Trong trị liệu, sự thay đổi mang tính then chốt. Theo Deborah Serani, Psy.D, một nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của cuốn sách Sống chung với trầm cảm (Living with Depression), đó là lý do tại sao mọi người tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp ngay từ đầu. Đôi khi, họ muốn thay đổi bản thân. Những lúc khác, họ khao khát thay đổi người khác.
Ryan Howes, tiến sĩ tâm lý học lâm sàng và tác giả của blog nổi tiếng In Therapy, cho biết: “Tôi vẫn ngạc nhiên về số lượng người đến trị liệu để học cách khiến người khác thay đổi.” “Họ muốn làm sao sếp nói chuyện với họ theo cách khác, hoặc muốn vợ/chồng đánh giá cao họ hơn, hoặc muốn bạn bè của họ quan tâm hơn.”
Tất nhiên người duy nhất bạn có thể thay đổi chỉ là chính mình. Điều đó bao gồm thay đổi niềm tin, hành vi, phản ứng và khuôn mẫu của bạn. Trong trị liệu, thay đổi có thể có nghĩa là từ bỏ các mô hình quan hệ rối loạn chức năng, niềm tin phi lý và các hành vi tự hủy hoại và sau đó thay thế chúng bằng một phương thức hoạt động tích cực hơn, có ý thức và chủ động hơn nhằm dẫn đến niềm hạnh phúc, sức khỏe và thành công lớn hơn.
Tại sao thay đổi lại khó đến vậy?
Theo nhà tâm lý học lâm sàng Christina G. Hibbert, thay đổi rất khó vì hầu hết mọi người không biết cách thay đổi, hoặc chúng ta chưa sẵn sàng. Cô tin rằng có sáu giai đoạn thay đổi. Mô hình này chứng minh rằng sự thay đổi không phải là tuyến tính mà là một đường xoắn ốc. Theo cô, hầu hết mọi người lên xuống theo vòng xoáy của sáu giai đoạn thay đổi nhiều lần trước khi họ thực sự tạo ra sự thay đổi kéo dài. Đó chỉ là một phần của bản chất của sự thay đổi. Nhưng “Miễn là bạn đang ở trong vòng xoáy, bạn đang tiến bộ. Không quan trọng là bạn đang đi lên hay đi xuống, điều quan trọng là bạn tiếp tục làm việc.” Việc dạy điều này cho khách hàng giúp họ thấy rằng họ đang thực sự làm tốt hơn những gì họ nghĩ.
Đôi khi thay đổi không thực sự là điều bạn muốn. Howes đã đưa ra một ví dụ về một người chồng nghĩ rằng anh ta muốn vợ mình thay đổi.
Có các cặp đôi tuyên bố muốn thay đổi từ đối tác của họ, nhưng khi thay đổi xảy ra, họ lại có động lực muốn sự quen thuộc xưa cũ trở lại. Ví dụ, một người chồng muốn vợ mình hòa nhập với xã hội hơn, nhưng khi cô cất cánh, anh lại cảm thấy ghen tị và muốn cô quay lại với gia đình. Các cặp vợ chồng được khuyến khích nên nói rõ về sự thay đổi mà họ yêu cầu và chuẩn bị cho sự thay đổi đó xảy ra.
Là con người, sẽ là bình thường khi ta có xu hướng hướng về những điều quen thuộc và sợ hãi những điều xa lạ. Thay đổi có thể đáng sợ bởi vì mọi người sợ hãi về sự mất mát không rõ ràng và nhận thức được của các mối quan hệ hoặc nguy cơ thất bại. Có câu ngạn ngữ: “Ma quỷ mà ta biết còn tốt hơn ma quỷ mà ta không biết.”
Một số người quá tập trung vào những thay đổi bên ngoài. Jeffrey Sumber, một nhà trị liệu tâm lý, tác giả và giáo viên cho biết: “Rất nhiều người trong chúng ta phải vật lộn với sự thay đổi bên ngoài bởi vì ta thầm hy vọng ta có thể bỏ qua công việc thực sự, đó là thay đổi cách ta cảm nhận bên trong”. Nói cách khác, khi ta đặt quá nhiều mối quan tâm vào những thứ có vẻ khác biệt thì ta có xu hướng bỏ qua nhu cầu sâu sắc hơn – nhu cầu thay đổi môi trường bên trong chúng ta.
Thay đổi rất khó vì nó cũng cần thời gian. Cần thời gian để khám phá những khuôn mẫu tạo ra những suy nghĩ và hành vi không mong muốn. Cũng cần có thời gian để hiểu những vấn đề nào cản trở bạn đạt được mục tiêu, một khi bạn biết mình cần thay đổi điều gì.
Đương nhiên, việc chống lại sự thay đổi là điều bình thường, Marter nói. Phá vỡ các cơ chế phòng thủ và phát triển các công cụ để suy nghĩ và hoạt động khác biệt là một quá trình có nhiều thăng trầm.
Dù sự thay đổi là khó khăn nhưng nó vẫn nó được mong đợi. “Chúng ta cần nhận ra tính tất yếu của sự thay đổi. Tất cả chúng ta đều đang thay đổi mỗi ngày, theo cách này hay cách khác,” nhà tâm lý học lâm sàng John Duffy, Tiến sĩ, tác giả của cuốn sách Cha mẹ sẵn sàng: Lạc quan cấp tiến để nuôi dạy thanh thiếu niên và Tweens (The Available Parent: Radical Optimism for Raising Teens and Tweens).

Cách các nhà trị liệu tạo điều kiện cho sự thay đổi
“Tôi cố gắng dạy khách hàng sao cho giống như một thám tử giỏi giang. Tôi muốn họ không chỉ khao khát sự thay đổi mà còn vô cùng tò mò về nó,” Serani nói. Trên thực tế, cô tin rằng “sự tò mò nhiệt thành” giúp ta phát triển cái nhìn sâu sắc và thay thế những hành vi cũ bằng những hành vi mới nhanh hơn nhiều.
Sự thay đổi lành mạnh xảy ra khi chúng ta hỏi những câu hỏi chính yếu, chẳng hạn như “Tại sao kỹ thuật mới này không có tác dụng? Điều gì đang cản trở? Làm sao ta có thể làm cho nó vận hành tốt hơn?”
Hibbert, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần sau sinh, giúp khách hàng của cô học cách thay đổi. “Công việc của tôi với tư cách nhà tâm lý là cung cấp ‘cách thức’ để khách hàng có thể làm việc. Tôi đã thấy nhiều người thực hiện những thay đổi đáng kinh ngạc, vì vậy tôi biết điều đó là có thể. Bạn chỉ cần tin rằng điều đó có thể xảy ra với bạn.”
Cách thức giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sự đánh đổi của việc thay đổi
Điều này dù nghe có vẻ bi quan, nhưng đó có nghĩa là: thay đổi có nghĩa là trao đổi giữa một tập hợp các vấn đề với một tập hợp khác. Chắc chắn, việc thay đổi có thể có một số lợi ích rõ ràng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải chịu đựng một loạt khó khăn khác nhau. Ta chỉ cần hỏi những người trúng số là hiểu: Vấn đề tài chính được giải quyết, nhưng hàng loạt vấn đề mới lại xuất hiện. Nếu họ được thông báo và chuẩn bị cho loạt vấn đề mới của mình, sự thay đổi có thể được hoan nghênh thay vì sợ hãi.
Thay đổi là một công việc bên trong. Marter dẫn lời Eckhart Tolle, tác giả cuốn Sức mạnh của Hiện tại (The Power of Now): “Nếu ta làm đúng ở bên trong, sự vụ bên ngoài sẽ vào đúng vị trí của nó.” Nhiều người nghĩ rằng nếu họ có công việc, ngôi nhà, mối quan hệ hoặc thân thế hoàn hảo thì cuối cùng họ sẽ hạnh phúc. Thông qua trị liệu, tôi giúp khách hàng thực hiện những thay đổi bên trong – chẳng hạn như tách khỏi bản ngã, tập trung vào bản chất, im lặng với kẻ chỉ trích bên trong, thực hành suy nghĩ tích cực và lòng biết ơn – dẫn đến thay đổi tích cực trong cuộc sống.
Marter dạy khách hàng của mình nhận ra rằng chính “sức mạnh bên trong” sẽ quyết định cuộc sống của họ, chứ không phải bên ngoài. Bằng cách này “họ cảm thấy được trao quyền để tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ, cả về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp.”
Thêm vào đó, cô dạy họ thực hành giao tiếp quyết đoán, bao gồm “yêu cầu những gì họ cần, đặt ra những giới hạn và ranh giới lành mạnh và nói không với những khuôn mẫu cũ không còn phục vụ họ”.
Sumber cũng giúp khách hàng chuyển trọng tâm từ thay đổi bên ngoài sang chuyển đổi bên trong. Cô làm việc với khách hàng để giải phóng kỳ vọng của họ về những biểu hiện bên ngoài và cho phép họ thay đổi nhận thức có ý thức về việc họ là ai và tại sao họ đang làm những gì họ đang làm. Cuối cùng, hầu hết các khách hàng đều ngạc nhiên khi thấy rằng kết quả là mọi thứ đã thực sự thay đổi bên ngoài.
Duffy giúp khách hàng nâng cao nhận thức về bản thân, đây là điều mà anh coi như một điều kiện cần “để có được sự thay đổi thỏa đáng, chủ động. Nếu không, ta chỉ đơn giản là phản ứng với cuộc sống, và thường cảm thấy mình là nạn nhân của nó ”. Sự thay đổi thực sự đòi hỏi công việc và nỗ lực. Như Serani đã nói, “xu hướng độc hại hoặc những suy nghĩ không mong muốn không xảy ra trong một sớm một chiều. Chúng được tạo ra và trau dồi theo thời gian. Và thay đổi cũng vậy. Nó cũng không xảy ra trong một sớm một chiều”.
Thay đổi tích cực là một quá trình diễn ra liên tục. Nhưng nó đáng giá. Thay đổi là một phần thiết yếu của việc chữa lành và phát triển.
Nguồn: https://www.urbanbalance.com/how-change-happens-in-therapy/
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia