Những nghịch lý khi người lớn thôi thúc con cái thành công

Các thanh thiếu niên của chúng ta đang lớn lên giữa một nền văn hóa được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh và chủ nghĩa hoàn hảo, nơi thành công được xác định bởi địa vị, thành tích và ngoại hình. Những giá trị này được truyền đến con cái chúng ta một cách phi ngôn ngữ thông qua trạng thái cảm xúc của ta và thông qua những gì ta nhận thấy, những gì ta thấy ấn tượng và khen ngợi, hoặc không khuyến khích ở chúng.

Khi ta đang chạy nhanh, ta đánh mất chính mình và quên đi những giá trị gần gũi nhất với trái tim mình. Khi nhìn lại, ta nhận ra rằng việc can đảm bênh vực những đứa trẻ khó khăn sẽ tốt hơn là chỉ tập trung vào các trẻ đạt điểm cao trong các kỳ thi. Nhưng đó lại không phải là những gì ta tưởng thưởng.

Thúc đẩy thanh thiếu niên trở thành người giỏi nhất là có chủ đích tốt. Ta chỉ lo chúng sẽ bị bỏ lại phía sau trong một thế giới cạnh tranh. Nhưng quan niệm rằng việc “là người xuất sắc nhất và có nhiều nhất thì sẽ mang lại hạnh phúc” là một ảo tưởng (Crocker & Carnevale, 2013). Và thành công trong tương lai không được xác định bởi điểm số tốt, việc được nhận vào một trường “top đầu”, hay một lòng tự tôn bị thổi phồng (Tough, 2012).

Năng lực gắn liền với thành công

Trên thực tế, thành công có mối tương quan với các năng lực tâm lý bao gồm: sự lạc quan, ham hiểu biết, ý thức về bản thân có khả năng (khác với lòng tự tôn, nghĩa là về giá trị bản thân), và khả năng quản lý cảm xúc tiêu cực và những trở ngại về thời tiết (Tough, 2012 ). Những năng lực này phát triển trong bối cảnh gắn bó an toàn với cha mẹ, điều này xảy ra khi ta cho thanh thiếu niên không gian bằng cách hiện diện, đáp ứng và quan tâm – thay vì phản ứng, kiểm soát hoặc bận tâm quá mức. Theo cách nhất quán, nghiên cứu xác nhận rằng trải nghiệm chủ quan của thanh thiếu niên về mối quan hệ của họ với cha mẹ như sự gần gũi và hỗ trợ sẽ bảo vệ họ hơn bất cứ điều gì.

Tại sao việc gây áp lực buộc trẻ em phải “làm giỏi” lại có thể gây hậu quả

Trớ trêu thay, sự chú ý thái quá của cha mẹ về điểm số của thanh thiếu niên ở trường và việc đạt được thành công trong tương lai lại phản tác dụng, cả về mặt tâm lý lẫn hiệu quả học tập. Khi cha mẹ đầu tư quá mức vào thành tích, trẻ em sẽ ít có khả năng phát triển động lực của bản thân – cái bền vững hơn. Hơn nữa, việc đặt cược quá cao gây ra nỗi sợ hãi, khiến thanh thiếu niên phải tránh thất bại bằng mọi giá. Mức độ căng thẳng này khiến họ tránh làm bài tập về nhà, làm ảnh hưởng đến các chức năng điều hành, ức chế sự ham hiểu biết và sự sẵn sàng vượt qua những thách thức mới, đồng thời gia tăng khả năng nói dối.

Một số thanh thiếu niên khi bị áp lực thì có thể tuân thủ, nhưng sự tuân thủ thay thế cho việc giải quyết vấn đề, sự phán đoán và tư duy tự chủ – mà đây lại là những năng lực cần thiết để tự lực, rèn luyện và thành công. Nếu không có không gian để tìm ra con đường riêng của mình, thanh thiếu niên sẽ không phát triển được ý thức bên trong về bản thân để neo giữ chúng (Levine, 2006). Ngoài ra, việc khuyến khích thanh thiếu niên suy nghĩ và vận động cho bản thân, đưa ra lựa chọn của riêng mình và trải nghiệm những hậu quả tự nhiên từ các quyết định của họ sẽ thúc đẩy sự phát triển của bản sắc, giá trị, trách nhiệm và năng lực.

Việc lo lắng quá mức về sự thành công của thanh thiếu niên cũng có thể khiến cha mẹ trở nên lo lắng và xâm phạm quá mức vào những lĩnh vực mà thanh thiếu niên nên đưa ra lựa chọn của riêng mình. Việc thiếu sự cảnh giác, không đặt ra các giới hạn hiệu quả và giúp đỡ ở những nơi mà thanh thiếu niên dễ bị tổn thương dẫn đến khả năng phán đoán và kiểm soát xung động ở họ bị tổn hại (Levine, 2006).

Ảnh hưởng tâm lý của chủ nghĩa hoàn hảo và áp lực hiệu suất

Mặt tối của văn hóa diễn cảnh và chủ nghĩa hoàn hảo của chúng ta, cũng như những biểu hiện của nó trong các gia đình, đã được ghi nhận rõ ràng. Mặt tối đó liên quan đến trầm cảm, rối loạn lo âu, lạm dụng rượu và chất kích thích, nói dối, rối loạn ăn uống, liều lĩnh, sự trống rỗng, thiếu tự tin và tự trách móc bản thân, tự làm mình tổn thương, và tự tử (Levine, 2006).

Trong các nền văn hóa giàu có vật chất nhưng tính cạnh tranh cao, tương tự như các nền văn hóa nghèo khó, theo xếp hạng của thanh thiếu niên, những người sử dụng ma túy có hành vi phạm pháp là những người được yêu thích và ngưỡng mộ nhất (Levine, 2006). Nghiên cứu hỗ trợ mối liên hệ giữa sự giam hãm và hành vi rủi ro gây nguy hiểm ở thanh thiếu niên (Levine, 2006). Thanh thiếu niên tìm kiếm sự giải tỏa thông qua việc trốn tránh về mặt cảm xúc hoặc theo nghĩa đen dưới dạng hành vi tự hủy hoại bản thân, có những tưởng tượng về việc tự sát, hoặc có những hành vi phản đối (acting out) theo cách bí mật hoặc nổi loạn thông qua uống rượu, ma túy, bắt nạt và quan hệ bừa bãi.

Những thanh thiếu niên “quá tốt để có thể là thật”

Biểu hiện đáng sợ nhất của văn hóa cầu toàn này xảy ra với những thanh thiếu niên đang gặp khó khăn, nhưng họ đánh lừa ta bằng cách tỏ ra vui vẻ và “thành công”. Họ ẩn mình sau một cái tôi giả tạo – một sự thích nghi vô thức được thiết kế để đảm bảo họ vẫn nhận được tình yêu và sự ngưỡng mộ, ngăn cách họ khỏi những cảm giác khó chịu, tiêu cực và những phần của bản thân có thể gây ra xung đột hoặc chống đối.

“Lớp trang điểm tâm lý” này của lứa tuổi thiếu niên thật mong manh. Họ dễ dàng thất vọng về bản thân vì bất kỳ điểm nào không hoàn hảo và tin rằng họ không cần giúp đỡ. Họ bí mật chìm dưới sức nặng của áp lực liên tục để trở nên “tuyệt vời” và để tránh rơi vào tuyệt vọng và xấu hổ, họ cảm thấy bị mắc kẹt nhưng không thể tiến lên. Ngay cả việc suy nghĩ về việc làm cha mẹ thất vọng cũng kích hoạt cảm giác rằng thế giới của họ đang sụp đổ. Những thanh thiếu niên này nói, “Tôi thà chết chứ không thể làm bố mẹ thất vọng.”

Những thanh thiếu niên “thành công” mà không gặp sự cố ở trường trung học, nhưng không phát triển được cảm giác an toàn về bản thân, có thể sẽ gặp khó khăn khi không được hỗ trợ khi học đại học hoặc trong các mối quan hệ lãng mạn, khi đối mặt với những thách thức ngày càng tăng và bị coi là “kém tuyệt vời” hơn. Nếu không có ý thức thực tế và sự chấp nhận cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của họ, hoặc các kỹ năng để đối phó với những thất bại và thất vọng không thể tránh khỏi, họ sẽ không được trang bị đầy đủ để đối phó với chúng. Hơn nữa, chứng “nghiện sự chấp thuận” của họ sẽ tạo ra một “chuyến tàu lượn cảm xúc”, làm ảnh hưởng đến trạng thái cân bằng (Crocker & Carnevale, 2013).

Vấn đề với “tên nghiện lòng tự tôn”

Khi ta cần bằng chứng bên ngoài về giá trị của mình – dưới hình thức chấp thuận, địa vị hoặc ngoại hình – chúng ta trở thành những người “nghiện lòng tự tôn”. Nhu cầu xác thực để làm ta ổn định nay trở thành động lực để sinh tồn về mặt cảm xúc – tạo ra sự chú ý thái quá vào bản thân và lấn át động lực nội tại, mong muốn tự nhiên được học hỏi và quan tâm đến những điều tốt đẹp hơn (Crocker & Carnevale, 2013).

Những điều cha mẹ Nên và Không nên làm

Nên làm:

  • Khuyến khích thanh thiếu niên đưa ra lựa chọn của riêng mình đồng thời giúp họ suy nghĩ thấu đáo hậu quả của các quyết định khác nhau
  • Đặt ra giới hạn cho các hoạt động tiềm ẩn nguy hiểm
  • Hãy chú ý tìm hiểu điều gì khiến con bạn vui hay buồn
  • Nhận biết và khuyến khích sở thích tự nhiên của con bạn
  • Nhận biết và bao dung những cách con bạn khác với bạn
  • Nhận biết những cách mà con bạn có thể đang bù đắp cho sự cô đơn của bạn, giải cứu bạn khỏi lo lắng, hoặc làm tốt để bạn cảm thấy mình là một người cha, người mẹ tốt
  • Bảo vệ, ở nơi thanh thiếu niên cần được bảo vệ
  • Lưu ý cố gắng ngồi lại với cảm xúc tiêu cực của con bạn, so với việc giải cứu hoặc phản ứng
  • Nhận biết những cách bạn có thể trừng phạt hay sỉ nhục con khi nhận thấy con thất bại

Không nên làm:

  • Thực hiện thói quen sử dụng tiền hoặc phần thưởng quá mức như một động lực để đạt được điểm tốt (Sự củng cố bên ngoài sẽ ngăn chặn động lực bên trong.)
  • Trừng phạt hoặc sỉ nhục trẻ em về những gì chúng làm
  • Đưa ra quyết định học tập hoặc các quyết định khác thay cho thanh thiếu niên
  • Xâm phạm và quản lý quá mức về điểm các bài kiểm tra
  • Thuyết giáo hoặc nhắc đi nhắc lại một điều gì đó (Thanh thiếu niên sẽ cảm thấy ngột ngạt và không còn nghe bạn nữa.)
  • Sử dụng nỗi sợ hãi để thúc đẩy (Nó lấn át năng lực của thanh thiếu niên và tạo ra sự tuân thủ hời hợt thay cho sự độc lập.)
  • Hành động khi lo âu (Đừng phản ứng.)
  • Giải cứu thanh thiếu niên khỏi những hậu quả tự nhiên
  • Quá bận tâm với vấn đề của bản thân và mất tập trung. (Thanh thiếu niên có khả năng nhận biết, họ cần bạn có mặt đầy đủ với họ, chứ không phải xâm phạm.)

 

Nguồn tham khảo

  • Crocker, J., & Carnevale, J. (2013, September/October). Letting go of self-esteem. Scientific American Mind, 27-33.
  • Levine, M. (2006). The price of privilege. New York, NY: HarperCollins Publishers.
  • Margolies, L. (2007, April). Amazing doesn’t have to mean superhuman and perfectionistic [Letter to the editor]. Newton Tab.
  • Tough, P. (2012). How children succeed. New York, NY: Houghton Mifflin Harcourt Publishing Company.

Nguồn: https://psychcentral.com/lib/the-paradox-of-pushing-kids-to-succeed#8
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang