Cha mẹ thường có những cuộc trò chuyện với con cái với khởi đầu tốt đẹp, nhưng rồi từ một điểm nào đó, mọi thứ lại đi sai hướng. Một đứa trẻ đang có khả năng thảo luận, hoặc ít nhất là không có vẻ thù địch, bỗng trở nên hoàn toàn im lặng. Một bất đồng nhỏ biến thành một cuộc chiến lớn. Chuyện gì đã xảy ra thế?
Với tư cách là chuyên gia nuôi dạy con cái và là tác giả của ″Đứa trẻ tự giác” (The Self-Driven Child)”, hai tác giả Willian Stixrud và Ned Johnson đã có tổng cộng 65 năm nghiên cứu và kinh nghiệm làm việc với trẻ em (và thậm chí từ việc nuôi dạy con cái của chính họ). Hai nhà khoa học tâm thần này nhận thấy rằng những câu nói sau – được nói bởi những bậc cha mẹ có ý tốt – lại không có tác dụng trong việc dạy con tính tự giác và họ hiểu rõ lý do tại sao:
1. “Nếu bây giờ con mà không làm việc chăm chỉ, con sẽ hối hận cả đời đấy.”
Khơi dậy nỗi sợ hãi là một trong những cách kém hiệu quả nhất trong việc khơi dậy động lực nội tại ở trẻ. Trên thực tế, điều đó có thể gây bất lợi cho trẻ, mỗi khi chúng được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc chúng nên làm tốt hơn, chúng lại trở nên căng thẳng hơn – và đôi khi, tránh né luôn nỗ lực.
Một lý do khác khiến những câu như thế này không có tác dụng là do ngữ cảnh nằm ngoài tầm hiểu biết của trẻ. Cố gắng để một học sinh lớp 7 tham gia câu lạc bộ bơi lội trình độ cao vì sẽ khiến CV của trẻ “đẹp” hơn khi xin học bổng đại học sau này, sẽ giống như thể “Giờ con đang học cấp 3, cha mẹ cần nói về kế hoạch nghỉ hưu của con” vậy. Trẻ em không có khả năng suy nghĩ trước như người lớn. Đó mới là điều khiến chúng là trẻ em.
Thay vào đó, cha mẹ thành công nên làm gì/nói gì:
- Khuyến khích chúng: “Con chưa thành thạo [làm việc X], nhưng con có thể tiến bộ hơn. Hãy xem con đã đi được bao xa rồi!”
- Giúp chúng thấy những mặt tích cực: ”Đúng, [làm việc X] là khó. Nhưng nếu con tiếp tục luyện tập, con sẽ có thêm tự tin rằng mình có thể đối mặt với những thử thách tương lai như thế này và con sẽ cảm thấy thực sự tuyệt vời.”
- Đừng quy tất cả về trường lớp: “Cha/mẹ biết [lớp X] khó khăn với con, nhưng cha/mẹ thích thú khi thấy con nỗ lực trong môn thể thao/nghệ thuật – và cha/mẹ tin con sẽ có thể chăm chỉ trong lớp này nếu con dành cho nó nỗ lực tương đương.”
2. “Công việc của cha mẹ là giữ an toàn cho con.”
Khi trẻ lớn hơn và học trung học cơ sở hay trung học phổ thông, việc giữ an toàn cho chúng là công việc mà ta không thể thực hiện thành công bằng bất cứ biện pháp nào. Ta không ở bên chúng mọi lúc và cũng không thể theo dõi mọi hành động của chúng.
Khi những đứa trẻ nghĩ rằng nhiệm vụ của cha mẹ là giữ chúng an toàn chứ không phải là nhiệm vụ của chúng, chúng có xu hướng cư xử liều lĩnh hơn, nghĩ rằng luôn có một mạng lưới an toàn trong khi thực sự là không.
Điều này không có nghĩa là bạn nên dập tắt ý kiến của con bạn; có những lúc bạn cần phải nói không và nói rõ về những rủi ro mà bạn cảm thấy không thoải mái khi chúng phải gánh chịu.
Thay vào đó, cha mẹ thành công làm gì/nói gì:
- Bình tĩnh giải thích mối bận tâm của bạn: “Cha/mẹ không cảm thấy thoải mái với điều này và đây là lý do tại sao…”
- Cho phép chúng mắc sai lầm. Cẩn thận để con bạn tự học một bài học khó khăn và sau đó nói chuyện với chúng sau khi chuyện xảy ra trên thực tế, sẽ mang lại cho chúng cái nhìn sâu sắc.
- Cùng nhau thảo luận về những mối nguy hiểm trẻ đã nhận ra: “Cha/mẹ có một số lo lắng về [việc X], nhưng cha/mẹ cũng hình dung là con đang có ý tưởng khác. Con cho cha/mẹ biết con sẽ xử lý mọi việc như thế nào nếu [chuyện X] trở nên xấu đi, để cả hai ta cùng cảm thấy thoải mái nhé?”
3. “Cha mẹ trừng phạt con vì con phải biết rằng hành vi này là không thể chấp nhận được.”
Việc áp đặt hình phạt có thể giúp bạn cảm thấy mình có cảm giác kiểm soát được, nhưng nghiên cứu cho thấy điều đó không chỉ làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn với con mà còn là một công cụ không hiệu quả để thay đổi hành vi.
Mặc dù việc trừng phạt có thể ngăn chặn một thời gian ngắn cuộc khủng hoảng, nhưng nó không truyền cảm hứng cho hành vi tích cực hoặc dạy trẻ phải làm gì. Thêm vào đó, cha mẹ càng đe dọa, trẻ càng nói dối và che giấu những vấn đề mà chúng có thể cần giúp đỡ.
Thay vào đó, cha mẹ thành công làm gì/nói gì:
- Nếu chúng không muốn nghe ý kiến của bạn, đừng ép buộc chúng. Mục đích là để dạy, điều này chỉ xảy ra khi chúng thực sự lắng nghe. Nếu bạn giao tiếp một cách tôn trọng, chúng sẽ có nhiều khả năng đến với bạn vào lúc khác: “Cha/mẹ cảm thấy rất buồn về những gì vừa xảy ra và cha/mẹ nghĩ là con cũng có thể cảm thấy thế. Ta có thể nói chuyện sau về cách đạt được kết quả tốt hơn, nếu về sau chuyện này lại xảy ra không?”
- Nói chuyện với chúng, không phải nói vào mặt chúng: “Cha/mẹ cần con biết rằng cha/mẹ thấy không ổn với những gì con đã làm, nhưng cha/mẹ thực sự muốn hiểu vì sao con làm vậy.”
- Thảo luận trước về hậu quả và đảm bảo rằng cả hai đều đồng ý với chúng. Hãy cụ thể, hợp lý trí và sử dụng chiến lược. (Chúng tôi cũng luôn thắc mắc tại sao một số bậc cha mẹ nghĩ rằng “Con sẽ bị cấm cửa mãi mãi!” là một phản ứng thích hợp cho mọi việc con họ làm sai.)
4. “Con đang dành quá nhiều thời gian cho điện thoại đấy.”
Vấn đề của câu nói này là nó không tôn trọng cách một đứa trẻ sống trong thế giới xã hội của chúng – một thế giới trông khác nhiều so với thế giới của chúng ta.
Phương tiện truyền thông xã hội và game là phiên bản của những lời nhắn qua giấy hay máy nhắn tin, và chơi điện tử ở các trung tâm công cộng vào thời chúng ta. Chúng đã từng là công cụ rất quan trọng đối với tuổi trẻ của chúng ta, và ta cũng không hề chấp nhận một ai đó đề nghị ta cắt bỏ phần đó khỏi cuộc đời mình.
Thêm vào đó, ta muốn giúp trẻ em quản lý mối quan hệ của chúng với công nghệ, bởi vì ta có ý thức khá rõ ràng rằng nó sẽ không đi đến đâu.
Thay vào đó, cha mẹ thành công làm gì/nói gì:
- Tăng ảnh hưởng của bạn bằng cách thể hiện sự quan tâm đến những gì chúng quan tâm. Hỏi về các trò chơi chúng chơi, những người chúng theo dõi, các chương trình chúng xem, sách chúng đọc – và tham gia với chúng, ít nhất là trong một lúc. Những cuộc tranh giành quyền lực lâu dài sẽ không có người chiến thắng.
- Cho chúng lý do để tắt điện thoại: “Cha/mẹ nhận thấy là con đã không dành thời gian với cả nhà mình từ lúc con đi học về. Con có muốn đến thư viện và chọn một vài cuốn sách mới không?”
- Bạn nên cố vấn nhiều hơn là giám sát: “Con cần thêm bao nhiêu thời gian để hoàn thành công việc con đang làm? Cha/mẹ không muốn cắt ngang [việc X] con làm, nhưng cha/mẹ cũng muốn con dùng điện thoại theo cách có vẻ cân bằng hơn.”
William Stixrud và Ned Johnson là đồng tác giả của “Con nói gì? Cách nói chuyện với trẻ em để xây dựng động lực, khả năng chịu căng thẳng và một tổ ấm hạnh phúc” (What Do You Say? How to Talk with Kids to Build Motivation, Stress Tolerance, and a Happy Home)”
William là nhà khoa học thần kinh lâm sàng và là giáo sư tâm thần học và nhi khoa tại Trường Y Đại học George Washington. Ned là người sáng lập PrepMatters và là tác giả của cuốn sách “Chinh phục kỳ thi SAT: Cách Cha Mẹ Có Thể Giúp Trẻ Vượt Qua Áp Lực Và Thành Công” (Conquering the SAT: How Parents Can Help Teens Overcome the Pressure and Succeed).
William và Ned có 60 năm kinh nghiệm làm việc với các bậc cha mẹ và trẻ em.
Nguồn: https://www.cnbc.com/2021/09/23/stop-saying-these-phrases-to-your-kids-says-neuroscientist-and-how-successful-parents-communicate.html
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia