Cái Tôi và Bản Dạng – Phần 3: cái Tôi như một tác nhân thúc đẩy

Đọc Phần 1: Giới thiệu

Đọc Phần 2: Cái Tôi như một tác nhân xã hội

Khi ví mỗi cá nhân như một nhân vật trên sân khấu hay bất kỳ cách ví von ẩn dụ nào khác, chúng ta nhận ra rằng, đặt vào trong bối cảnh thường ngày, những người quan sát như chúng ta gần như không thể nắm bắt được tâm tư “nhân vật”, dù cho ta cố theo sát mọi cử động, hành vi của người đó. Ta có thể thấy diễn viên diễn cảnh, nhưng không thể biết rõ họ muốn gì, hay họ trân trọng điều gì, trừ khi ta tiến đến và hỏi thẳng.

Là một tác nhân xã hội, một cá nhân có thể thể hiện bản thân như một người thân thiện, đồng cảm, hay xấu tính và độc ác. Vậy nhưng, trong bất cứ trường hợp nào, ta cũng không thể suy luận được động cơ xuất phát từ vai trò và tính cách của họ. Người bạn thân thiện kia muốn gì? Người cha độc đoán đó mong muốn đạt được điều gì?

Rất nhiều lý thuyết rộng lớn trong tâm lý học về cái tôi (the self) ưu tiên các phẩm chất mang tính động lực (motivational qualities) lên trên hành vi con người – bao gồm những nhu cầu bên trong, mong muốn, khát khao, mục tiêu, giá trị, kế hoạch, chương trình, nỗi sợ, sự ác cảm, những điều dường như đã dẫn lối cho hành vi của con người theo một phương hướng và mục đích rất riêng (Bandura, 1989; Deci & Ryan, 1991; Markus & Nurius, 1986). Những lý thuyết dưới đây sẽ trình bày về cái tôi như một tác nhân thúc đẩy (a motivated agent).

Trở thành một tác nhân có nghĩa là hành động với định hướng và mục đích, hướng tới một tương lai được theo đuổi những mục tiêu do tự mình lựa chọn. Theo một nghĩa nào đó, con người là những tác nhân, kể cả những em bé, khi có thể hành động hướng tới mục tiêu. Từ 1 tuổi, trẻ nhỏ đã thể hiện thiên hướng rõ rệt trong việc quan sát và bắt chước các hành vi có chủ đích của người khác, thay vì những hành động ngẫu nhiên (Woodward, 2009). Dù sao, vẫn còn một yếu tố khác dẫn ta hành động theo mục tiêu; nó hoàn toàn khác với phần “Tôi” cố gắng hiểu biết phần “chính Tôi” (The ‘I’ and the ‘me’) [1] như một nguồn lực có chủ đích giúp ta hành động theo các mục tiêu, giá trị, khát khao mà ta lựa chọn cho chính mình. Để làm vậy, trước tiên cá nhân phải nhận ra mỗi con người đều có những khát khao, mục tiêu của riêng mình, và chính những động lực từ bên trong đó khởi động, thúc đẩy và dẫn tới hành vi bên ngoài. Dựa trên một nhánh quan trọng trong nghiên cứu về tâm lý học phát triển, hiểu được những tác nhân thúc đẩy đồng nghĩa với việc lĩnh hội được thuyết tâm trí (theory of mind) [2] (Wellman, 1993), mà phần lớn sẽ xảy ra ở trẻ em khi lên 4. Một khi đứa trẻ ý thức được hành vi của người khác được thúc đẩy bởi những khát khao và mục tiêu nội tại, bé đã đặt bước chân đầu tiên trong việc khám phá và thấu hiểu về khái niệm cái tôi.

Dựa trên thuyết tâm trí và sự phát triển trong nhận thức (cognitive) và xã hội, trẻ nhỏ bắt đầu định hình cái tôi như một tác nhân thúc đẩy khi bắt đầu vào tiểu học, và tác nhân này bao trùm lên cảm thức của chúng về về bản thân như là tác nhân xã hội – cái vẫn đang phát triển. Các học thuyết và nghiên cứu của các nhà tâm lý học phát triển gọi độ tuổi 5-7 là chuyển giao (shift converge) để nói rằng: đây là khoảng thời gian trẻ em bắt đầu hành động có kế hoạch, chủ đích và có hệ thống, trong nỗ lực hướng tới một mục tiêu có giá trị (Sameroff & Haith, 1996). Trường học đóng góp cho quá trình chuyển giao này, khi giáo viên và chương trình học thúc đẩy nhu cầu của học sinh để học tập chăm chỉ, làm theo thời gian biểu, tập trung vào các mục tiêu, và đạt được một số thành tích cụ thể theo các nhiệm vụ được phân công rõ ràng. Những thành công trong việc đạt được các mục tiêu quan trọng có những tác động lâu dài trong việc định hình lòng tự tôn ở trẻ (Robins, Tracy, & Trzesniewski, 2008). Các tác nhân thúc đẩy thường cảm thấy tốt về bản thân, khi họ tin rằng mình đang đạt tiến bộ trên tiến trình đạt mục tiêu và nâng cao các giá trị quan trọng cho bản thân.Các mục tiêu và giá trị ngày càng trở nên quan trọng với cái tôi của cá nhân khi tới tuổi vị thành niên, khi trẻ bắt đầu phải đối diện với thứ mà Erikson (1963) đã gọi với thuật ngữ nổi tiếng: các thách thức mang tính phát triển trong việc định hình bản dạng (developmental challenge of identity). Với thiếu niên và những người lớn trẻ tuổi (young adults), để tìm ra được bản dạng thỏa đáng về mặt tâm lý (psychologically efficacious identity) và phù hợp với bản thân mình, cá nhân cần dành thời gian khám phá các lựa chọn, trên tinh thần cầu thị, về mục đích cuộc sống, giá trị, thiên hướng, các mối quan hệ sâu sắc và sau cùng cam kết gắn bó với một chương trình (agenda) có mục tiêu và có tư tưởng cho cuộc sống trưởng thành – tức là, có được một cảm thức thực tế và toàn diện về những gì ta muốn, những gì ta đề cao trong cuộc sống và cách ta lên kế hoạch để đạt được chúng (Kroger & Marcia, 2011).

Tự nguyện cam kết với một chuỗi hoàn chỉnh các mục tiêu và giá trị trong cuộc đời có lẽ là thành tựu xuất sắc nhất cho một cái tôi như một tác nhân thúc đẩy. Tìm ra được bản dạng trưởng thành của bản thân cũng bao hàm ý nghĩa về cách thức một cá nhân trải qua cuộc đời như một tác nhân xã hội, cam kết trong các vai trò mới, và rồi có thể thay đổi cách nhìn nhận về những tính cách cố định ở một người. Dẫu sao, theo Erikson, việc có được một bản dạng chỉ là một cột mốc tạm thời, vì người trưởng thành sẽ còn tiếp tục thay đổi bản dạng của mình khi bước sang tuổi trung niên, thường là khi họ bắt đầu thay thế các mục tiêu cũ, đầu tư thời gian vào các dự án, kế hoạch mới, khám phá các mối quan hệ và điều chỉnh các ưu tiên trong cuộc sống để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại đã thay đổi (Freund & Riediger, 2006; Josselson, 1996).

Chúng ta sẽ có một cảm giác khi cố gắng thay đổi bản thân, rằng ta đang đảm nhận vai trò như một tác nhân thúc đẩy. Sau cùng, nỗ lực thay đổi điều gì đó đã luôn là phẩm chất cố hữu của một “tác nhân”. [3]. Tuy nhiên, đặc tính nổi bật của cái tôi mà một cá nhân cố gắng thay đổi có thể tương ứng với cái tôi của người đó như một “diễn viên”, một tác nhân, hay một “tác giả”, hay sự kết hợp của nhiều loại. Khi bạn cố gắng thay đổi một tính cách hay một vai trò hiện tại, bạn đang nhắm tới tác nhân xã hội. Ngược lại, khi bạn cố gắng thay đổi giá trị quan và mục tiêu sống, bạn đang tập trung lên bản thân như một tác nhân thúc đẩy. Giai đoạn vị thành niên và mới trưởng thành là những giai đoạn mà đa số chúng ta đều tập trung vào giá trị quan và mục tiêu sống. Ví dụ như việc bạn lớn lên trong một gia đình theo đạo, nhưng khi lên đại học, bạn cảm thấy những tư tưởng giáo điều được dạy dỗ từ nhỏ không còn phù hợp nữa. Bạn không còn tin vào tôn giáo bạn đang thực hành nữa, và bạn mong muốn thay thế bằng những giá trị mới. Hoặc bạn có thể vẫn muốn tiếp tục theo đạo, nhưng tư tưởng cá nhân của bạn đã có nhiều thay đổi. Hơn nữa, trong địa hạt của tác nhân thúc đẩy, thay đổi giá trị quan có thể tác động tới mục tiêu sống. Nếu như hệ giá trị quan mới dành sự ưu tiên cho việc giúp đỡ cộng đồng, bạn có thể quyết định theo đuổi một tấm bằng cử nhân Công tác Xã hội, hoặc trở thành một luật sư đấu tranh cho các phúc lợi công cộng (public interest), hoặc lựa chọn sống một cuộc đời giản dị hơn, tập trung vào con người thay vì những giá trị vật chất.

Phần lớn các nỗ lực làm việc với bản dạng của chúng ta trong giai đoạn vị thành niên và mới trưởng thành xoay quanh các giá trị và mục tiêu, khi chúng ta cố gắng cụ thể hóa tầm nhìn cá nhân hay mơ ước về những gì ta kỳ vọng sẽ đạt được trong tương lai xa và gần.

Chú thích:

[1] Phần “Tôi” và phần “chính Tôi” (The ‘I’ and the ‘me’) là hai thuật ngữ chủ đạo trong học thuyết của George Herbert Mead, một trong những nhà triết học xã hội có nhiều ảnh hưởng lớn đến một nhánh của xã hội học mang tên “Thuyết tương tác biểu tượng” (symbolic interactionism). Phần “Tôi” và phần “chính Tôi” được hiểu trong phạm vi tâm lý học về cá nhân, với cách lý giải của Mead thì “chính Tôi” là khía cạnh xã hội của một con người, còn “Tôi” là khía cạnh chủ động, độc lập của người đó. Định nghĩa này cũng được Mead công nhận là có điểm tương đồng với các khái niệm trong phân tâm học của Freud như “Cái kiểm duyệt” (censor) với “chính Tôi” và “bản ngã” (ego) với “Tôi”.

[2] Thuyết tâm trí (theory of mind) dùng để chỉ khả năng thấu hiểu, suy xét rằng người khác có những suy nghĩ, kiến thức và cảm xúc riêng biệt, có thể khác với bản thân mình.

[3] Tác nhân (agent) còn được hiểu là một người tạo ra tác động hoặc thay đổi lên một sự vật, sự việc, hoàn cảnh.

———-

Dịch và trình bày: Phương Anh (Thực tập sinh Viện TLH&TT)

Hiệu đính: Th.S Nguyễn Vân Anh

Hình ảnh: Patrick Untersee từ Unsplash

Tham khảo:

McAdams, D. P. (2021). Self and identity. In R. Biswas-Diener & E. Diener (Eds), Noba textbook series: Psychology. Champaign, IL: DEF publishers. Retrieved from http://noba.to/3gsuardw

————–

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang