Brené Brown nói về lòng trắc ẩn và ranh giới

Brené Brown đã dành hai thập kỷ qua để nghiên cứu về lòng dũng cảm, tính dễ bị tổn thương, sự hổ thẹn và sự đồng cảm.

Trong nhiều năm, mọi người đã gắn bó lòng trắc ẩn (compassion) với việc không bao giờ nói Không. Nếu bạn có sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sự quan tâm, bạn sẽ ở đó vì bạn bè và gia đình của mình ngay cả khi bạn kiệt sức và hết năng lượng. Rất nhiều người trong chúng ta đã bị điều kiện hóa để nghĩ rằng: nếu ta đặt bản thân lên hàng đầu thì ta đang ích kỷ và không “nhân đạo” chút nào. Nhưng đối với Brené Brown, lòng trắc ẩn và ranh giới cần đi đôi với nhau.

Nếu ta đang đối mặt với một vấn đề trong cuộc sống cá nhân của mình, ta thường không đặt ra ranh giới, việc đó khiến ta trở nên quá sẵn sàng cho người khác. Điều này thường dẫn đến xung đột trong chính ta và với những người mà ta coi là thân thiết với mình. Điều này nảy sinh bởi vì đối với ta, lòng trắc ẩn và ranh giới không đi đôi với nhau. Trong các bài nói chuyện của mình, Brené Brown thường trích dẫn tầm quan trọng của việc thiết lập ranh giới và làm thế nào để điều đó không làm giảm đi con người giàu lòng trắc ẩn của bạn.

Brené Brown là ai?

Brené Brown là một học giả tại Đại học Houston. Cô cũng đã viết 5 cuốn sách bán chạy tại Mỹ, có tựa đề là:

  1. Dám dẫn đầu
  2. Dũng cảm nơi hoang dã
  3. Trỗi dậy mạnh mẽ
  4. Biết táo bạo
  5. Quà tặng của sự không hoàn hảo

Tư tưởng của cô trong tất cả các cuốn sách mà cô đã viết phản ánh hành trình của cô qua từng khía cạnh mà cô chỉ ra trong từng cuốn. Cô là một người tin tưởng mạnh mẽ vào việc cần có tính dễ tổn thương để có thể can đảm. Sinh năm 1965, Brené đã chứng kiến ​​giai đoạn retro, giai đoạn 1990 điềm tĩnh hơn, yêu, hoàn thành bằng cấp, sinh hai con và khuyến khích những người khác học cách đón nhận con người thật của họ.

Với lòng trắc ẩn nhưng chưa biết khi nào nên dừng lại, Brené đã tiến hành nghiên cứu định tính một cách toàn diện. Cô và nhóm của mình đã tham khảo ý kiến ​​của các nhóm khác nhau, bắt đầu từ lòng trắc ẩn bởi những người có ơn gọi như thánh và nữ tu. Trong quá trình này, cô tình cờ gặp một nhóm định nghĩa lòng trắc ẩn bằng hành động. Với hy vọng tìm thấy một số điểm chung và niềm tin tâm linh tương tự, cô biết được rằng những người cực kỳ nhân ái và đầy trắc ẩn này đã đặt ra những ranh giới mạnh mẽ.

Trong các bài nói chuyện của mình, Brown thường trích dẫn tầm quan trọng của việc thiết lập ranh giới và làm thế nào để điều đó không làm giảm đi con người giàu lòng trắc ẩn nơi bạn. (Ảnh: brenebrown.com)

Sự cần thiết của ranh giới trong lòng trắc ẩn

“Tính chân thực (authenticity) là một tập hợp các lựa chọn mà chúng ta phải thực hiện hàng ngày. Đó là về sự lựa chọn thể hiện ra điều gì và thể hiện con người chân thực của mình. Sự lựa chọn phải trung thực. Sự lựa chọn để cho con người thật của chúng ta được nhìn thấy.”

Câu nói này của Brown đã tóm tắt rất tốt lý thuyết về lòng trắc ẩn và ranh giới. Nếu ta không sống thật với chính mình, biết những gì mình có thể làm và những gì mình không thể, và biết giá trị của mình, ta không thể đưa ra quyết định tốt hơn. Những người luôn làm hài lòng người khác nói chung là những người ít hạnh phúc nhất. Họ đã vắt kiệt sức mình quá nhiều để cố gắng trở thành cái mà người khác muốn họ trở thành, đến nỗi họ đánh mất ý thức về bản thân. Điều này thường khiến họ không còn lòng trắc ẩn. Đồng cảm hay từ bi không có nghĩa là khiến bản thân phải thỏa hiệp quá nhiều đến mức mất đi chính mình. Bạn sẽ có nhiều nguy cơ đánh mất bản thân hơn nếu không đặt ra một số ranh giới.

Khi một người giúp đỡ với những suy nghĩ phán xét, họ không làm bất cứ điều gì hữu ích cả. Ta thường nhầm lẫn lòng trắc ẩn với nhu cầu giúp đỡ mọi người bằng lời khuyên hoặc hỗ trợ vật chất. Làm từ thiện để trông có vẻ tốt đẹp không phải là lòng trắc ẩn. Trên thực tế, lòng trắc ẩn thực sự chỉ có thể xuất phát từ các ranh giới.

Việc ép bản thân trở nên “trắc ẩn” thường đòi hỏi bạn phải thực hiện những cuộc can thiệp khiến ít nhất một người cảm thấy bị xúc phạm. Bạn thấy một người mẹ sỉ nhục con, ngược đãi và đối xử với chúng một cách vô cùng thiếu tôn trọng. Nếu bạn bước ra và nói với người mẹ rằng đừng làm vậy, bạn phải xóa bỏ tất cả những phán xét và cảm giác tiêu cực mà bạn có đối với người đó. Chỉ khi đó, bạn mới có thể thực sự trắc ẩn cho cả người mẹ và đứa trẻ và giúp họ định hướng tốt hơn trong thế giới làm cha mẹ.

Nếu bạn muốn giúp ai đó hiểu điều gì là đúng và điều gì là sai, trước tiên bạn cần phải hiểu rõ những ranh giới đó. Người mẹ có thể bị căng thẳng về những điều khác và bà ấy đang truyền đi nỗi đau của mình thông qua các hành động kỷ luật đối với con cái. Ở đây, bạn cần giúp người mẹ tách các vấn đề cá nhân của bà ra khỏi nhiệm vụ của cha mẹ. Đặt ranh giới và xác định đúng sai không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và bạn thường sẽ cảm thấy sự lựa chọn thật khó khăn, nhưng chiếc la bàn nội tâm của bạn, hay còn gọi là sự chính trực của bạn, sẽ không bao giờ để bạn lạc lối.


Nguồn: https://www.nspirement.com/2021/07/22/brene-brown-on-compassion.html
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang