Thay mặt đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ và thực tập sinh của Viện Tâm lý học và Truyền thông gửi tới tất cả các quý vị và các bạn những lời chúc tốt đẹp nhất nhân Năm Mới và lời cảm ơn chân thành nhất vì các bạn đã luôn đồng hành, luôn theo dõi và ủng hộ Viện Tâm Lý học suốt một năm qua.
Các bạn yêu quý,
Viện TLH&TT của chúng tôi ra đời với khát khao tạo một môi trường học thuật thực sự khoa học, đồng thời lại có thể đưa tâm lý học tới gần hơn, rộng hơn, sâu hơn trong cộng đồng. Chính vì vậy mà Viện mang tên và TLH&TT, tức là cố gắng truyền thông các kiến thức về tâm lý học và nỗ lực để đưa những kết quả nghiên cứu, ứng dụng tâm lý học vào đời sống xã hội của chúng ta.
Có biết bao nhiêu sự kiện, hiện tượng xã hội hàng ngày, hàng giờ xảy ra xung quanh chúng ta mà ít ai có thể hiểu được, có những chuyện mà hầu như không ai có thể lý giải được và khi đó tâm lý học được kỳ vọng sẽ đưa ra những lời giải thích bởi vì nó là ngành khoa học nghiên cứu về tâm trí và hành vi của con người.
Nếu như trước đây, các chỉ số đánh giá phát triển xã hội hầu như chỉ quan tâm đến các đánh giá và số liệu về kinh tế, về điều kiện vật chất… thì ngày nay, sự quan tâm đang chuyển dần sang các đánh giá về con người, về mức độ hài lòng, chỉ số hạnh phúc, chỉ số sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần… Mà những chỉ số về ấy đều có liên quan đến TLH.
Một đặc thù rất thú vị nữa là bản thân khoa học tâm lý nằm trên sự giao thoa với hầu hết các môn khoa học khác, từ khoa học tự nhiên, như: sinh học, hóa học, vật lý, toán học nữa… đến các môn khoa học xã hội, như: lịch sử, chính trị học, kinh tế học, xã hội học… Các môn khoa học sư phạm, y học, vũ trụ học, các môn kỹ thuật, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, cả quân sự học, tội phạm học… cũng đều giao với TLH và có những chuyên ngành gắn bó mật thiết với tâm lý học.
Khi học về TLH, chúng ta đều biết là lịch sử ra đời và phát triển của TLH rất thú vị. Mặc dù, rất nhiều khái niệm, như: “tâm lý”, “tư duy”, “ý thức”, “vô thức”… của tâm lý học được các nhà triết học sử dụng từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, gắn liền với tên tuổi các triết gia (Hy lạp) nổi tiếng Platon, Aristoteles (thế kỷ thứ 4 trước CN)… nhưng như một khoa học độc lập (tức là có phương pháp nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu rõ ràng), thì TLH ra đời khá muộn sau đó. Năm 1879 Wilhelm Wundt thiết lập phòng thí nghiệm tâm lý học đầu tiên ở Leipzig, Đức, đánh dấu việc Tâm lý học lần đầu tiên được tách ra khỏi triết học và các khoa học khác, trở thành khoa học độc lập. Như vậy, Tâm lý học trên thế giới manh nha thì rất sớm, nhưng trở thành một bộ môn khoa học lại khá muộn, nhưng phát triển rất nhanh và cùng lúc hình thành rất nhiều trường phái, nhiều nhánh, nhiều chuyên ngành. Các nhà nghiên cứu người Mỹ cho rằng có tới hơn 400 chuyên ngành tâm lý học khác nhau và nếu tính các hiệp hội chuyên ngành tâm lý học ở Mỹ, cũng có tới vài chục hiệp hội khác nhau!
Còn ở Việt Nam thì chúng ta đều biết là tình hình còn trễ hơn nữa. Trước năm 1990, tức là trước khi Liên Xô sụp đổ: Chúng ta chủ yếu phát triển Tâm lý học Xô-viết – Thuyết Hoạt động. Các chuyên ngành Tâm lý học: Chủ yếu là Tâm lý học sư phạm; Tâm lý học xã hội (Trung tâm nghiên cứu TLHXH được thành lập lần đầu tiên năm 1989); Tâm lý học quản lý, lãnh đạo (Khoa tâm lý học thuộc Học viện Chính trị quốc gia thành lập năm 1989, nhưng hiện nay đã ghép vào viện Chính trị học).
Sau năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ: Các học thuyết tâm lý học phương Tây bắt đầu được giảng dạy ngày càng nhiều, chúng ta bắt đầu biết đến: Thuyết hành vi, Thuyết nhân văn, Thuyết cấu trúc, Thuyết nhận thức, Phân tâm học… Các chuyên ngành Tâm lý học: Cùng với Tâm lý học sư phạm; Tâm lý học xã hội; Tâm lý học quản lý, lãnh đạo; hiện nay ngày càng phát triển tâm lý học tư vấn, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học ứng dụng trong các hoạt động kinh tế… Tuy nhiên nếu so sánh với thế giới thì chúng ta chậm hơn rất nhiều.
Viện TLH&TT tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ nhỏ thôi, tức là cùng với đội ngũ các nhà tâm lý học Việt Nam, nhất là đội ngũ tâm lý học trẻ thúc đẩy sự phát triển của khoa học tâm lý ở Việt Nam, phục vụ cộng đồng và con người Việt Nam.
Một năm trôi qua, Viện TLH&TT mới tròn một tuổi của chúng tôi rất vui mừng và hết sức trân trọng những kết quả bước đầu khá khiêm tốn, như: 8 cuộc hội thảo, toạ đàm online do đội ngũ cán bộ, thực tập sinh của Viện chịu trách nhiệm tổ chức. Đăng tải, viết, dịch, nghiên cứu hàng chục bài báo trên Website và các fanpage của Viện. Hàng chục ca tham vấn cá nhân và hàng chục buổi lên lớp, đào tạo kiến thức tâm lý học cho thực tập sinh. Phối hợp và tham gia hội thảo với hơn 10 tổ chức khác.
Chúng tôi đã và đang xây dựng một đội ngũ gồm các chuyên gia, cố vấn, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tâm lý học và các bạn thực tập sinh hết sức nhiệt huyết, yêu tâm lý học, say mê nghiên cứu và thực hành. Và cánh cửa Viện TLH&TT sẽ luôn luôn rộng mở đón các bạn đến với những kiến thức tâm lý học mới mẻ và thiết thực.
Viện trưởng Viện TLH&TT,PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa
Xem lại toàn bộ Lễ kỉ niệm và trao giải tại đây:
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia