Là nhân viên xã hội, đôi khi ta muốn khách hàng quan tâm đến mình – không phải vì ta làm việc không tốt hay vì ta có nhu cầu nào đó mang tính bệnh lý, mà bởi vì thật khó khăn khi cả ngày phải ở trong các mối quan hệ không “có đi có lại”. Đôi khi nhân viên xã hội được cảm ơn, đôi khi không, và hầu hết thời gian là không. Công việc của nhân viên xã hội, do đó, thật khó khăn. Và thực tế này khiến các nhân viên xã hội cần thảo luận cởi mở với nhau về sức khỏe tâm thần, với những người thân yêu, với người giám sát và với gia đình của chính ta; như một thực tế trong cuộc đời ta, đòi hỏi được chăm sóc một cách siêng năng, cẩn thận và chu đáo.
Sức khỏe tâm thần được biểu hiện trên một phổ, và tất cả chúng ta đều cần lưu tâm đến nó. Đôi khi ta nghiêng nhiều hơn về những đấu tranh sức khỏe tâm thần, đôi khi ta nghiêng nhiều hơn về sự ổn định sức khỏe tâm thần, ta không bao giờ vĩnh viễn ở một điểm. Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng chỉ có một số người phải vật lộn với bệnh hay rối loạn tâm thần và một số thì không. Không ai trong chúng ta là bất khả xâm phạm trước thực tế đó.
Dưới đây là một số cách giúp nhân viên xã hội, cũng như bất cứ người lớn nào, chú ý đến vị trí của chính mình trong phổ liên tục của sức khỏe tâm thần, tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
1. Làm bài tập quét cơ thể (body scan) hàng ngày.
Mối quan hệ giữa tâm trí và cơ thể chúng ta tương quan với tỷ lệ chính xác là 1:1. Đôi khi thông tin về hoạt động của tâm trí ta được lưu trữ trong cơ thể và đôi khi thông tin về hoạt động của cơ thể ta được lưu trữ trong tâm trí. Ta có cơ hội thảo luận về tâm trí của mình trong những bối cảnh khác nhau, nhưng cơ thể hiếm khi được mời tham gia cuộc trò chuyện, và ta cần mang nó trở lại. Một ngày nọ, một nhân viên xã hội đeo đồng hồ đo nhịp tim và được cảnh báo rằng nhịp tim của cô ấy cao bất thường, việc đó diễn ra trong một cuộc trò chuyện đặc biệt khó khăn với một người đang bị giám sát. Nhưng nếu không có đồng hồ cảnh báo, cô ấy sẽ thực sự không biết về phản ứng cơ thể của mình. Điều đó cho thấy nhân viên xã hội có thể không còn nhận biết được các tín hiệu của cơ thể vì áp lực công việc quá cao, do đó ta cần điều chỉnh và xem xét các dữ liệu này một cách nghiêm túc, nếu không muốn rơi vào tình trạng trầm cảm và kiệt sức.
2. Tòa nhà nào cũng có công suất tối đa. Còn công suất tối đa của bạn là gì?
Hãy hình dung như công việc với mỗi khách hàng chiếm một “căn hộ” trong tòa nhà tâm lý của bạn. Có một số “hộ gia đình” chiếm số diện tích mà bạn nhận thức được, một số thì ít rõ ràng hơn. Có những khách hàng có thể chiếm quá nhiều suy nghĩ của ta khiến ta có thể thấy bản thân không còn thời gian để nghĩ về những điều quan trọng khác trong cuộc sống cá nhân của chính mình. Điều này đặc biệt đúng với các trường hợp khách hàng bị nhiều sang chấn và nhân viên công tác xã hội phải đắn đo rất nhiều với những quyết định mà họ đưa ra cho khách hàng này. Bạn cần nhận thức rằng bạn cũng có một giới hạn về “dung lượng bộ nhớ” như trong máy tính, cũng như tải lượng tối đa về mặt tâm lý mà bạn có thể chứa, do đó nó cần được sử dụng một cách tiết kiệm để bạn có thể duy trì sự nghiệp của mình một cách bền vững. Bạn có thể nghĩ đến việc đánh giá mức độ tải tối đa của bản thân bằng số lượng khách hàng khổng lồ mà bạn có, nhưng công thức hiếm khi đơn giản như vậy. Trên thực tế, số trường hợp mà bạn xử lý càng đa dạng, bạn càng có nhiều dung lượng. Nhưng nếu bạn đang xử lý các chủ đề, các chẩn đoán và hành vi mang tính lặp lại và luẩn quẩn, thì bạn rất dễ bị “đoản mạch”. Điều thực sự quan trọng là bạn phải nghiêm túc xem xét các giới hạn của mình và tìm ra cách thiết lập các ranh giới xung quanh chúng… điều này dẫn ta đến gợi ý tiếp theo.
3. Bạn không thể làm việc với TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.
Có những khách hàng chỉ đơn giản là kích hoạt quá nhiều cảm xúc trong lòng ta trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời ta. Cũng có những khách hàng có một số vấn đề nhất định sẽ luôn kích hoạt ta và những người mà ta đơn giản là không thể giúp đỡ. Tuy chắc chắn vẫn có những cách giúp nhân viên công tác xã hội có thể làm việc với khách hàng ngay cả khi ta cảm thấy bị cản trở bởi những gì khách hàng đang trưng ra, nhưng cũng có những cách mà ta đơn giản là không thể làm. Đây là một sự thật ta khó mà nói ra với chính mình, với người giám sát ta và đôi khi là với chính khách hàng của ta. Ví dụ, một bác sĩ lâm sàng làm việc với bệnh nhân cai nghiện giai đoạn đầu có thể gặp khó khăn khi làm việc với một người chủ động nghiện chất kích thích. Hoặc ta có thể có một thành viên trong gia đình chưa bao giờ chịu cai nghiện và ta tập trung quá mức vào khách hàng gặp vấn đề tương tự nhằm bù đắp cho những gì ta cảm thấy không ổn trong chính gia đình mình. Các vấn đề chồng chéo có thể tạo ra những điểm mù có vấn đề và nếu không có khoảng cách về thời gian nhằm phản ánh và suy ngẫm, ta sẽ khó mà dấn thân vào các quá trình làm việc song song với khách hàng.
4. Ta có thể mang việc về nhà làm, nhưng nên khiến một số phòng được bất khả xâm phạm.
Công tác xã hội đòi hỏi nhiều công sức và sự tận tâm, và nhân viên công tác xã hội có thể có quá nhiều việc phải làm đến nỗi khó mà dừng lại được ở chỗ làm mà phải mang việc về nhà. Ta có thể có một gia đình đầy yêu thương, sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ cùng ta, nhưng khi buộc phải mang việc về nhà, ta vẫn cần có những ranh giới cần xác định. Ví dụ như phòng ngủ là chốn riêng tư, dành cho sự nghỉ ngơi và kết nối với bạn đời, là nơi ta không nên mang công việc vào. Với phòng ăn thì nơi bàn ăn có thể là chốn khiến ta cảm thấy muốn chia sẻ với gia đình về ngày làm việc của mình, nhưng ta vẫn nên xem xét mức độ ta có thể chia sẻ về gánh nặng với người thân yêu và đón nhận sự trợ giúp nếu cần. Và khi ta hòa mình cùng gia đình để cùng thảnh thơi xem một bộ phim, ta nên cân nhắc gác những gánh nặng công việc sang một bên và dành sự hiện diện tuyệt đối với người thân nếu ta muốn được “sạc năng lượng” từ họ và dành thời gian lắng nghe người thân kể về ngày của mình, vì họ cũng có những tâm tư muốn chia sẻ cùng ta. Việc giữ ranh giới này đòi hỏi nỗ lực, nhưng đó cũng là cách giúp nhân viên công tác xã hội không đánh mất năng lượng của mình quá nhiều, từ đó giúp ta tiếp tục đảm bảo công việc của bản thân, kèm với sự chú ý và hỗ trợ mà chắc chắn là ta luôn cần đến để hoàn thành phận sự của mình.

5. Bạn cần một nhóm giúp bạn duy trì sức khỏe tinh thần của mình.
Nếu không có đối tác, người giám sát và nhà trị liệu, nhân viên công tác xã hội rất có nguy cơ suy sụp tâm lý. Công tác xã hội đòi hỏi sự đầu tư rất lớn từ con người, quá khứ lẫn hiện tại của cá nhân người làm nó, khiến việc chia sẻ gánh nặng là tối quan trọng. Việc ai ở trong “nhóm tiếp sức” của ta không thực sự quan trọng, không nhất thiết phải là giám sát viên, nhà trị liệu hay chuyên gia nặng ký nào, miễn là những người mà bạn có thể tin tưởng và cảm thấy mình có thể nói ra toàn bộ sự thật mà bạn cảm thấy. Thành viên nhóm thậm chí có thể là bạn tập thể dục, thể thao cùng với ta. Chúng ta có thể không nói gì về công việc, mà chỉ đơn giản như là hai người bạn đang có những công việc thực sự khó khăn. Những gì ta làm là kiểm tra tình hình lẫn nhau khi đã không gặp nhau trong một thời gian dài, để đảm bảo mọi thứ đều ổn. Chỉ cần như vậy đã giúp ích rất nhiều. Hãy tìm một vài người quan tâm đến vị trí của bạn trên “GPS của tâm hồn bạn”.
6. Khóc to lên – khóc nơi công việc cũng được.
Ai cũng có thể đã từng khóc, hay muốn khóc ở nơi làm việc. Và trong lĩnh vực như công tác xã hội, việc biểu lộ cảm xúc như khóc nên được bình thường hóa, bởi vì công việc có thể gây khó chịu, choáng ngợp và gây sốc. Đây không phải là những sự thật mà ta nên làm quen, nhưng nên phản ứng với nó và có thể phản ánh thực tế về nó. Có thể có những người tại nơi làm việc của bạn khóc. Có thể họ làm điều đó một mình trong văn phòng hoặc trong giờ nghỉ trưa, nhưng điều đó đang xảy ra. Mọi người nên được khuyến khích thảo luận điều này với nhau và khóc trước mặt nhau, bởi vì việc chia sẻ cảm xúc mang tính chữa lành. Ngược lại, tích tụ quá nhiều sự bức bối và bất lực bên trong chỉ khiến “lỗ đen” càng lúc càng lớn hơn và trở nên ngày càng khó điều trị hơn theo thời gian.
7. Đừng cảm thấy như thể bạn không thể làm công việc này, nếu bạn cũng có những chẩn đoán rối loạn tâm lý của riêng mình.
Trong một thế giới mà càng lúc càng nhiều thứ được diễn dịch theo góc nhìn y học và bệnh lý, với nỗi ám ảnh tột độ về năng suất, căng thẳng và chấn thương, rất ít người trong chúng ta đang làm việc mà không có chẩn đoán rối loạn của chính mình. Ai cũng có thể mang một hay nhiều chấn thương, rối loạn hay cơ chế đối phó nào đó thiếu lành mạnh và gây hại. Với nhân viên công tác xã hội, rối loạn thường thấy có thể là lo âu và trầm cảm. Thế nhưng, chính tổn thương ta đang mang lại là động lực mạnh mẽ nhất khiến ta tiếp tục thức dậy mỗi sáng với động lực và quyết tâm mạnh mẽ cho nghĩa cử của mình. Đó có thể là chất men khiến ta hăng say làm việc, và là nhà công tác xã hội, ta cũng biết cảm giác vừa hoạt động hiệu quả cao vừa gặp khó khăn là như thế nào. Điều này khiến ta đồng cảm với khách hàng của mình, về mức độ phức tạp của riêng họ và nhiều cách khác nhau khiến họ có thể vừa cảm thấy ổn vừa cảm thấy bất ổn, và điều này là hoàn toàn bình thường với tất cả chúng ta.
8. Bình thường hóa việc sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần cùng tồn tại song song, và việc nói về nó cũng là một hình thức hoạt động xã hội.
Ta cần thừa nhận rằng một nhân viên công tác xã hội cũng có một đời sống tâm lý, với những phức tạp và thăng trầm của chính họ. Ta không nắm giữ nhiều quyền lực hơn khách hàng khi viết ra các chẩn đoán, kế hoạch điều trị và ghi chú tiến triển cho họ. Ta cần nhận diện và vượt qua lời ngụy biện rằng ta là những người quan sát khách quan và không có những trải nghiệm nội tâm và chủ quan của chính ta. Những trải nghiệm này cũng là chỉ báo cho hoạt động, hành vi của ta cũng như các lĩnh vực mà ta thấy kháng cự và bế tắc. Ta càng nói cho khách hàng hiểu rằng ta đồng cảm, chia sẻ khó khăn chung với họ, ta càng có thể làm sáng tỏ sự kỳ thị xung quanh bệnh tâm thần và rối loạn tâm lý – thứ khiến tất cả chúng ta không thể xây dựng đội ngũ mạnh mẽ mà ta rất cần để tiếp tục công việc của mình, trong lĩnh vực công tác xã hội đầy sức mạnh mà cũng đầy thách thức này.
Nguồn: Clinical Intersections: What About Us? The Mental Health of Social Workers – SocialWorker.com
ThS. Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedi