Nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare đã tiếp cận một sự thật sâu sắc của bản chất con người nhờ một lời thoại nổi tiếng: “Thế giới là sân khấu, và con người chỉ là những diễn viên.” [1] Nhưng Shakespeare dường như đã lầm, khi ông quá tập trung vào khả năng thích ứng của loài người chỉ qua cung cách, ứng xử trong các vai trò xã hội – giống như những vai diễn trong từng khung cảnh của sân khấu cuộc đời. Điều mà Shakespeare có thể cảm nhận, nhưng chưa hoàn toàn hiểu thấu, đó là việc con người đã tiến hóa để sống trong những nhóm xã hội (social group).
Bắt đầu từ Darwin (1872-1965) cho tới những khái niệm hiện đại về sự tiến hóa của loài người, các nhà khoa học đã khắc họa bản tính con người như những sinh vật có tính xã hội sâu sắc (Wilson, 2012). Qua hàng triệu năm, loài Homo sapiens và tổ tiên của chúng đã tồn tại và phát triển chính nhờ khả năng sống và làm việc cùng nhau trong nhiều nhóm xã hội phức tạp, phối hợp với nhau để cùng giải quyết vấn đề, vượt qua các khó khăn cũng như tranh đấu với nhau khi nguồn thức ăn và điều kiện sống dần hạn chế.
Là loài vật có tính xã hội, con người chung sống và sống mái với nhau với sự hiện diện song đôi: mình và tha nhân (Hogan, 1982). Quá trình tiến hóa đã trao cho chúng ta khả năng để ý sâu sắc tới sự chấp thuận và địa vị xã hội. Những cá nhân kém may mắn khi không thể hòa nhập trong các nhóm xã hội hay không thể có một địa vị phù hợp với những người xung quanh họ thường phải trải qua quá trình thỏa hiệp đau đớn để có thể tồn tại và duy trì nòi giống.
Quá trình thỏa hiệp này đã cho ta thấy ý nghĩa của tiến hóa: Phần “Tôi” trong chúng ta phải nắm bắt được phần “chính Tôi” như một tác nhân xã hội [2].
Với con người, cảm thức về cái tôi như một tác nhân xã hội bắt đầu phát triển từ 18 tháng tuổi. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi các em bé bắt đầu tuổi lên 2, chúng đã nhận ra được bản thân mình trong gương và những vật dụng có khả năng phản chiếu (Lewis & Brooks-Gunn, 1979; Rochat, 2003). Thứ chúng nhìn thấy là hiện thân của chúng đang di chuyển qua không gian và thời gian. Rất nhiều em bé đã hiểu và sử dụng các từ như “con” và “của con” từ khi lên 2, cho chúng ta quan sát được cái “Tôi” giờ đây đã có một tên gọi, với ý nghĩa gắn liền với chính chủ thể gọi nó: Tôi (I) gọi bản thân tôi là “chính Tôi” (Tôi như một khách thể (me).
Cũng trong khoảng thời gian này, trẻ bắt đầu có khả năng thể hiện các cảm xúc xã hội như xấu hổ, ngượng ngùng, tội lỗi hay tự hào (Tangney, Stuewig, & Mashek, 2007). Những cảm xúc này giúp trẻ đánh giá được cách thể hiện của chúng trong các nhóm xã hội như là một tác nhân trong đó. Ví dụ, khi tôi làm điều gì đó khiến tôi có được lời khen từ người khác, tôi cảm thấy tự hào; khi tôi gặp thất bại và có sự chứng kiến của người khác, tôi có thể thấy nhục nhã, hổ thẹn; khi tôi vi phạm một quy tắc xã hội nào đó, tôi có thể cảm thấy tội lỗi, và cảm giác đó cũng thôi thúc tôi thay đổi.
Nhiều học thuyết tâm lý kinh điển khi nói về cái tôi của con người đã nhận định rằng năm thứ 2 đầu đời là một giai đoạn phát triển quan trọng. Freud (1923-1961) và các hậu bối, cùng thuyết phân tâm học đã phác họa về sự trỗi dậy của một Bản ngã tự chủ (autonomous ego) vào tuổi lên 2. Freud sử dụng từ Bản ngã (Ego) [3] để ám chỉ về một phần tôi (self), phần thực thi trong nhân cách con người. Erikson (1963) cho rằng các trải nghiệm về niềm tin và sự gắn bó liên cá nhân trong năm đầu đời giúp con người củng cố phần tự chủ trong Bản ngã vào năm thứ hai. Dưới góc nhìn xã hội học, Mead (1934) cho rằng phần “Tôi” thấu hiểu phần “chính Tôi” thông qua quá trình phản tư, bắt đầu qua những chiếc gương và sau đó là hệ quy chiếu từ người khác. Theo ý Mead, ta biết được ta là ai qua việc ghi nhận các phản ứng từ người khác về cách ta thể hiện bên ngoài xã hội. Trong quá trình phát triển cái tôi như một nhân cách xã hội, những người khác đóng vai trò như những chiếc gương soi chiếu lại chính bản thân chúng ta.
Một số nghiên cứu cho thấy, khi trẻ nhỏ bắt đầu quá trình tự nhận thức về bản thân, chúng để quá trình đó diễn ra rất tự nhiên, theo từng bước một (Harter, 2006). Ở tuổi thứ 4, bé Jessica biết rằng em có tóc màu đen, sống trong một căn nhà màu trắng, và tự mô tả về bản thân mình bằng những đặc điểm hành vi (behavioral traits) đơn giản. Em có thể mô tả bản thân như một cô bé tốt bụng, quan tâm hoặc “một cô bé ngoan ngoãn trong mọi lúc.” Lớn lên một chút, khi em đã học lớp 5 (10 tuổi), Jessica nhìn nhận bản thân theo nhiều góc độ phức tạp hơn, nhận thức về bản chất khác như “thẳng thắn”, “dễ xúc động” hay “hướng ngoại”, “ngại ngùng”, “chăm chỉ”, “thông minh”, “giỏi toán nhưng dốt văn”, hay “chỉ ngoan ngoãn khi ở cùng bố mẹ.”
Khi bắt đầu bước vào giai đoạn vị thành niên, những tính cách mà con người tự nhận thức được về chính họ, cũng như do người khác nhận định về họ, sẽ có xu hướng liên kết với nhau, hình thành nên một nguyên tắc phân loại (taxonomy) gồm 5 tính cách lớn, dựa trên các nghiên cứu về tính cách của người trưởng thành và thường được biết đến với tên gọi “the Big Five”. 5 tính cách lớn bao gồm: (1) Tính hướng ngoại – Extraversion; (2) Tính bất ổn cảm xúc – Neuroticism; (3) Tính tương hợp – Agreeableness; (4) Tính tận tâm – Conscientiousness; và (5) Tính sẵn sàng trải nghiệm – Openness to experience (Roberts, Wood, & Caspi, 2008).
Kết thúc thời thơ ấu, khả năng tự nhận thức (self-concept) sẽ bao gồm một số vai trò xã hội quan trọng: “Tôi là một học trò giỏi”, “Tôi là con cả”, hay “Tôi là bạn thân của Sarah.”
Tính cách, vai trò và những biến đổi trong các ý niệm (notion) này là những quy ước chính của cái tôi khi được nhìn nhận như một tác nhân xã hội (McAdams & Cox, 2010). Thuật ngữ “đặc điểm tính cách” (trait) cho chúng ta hình dung về sự nhất quán trong các thể hiện xã hội của một người. Người khác hiểu rằng tôi có một phong cách nhất định trong hành động, dựa trên những gì tôi nghĩ về nhận định của người khác khi quan sát tác nhân là tôi trong nhiều hoàn cảnh xã hội. Còn “vai trò” (role) cho ta hình dung về chất lượng – theo cách chính chúng ta nhìn nhận – của những mối quan hệ thiết yếu trong cuộc đời chúng ta. Đi cùng với nhau, tính cách và vai trò trở thành những đặc tính kiến tạo nên vị thế xã hội của chúng ta, như cách tâm trí ta nhìn nhận (Hogan, 1982).

Nếu bạn đã từng cố thay đổi bản thân, rất có thể bạn đã cố gắng thay đổi vị thế xã hội hiện tại, tập trung vào thay đổi những tính cách chính của bản thân hay là một số vai trò xã hội. Có thể đó là một ngày nào đó, bạn thức dậy và quyết định mình sẽ trở thành một người lạc quan, tinh thần phấn chấn hơn. Khi cân nhắc về những nhận định của người khác, bạn nhận ra rằng đến cả những người bạn thân nhất cũng có xu hướng né tránh bạn, do bạn đã thường xuyên kéo tinh thần của họ xuống. Và hẳn là thật buồn khi lúc nào bản thân mình cũng đang buồn, đúng không? Liệu có tốt hơn không, nếu chúng ta thay nó bằng cảm giác tích cực, nhiều năng lượng và tràn trề hy vọng? Nói theo “Big Five” thì bạn đang cố gắng thay đổi Tính bất ổn cảm xúc – Neuroticism – của bản thân. Đôi khi, vấn đề có thể lại đến từ Tính tận tâm – Conscientiousness – của bạn: Bạn đang làm việc vô kỷ luật, chưa hết mình, và bạn cần thay đổi điều đó.
Những nỗ lực trong việc tự hoàn thiện bản thân như trên – bằng cách thay đổi một trong năm tính cách lớn – để trở thành một tác nhân xã hội năng nổ hơn, đôi khi thành công và đôi khi lại khá chật vật, giống như việc ăn kiêng vậy. Một số nghiên cứu cho thấy rằng những nhóm tính cách lớn này có xu hướng cố định, khó thay đổi, kể cả khi có sự trợ giúp từ trị liệu tâm lý. Dẫu sao, mọi người vẫn có thể thay đổi thành công qua việc thay đổi vai trò xã hội của mình.
Để trở thành một tác nhân xã hội hiệu quả hơn, bạn có thể muốn hướng tới những vai trò quan trọng mà bạn muốn nắm giữ trong cuộc sống. Tôi có thể làm gì để trở thành người con tốt hơn? Tôi có thể tìm thấy những vai trò mới và có ý nghĩa để thực hiện trong công việc, trong gia đình, hoặc trong nhóm bạn bè hay cộng đồng của tôi như thế nào? Nhờ những công việc cụ thể giúp làm phong phú thêm cách thể hiện các vai trò quan trọng trong xã hội, bạn có thể bắt đầu nhìn nhận bản thân theo cách mới và những người khác cũng sẽ nhận thấy sự thay đổi. Các tác nhân xã hội có khả năng biến đổi cách thể hiện của họ trong suốt quá trình sống của mình. Mỗi lần bạn bước ra sân khấu, bạn có cơ hội để bắt đầu lại.
————–
Chú thích:
[1] Shakepeare, As You Like It, Act II Scene VII Line 139.
[2] Phần “Tôi” và phần “chính Tôi” (The ‘I’ and the ‘me’) là hai thuật ngữ chủ đạo trong học thuyết của George Herbert Mead, một trong những nhà triết học xã hội có nhiều ảnh hưởng lớn đến một nhánh của xã hội học mang tên “Thuyết tương tác biểu tượng” (symbolic interactionism). Phần “Tôi” và phần “chính Tôi” được hiểu trong phạm vi tâm lý học về cá nhân, với cách lý giải của Mead thì “chính Tôi” là khía cạnh xã hội của một con người, còn “Tôi” là khía cạnh chủ động, độc lập của người đó. Định nghĩa này cũng được Mead công nhận là có điểm tương đồng với các khái niệm trong phân tâm học của Freud như “Cái kiểm duyệt” (censor) với “chính Tôi” và “bản ngã” (ego) với “Tôi”. (Theo Wikipedia)
[3] Bản ngã: tiếng Anh: ego, tiếng Đức: das Ich, đều hiểu nôm na là cái Tôi, bản ngã
————–
Dịch và trình bày: Phương Anh (Thực tập sinh Viện TLH&TT)
Hiệu đính: Vân Anh
Tham khảo:
McAdams, D. P. (2021). Self and identity. In R. Biswas-Diener & E. Diener (Eds), Noba textbook series: Psychology. Champaign, IL: DEF publishers. Retrieved from http://noba.to/3gsuardw
————–
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
2 thoughts on “Cái Tôi và Bản dạng – Phần 2: Cái Tôi như một tác nhân xã hội”