứa con cả mà phải dành nhiều thời gian hơn cho đứa em bé bỏng mới sinh. Người con cả sẽ cảm thấy mất mát và bị chia sẻ tình cảm. Một cách vô thức, sự ganh tỵ sẽ nảy sinh và trở thành ẩn ức trong mối quan hệ anh chị em từ phía người con cả. Còn từ phía đứa trẻ sinh sau, bé sẽ luôn chịu đựng sự so sánh với anh chị mình, bé sẽ luôn phải “chia sẻ” bố mẹ với anh chị mình ngay từ khi sinh ra… những khó khăn tâm lý ấy cũng ngăn trở và chia rẽ một cách vô thức những đứa trẻ. Đó là còn chưa kể đến những khó khăn trong các mối quan hệ nhiều chiều với các thành viên khác trong gia đình lớn. Có thể có những đứa trẻ “hợp tính” hơn với bố hoặc mẹ, với ông, hoặc bà, do vậy sẽ được chiều chuộng và bênh vực nhiều hơn những đứa trẻ khác.
Để có thể giúp con trẻ vượt qua những khó khăn ấy, bố mẹ cần nhận ra sự tồn tại của khó khăn, sau đó là có thể nói chuyện với các con, giúp trẻ cởi mở trao đổi về những khó khăn của bản thân để tìm ra cách vượt qua chúng.”
Tăng cường giao tiếp, càng giao tiếp trực tiếp càng tốt, là cách để các gia đình nhận ra những khó khăn mà con trẻ đang gặp phải và giúp đỡ chúng vượt qua khó khăn.
Phóng viên: “Khi phát hiện trẻ lén lút nói xấu cha mẹ, cha mẹ nên có hành động như thế nào?”
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa: “Người lớn chúng ta cũng có khá nhiều lúc thể hiện sự không hài lòng với cha mẹ mình, với người thân và những người xung quanh chúng ta. Sự không hài lòng đó có thể đúng, đôi lúc chúng cũng có thể sai do nhận thức của chúng ta không thật sự đầy đủ và đúng đắn trong mọi trường hợp. Vậy thì với con trẻ điều ấy càng có thể xảy ra. Tại sao chúng ta không cho phép trẻ có thể phản biện lại cha mẹ, hoặc không cho phép những đứa trẻ có những nhận thức chưa đầy đủ, hoặc thậm chí sai lầm về bố mẹ chúng khi mà chính bố mẹ chúng không hiếm khi có những sự phản biện và nhận thức tương tự.
Do đó, khi bố mẹ thấy các con nói xấu mình sau lưng mình, trước hết hãy thật bình tĩnh. Đứa trẻ không “nói xấu” vì ghét bố mẹ chúng, hay thực sự nghĩ xấu về bố mẹ chúng đâu. Rất có thể bố mẹ đã không cho các con có đủ cơ hội trao đổi về những suy nghĩ của trẻ, đã không cho các con có đủ thời gian nói chuyện để có thể hiểu đúng về bố mẹ…
Cách giải quyết vấn đề ở đây, trước hết vẫn là tăng cường giao tiếp trong gia đình. Tuy nhiên, nếu sự bất hoà đã ngấm quá sâu vào mối quan hệ trong gia đình thì việc giải quyết chúng sẽ đòi hỏi khá nhiều thời gian và đôi khi cần tới sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý gia đình.”

TS. Nguyễn Thị Chính hiện đang công tác tại Viện Tâm lý học & Truyền thông và Trường liên cấp SenTia. Chị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tâm lý Trẻ em, Thanh thiếu niên và tham vấn học đường.
——
Phóng viên: “Đâu là nội dung yêu thích nhất của chị trong cuốn sách? Điều gì khiến chị quan tâm về nội dung đó?”
TS. Nguyễn Thị Chính: “Trong các phần của cuốn sách, mình thích nhất chương 1 bởi nó đề cập đến giai đoạn đầu tiên hình thành gia đình. Đây là quá trình chuyển đổi trong cuộc đời của mỗi cá nhân đòi hỏi người đó bắt đầu hành trình hòa nhập văn hóa và tâm lý của mình, sự chào đón và thiết lập những mối quan hệ gia đình mới. Chính vì vậy, nó sẽ đem lại nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống nhưng cũng hàm chứa những nguy cơ và thách thức. Vượt qua giai đoạn này mỗi cá nhân sẽ trưởng thành hơn trong các vai trò của mình.”
Phóng viên: “Theo chị, trước khi quyết định sinh con, một cặp đôi cần chuẩn bị những gì?”
TS. Nguyễn Thị Chính: “Cái đầu tiên mọi người hay chú ý là: kinh tế. Điều đó cũng rất quan trọng, họ cần biết được chi phí để nuôi con cần bao nhiêu (từ tiền quần áo, đồ dùng, sữa bỉm,… đến người chăm con)? Thời gian họ dành ra để chăm sóc đứa trẻ (từ giai đoạn bầu đến sau này) khiến người mẹ, người bố phải giảm bớt thu nhập của mình như thế nào?
Nhưng mỗi kinh tế thì cũng chưa đủ, điều quan trọng không kém là những kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ. Ngay từ khi người mẹ có bầu đã cần có những hiểu biết để chăm sóc thai nhi như ăn gì, uống gì, bao lâu thì đi khám, như thế nào là dấu hiệu bất thường?… Sau đó là những kỹ năng như bế con, thay tã, cho con ăn,…Người cha cũng vậy, cần hiểu một đứa trẻ cần gì trong mỗi giai đoạn, mình có thể làm những gì để hỗ trợ vợ trong thời gian sau sinh. Ngoài việc chăm sóc còn việc dạy dỗ con như phòng tránh những nguy hiểm, dạy con nói, dạy con học,…
Thông thường, tham gia vào quá trình nuôi dạy con không chỉ có mỗi cha mẹ, có thể còn có cả ông bà nội ngoại, người thân, các anh/chị/em ruột của con,… Mỗi một thành viên trong gia đình đều có thể có những đóng góp vào việc nuôi dạy một đứa trẻ. Như ngạn ngữ có câu: cần cả một cái làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Vậy cha mẹ cũng cần xác định và chuẩn bị những nguồn lực trợ giúp xung quanh. Ai sẽ phụ trông con, con hàng ngày sẽ tiếp xúc với ai? Sau này lớn lên con sẽ đi học một môi trường như thế nào?… Mỗi một giai đoạn sẽ cần có sự chuẩn bị khác nhau.
Và điều cuối cùng đó là sự sẵn sàng tâm lý. Nghiên cứu chỉ ra rằng, một số bà mẹ đủ điều kiện kinh tế, có người hỗ trợ chu đáo nhưng vẫn bị trầm cảm sau sinh do họ chưa sẵn sàng để làm mẹ – Họ dễ cảm thấy sợ hãi hoặc không hài lòng với cách mà mình hay người khác đang làm. Họ cảm thấy mình không đủ tốt, họ cảm thấy xa cách với con,…
Tóm lại, khi trở thành cha mẹ là lúc chúng ta cần học hỏi rất nhiều, cần sự sẵn sàng, dũng cảm và vị tha rất nhiều mà điều này lại không được dạy ở trường lớp chính quy. Mỗi người sẽ học và trở thành cha mẹ theo phong cách của chính mình.”
Phóng viên: “Theo chị, cha mẹ nên đồng hành cùng con với vai trò là một người bạn hay một người chỉ dẫn? Tại sao?”
TS. Nguyễn Thị Chính: “Cần cả hai! Cha mẹ với vai trò là những người thầy đầu tiên của con, sẽ chỉ bảo cho con những điều hay lẽ phải, tập cho con từng bước đi, lời ăn tiếng nói để “nên người”. Nhưng cha mẹ cũng đồng thời là những người bạn để con có thể cảm thấy vui, bình an và lý thú khi ở bên cha mẹ. Có như vậy, giữa cha mẹ và con cái mới có sự kết nối và gắn bó, là hàng rào tinh thần bảo vệ con trước những khó khăn, buồn tủi mà con có thể gặp phải ở ngoài kia trên đường đời.”
Phóng viên: “Nhân dịp ngày Quốc tế gia đình, chị muốn gửi lời gì tới các bậc làm cha mẹ?”
TS. Nguyễn Thị Chính: “Nói vui thì làm cha mẹ là một “nghề” thách thức nhất bởi “nghề” này khi chính thức bước vào là chúng ta sẽ không thể từ bỏ được, đã vậy nghề này lại không được đào tạo bài bản. Và chính “nghề” này mang lại cho chúng ta nhiều căng thẳng nhất mà không ai thay thế được chúng ta. Nhưng không nên quá nặng nề về chữ “trách nhiệm” hãy tìm kiếm niềm vui với con cái. Bạn có nhu cầu được yêu thương, vui, hạnh phúc, con cái của bạn cũng thế! Cũng đừng quá hoang mang xem mình cần làm cha mẹ như thế nào, hãy lắng nghe chính bản thân mình, con bạn là một phiên bản độc đáo và bạn cũng thế!”
Thực hiện & Hình ảnh: Mai Linh
Biên tập: Thu Thủy
Bản quyền nội dung phỏng vấn thuộc về Viện Tâm lý học và Truyền thông. Khi chia sẻ, cần ghi rõ tên tác giả và nguồn “Viện Tâm lý học và Truyền thông”. Mọi bài viết sao chép tự ý chỉnh sửa nội dung hay không trích dẫn nguồn đầy đủ đều không được chấp nhận và buộc phải gỡ bỏ.