Ngày nay, tại nhiều nước, ta có không thiếu những phong cách nuôi dạy con cái với rất nhiều giáo trình và workshop khác nhau. Nhưng sau khi làm việc với hàng nghìn gia đình trong hơn 20 năm, chuyên gia nuôi dạy con cái Amy McCready nhận thấy việc nuôi dạy con cái tích cực là một trong những cách hiệu quả nhất – và là niềm yêu thích của cá nhân bà.
Không giống như cách nuôi dạy con cái độc đoán, đặt kỳ vọng cao vào những đứa trẻ, nhưng đi kèm với sự phản hồi thấp, hoặc cách nuôi dạy con theo kiểu “không can thiệp”, với rất ít sự nuôi dưỡng hay hướng dẫn, nuôi dạy con tích cực là một cách tiếp cận dựa trên sự đồng cảm bao gồm các kỹ thuật như khuyến khích và giải quyết vấn đề – thay vì la hét, thù địch, sỉ nhục hay chỉ biết tăng phần thưởng.
Trên thực tế, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi cha mẹ liên tục la mắng hoặc cằn nhằn, cuối cùng họ thường sẽ chỉ cảm thấy thất vọng, tức giận và sau đó là thấy tội lỗi. Và đến lượt những đứa trẻ cũng có thể cảm thấy thất vọng và tức giận, và tiếp tục có những hành vi sai trái.
Cuối cùng, rất ít thay đổi xảy ra, và chu kỳ có khả năng lặp lại.
Nuôi dạy con cái tích cực là gì?
Những bậc cha mẹ thực hiện cách nuôi dạy con cái tích cực không sử dụng hình phạt khắc nghiệt để điều chỉnh hành vi có vấn đề. Thay vào đó, họ chủ động đáp ứng nhu cầu cảm xúc của trẻ thông qua các tương tác tích cực, điều này có thể ngăn chặn rất nhiều hành vi xấu xảy ra ngay từ đầu.
Theo Caley Arzamarski, một người ủng hộ phương pháp nuôi dạy con tích cực và nhà tâm lý chuyên trị liệu cho trẻ em, nuôi dạy con cái tích cực về cơ bản khuyến khích cha mẹ ”cứu những trẻ tốt” và đưa ra phản hồi tích cực hơn, thay vì luôn tập trung vào hành vi xấu.
Một số cha mẹ lo lắng rằng việc nuôi dạy con cái tích cực là quá phiến diện, cho rằng trẻ em sẽ không học cách diễn giải và phản ứng với những cảm xúc tiêu cực nếu cha mẹ không giúp chúng nhìn nhận những cảm xúc này, điều này có thể không phục vụ tốt cho chúng sau này trong cuộc sống.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý đã phát hiện ra rằng việc nuôi dạy con cái tích cực có thể thúc đẩy sự tự tin của trẻ và cung cấp cho chúng những công cụ cần thiết để đưa ra những lựa chọn tốt. Nó cũng nuôi dưỡng lòng tự trọng, sự sáng tạo, niềm tin vào tương lai và khả năng hòa đồng với những người khác của chúng.
Là cha mẹ, ta sẽ mắc sai lầm và mất bình tĩnh. Đó là cơ hội lý tưởng để xin lỗi con cái và làm mẫu cho chúng cách ta có thể phục hồi sau khi ta làm sai.
Dưới đây là năm cách để thực hành cách nuôi dạy con tích cực:
1. Dành thời gian riêng tư cho nhau
Dành thời gian chất lượng thường xuyên với con bạn và làm gương cho hành vi tốt cho đến nay là điều tốt nhất bạn có thể làm để giúp chúng phát triển sự tự tin và các mối quan hệ lành mạnh.
Trẻ em được “lập trình” là những sinh vật cần sự quan tâm tích cực và kết nối cảm xúc. Khi chúng không nhận được nó, chúng sẽ tìm kiếm nó theo những cách tiêu cực, và cha mẹ phải đối mặt với những cuộc tranh giành quyền lực, những lời than vãn và thất vọng.
Để thấy sự cải thiện, chỉ mất 10 đến 15 phút thời gian cá nhân mỗi ngày. Thực hiện những khoảnh khắc kết nối cũng sẽ giúp bạn tạo ra một mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa hơn.
2. Đặt quy tắc ‘khi nào-thì’
Đặt ra những kỳ vọng rõ ràng là một khía cạnh cốt lõi của việc nuôi dạy con cái tích cực. Tôi khuyên bạn nên sử dụng phương pháp “khi nào… thì…” để khuyến khích hành vi tốt hơn trong những thời điểm khó khăn nhất trong ngày của con bạn.
Giải thích cho con bạn rằng khi hoàn thành phần ít mong muốn nhất của một nhiệm vụ đáng sợ, thì những điều thú vị hơn có thể xảy ra. Ví dụ, chúng có thể sử dụng iPad hoặc chơi bên ngoài sau khi hoàn thành xong “thủ tục” buổi sáng – đánh răng, mặc quần áo, ăn sáng – nếu có đủ thời gian, trước khi chở chúng đến trường.
Hãy tuân thủ cách làm này, và con bạn sẽ nhanh chóng học cách tự tạo dựng thói quen. Không cần cằn nhằn.
3. Nói không với phần thưởng
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ được thưởng thường mất hứng thú với hoạt động mà chúng được thưởng, cho dù đó là luyện tập âm nhạc hay chơi đẹp với anh chị em. Chúng trở nên quan tâm hơn đến phần thưởng, có nghĩa là bạn có thể phải duy trì phần thưởng để duy trì chất lượng hành vi như cũ.
Sử dụng lời khuyến khích là một cách tốt hơn để mang lại những điều tốt nhất ở con bạn. Nhưng hãy tránh những cụm từ chỉ tính cách hay nhân cách của con, chẳng hạn như “Con đúng là cầu thủ giỏi nhất trong đội!” hay “Con thật thông minh!”
Thay vào đó, hãy khuyến khích hành động cụ thể. Ví dụ, nếu con bạn tỏ ra lo lắng cho ai đó có vẻ buồn, hãy chỉ ra điều chúng làm đúng: “Con rất tốt bụng khi hỏi xem bạn con có ổn không.” Nhấn mạnh rằng người bạn kia có thể đánh giá cao cử chỉ tử tế của chúng như thế nào.
4. Nói có, với những hệ quả thích hợp
Khi một đứa trẻ bắt đầu thể hiện hành vi gây rối, việc thực thi những hệ quả tự nhiên có thể biến những lựa chọn tồi này thành cơ hội học tập.
Chỉ cần đảm bảo rằng:
- Đứa trẻ thực sự có khả năng thực hiện các hành vi mong đợi
- Hậu quả của hành vi của trẻ phải công bằng và mang tính tôn trọng trẻ
- Bạn nói trước về hậu quả để trẻ có quyền lựa chọn (điều này khiến trẻ cảm thấy ít bị trừng phạt hơn)
Ví dụ, nếu con bạn không chịu đi ủng đi mưa vào một buổi sáng mưa, hãy giải thích hậu quả tự nhiên: Tất của chúng sẽ bị ướt và chân chúng sẽ cảm thấy dính nhớp khó chịu.
Điều này cho phép con bạn chọn có đi ủng hay không – và tự mình tìm hiểu quyết định đúng đắn là gì.
5. Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát
Không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát hành vi của con mình, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của bản thân. Tư duy này có thể giúp trẻ đảm nhận những trách nhiệm mà nếu không làm thì bạn sẽ cằn nhằn với chúng, chẳng hạn như rửa hộp cơm trưa của chúng.
Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Ba mẹ sẽ vui vẻ chuẩn bị bữa trưa ở trường cho con, miễn là hộp cơm của con đã được rửa sạch sẽ.” Sau đó, giúp chúng tìm cách ghi nhớ trách nhiệm của mình và làm theo – có thể bằng các dấu hiệu trực quan như Giấy ghi chú hoặc một vị trí trong bếp được chỉ định cho hộp cơm trưa của chúng.
Và, nếu con bạn phải tự chuẩn bị bữa trưa của mình, đó sẽ là một cơ hội học tập tuyệt vời.
Toàn bộ việc nuôi dạy con cái tích cực là nuôi dưỡng các mối quan hệ tôn trọng được xây dựng trên những kỳ vọng rõ ràng. Khi trẻ em cảm thấy có mối liên hệ chặt chẽ với cha mẹ, chúng có nhiều khả năng sẽ cư xử phù hợp và lớn lên trở thành những người lớn kiên cường, tự tin, quan tâm và có trách nhiệm.
Amy McCready là chuyên gia về nuôi dạy con cái, người sáng lập Giải pháp nuôi dạy con cái tích cực và là tác giả của hai cuốn sách bán chạy nhất: “Nếu tôi phải nói với bạn thêm một lần nữa: Chương trình mang tính cách mạng giúp con bạn lắng nghe mà không cần cằn nhằn, nhắc nhở hay la hét” và “Đại dịch Tôi, tôi, tôi: Hướng dẫn từng bước để nuôi dạy những đứa trẻ có năng lực, biết ơn trong một thế giới thừa hưởng quá mức.”
Nguồn: https://www-cnbc-com/2021/12/04/why-psychologists-say-positive-parenting-is-the-best-style-for-raising-confident-successful-kids
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia