Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở thanh thiếu niên

Thanh thiếu niên dễ gặp vấn đề về tâm lý như thế nào?

Thanh thiếu niên cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần giống như người lớn. Tuy nhiên, nhiều thanh thiếu niên không được chẩn đoán và không được điều trị, mặc dù hầu hết các tình trạng đều có thể điều trị được. 

Điều quan trọng cần ghi nhớ là bất kỳ ai cũng có thể phát triển vấn đề sức khỏe tâm thần. Mặc dù một số thanh thiếu niên có thể có nguy cơ cao hơn dựa trên di truyền và trải nghiệm trong quá khứ của họ, nhưng tất cả thanh thiếu niên đều dễ mắc rối loạn tâm lý và bệnh lý tâm thần – bao gồm cả học sinh “hạng A” lẫn vận động viên “ngôi sao” của trường. 

Các tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến mà thanh thiếu niên phải đối mặt

Hãy tự cập nhật thông tin cho bản thân về các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất mà thanh thiếu niên phải đối mặt. Đề phòng các vấn đề tiềm ẩn và tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia khi cần thiết. Sự can thiệp sớm có thể là chìa khóa giúp con cháu bạn nhận được sự giúp đỡ cần thiết. 

Trầm cảm (Depression)

Tại Mỹ, khoảng 8% trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17 đã trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng, theo Khảo sát Quốc gia về Sử dụng Ma túy và Sức khỏe của SAMHSA được công bố vào năm 2015. Trẻ em gái có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn trẻ em trai.

Có bốn loại trầm cảm chính, và khoảng một nửa số thanh thiếu niên đáp ứng các tiêu chuẩn mắc trầm cảm báo cáo rằng các triệu chứng của họ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội hay học tập của họ.

Bệnh trầm cảm thường có thể điều trị được. Đôi khi chỉ trị liệu tâm lý đơn thuần đã hữu ích, và đôi khi sự kết hợp giữa trị liệu và thuốc có thể giúp giảm triệu chứng tốt nhất. Nếu không được điều trị, bệnh trầm cảm có thể trở nên tồi tệ hơn. 

Lo âu (Anxiety)

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, khoảng 8% thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi mắc chứng rối loạn lo âu.

Lo âu cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của thanh thiếu niên. Nó thường cản trở khả năng giao tiếp xã hội với bạn bè của họ, nó cũng có thể cản trở việc học. Những trường hợp lo âu nghiêm trọng thậm chí có thể ngăn cản một thanh thiếu niên rời khỏi nhà mình.

Lo âu có nhiều dạng. Ví dụ, lo âu tổng quát có thể khiến thanh thiếu niên cảm thấy lo lắng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống nhưng rối loạn lo âu xã hội có thể khiến thanh thiếu niên khó lên tiếng, phát biểu ý kiến trong lớp hoặc tham gia các sự kiện xã hội.

Liệu pháp trò chuyện thường là hình thức điều trị ưu tiên cho chứng lo âu. Thanh thiếu niên có thể được hưởng lợi từ việc học các kỹ năng để kiểm soát các triệu chứng và đối mặt với nỗi sợ hãi của mình. 

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – ADHD)

Khoảng 9% trẻ em từ 2 đến 17 tuổi được chẩn đoán mắc chứng ADHD, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

Các triệu chứng của ADHD có thể trở nên rõ ràng khi 4 tuổi nhưng đôi khi những triệu chứng đó không trở thành vấn đề cho đến những năm tuổi thiếu niên.

Trẻ em có thể không gặp phải các vấn đề học tập cho đến khi chúng trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn như trong những năm trung học.

Có ba phân nhóm thuộc ADHD – loại hiếu động, loại thiếu chú ý hoặc loại bốc đồng, cũng có thể có sự kết hợp của nhiều loại.

Thanh thiếu niên thuộc loại hiếu động khó ngồi yên, không thể ngừng nói và phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành một dự án. Thanh thiếu niên thuộc loại thiếu chú ý thường thiếu tập trung và dễ bị phân tâm.

ADHD thường được điều trị bằng cả trị liệu và thuốc. Việc tập huấn cho cha mẹ cũng có thể là một phần của việc điều trị cho ADHD ở đứa con, nhằm giúp gia đình kiểm soát các triệu chứng của con tại nhà.

Rối loạn chống đối thách thức (Oppositional Defiant Disorder – ODD)

Theo Học viện Tâm thần Trẻ vị thành niên và Trẻ em Mỹ, từ 1 đến 16 phần trăm thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn chống đối thách thức. ODD thường xuất hiện lần đầu trong giai đoạn đầu của trường tiểu học. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến rối loạn hành vi, đây là một chứng rối loạn hành vi nghiêm trọng hơn nhiều. 

Rối loạn chống đối thách thức có đặc trưng là sự thách thức và bất chấp tột độ, gây hấn bằng lời nói và thể chất và sự cay cú. Thanh thiếu niên mắc chứng ODD có xu hướng đấu tranh để duy trì các mối quan hệ lành mạnh và hành vi của họ thường cản trở việc học của họ. Điều trị ODD có thể bao gồm các chương trình đào tạo và trị liệu dành cho cha mẹ.

Rối loạn ăn uống (Eating disorders)

Rối loạn ăn uống bao gồm chán ăn (anorexia), cuồng ăn (bulimia) và rối loạn ăn uống vô độ (binge eating). Trong số thanh thiếu niên từ 13 đến 18, khoảng 2,7% mắc chứng rối loạn ăn uống, theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ. Mặc dù rối loạn ăn uống có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng tỷ lệ này cao hơn ở nữ.

Trong khi đặc trưng của chứng biếng ăn là hạn chế ăn và giảm cân quá mức, chứng cuồng ăn liên quan đến việc ăn uống vô độ rồi nôn ra, hoặc bằng cách nôn hoặc thông qua việc sử dụng thuốc nhuận tràng. Rối loạn ăn uống vô độ liên quan đến việc ăn một lượng lớn thức ăn cùng một lúc mà không tìm cách thải ra.

Rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất của thanh thiếu niên. Việc điều trị thường đòi hỏi cả theo dõi sức khỏe thể chất và trị liệu chuyên sâu.

Khi nào cần tìm trợ giúp chuyên nghiệp?

Nếu bạn nghi ngờ con mình có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia ngay lập tức. Nói chuyện với bác sĩ của con bạn về những lo lắng của bạn hoặc tham khảo ý kiến ​​của một chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo. 


Nguồn: https://www.verywellfamily.com/common-mental-health-issues-in-teens-2611241
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang