Đây là điều mà nhiều nhà tâm lý trẻ em trăn trở trong lòng, và cũng là điều mà mỗi bậc cha mẹ và mỗi người lớn có con cần nhận thức được. Hiện nay tại Mỹ, các trung tâm tư vấn can thiệp cho trẻ gặp khó khăn về tâm lý đang có danh sách chờ rất dài (tại trung tâm của TS. Brenna Hicks, họ nhận 75 trẻ em mỗi tuần và điện thoại không ngừng đổ chuông, còn danh sách chờ là 60 trẻ), và 90% các cuộc gọi nhận được đều liên quan đến vấn đề lo âu ở trẻ nhỏ. Cha mẹ thường gọi đến và mô tả mọi thứ trong khả năng của họ, họ thường nói, “Tôi thực sự không chắc chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi biết có điều gì đó không ổn.” “Tôi thực sự không biết liệu có phải là con tôi đang lo âu hay không, nhưng có vẻ là như vậy.” Và tất cả các tin nhắn mà trung tâm nhận được từ những phụ huynh có quan tâm đến sức khỏe của con mình, đều có nội dung chính là mức độ lo lắng cực kỳ cao.
Đây có thể gọi là một “mối lo thầm lặng” vì chưa được thảo luận rộng rãi, và chưa nằm trong nhận thức của mọi người. Ta cần chú ý đến những đứa trẻ trong cuộc đời mình như con cái, cháu, những trẻ em xung quanh ta. Hãy nhận biết, chú ý, quan sát, nhìn, lắng nghe, xem có những câu chuyện nào khiến con cái chúng ta sợ hãi, đến mức độ nào, và ta cần được trang bị để xử lý điều đó.
Sự gia tăng lo âu đột biến này chỉ xảy ra trong vòng 9 tháng qua, có thể nói là vào đầu mùa hè năm 2020, từ thời điểm đó, số lượng cuộc gọi về sự lo lắng ở trẻ em đã tăng vọt. Trong khi trước đó số cuộc gọi kiểu này là 1 trên 5, 6 hay 7 cuộc, bây giờ 90% cuộc gọi là có liên quan đến lo lắng sợ hãi, hoảng sợ, OCD, và còn nhiều rối loạn khác. Ta cần biết chuyện gì đang xảy ra, biết phải làm gì để giải quyết tình hình được tốt.
Ví dụ minh họa
Tuy nhiên, trước khi đi vào một số biện pháp, dưới đây là một ví dụ nhằm vẽ một bức tranh về sự lo âu ở trẻ em trong giai đoạn này.
Ví dụ 1
Trong một gia đình, thời gian gần đây đứa trẻ bị nôn khá thường xuyên và họ thực sự không thể tìm ra lý do tại sao. Vì vậy, họ đã đến bác sĩ tiêu hóa, và rồi đến bác sĩ nhi khoa, làm tất cả các loại xét nghiệm, chỉ thiếu mỗi kiểm tra cả hệ tiêu hóa của đứa trẻ (tuy nhiên cuối cùng cha mẹ cũng không muốn đi xa đến vậy, nhưng họ cũng đã làm hầu hết mọi thử nghiệm mà họ có thể nghĩ ra), và thực sự họ vẫn không thể kết luận được tại sao đứa trẻ nôn ói liên tục. Nhưng do trẻ còn nhỏ, mới 4 tuổi, và trẻ bắt đầu có liên tưởng “Tôi nôn nao vì tôi ăn”, vì vậy, vào thời điểm đó, nỗi sợ hãi trở nên bao trùm, mạnh mẽ, quyết liệt đến mức đứa trẻ quyết định rằng để giải quyết vấn đề, nó sẽ không ăn nữa.
Vì vậy, đứa trẻ bốn tuổi này trải qua tuần đầu tiên với một ống NG được dán vào sau cổ. Đó là một chiếc ống luồn qua mũi, xuống dạ dày và trẻ sẽ ăn lỏng qua ống vì không chịu nuốt bất cứ thứ gì. Không chỉ là thức ăn, trẻ còn không chịu uống sữa, uống nước. Trẻ đã bị mất nước nghiêm trọng và phải nhập viện, nó đã sút cân mạnh và đi thăm khám tâm lý với một ống NG dán vào sau gáy! Đây là một điều gây sốc và bi kịch đối với một nhà tâm lý, khi thấy những đứa trẻ bốn tuổi có mức độ lo âu cao đến mức chúng tê liệt vì sợ rằng thức ăn sẽ làm chúng nôn ói và do đó chúng sẽ bỏ ăn.
Rất may, hiện nay đứa trẻ không bị lắp ống nữa, trẻ đang bắt đầu ăn trở lại và đang hồi phục tốt.
Tuy nhiên, hình ảnh một đứa trẻ bốn tuổi bước vào văn phòng tâm lý và đã phải nhận hỗ trợ việc ăn qua ống đã nói rất nhiều điều về những gì đang xảy ra với con cái chúng ta lúc này.
Ví dụ 2
Một câu chuyện khác là của một cô bé 14 tuổi, với mức độ lo âu thực sự cao. Và gần đây… mọi chuyện thực sự bắt đầu sau một cuộc đọ sức với Covid. Cô bé rất ốm yếu trong thời gian bị Covid. Cô bị nôn hàng ngày trong khoảng một tuần khi mắc bệnh và sau khi hồi phục, cô vẫn quen với chứng nôn đến mức cô bắt đầu có chủ đích ăn thật nhiều rồi ói, và kết quả là phát triển chứng rối loạn ăn uống. Vì vậy, trong khoảng tháng trước, cô đã cố tình ăn thật nhiều rồi nôn để có thể giảm cân. Bây giờ bạn có thể nói rằng mối liên hệ của việc này với lo âu có vẻ không rõ ràng, nó có vẻ giống một chứng rối loạn ăn uống hơn. Nhưng nếu ta điều tra kỹ những gì thường thấy và quan sát được trong các hành vi, ta sẽ thường tìm ra nguyên nhân sâu xa là lo lắng và sợ hãi.
Và những gì ta cần hiểu về cô bé này là cô đang tuyệt vọng bám vào bất kỳ biện pháp kiểm soát nào mà cô có thể có, bởi vì cuộc sống đối với cô là quá sức. Vì vậy, ta có một kỳ vọng về hành vi ở trẻ em như sau: Trẻ em có rất ít thứ mà chúng có quyền kiểm soát. Thực tế mà nói, trẻ chỉ có 4 yếu tố chính là thói quen ăn, ngủ, vâng lời và đi vệ sinh là chúng có quyền kiểm soát. Vì vậy, nếu bạn chứng kiến một cuộc tranh giành quyền lực ở nhà với một trong bốn vấn đề – ăn, ngủ, đi tắm, hoặc hành vi và sự vâng lời, thì điều đó có thể bắt nguồn từ nỗ lực nắm quyền kiểm soát ở đứa trẻ. Một cuộc đấu tranh kiểm soát, thường được thúc đẩy bởi sự lo lắng và sợ hãi. Bởi vì khi bạn cảm thấy sợ hãi, mất kiểm soát, cảm thấy bất lực, thì điều duy nhất bạn biết làm là cố gắng nắm lấy những gì mình có vì nó giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Việc dễ bị tổn thương là đáng sợ, việc đối mặt với hoàn cảnh bất khả kháng là đáng sợ, và điều chưa biết cũng đáng sợ không kém. Vì vậy, điều duy nhất mà trẻ em có thể nắm bắt là cố gắng kiểm soát ở những chỗ chúng có thể giành được nó. Và trong trường hợp của cô bé 14 tuổi, năm ngoái cô đã phải đối mặt với khá nhiều sự cạnh tranh trong học tập. Về mặt cá nhân, trong cuộc sống gia đình cô, cũng có rất nhiều điều đang diễn ra. Thế giới dường như choáng ngợp và đáng sợ và cô công khai thừa nhận rằng cô có mức độ lo lắng rất lớn. Cô nhắn tin cho nhà tâm lý và thổ lộ “Cháu vừa trải qua một cơn hoảng loạn.” Nhưng điều đó có nghĩa là cô đang cố gắng kiểm soát thế giới bởi vì nó có vẻ đáng sợ, bắt nguồn từ sự lo lắng của cô. Vì vậy, bây giờ cô ấy phát triển một chứng rối loạn ăn uống; nên nhà tâm lý và cô đang cùng giải quyết vấn đề đó và xử lý nó một cách thích hợp, và mọi thứ dần trở nên tốt hơn.
Ví dụ ba
Một cậu bé, năm tuổi, trong một vài tuần trở lại đây nói với cha mẹ mình, “Đôi khi con cảm thấy áp lực ở đây” và trẻ ấn vào phía trái tim của mình. Rồi một lúc sau, trẻ phàn nàn vì thấy tay mình như chai lên. Và bố và mẹ cảm thấy bàn tay đứa trẻ đổ nhiều mồ hôi. Trong một cuộc trò chuyện khác, trẻ nói đôi khi nó cảm thấy không được khỏe và thấy buồn nôn. Gia đình cho đi khám nhi khoa nhưng không phát hiện được điều gì bất ổn. Sức khỏe vẫn bình thường. Rõ ràng rằng đây là vấn đề về sự lo âu. Mối lo âu đã trở nên tâm thể hóa (somatic), nghĩa là cơ thể đang nói với ta, thông qua các triệu chứng, những cảm nhận về mặt cảm xúc trong ta. Vì vậy, nếu ta có một khối u trong cổ họng, thấy nôn nao, đau đầu, đó là tất cả những dấu hiệu cho thấy cảm xúc đang “làm loạn” cơ thể ta khi chúng không được giải quyết một cách thích hợp.
Phương án
Vì vậy, có ba ví dụ cho những cái nhìn rất khác nhau về những gì đang xảy ra với cuộc sống của những đứa trẻ hiện nay và mức độ lo lắng của chúng. Nhưng tất cả đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, lo lắng, hoảng sợ, hoang tưởng, và mức độ lo âu cực kỳ cao. Vậy điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Ta cần được trang bị và giải quyết việc này một cách thích hợp.
Vì vậy, điều đầu tiên, cơ bản và quan trọng nhất là nhận thức và đề phòng những thứ ta thường nghĩ là không liên quan. Vì vậy, nếu một đứa trẻ thường xuyên không chịu vào phòng một mình, liên tục vào phòng cha mẹ vào ban đêm (nếu trẻ có phòng ngủ riêng), không muốn đi chơi với những người bạn mới, không chịu ăn, ngủ không ngon giấc; thì có những thứ mà bạn có thể dễ dàng bỏ qua và cho là không liên quan. Hãy bắt đầu nhìn nó qua lăng kính của câu hỏi ‘Liệu điều này có phải do trẻ đang sợ hãi không? Có thể là do sự lo lắng gây ra? Có thể liên quan đến sự lo âu?’ Những câu hỏi đó sẽ giúp tạo ra nhận thức về những gì đang xảy ra. Sau đó, khi bạn đã quyết định – “Con tôi đang như vậy, có con của người tôi biết đang bị như vậy, con ai đó trong gia đình tôi cũng đang bị như vậy.” Khi bạn đã có nhận thức, việc nói về nó sẽ rất hữu ích, không phải với đứa trẻ, mà là với những người trong đời bạn để sát cánh và hỗ trợ bạn.
Vì vậy, việc gặp gỡ đứa trẻ thông qua cảm xúc của chúng là vô cùng quan trọng. Việc của ta không phải là khiến cho chúng cảm thấy khá hơn, cũng không phải là giảm bớt nỗi sợ hãi, không phải là nói với chúng rằng mọi chuyện sẽ ổn, cũng không phải là chuyển hướng, đánh lạc hướng chúng, hay cố gắng giải quyết vấn đề. Không việc nào bên trên có thể giải quyết ngay lập tức bất cứ điều gì. Điều giúp giải quyết vấn đề ngay lập tức là phản ánh về cảm giác của chúng, thừa nhận những gì chúng đang trải qua và như vậy là đủ.Ta chí cần ngồi cùng cảm giác của trẻ và để yên như vậy. Đây là một trong những trường hợp mà bạn không thể làm gì hiệu quả hơn.
Vì vậy, đứa trẻ đang chỉ cho bạn, có thể là bằng kênh phi ngôn ngữ… hãy nhớ rằng trẻ chưa phát triển mạnh kênh lời nói, và cũng có nhiều người lớn không lắng nghe lời kêu cứu của trẻ, thế nên ở trẻ sẽ có các biểu hiện không lời của sự sợ hãi. Và trong khoảnh khắc đó, bạn nói, “Con đang lo lắng về điều đó. Điều đó khiến con ngạc nhiên. Con không mong đợi điều đó. Con lo ngại điều đó có thể xảy ra. Con không chắc chắn. Thật khó hiểu, thật đáng sợ. Con cảm thấy choáng ngợp.” Hãy chọn cảm giác mà bạn cho là phù hợp nhất và nói câu đó với chúng.
Nói về cảm nhận “Con đang… (điền vào chỗ trống từ chỉ cảm nhận của trẻ)” và để như vậy là đủ. Chúng có thể nói có, có thể nói không, chúng có thể sửa lời bạn, chúng có thể cho đó là động lực cho một cuộc trò chuyện hoàn toàn mới về những gì chúng đang cảm thấy. Đừng mong đợi một phản ứng hay lời phản hồi gì cụ thể, chỉ cần biết rằng bạn đang giao tiếp với chúng, “Cha mẹ ở đây, cha mẹ nghe thấy con, cha mẹ hiểu và quan tâm tới con.”
Ta gọi đây là « Hiện diện Với các Thái độ”. Đó là những điều quan trọng nhất bạn có thể làm đối với một đứa trẻ sợ hãi, là giao tiếp thông qua những gì bạn nói và cách bạn trả lời, “Cha mẹ ở đây, cha mẹ nghe thấy con, cha mẹ hiểu và quan tâm tới con.” “Cảm xúc của con quan trọng và có giá trị.” “Cha mẹ sẽ không cố gắng thay đổi suy nghĩ của con, sẽ không cố gắng khiến nó dễ chịu hơn cho con, sẽ không cố gắng làm bất cứ điều gì khác ngoài việc ở bên con trong thời điểm này.”
Và cuối cùng, bạn không cần phải làm điều này một mình… Vì vậy, bạn cần lưu ý: Hãy ý thức và nhận biết xem điều gì đang xảy ra với những đứa trẻ mà bạn yêu thương. Thứ hai: hãy thống nhất cùng những người lớn khác có tham gia việc nuôi dạy trẻ để có cách tiếp cận theo hướng thống nhất, nơi tất cả nhất trí thừa nhận đứa trẻ đang ở giai đoạn, trạng thái nào trong cuộc đời chúng, và gặp gỡ chúng ở những cảm giác chúng đang có. Ngoài ra, trong điều kiện hạn chế do dịch bệnh, dù không đến thăm khám tâm lý, bạn vẫn có thể tham khảo các liệu pháp chơi dành cho cha mẹ với trẻ tại nhà tại những kênh thông tin của các chuyên gia có uy tín.
Hãy nhớ rằng vấn đề lo lắng với trẻ em lớn hơn ta nghĩ, và lớn hơn những gì được mô tả ở trên nhiều. Và là cha mẹ, ta cần ở “tuyến đầu” để bảo vệ cho chúng. Ta cần chú ý, nhận thức và được trang bị để sát cánh cùng con theo cách tốt nhất.
Vân Anh dịch và tổng hợp từ nguồn: https://www.thekidcounselor.com/2021/05/anxiety-the-untold-epidemic-of-2021-kids/
—————
VIỆN TÂM LÝ HỌC & TRUYỀN THÔNG | Institute of Psychology and Media
Hotline: 0985.216.140
Email: ipm.hanoi@gmail.com
Website: https://vientamlyhocvatruyenthong.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia
Địa chỉ: P2002, Tòa nhà văn phòng 101 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, Hà Nội