VI. Làm cách nào để khiến Đứa trẻ nội tâm cảm thấy được an toàn?
Hãy nắm lấy đôi tay của đứa trẻ sinh sống trong linh hồn bạn. Đối với đứa trẻ phi thường này, không điều gì là không thể. – Paulo Coelho
Disclaimer: Có thể sẽ đau đớn cho bạn khi đối diện với đứa trẻ bên trong vì phải gặp lại những sự kiện tăm tối trong quá khứ, nhưng đồng thời nó cũng ẩn chứa những món quà.
Một trong những phần điều thú vị nhất khi giao tiếp với đứa trẻ nội tâm đó chính là những năng khiếu tiềm ẩn và bí mật về bản thân mình mà ta vốn không hay biết. Không chỉ vậy, những mối quan hệ của ta được cải thiện, giảm thiểu những thứ ta phải phụ thuộc vào trong cuộc sống, và nâng cao sự kết nối với chính mình.
Những bài tập này không thể thay thế trị liệu, chương trình hay bất kì hội nhóm nào để chữa lành đứa trẻ bên trong hay bạo hành thơ ấu (child abuse).
Nếu bạn từng bị lạm dụng tình dục khi còn là một đứa trẻ (child sexual abuse), gặp phải lạm dụng cảm xúc (emotional abuse), hay có bệnh tâm lí (mental illness), một chuyên gia tham vấn là rất cần thiết. Tài liệu này chỉ là tham khảo.
Cuối cùng, nếu như bạn gặp phải những cảm xúc kì lạ hoặc quá nặng nề khi thực hành những điều bên dưới, hãy ngừng lại ngay lập tức. Hãy hỏi những chuyên gia trước khi bắt đầu thực hành.Hãy nhớ rằng mọi thứ đều cần có thời gian, những chỉ dẫn bên dưới không khiến cho mọi chuyện thay đổi 180 độ ngay lập tức, nhưng chúng sẽ cung cấp cho bạn những công cụ cơ bản để thực hành thúc đẩy cảm giác an toàn, an ninh và được bảo vệ ở mức độ cơ bản.Dưới đây là một số điểm chính của bài viết:
- Suy ngẫm về tuổi thơ của bạn
- Viết một bức thư cho đứa trẻ bên trong của bạn
- Viết một bức thư từ đứa trẻ bên trong của bạn
- Chia sẻ nỗi đau của bạn với một người đáng tin cậy
- Những lời khẳng định yêu thương và hỗ trợ
- Hãy hình dung/thiền định về đứa trẻ bên trong
- Hãy là người bảo vệ và nuôi dưỡng chính bạn
Dưới đây, tôi sẽ giải thích sâu hơn:
1. Suy ngẫm về tuổi thơ của bạn
Bạn có thể sử dụng giấy, bút hoặc máy tính của mình để viết, và hãy chia thời thơ ấu của bạn thành các giai đoạn sau: Sơ sinh (0-9 tháng tuổi); Chập chững biết đi (từ 9 tháng – 3 tuổi); Giai đoạn mẫu giáo (3-6 tuổi); Giai đoạn đến trường (Từ 6 tuổi đến tuổi dậy thì).
Với từng giai đoạn, hãy gợi nhớ lại cảm xúc của bạn, cuộc đời bạn những năm tháng đó, độ an toàn, sự giúp đỡ và được chấp nhận cảm xúc. Hãy nhớ rằng cảm giác an toàn khi còn nhỏ đôi khi không đến từ gia đình. Đôi khi, trường học hay những môi trường khác mà ta dành nhiều thời gian ở cùng lại định hình ta nhiều hơn.
Ghi lại bất kì kí ức hay cảm nhận thể chất nào bạn có, kể cả khi nó vụn vỡ. Ghi lại cả những tông giọng, biểu cảm và từ ngữ mà cha mẹ bạn hay giáo viên đã sử dụng khi tương tác với bạn.
Kể cả khi kí ức có vẻ ngốc nghếch hay phản ứng của mọi người xung quanh hơi quá, bạn vẫn nên ghi nó lại. Khi ta trưởng thành, điều quan trọng là ta phải chấp nhận đứa trẻ bên trong thực sự đã trải qua thế nào, bất chấp những điều tưởng như lố bịch và được phóng đại.
Một độ tuổi có càng nhiều thông tin thì bạn càng nên tập trung vào quãng thời gian đó. Tôi sẽ nói sâu hơn trong phần chia sẻ phía dưới.
2. Viết một bức thư cho đứa trẻ bên trong của bạn
Hãy tưởng tượng rằng bạn là một người trưởng thành khôn ngoan, hay bà tiên đỡ đầu hiền lành và yêu thương trẻ con. Hãy tưởng tượng rằng bạn muốn nhận nuôi đứa con bên trong của mình.Khi bạn viết thư, hãy nói với đứa trẻ bên trong của bạn rằng bạn yêu chúng và muốn dành thời gian cho chúng như thế nào. Viết theo cách khiến bạn cảm thấy an toàn, được quan tâm và thấu hiểu.
3. Viết một bức thư từ đứa trẻ bên trong của bạn
Sử dụng tay không thuận của bạn (để vượt qua phần logic của não bộ), hãy viết cho mình một bức thư từ góc nhìn của đứa trẻ bên trong bạn.
Sử dụng tay không thuận sẽ giúp bạn tiếp xúc nhiều hơn với cảm xúc của đứa trẻ bên trong mình.Hai bạn có thể trao đổi thư từ. Cuộc trò chuyện này sẽ mở ra rất nhiều ngóc ngách về cảm xúc và cho bạn nhiều thông tin mới.
4. Chia sẻ nỗi đau của bạn với một người đáng tin cậy
Điều quan trọng là nỗi đau bạn phải trải qua khi còn nhỏ phải được ai đó chứng thực và lắng nghe. Cho dù bạn đang tìm kiếm một người bạn quan tâm, một nhóm hỗ trợ, hoặc một nhà trị liệu đáng tin cậy, hãy hiểu rằng chia sẻ cảm xúc của bạn là điều cần thiết đối với tất cả các hoạt động cùng với đứa trẻ bên trong. Bạn có thể làm điều đó một mình, và cũng có thể tự mình thực hiện rất nhiều công đoạn phức tạp. Nhưng để có một trải nghiệm một đột phá, hoặc chữa lành sâu, việc chia sẻ là rất quan trọng.
Chúng ta là những sinh vật của xã hội, những kẻ cần người khác giữ không gian (hold space) cho mình. Nỗi đau của bạn cần được ghi nhận trong sự yêu thương. Nếu người bạn chọn để chia sẻ về đứa trẻ nội tâm là một người phân vân, chỉ trích hoặc cố gắng đưa lời khuyên cho bạn, thì bạn sẽ không nhận được điều mình cần.Điều quan trọng là phải tìm kiếm sự hỗ trợ, chăm sóc và nuôi dưỡng thực sự cho đứa trẻ. Nếu bạn không có bạn bè đủ trưởng thành hoặc đủ khả năng để làm điều này, vui lòng cân nhắc tìm một nhà trị liệu hoặc tham vấn tâm lí.
Nhưng có một điều: không nên chia sẻ với các thành viên gia đình của bạn, ngay cả khi họ đang quan tâm. Các thành viên trong gia đình chưa bao giờ làm việc với đứa trẻ nội tâm của chính họ, thì việc họ có khả năng ứng phó được với các vấn đề của bạn là thấp. Sự phòng thủ, giận dữ, chỉ trích và nỗi buồn có thể sẽ là thứ bạn nhận về sau khi bạn chia sẻ cảm xúc với các thành viên trong gia đình, bởi thế, đừng làm điều đó.Việc chia sẻ cần rất nhiều dũng khí và sức mạnh nội tâm. Cảm thấy sợ hãi là điều bình thường, không sao cả. Hãy cảm nhận nỗi sợ hãi và chia sẻ khi bạn đã sẵn sàng.
5. Những lời khẳng định yêu thương và hỗ trợ
Lời khẳng định yêu thương là một cách mạnh mẽ để khẳng định sự xứng đáng của bạn và hỗ trợ hành trình của bạn cảm thấy an toàn. Khi được lặp đi lặp lại một cách nhất quán, những lời khẳng định sẽ có cách để viết lại thông tin trên não bộ và len lỏi vào các lớp lập trình của vô thức. Việc lặp lại những thông điệp như vậy có thể dẫn đến sự thay đổi sâu sắc và chữa lành ở mức độ cơ bản.Dưới đây là một số lời khẳng định đầy yêu thương và ủng hộ mà bạn có thể nói với chính mình trong suốt cả ngày và trong khi thiền định:
- Tôi sẽ ở lại đây và ủng hộ bạn.
- Chào mừng bạn đến với thế giới này, tôi đã chờ đợi để được ôm lấy bạn.
- Tôi yêu chính con người của bạn.
- Tôi rất vui vì bạn đã ở đây.
- Tôi muốn bảo vệ/chăm sóc bạn.
- Tôi muốn dành thời gian cho bạn.
- Tôi muốn nghe những suy nghĩ và cảm xúc của bạn.
- Bạn có thể cảm thấy buồn và sợ hãi.
- Được là chính mình.
- Bạn được phép nói không.
- Bạn rất đặc biệt đối với tôi.
- Bạn cho thế giới này rất nhiều thứ.
- Tôi tin bạn.
- Tôi sẽ bảo vệ bạn khỏi thương tổn.
Bạn có thể nói những lời khẳng định này nhiều lần nếu cần, bất cứ khi nào cần thiết trong ngày. Bạn thậm chí có thể thích sử dụng một giọng nói đặc biệt khi nói những lời khẳng định này, chẳng hạn như giọng của một ông già thông thái hoặc một người mẹ yêu thương. Cũng hãy thoải mái tạo ra những lời khẳng định yêu thương của riêng bạn! Danh sách trên sẽ giúp bạn bắt đầu dễ dàng hơn, nhưng thường thì những lời khẳng định mạnh mẽ nhất thường nảy sinh từ nhu cầu sâu sắc nhất của bạn.
6. Hãy hình dung/thiền định về đứa trẻ bên trong
Bạn sẽ cần dành khoảng nửa giờ hoặc hơn cho bài tập này. Tìm một không gian yên tĩnh và thoải mái, ngồi hoặc nằm xuống.
Hãy tưởng tượng rằng bạn sắp gặp đứa trẻ bên trong của mình. Bạn đi vào sân sau và con bé/thằng bé đang chơi với một hộp cát. Con bé/thằng bé khoảng bao nhiêu tuổi? Bạn đi đến chỗ đứa trẻ nội tâm và ngồi xuống. “Xin chào,” bạn có thể giới thiệu về bản thân. Bạn nhìn vào đôi mắt cuả nó. Trong đôi mắt đó toả ra điều gì khi nhìn thấy bạn? Tò mò, sợ hãi, nhút nhát, nghi ngờ hay phấn khích? Tôn trọng đứa trẻ và ranh giới của nó. Nếu con bé/thằng bé muốn ôm bạn hoặc bắt tay bạn, hãy để điều đó xảy ra. Nếu không, không sao cả. Đứa trẻ có thể chỉ muốn khởi động với bạn.
Tiếp theo, bạn có thể muốn hỏi, “Con/em cần điều gì nhất?” Nếu bạn đang giao tiếp với “đứa trẻ sơ sinh bên trong bạn” trong quá trình hình ảnh hóa này thì những phản ứng có thể sẽ xảy ra ở những phần bên trong nhiều hơn, không giống như là những cuộc giao tiếp bằng ngôn từ khi bạn kết nối với một đứa trẻ nội tâm ở độ tuổi đi học. Nếu đứa trẻ bên trong bạn cho bạn biết chúng cần gì, hãy cung cấp một không gian an toàn cho nó. Hãy để nó cảm thấy được bạn lắng nghe, nhìn thấy, thấu hiểu và yêu thương. Bạn có thể muốn chia sẻ với đứa trẻ rằng bạn yêu thương và chăm sóc họ nhiều như thế nào, cũng như mong muốn họ được quan tâm. Nếu đứa trẻ bên trong của bạn mong muốn được nâng niu, ôm ấp hoặc bế bồng, hãy nắm lấy cơ hội.
Một khi bạn cảm thấy rằng sứ mệnh kết nối với đứa con bên trong của bạn đã hoàn thành, bạn có thể hình dung mình đang đi bộ trở lại ngôi nhà của mình. Tập trung vào hơi thở, kéo căng cơ thể và mở mắt.Tôi khuyên bạn nên viết nhật ký về trải nghiệm. Viết nhật ký là một công cụ tuyệt vời để tự phản ánh, đào sâu hiểu biết về bản thân và cũng là một cách để ghi lại sự tiến bộ của bạn. Vì vậy, hãy dành một vài phút để làm điều đó.
7. Hãy là người bảo vệ và nuôi dưỡng chính bạn
Là những người trưởng thành, điều quan trọng là chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự phát triển tình cảm của mình. Cảm giác an toàn trong thế giới này là vô cùng quan trọng và cần thiết để đứa trẻ bên trong của chúng ta phát triển. Những dấu hiệu cho thấy bạn cảm thấy không an toàn trong thế giới này có thể bao gồm:
- Thường xuyên lo lắng với những người khác
- Có xu hướng lo lắng thái quá
- Không có khả năng tin tưởng người khác
- Không có khả năng tin tưởng vào bản thân và khả năng của mình
- Cảm thấy ngại tự mình làm mọi việc
- Chỉ trích nặng nề về bản thân
- Sợ thử những điều mới hoặc đến những nơi mới
- Giả định điều tồi tệ nhất trong mọi tình huống
Nếu bạn có thể liên tưởng đến cảm giác liên tục ‘cạnh tranh’ với thế giới và những người xung quanh, tôi thực sự khuyên bạn nên tập trung vào cảm giác an toàn với bản thân. Thường xuyên tự phê bình, phớt lờ nhu cầu của bản thân, thiếu ranh giới cá nhân, luôn đặt người khác lên trên bản thân và thay đổi bản thân để được chấp nhận, tất cả khiến bạn luôn rơi vào trạng thái sợ hãi vì không cảm thấy an toàn. Mặc dù cha mẹ hoặc người giám hộ của chúng ta có thể không đáp ứng hầu hết các nhu cầu của chúng ta (hoặc bất kỳ nhu cầu nào của chúng ta), nhưng sự thật tuyệt vời là chúng ta có thể làm được. Khái niệm này thật xa lạ, thậm chí xa lạ với chúng ta, nhưng chúng ta có thể là cha mẹ của chính mình!
Những lợi ích của việc nuôi dạy lại bản thân (re-parenting yourself):
- Hạnh phúc và lạc quan hơn
- Khả năng sáng tạo được cải thiện
- Trí óc, cơ thể và tâm hồn khỏe mạnh hơn
- Tình bạn và mối quan hệ bền chặt hơn
- Phát triển các kỹ năng sống cần thiết: chấp nhận, tha thứ, dễ bị tổn thương, lòng trắc ẩn, tình yêu thương bản thân
Nếu bạn cảm thấy thực sự khó để nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong mình, tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhà trị liệu làm quen với công việc của đứa trẻ bên trong sẽ là một sự đầu tư khôn ngoan. Sau cùng, các nhà trị liệu đóng vai trò là cha mẹ thay thế. Họ có thể lắng nghe và giúp huấn luyện đứa trẻ bên trong của bạn, đồng thời hỗ trợ và củng cố cha mẹ bên trong của bạn.

Nếu bạn muốn tự giải quyết, điều đó là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, vui lòng tìm kiếm một mạng lưới hỗ trợ nếu bạn có thể, cho dù trực tuyến hay trong cuộc sống thực. Để trở thành người bảo vệ và nuôi dưỡng chính mình, bạn cần phải tạo ra một ‘chính sách’ rõ ràng về những điều được và không được tự xử lý.
Những điều bạn nên làm?
- Tập trung vào việc nuôi dưỡng lòng yêu bản thân và sự chấp nhận mỗi ngày.
- Lắng nghe nhu cầu của tâm trí, trái tim, cơ thể và linh hồn của bạn.
- Thực hành chăm sóc bản thân.
- Dành thời gian cho bản thân.
- Ăn thức ăn tốt cho sức khoẻ.
- Nói không và vạch ra ranh giới rõ ràng.
- Đòi lại chủ quyền của bạn đối với cuộc sống của bạn.
- Khám phá các phương pháp hỗ trợ cảm giác an toàn.
_____
Trình bày: Quỳnh Nhi (Thực tập sinh Viện TLH&TT)
Tham khảo: https://lonerwolf.com/feeling-safe-inner-child/
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
One thought on “Học vẽ “Đứa trẻ nội tâm” để chữa lành tổn thương bên trong bạn – Phần 2”