Bạn có đang chăm sóc bản thân không?
Do một ngày làm việc trung bình là 8 giờ, ta dành phần lớn thời gian cho sở làm hay văn phòng. Việc làm việc cho ta cảm giác sống mục đích và hầu hết thời gian, công việc có thể là một phần dễ chịu của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu gặp căng thẳng hoặc không vui trong công việc, sở làm có thể là một nơi rất cô đơn.
Do đó việc luyện tập tự chăm sóc bản thân là rất quan trọng. Hãy dành thời gian cho chính bạn, làm điều bạn thích làm và dành thời gian với những người bạn yêu thương – đó là những thứ thiết yếu cho một sức khỏe tinh thần viên mãn. Bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng “Tôi quá bận, dành thời gian cho bản thân là ích kỳ” – nhưng không phải như vậy! Đây là chăm sóc chính tâm trí và cơ thể bạn đấy!
Hãy tiếp tục đọc các mẹo dưới đây để thực hành tự chăm sóc bản thân tại nơi làm việc và chăm sóc bản thân bên ngoài chốn công sở.
1. Đánh giá tình trạng bản thân
Hãy hỏi chính mình:
- Cái gì, điều gì đang gây ra căng thẳng cho bạn?
- Trong đội ngũ của bạn, bạn có đang thấy khó chịu/bất an/bất hạnh không?
- Bạn có đang có quá nhiều việc và không thể đối mặt với chúng?
- Bạn đã sẵn sàng bước tiếp chưa?
Hãy đánh giá tình hình của bạn và suy nghĩ về những gì bạn muốn. Nhận diện những thay đổi bạn muốn thực hiện để đưa ra mục đích và hướng đi cho bạn. Điều này có thể có nghĩa là nói chuyện với người quản lý của bạn về sự thăng chức/nâng bậc khả dĩ, hoặc nói chuyện với một người bạn về việc thay đổi hoàn toàn lối sống.
2. Học cách nói không – và không cảm thấy tội lỗi
Nếu bạn đang ngập đầu trong công việc hoặc cảm thấy phải nói đồng ý với mọi sự kiện kết nối và cơ hội thăng tiến về mặt xã hội – đôi khi hãy cân nhắc từ chối. Thay vì đến quán rượu với đồng nghiệp hay cấp trên, hãy về nhà và thư giãn. Bạn chỉ cần trung thực với lòng mình.
“Chỉ khi nói không , bạn mới có thể tập trung vào những việc thực sự quan trọng” – Steve Jobs
3. Cung cấp cho bản thân đầy đủ dinh dưỡng
Việc một chế độ ăn uống cân bằng, giữ đủ nước và vận động cơ thể sẽ thúc đẩy tâm trạng và cải thiện mức năng suất của bạn. Thức dậy và ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng – tinh bột, đạm, rau hay hoa quả, sinh tố hay nước ép đều là những lựa chọn tuyệt vời.
Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn có một thời gian nghỉ trưa thích hợp – ĐI HẲN khỏi xưởng/bàn làm việc và không cần suy nghĩ về danh sách việc cần làm của bạn. Đây là thời gian để bạn ra hẳn khỏi văn phòng, vì vậy đừng cảm thấy tội lỗi. Thời gian này không nhất thiết phải dài, bạn chỉ cần đi bộ một quãng ngắn là đã có thể giải tỏa căng thẳng và sảng khoái tinh thần.
4. Vận động cơ thể
Điều này không có nghĩa là phải tập gym mỗi ngày. Tự chăm sóc bản thân thực sự là lắng nghe cơ thể của bạn, vì vậy nếu bạn không thể đi tập cả một bài thể dục, vậy đừng đi. Thay vào đó, hãy xem xét các cách khác để cơ thể vận động.
Hãy nghĩ về những gì bạn thích và kết hợp chúng vào cuộc sống hàng ngày của bạn, chẳng hạn như dắt chó đi dạo, tập yoga hoặc khiêu vũ!
Mặt khác, tập thể dục đối với nhiều người là một hình thức xả stress. Hãy lên lịch tập thể dục sau công việc của bạn và xem giờ nào phù hợp với bạn nhất. Một số người trong chúng ta thích tập thể dục vào sáng sớm, những người khác thích tập luyện ngay sau giờ làm việc hoặc thậm chí vào buổi tối muộn. Nếu bạn không thể đi tập buổi sáng hoặc buổi tối, hãy cân nhắc đi bộ trong bữa trưa!
5. Ngủ ngon, đủ giấc
Điều quan trọng là bạn phải ngắt bản thân khỏi công việc.
Việc mang công việc về nhà thật cám dỗ, nhất là với người làm văn phòng, khi thấy thông báo qua email trên điện thoại. Nhưng vào cuối ngày, ngày làm việc của bạn đã kết thúc và thời gian sau giờ làm việc là lúc bạn tắt máy, thư giãn và nghỉ ngơi. Nếu bạn liên tục kiểm tra email của mình hoặc làm việc muộn, hãy đặt báo thức và dừng lại. Nếu bạn cần, hãy tắt điện thoại vào buổi tối hay nói chuyện với nhóm làm việc của bạn, yêu cầu họ không liên lạc với bạn sau 7 giờ tối.
Khi trải qua một khoảng thời gian khó khăn, giấc ngủ sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên. Nó có thể bị gián đoạn và bạn có thể thức giấc vào ban đêm, trằn trọc để đi vào giấc ngủ hoặc hoàn toàn không ngủ được. Nhưng giấc ngủ là cần thiết cho tâm trí và cơ thể của ta và ta cần nó để hoạt động hàng ngày.
Ngủ là khi cơ thể ta tự phục hồi và khi tâm trí ta có thể xử lý những gì đã xảy ra trong ngày.
Hãy đặt mục tiêu 7 – 8 giờ mỗi đêm, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn, làm việc hiệu quả hơn và đôi khi, việc ngủ về một vấn đề, câu hỏi nào đó có thể khiến vấn đề dường như nhỏ lại, hay tìm được câu trả lời vào buổi sáng thức dậy.
“Bạn có biết không? Trung bình, con người sẽ dành 1/3 cuộc đời của họ để ngủ.”
6. Nói chuyện với những người khác
Trò chuyện với mọi người rất hữu ích, vì vậy hãy cố gắng đừng giữ những lo lắng cho riêng mình. Nếu bạn có thể đối phó với tình huống một mình, điều đó không sao, nhưng nếu bạn cần một sự giúp đỡ, điều đó cũng không sao. Nói chuyện với đồng nghiệp, quản lý nhóm của bạn hay ban nhân sự về mối lo âu của bạn và cùng nhau tìm ra giải pháp. Nếu bạn đã làm quá nhiều việc, hãy yêu cầu chia sẻ khối lượng công việc hoặc yêu cầu thêm thời gian.
Bạn có thể được hưởng lợi từ thời gian nghỉ ngơi, vì vậy hãy cân nhắc dành thời gian nghỉ ngơi để thư giãn cơ thể và trí óc minh mẫn hơn. Công việc của bạn sẽ vẫn ở đó khi bạn trở về và sức khỏe của bạn nên được ưu tiên hàng đầu.

7. Yêu cầu sự giúp đỡ
Đôi khi ta cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ bạn bè, hay đồng nghiệp.
Trong khi ta vẫn thường xuyên nhận được shỗ trợ từ việc nói chuyện với mọi người hay đơn giản là nghỉ ngơi, đôi khi nhu cầu của ta nhiều hơn như thế. Hãy cân nhắc nói chuyện với chuyên gia. Một nhà tham vấn có thể là người mà bạn cần, khi bạn muốn nói về cảm nhận của bản thân, mà không bị phán xét.
Việc yêu cầu giúp đỡ là chính đáng. Tự chăm sóc bản thân là quan tâm đến sức khỏe của chính mình, và yêu cầu hỗ trợ thêm nếu cần thiết. Việc này không có gì đáng xấu hổ và việc chăm sóc cho bản thân không nên khiến bạn cảm thấy tội lỗi – đây là việc vô cùng cần thiết.
Nguồn: Self-care at work, Counseling directory, https://www.counselling-directory.org.uk/self-care.html
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia