Trị liệu tâm lý xuyên thế hệ: chữa lành những tổn thương của tổ tiên chúng ta

Liệu ta có thể chữa lành từ những tổn thương của tổ tiên?

Bạn cảm thấy bên trong bản thân có chứng rối loạn tâm lý nào đó mà bạn không kiểm soát được? Và bạn không tìm thấy manh mối gì trong quá khứ giúp giải thích chứng rối loạn này? Nếu vậy, phân tâm học liên thế hệ có thể giúp bạn. Phương pháp trị liệu này cố gắng giải thích những xung đột tâm lý trong ta nhờ những sự kiện nào đó đã làm tổ tiên ta khổ sở và có thể gây hậu quả lên ta. Ta nói về “chấn thương liên thế hệ”, thông qua giải thích của nhà phân tâm học Bruno Clavier.

Nhiều lý thuyết tâm lý học cố gắng giải thích cảm xúc của ta nhờ các sự kiện quá khứ. Tuy nhiên, một số cảm xúc dường như không phản ánh căn tính sâu sắc của ta, mà có vẻ là chúng “đột nhập” vào con người ta từ nơi nào đó không biết. Và nếu như, cuối cùng, chính cây phả hệ gia đình lại giải thích một cách xác đáng nỗi sợ hãi, những bế tắc, cũng như những lựa chọn của ta? Việc tiết lộ những nguồn gốc từ tổ tiên và đang gây ảnh hưởng đến tâm thức của ta là đặc trưng của một phương pháp đang phát triển khá mạnh trong những năm gần đây: phân tâm học liên thế hệ hay tâm lý học phả hệ.

Phân tâm học liên thế hệ là gì?

Liệu pháp liên thế hệ mời gọi ta tìm kiếm nguồn gốc của một số rối loạn tâm lý, cảm xúc, hành vi hoặc sự kiện mà ta trải qua và thuộc lịch sử gia đình. “Một số triệu chứng khó có thể được giải thích bởi quá khứ của bệnh nhân. Đôi khi không tìm thấy được điều gì dẫn đến trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.” Clavier, tác giả của cuốn sách “Những bóng ma gia đình (Les fantômes Familiaux)” (NXB Payot, 2014).

Hình thức trị liệu này đòi hỏi cả một công cuộc điều tra. “Sau đó, cần phải đi hỏi thăm người thân, cụ thể là ông bà cha mẹ về trải nghiệm của họ. Đây là một phương pháp đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ từ cá nhân. Việc tham vấn đôi khi có thể được thực hiện riêng lẻ, đôi khi có sự hiện diện của cha mẹ. (Đặc biệt là trong trường hợp của trẻ em)”, chuyên gia cho biết thêm.

Chấn thương được truyền lại như thế nào

Chẳng hạn, nỗi đau mất mát mà cha mẹ phải trải qua có thể gây hậu quả cho các thế hệ tiếp theo. Sự mất mát đau đớn một người thân yêu có thể làm phát sinh các triệu chứng mà phân tâm học giải thích bằng các cơ chế phức tạp được gọi là hiện tượng “hỗn nhập (incorporation)”.

Những biểu hiện này có thể gợi lại địa điểm hoặc hoàn cảnh của sự kiện bi thảm. Ví dụ, thân chủ có thể bị đau đầu nếu người quá cố chết vì đột quỵ hoặc tai nạn xe máy mà không đội mũ bảo hiểm. Họ cũng có thể nhớ lại ngày xảy ra thảm kịch hoặc một sự kiện quan trọng được chia sẻ với người đã khuất: ở đây ta nói về “hội chứng ngày kỷ niệm”.

Bệnh nhân không nhận thức được mối liên hệ giữa những triệu chứng này với sự kiện mất mát đã ập đến với họ, đôi khi xảy ra đã lâu. Họ cũng không hình dung được rằng những biểu hiện này có thể được nhận biết bởi những đứa con còn nhỏ của họ (nếu chúng có nhận thấy), và đến lượt những đứa trẻ này có nguy cơ phát triển các rối loạn tâm lý hoặc hành vi không thể giải thích được, v.v. Việc để tang, sau đó, sẽ tạo ra một chấn thương liên thế hệ mà Nicolas Abraham gọi là “bóng ma”[i].

Những chấn thương “chưa được giải quyết”

Khái niệm chấn thương liên thế hệ sẽ được tính từ khi đám tang diễn ra, sau đó được tổng quát hóa thành bất kỳ sự kiện nào có tính chất đau thương. Do đó, “bóng ma” là một sự kiện gây đảo lộn, mà tính chất “chưa được giải quyết” của nó có thể ám ảnh thế hệ sau.

Với bác sĩ tâm thần Claude Nachin[ii]: “Bị « phong ấn bí mật », bóng ma đòi hỏi sự cấm kị ‘không ai được biết đến’, một đòi hỏi khiến đối tượng bị nó gây ảnh hưởng lại không thể biết về nó. Biểu hiện lâm sàng của bóng ma là những ám ảnh rất đa dạng. Chúng có thể biểu hiện ra dưới dạng những lời nói hay hành động kỳ quái, cũng như các triệu chứng ám sợ, ám ảnh, thái nhân cách, rối loạn tâm thể, và đôi khi là loạn thần”.

Đối với Bruno Clavier, bản chất của các triệu chứng là manh mối về những gì đã xảy ra với tổ tiên và thời điểm xảy ra sự kiện này.

Những bí mật gia đình hoặc “điều không được nói ra”

Thông thường, chấn thương giữa các thế hệ là kết quả của một bí mật không thể nói ra. Ý tưởng này lại xuất hiện lần nữa trong công trình của Török và Abraham[iii], họ đã diễn giải về việc để tang kèm theo một bí mật mà người đã khuất không thể nói ra. Hai nhà phân tâm học này giải thích rằng một bí mật như thế đã tạo ra một “hầm mộ bên trong bản ngã”. Trong hầm mộ này chôn cất bí mật của người đã khuất, nó bị kìm nén, không được thừa nhận, không được ai biết, và rồi truyền cho thế hệ sau một cách vô thức.

Nói cách khác, sự tồn tại của một bí mật là một yếu tố khiến việc để tang, hay một sự kiện đau đớn trở nên trầm trọng hơn, tăng nguy cơ truyền lại cho thế hệ sau.

Làm thế nào để nhận biết những chấn thương này?

Một số biểu hiện có thể cho thấy sự hiện diện của một bóng ma hoặc một chấn thương liên thế hệ ở một cá nhân:

  • Các triệu chứng hoặc hành vi không thể giải thích được: đây là dấu hiệu đầu tiên có thể cho thấy một chấn thương tâm lý mang tính thế hệ. Ví dụ, chúng có thể là các cơn khủng hoảng lo âu hàng ngày, bị kích hoạt mà không có lý do cụ thể;
  • Cảm giác “kỳ quặc và đáng lo ngại”: Đây là cảm giác bản thân như xa lạ, cảm thấy kỳ lạ, mối quan hệ với thực tại bị bóp méo. Ngành tâm thần học nói về sự “phi cá nhân hóa (dépersonnalisation)” hoặc “phản thành tựu (déréalisation)” để mô tả những triệu chứng tâm lý phân ly này.
  • “Bản ngã bị phân chẻ (clivage du moi)”[iv]: Boris Cyrulnik mô tả “bản ngã bị phân chẻ” là việc một cơ chế phòng vệ dẫn đến sự phủ định thực tại. Hình thức chối bỏ này là hậu quả của chấn thương. Nạn nhân của sự phân chẻ về cấu trúc này có thể có các đặc điểm sau:
    1. Khó khăn trong việc dự đoán tương lai;
    2. Tăng khả năng bị tổn thương;
    3. Các mối quan hệ không ổn định;
    4. Những thái độ nghịch thường;
    5. Những khó khăn của cuộc sống và những mối quan hệ tình cảm có vấn đề ít nhiều trầm trọng.
  • Có thể có khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật: Nếu những tổn thương giữa các thế hệ là nguồn gốc của đau khổ, thì chúng cũng là một trải nghiệm đem lại khuynh hướng đối với các hoạt động nghệ thuật. Những người có nhiều tổn thương không được thấu hiểu thường trú ẩn trong việc viết lách, vẽ tranh hoặc bất kỳ hoạt động sáng tạo nào khác. Những cá nhân đầy khổ hạnh này được ban cho vô số nguồn cảm hứng. Trong tác phẩm của mình, Bruno Clavier cho ta ví dụ về những thiên tài với hành trình khám phá lòng kiên cường của bản thân, chẳng hạn như Rimbaud, Van Gogh hay Freud, tất cả đều bị bóng ma của họ truy đuổi.

Làm sao giải thích sự di truyền của những chấn thương?

Phân tâm học giải thích sự lây truyền của chấn thương thông qua các tương tác giữa cha mẹ và con cái.

Theo nhà tâm thần học Claude Nachin[v]: “Sự lây truyền về tâm thức này không mang tính di truyền thông thường, nó là kết quả của di sản gia đình, diễn ra thông qua các mối quan đầu đời giữa mẹ và con, giữa cha mẹ và con cái, trước hết dựa trên thái độ, cử chỉ, cách bắt chước và xưng hô”.

Do đó, sự lây truyền diễn ra trong thời thơ ấu, thông qua những giao tiếp đơn giản giữa cha mẹ và con cái: “Chỉ cần sống trong một cộng đồng là đủ để lây truyền những tổn thương này. Ta là loài sống theo tập thể, và do đó ta có một trí nhớ tập thể vô thức“, Bruno Clavier giải thích.

Những điều này có chứng cứ khoa học không?

Không có lời giải thích hợp lý hoặc bằng chứng khoa học hỗ trợ lý thuyết phân tâm học liên thế hệ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh sự tồn tại một ký ức sinh học của chấn thương (đây là chủ đề mà bác sĩ tâm thần Boris Cyrulnik[vi] quan tâm). Ngoài ra, khoa học đưa ra giả thuyết rằng sự biểu hiện của các gen của chúng ta có thể bị thay đổi, theo cách có thể đảo ngược và có thể lây truyền, do ảnh hưởng của cảm xúc. Đây được gọi là di truyền biểu sinh/ngoại di truyền (l’épigénétique). Một số người cho rằng thuyết này không có thực, những người khác lại cho là rất hứa hẹn. Những khám phá ủng hộ thuyết này xuất hiện ngày càng nhiều[vii], trong khi những người hoài nghi cũng làm dấy lên tranh cãi.

Làm thế nào để vượt qua chấn thương liên thế hệ?

Đối với Bruno Clavier: “Chúng ta có thể thoát khỏi đau khổ của mình nếu ‘công lý được thực thi’, nghĩa là trải nghiệm gây chấn thương có được sự công nhận, công khai, của tập thể”. Sự “mặc khải” này là đỉnh cao của quá trình trị liệu. Quá trình này trước hết cần đi theo hai giai đoạn chính:

  • Tìm kiếm, nghiên cứu và phân biệt các vấn đề, bệnh tật của riêng bệnh nhân với các vấn đề, bệnh tật có liên quan đến tổ tiên;
  • Bước tiếp theo là dựng lại câu chuyện, mở ra những bí mật, làm sáng tỏ “hầm mộ” mà cho đến nay vẫn còn bị giấu trong màn sương, để cá nhân hiểu được bản thân anh ta đã biểu hiện những tổn thương này trong cuộc đời mình như thế nào. Để làm được điều này, có nhiều phương pháp khác nhau có thể được thực hiện tùy theo sở trường của nhà trị liệu và hồ sơ của bệnh nhân (nói, kể, vẽ, lập gia phả, diễn lại các sự kiện đau thương, thôi miên).

Điều gì sẽ xảy ra với chấn thương không được điều trị?

Đối với Bruno Clavier, nhiều người đã bỏ qua quá trình phân tâm liên thế hệ và do đó không bao giờ thực sự được “chữa lành”. “Nhờ các phương pháp trị liệu khác, họ sẽ thấy các triệu chứng của mình giảm dần, hoặc đổi vị trí. Một số sẽ tái phát và tái diễn những triệu chứng của tổ tiên, mà không bao giờ hiểu được nguồn gốc các hành vi của mình”.

Đối với một số người, phân tâm học liên thế hệ chỉ là một cách được coi là “khá dễ dàng” để trốn tránh trách nhiệm về cảm xúc hoặc hành vi của mình, và coi cha mẹ hoặc tổ tiên là vật tế thần. Đối với những người khác, đó là một cách tiếp cận trị liệu cho phép hiểu rõ hơn một số biểu hiện bí ẩn mà cá nhân không thể giải thích. Trong mọi trường hợp, đây là cơ hội để tách bản thân ra khỏi các triệu chứng và cảm xúc ký sinh và cuối cùng cho phép bản thân được là chính mình.


Chú thích

[i] “Vỏ và nhân”, tr.389, VI. Nghiên cứu về bóng ma trong vô thức và “luật im lặng”, Nicolas Abraham và Maria Torok

[ii] “Vỏ và nhân”, tr.227: IV. Hầm mộ trong bản ngã, những quan điểm tâm lý học siêu hình mới cf. “Maria Torok, những bóng ma của sự vô thức”, Serge Tisseron, 2006

[iii] “Một bất hạnh tuyệt diệu”, Boris Cyrulnik, Odile Jacob, 2002 và “Journal Clinique”, Ferenczi, 1932, Payot Định nghĩa về “sự phân chẻ của bản ngã” theo Ferenczi: “[…] dưới áp lực của một mối nguy hiểm sắp xảy ra, một phần của bản thân chúng ta được chẻ ra như một sự khẩn nài việc tự nhận thức, một mong muốn tự cứu mình và điều này có thể xảy ra từ khi còn nhỏ và thậm chí từ thời sơ sinh”.

[iv] Hội thảo: ký ức đau thương, Boris Cyrulnik, Đại học Nantes

[v] “Căng thẳng tiền sản ở chuột cái làm thay đổi yếu tố giải phóng Corticotropin loại 1. Biểu hiện ở buồng trứng và hành vi và yếu tố giải phóng Corticotropin loại 1 ở não chuột con”, Ziadan và cộng sự, 2013. (Bản tóm tắt trực tuyến): nghiên cứu về ảnh hưởng qua thế hệ được tiến hành tại Đại học Haifa, nó cho thấy các loài gặm nhấm đã trải qua một trải nghiệm chấn thương sẽ trải qua một sự thay đổi trong biểu hiện trong gen của chúng, gen này có thể được truyền sang con cái của chúng.

[vi] Sự tiếp xúc với nạn diệt chủng Holocaust gây ra ảnh hưởng giữa các thế hệ trên FKBP5 Methylation, Rachel Yehuda và cộng sự (bản tóm tắt trực tuyến): Rachel Yehuda và công sự ở New York đã có một khám phá đáng ngạc nhiên. Họ quan sát thấy mức độ thay đổi của hormone căng thẳng cortisol ở hậu duệ của những người Do Thái sống qua Holocaust.


 

Bài viết gốc “La thérapie transgénérationnelle : guérir des traumatismes de nos ancêtres”, tác giả Dora Laty, 2020 (https://www.doctissimo.fr/psychologie/therapies/psychanalyse/therapie-transgenerationnelle)

Vân Anh dịch, biên tập và trình bày

Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang