Học vẽ “Đứa trẻ nội tâm” để chữa lành tổn thương sâu bên trong bạn – Phần 1

Chúng ta có hai mệnh đề không nhất thiết xảy ra cùng lúc như sau:

Mệnh đề đầu tiên:

  1. Mỗi một đứa trẻ đều có quyền được cảm thấy an toàn, an tâm và được bảo vệ.
  2. Không phải trẻ em nào cũng được đáp ứng đủ những điều kiện tối thiểu.

Mệnh đề thứ hai:

  1. Trong quá trình lớn lên, cha mẹ và những thành viên trong gia đình là đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo cả về mặt cảm xúc và sinh học để tạo ra một môi trường phát triển an toàn cho chúng ta. (An toàn không chỉ là được bảo vệ trước những tác nhân gây hại vật lí như thiên tai, hay đáp ứng nhu cầu được ăn uống. An toàn còn là sự ủng hộ về mặt cảm xúc, tâm lí, và sự phát triển tâm hồn như một con người.)
  2. Tuy vậy, không phải tất cả trong số họ đều chấp nhận trách nhiệm đó, đều ý thức được, và có khả năng để làm tròn bổn phận của người làm cha, mẹ.

Rõ ràng rằng, những điều được quy ước trên lí thuyết đôi khi không thực sự xảy ra trong thực tại. Những thứ lí tưởng đôi khi không thực tế, vì vấn đề nào cũng có mặt phải và mặt trái của nó. Một gia đình hay một đứa trẻ được nuôi nấng một cách hoàn hảo không phải là thực trạng của số đông, vì vậy, một người “hoàn hảo, không có bất kì một tổn thương nào” là một người hiếm gặp trong thế giới này.Chắc hẳn khi đọc đến đây, bạn sẽ đặt ra câu hỏi:Vậy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không cảm thấy an toàn trong thuở ấu thơ? Điều gì sẽ xảy ra khi ta luôn cảm thấy một nguy hiểm nào đó đang cận kề?Câu trả lời đó chính là: Tâm hồn ta sẽ xuất hiện vết thương!

Khi trưởng thành, ta băng bó qua loa vết thương này, rồi vứt thẳng vào trong quên lãng. Dù chỉ là vô tình, nhưng lại là ngọn nguồn của những cơn ngứa rát, là nơi tuyệt vời để những điều tiêu cực ảnh hưởng từ xã hội thâm nhập vào bên trong ta.

Bài viết này được viết nhằm mục đích đưa bạn vào không gian phản chiếu. Nếu bạn hứng thú với việc chữa lành đứa trẻ bên trong nội tâm, tôi muốn bạn suy ngẫm về tuổi thơ của bạn, quãng thời gian sớm nhất bạn nhớ, và cảm nhận của bạn khi còn là trẻ con.

Bạn có cảm thấy an toàn không? Bạn có cảm thấy bạn thuộc về gia đình của bạn? Bạn có được phép sống đúng với bản thân mình không? Mối quan hệ của bạn và đứa trẻ bên trong của bạn đang thế nào vào thời điểm hiện tại?

Tất cả những câu hỏi này đều vô cùng quan trọng, nếu bạn chưa từng thử, tôi hi vọng bạn sẽ thử vào lần này.Tại sao tôi cho rằng việc đặt những câu hỏi lại quan trọng đến thế? Và tiện đây, tôi cũng chia sẻ lí do tôi đặc biệt muốn khám phá chủ đề về “đứa trẻ nội tâm/đứa trẻ bên trong”.

Trao đổi với đứa trẻ bên trong là một trong những thực hành nghiêm túc và sâu sắc nhất của việc chuyện trò với nội tâm. Rất nhiều những hành vi (behavior), ác cảm (aversions) và những quá trình tâm lí bất thường (neuroses) của hiện tại có thể được giải quyết thông qua việc khám phá và kết nối với đứa trẻ nội tâm.

TRONG BÀI VIẾT NÀY BẠN SẼ ĐỌC ĐƯỢC THÔNG TIN VỀ:

  1. Khái niệm về trẻ bên trong (The inner child). (phần 1)
  2. Khái niệm về giác an toàn (Feeling safe). (phần 1)
  3. 10 yếu tố ảnh hưởng khiến ta cảm thấy bất an khi còn nhỏ (phần 1)
  4. Những hình thái của sự bỏ bê thời thơ ấu (phần 1)
  5. 25 dấu hiệu nói lên bạn có một đứa trẻ bị tổn thương bên trong mình (phần 1)
  6. Cách để khiến Đứa trẻ nội tâm cảm thấy được an toàn (phần 2)

_____

I .Đứa trẻ bên trong là gì?

Đứa trẻ bên trong là một phần của tinh thần bạn, phần lưu giữ sự hồn nhiên, sáng tạo, sợ hãi và hứng thú tìm hiểu về cuộc sống xung quanh. Theo đúng nghĩa đen, đứa trẻ nội tâm sống bên trong bạn (ở bên trong tâm hồn bạn).

Chúng ta cần phải giữ được kết nối với đứa trẻ – cũng tức là kết nối với phần nhạy cảm của chính mình. Khi bắt tay làm bạn được với nó, ta sẽ cảm thấy như được tiếp thêm sinh lực và căng tràn nhựa sống. Khi ta và đứa trẻ bị mất kết nối, ta sẽ cảm thấy thờ ơ, buồn chán, không vui và trống rỗng.

II. Cảm giác an toàn (Feeling safe) nghĩa là gì?

An toàn không chỉ là một nhu cầu thể chất, mà còn là một nhu cầu tâm lí, cảm xúc và tâm hồn.Khi ta cảm thấy rằng những ranh giới thể chất và tâm thức của ta được tôn trọng, bản ngã được chấp nhận, và ta cảm thấy gần gũi với gia đình, được yêu thương bởi những thành viên trong nhà thì khi đó là lúc mà ta thực sự cảm thấy an toàn.

Chúng ta cũng cần được ủng hộ để lớn lên và thay đổi, những yếu tố vật chất cơ bản phải được đáp ứng như đồ ăn, thức uống, nơi ở và láng giềng.

III. 10 yếu tố ảnh hưởng khiến ta cảm thấy bất an khi còn nhỏ:

Sự thật rằng cuộc sống không hề lí tưởng. Gia đình nơi chúng ta lớn lên đôi khi không thực sự phù hợp với ta.

Trong quá trình trưởng thành, có nhiều yếu tố ảnh hưởng khiến ta cảm thấy bất an.

Trước khi phân tích, tôi muốn làm rõ rằng tôi không hề chỉ trích hay đổ lỗi cho người giám hộ của bạn. Điều này là cực kì quan trọng, hãy nhớ rằng các bậc cha mẹ đã làm hết sức của họ để có thể giáo dưỡng chúng ta.

Đổ lỗi và phẫn nộ với họ chỉ mang lại những tổn thương cho chính đứa trẻ bên trong bạn. Vì vậy, hãy tỉnh táo và biết giới hạn trước khi đọc những điều phía dưới.

Dưới đây là danh sách những yếu tố phổ biến khiến đứa trẻ hình thành cảm giác bất an. Có bao nhiêu thứ bạn đã từng trải qua?

  • Bạn được dạy rằng không được phép có ý kiến ​​của riêng mình.
  • Bạn đã bị trừng phạt khi cố gắng lên tiếng hoặc hành động khác biệt.
  • Bạn đã không được chơi thoải mái hoặc bị giới hạn niềm vui.
  • Bạn không được phép có những hành vi tự phát.
  • Bạn không được phép thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ như tức giận hoặc vui mừng.
  • Bạn đã bị xấu hổ bởi cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình của bạn.
  • Bạn thường xuyên bị chỉ trích/lạm dụng bằng lời nói.
  • Bạn đã từng bị bạo hành.
  • Bạn phải cảm thấy có trách nhiệm với cha mẹ và mức độ hạnh phúc của họ.
  • Bạn không được tiếp xúc thân thể, ví dụ: những cái ôm, những nụ hôn, âu yếm.

Danh sách này chỉ là những ví dụ, nếu trường hợp của bạn không xuất hiện, hãy chia sẻ thêm phía dưới comment nhé!

IV. Những hình thái của sự bỏ bê thời thơ ấu:

Hãy tiếp tục đi sâu hơn vào những điều đã khiến bạn không cảm thấy an toàn và không được yêu thương khi còn nhỏ (nếu bạn có một sự giáo dục khác thường – dysfunctional upbringing). Dưới đây là ba hình thái bỏ bê thời thơ ấu mà bạn có thể đã trải qua:

a. Bỏ bê về cảm xúc

Cha mẹ/người giám hộ không quan tâm tới nhu cầu được yêu thương, ủng hộ, bảo vệ hoặc chỉ dẫn của bạn. Họ thậm chí không chú ý đến bạn hoặc lên án những biểu cảm, cảm xúc được bày tỏ ra xuất phát từ nhu cầu bên trong bạn. Việc này thường dẫn tới:

  • Bạn phát triển giá trị bản thân và lòng tự trọng thấp.
  • Bạn bắt đầu phớt lờ nhu cầu tình cảm của mình.
  • Bạn đã học cách che giấu, né tránh hoặc kìm nén cảm xúc của mình vì chúng gắn liền với cảm giác bị bỏ rơi từ thời thơ ấu của bạn.
  • Bạn phát triển bệnh tâm lý hoặc thể chất liên quan đến việc bạn không có khả năng lắng nghe, chấp nhận và đối phó với cảm xúc của mình theo những cách lành mạnh (ví dụ: kìm nén cảm xúc).

b. Bỏ bê về tâm lí:

Loại bỏ bê này được thể hiện trong thời thơ ấu bởi vì cha mẹ/người giám hộ của bạn đã không lắng nghe, bao bọc và nuôi dưỡng con người bên trong của bạn. Khi bạn lớn lên, bạn có thể có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Bạn phát triển các vấn đề về lòng tự trọng thấp do các hình thức lạm dụng như chế giễu, hạ thấp, kỳ vọng quá cao, bị phớt lờ, từ chối hoặc liên tục bị trừng phạt.
  • Bạn có các vấn đề về sự tức giận sâu sắc từ chấn thương thời thơ ấu chưa được giải quyết và không có khả năng yêu thương bản thân.
  • Bạn đã phát triển chứng nghiện và chứng loạn thần kinh để tạo ra một cảm giác thoải mái và an toàn lệch lạc trong cuộc sống của bạn.
  • Bạn có các triệu chứng liên quan đến bệnh về tâm lý và/hoặc thể chất.
  • Bạn gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng.

c. Bỏ bê về thể chất:

Có thể hiểu nôm na rằng, sự an toàn về thể chất và sự nuôi dưỡng là một số giá trị cốt lõi (intrinsic elements) nhất của một mối quan hệ yêu đương. Chúng ta có thể thấy điều này trong tự nhiên, khi những người mẹ và người cha nuôi dưỡng đàn con của chúng bằng thức ăn, nơi ở và sự bảo vệ. Tuy nhiên, khi thiếu điều này, các vấn đề sau có thể phát triển:

  • ​​Nhận thức thấp về giá trị bản thân thấp dẫn đến bỏ bê thể chất/lạm dụng bản thân, ví dụ: rối loạn ăn uống (chán ăn, béo phì), duy trì chế độ ăn uống không lành mạnh, tự hại bản thân.
  • Các hành vi tìm kiếm sự an toàn mạnh mẽ (các phức cảm tâm lý như rối loại ám ảnh cưỡng chế – OCD) hoặc các hành vi mang tính rủi ro (ví dụ như quan hệ tình dục không an toàn, những ám ảnh với các hành vi liều lĩnh, v.v.)
  • Nghiện ma túy, rượu, bạo lực, thực phẩm, v.v.
  • Rối loạn chức năng tình dục hoặc hành vi lăng nhăng (thường do bị lạm dụng tình dục).

Hãy dành một vài phút để thở sâu và kết nối với chính bạn sau khi đọc danh sách này. Có thể bạn sẽ cảm thấy một số cảm xúc mạnh mẽ (nhưng không sao nếu bạn không cảm thấy như vậy). Tôi khuyến khích bạn nên dành thời gian và từ từ, nhẹ nhàng với bản thân.

Sẽ rất hữu ích khi nhớ rằng mặc dù một số hoặc thậm chí nhiều vấn đề của chúng ta bắt nguồn từ việc bỏ bê thời thơ ấu – việc giữ mối hận thù và đổ lỗi sẽ khiến chúng ta chẳng đi đến đâu. Mọi người đều là nạn nhân của một nạn nhân khác, có nghĩa là lý do tại sao cha mẹ/người giám hộ của chúng ta hành xử theo cách họ đã làm rất có thể là do kiểu giáo dục bỏ rơi này, và cha mẹ của họ đã trải qua những tổn thương tương tự.

V. 25 dấu hiệu nói lên bạn có một đứa trẻ bị tổn thương bên trong mình

Hãy chú ý đến những dấu hiệu này. Chúng sẽ giúp bạn tìm hiểu mức độ mà đứa trẻ bên trong của bạn đã bị tổn thương và mức độ mà bạn cảm thấy không an toàn trong thế giới này. Bạn càng có nhiều dấu hiệu, bạn càng cần nghiêm túc xem xét những gì diễn ra với đứa trẻ bên trong của bạn:

  • Trong sâu thẳm con người mình, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn với mình.
  • Tôi cảm thấy lo lắng bất cứ khi nào nghĩ về việc làm một điều gì đó mới.
  • Tôi là một người làm hài lòng mọi người và có xu hướng thiếu bản sắc riêng.
  • Tôi là một kẻ nổi loạn/kẻ lạc loài – tôi cảm thấy cuộc sống mình sống động hơn khi xung đột với người khác.
  • Tôi có xu hướng tích trữ mọi thứ và khó buông bỏ.
  • Tôi cảm thấy có lỗi khi đứng lên cho chính mình.
  • Tôi cảm thấy không đủ và “không đủ tốt” với tư cách là đàn ông hay phụ nữ.
  • Tôi được định hướng để luôn trở thành “con nhà người ta”.
  • Tôi tin rằng tôi là một tội nhân khủng khiếp và tôi sợ phải xuống địa ngục.
  • Tôi liên tục chỉ trích bản thân vì không đủ/không xứng đáng.
  • Tôi cứng nhắc và cầu toàn.
  • Tôi gặp khó khăn khi bắt đầu hoặc hoàn thành mọi thứ.
  • Tôi xấu hổ khi bộc lộ những cảm xúc mạnh như buồn bã hoặc tức giận.
  • Tôi hiếm khi nổi điên, nhưng khi làm vậy, tôi trở nên giận dữ.
  • Tôi quan hệ tình dục khi tôi không muốn.
  • Tôi xấu hổ về các chức năng cơ thể của mình (ví dụ: đi tè, tè dầm)
  • Tôi dành quá nhiều thời gian để xem nội dung khiêu dâm.
  • Tôi không tin tưởng vào tất cả mọi người, kể cả bản thân mình.
  • Tôi là một người nghiện hoặc đã bị nghiện một thứ gì đó.
  • Tôi tránh xung đột ở mọi cơ hội có thể.
  • Tôi sợ mọi người và có xu hướng tránh họ.
  • Tôi cảm thấy có trách nhiệm với người khác hơn là với chính mình.
  • Tôi chưa bao giờ cảm thấy gần gũi với mẹ và/hoặc bố của mình.
  • Nỗi sợ hãi sâu sắc nhất của tôi là bị bỏ rơi – tôi sẽ làm bất cứ điều gì để níu kéo một mối quan hệ.
  • Tôi đấu tranh để nói “không.”

Nếu bạn có mười dấu hiệu trở lên, thì việc xử lí những vấn đề của đứa trẻ nội tâm nên được ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn có với năm dấu hiệu này trở lên, bạn cũng nên nghiêm túc xem xét việc kết nối lại với đứa trẻ bên trong của mình.

Đọc tiếp Phần 2

Trình bày: Quỳnh Nhi (Thực tập sinh Viện TLH&TT)

Tham khảo: https://lonerwolf.com/feeling-safe-inner-child/

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Vân Anh Nguyễn

One thought on “Học vẽ “Đứa trẻ nội tâm” để chữa lành tổn thương sâu bên trong bạn – Phần 1

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang