“Ai chăm sóc cho người chăm sóc ?” – Bài trình bày mở đầu của TS. Phương Hoa tại TEDx HUS 2021

TS. Nguyễn Thị Phương Hoa là diễn giả mở đầu cho Hội thảo TEDxHUS 2021: The next normal, diễn ra ngày 30/10/2021 vừa qua.

Trải qua nhiều tháng “ẩn mình” để chung sức chống dịch, nhiều người trong chúng ta đang đứng trước nhiều ngã rẽ và luôn băn khoăn tự hỏi bản thân: “Mình nên làm gì tiếp đây?” Sống trong một xã hội VUCA – viết tắt của sự biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và không rõ ràng (Ambiguity) nhưng lại đang trong quá trình “bình thường mới”, con người ta dễ thấy tiềm năng ở nhiều nơi nhưng đồng thời cũng nhận ra những hạn chế đi kèm.

Từ xa xưa đến nay, dù xã hội có trải qua bao nhiêu bất ổn thì có một điều ta không thể phủ nhận, đầu tư vào con người là một khoản đầu tư khôn ngoan nhất. Khả năng của con người là vô hạn, và khi mỗi người đều có một sức mạnh nội tại thì chúng ta luôn bứt phá trong nghịch cảnh.

Đây chính là lúc ta có thể cho phép mình nán lại một chút để hiểu bản thân hơn, lắng nghe trái tim mình nhiều hơn, xây dựng sức mạnh nội lực để tìm ra một lối đi phù hợp nhất với chính mình trong giai đoạn này. Tài sản hay những biến động ngoài xã hội đều là những ẩn số tuỳ biến, nhưng những tổn thương trong tinh thần hay những trải nghiệm cảm xúc cá nhân lại là những điều ta cần quan tâm và nuôi dưỡng mỗi ngày.

TEDxHUS mong muốn sẽ là nơi người tham gia có thể trút bầu tâm sự, được lắng nghe và giải đáp những điều sâu kín của bản thân. Những nỗi buồn khi chịu đựng sự bạo hành tâm lí từ gia đình, những áp lực thành tích từ tư tưởng gốc rễ của thế hệ trước, những vất vả của bậc làm cha mẹ hay những nỗi niềm trăn trở của người làm sáng tạo và công nghệ khi muốn phục vụ khán giả của họ trong “bình thường mới” đều được bàn luận trong sự kiện này của TEDxHUS.

Bài trình bày “Ai chăm sóc cho người chăm sóc ?” của PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa đã mở đầu chuỗi bài phát biểu của TEDx HUS 2021. Dưới đây là bài viết tóm tắt bài trình bày của TS. Phương Hoa tại sự kiện:

Hãy chăm sóc cả Người chăm sóc!

Người chăm sóc người ốm, nhất là người chăm sóc người thân bị trầm cảm, rất cần được chăm sóc

Tháng 10/2013, những ngày, tháng dữ dội. Con tôi gọi điện thoại từ Manchester về lúc 2h sáng, trong khi đó tôi đang đi công tác ở Cao Bằng, đỉnh chóp nón của đất nước. Cháu nói con đang ở tầng cao nhất của ký túc xá và chuẩn bị nhảy xuống. “Con cảm thấy khốn khổ tới mức không thể tiếp tục chịu đựng được nữa, con xin lỗi bố mẹ” – Bạn ấy nức nở. Tôi đã thức cả đêm hôm ấy để nói chuyện với con và cháu đã ở lại với chúng tôi. Cháu đã trở về nhà, bảo lưu năm học đầu tiên của thời sinh viên mà đáng lẽ ra phải rất sôi động và nhiều khám phá. Chúng tôi đã thở phào khi đón được con về nhà. Thế nhưng những ngày tháng khó khăn của cháu, khi cháu tự nhốt mình trong phòng, tự làm đau mình, phải nghỉ học hàng năm trời… mới chỉ bắt đầu mà thôi.

Trầm cảm là một căn bệnh nếu ai chưa tự mình trải qua sẽ khó thấu hiểu và thông cảm. Nó không hề giống các bệnh thực thể, khi mà bạn có thể đau đớn về thể chất, nhưng sáng suốt về tinh thần. Bạn biết mình nên đi khám ở đâu, chữa bệnh thế nào, uống bao nhiêu thuốc sẽ khỏi, có cần nằm viện hay mổ xẻ gì không, hoặc ít nhất là bạn biết cần báo tin cho ai và ai có thể giúp đỡ bạn.

Trầm cảm và các bệnh tâm trí khác không giống vậy. Chúng đánh thẳng vào “bộ tổng chỉ huy” là bộ não của bạn, chúng có thể khiến bạn đau đầu, mệt mỏi về thể chất, nhưng quan trọng nhất là chúng khiến bạn không còn sáng suốt, kiểu chúng mang lại cho bạn các thông tin sai lệch, từ đó mặc dù trên thực tế bạn đang an toàn và đang được chăm sóc, chúng vẫn bật tín hiệu lo lắng, bất an, căng thẳng, cô đơn và sợ hãi kéo dài.

Những tín hiệu lo lắng, bất an, căng thẳng, cô đơn và sợ hãi kéo dài ấy lan truyền qua ánh mắt, cử chỉ, hành vi sinh hoạt tới mỗi người trong nhà và chúng tôi đã khổ sở, nói chung là, từng giây, từng phút. 

Nhưng câu chuyện tôi muốn kể với các bạn không phải về con tôi mà về chính bản thân mình, về tôi, chồng tôi, con gái tôi, các em tôi và mẹ tôi, những người chăm sóc cháu. Đó là câu chuyện chúng tôi đã vượt qua căng thẳng bằng cách nào, tự chăm sóc tốt cho bản thân ra sao để có thể chăm sóc con và ngược lại, chúng tôi đã hưởng lợi gì trong quá trình chăm sóc ấy.

Các bạn yêu quý, trong Hội trường có bạn nào từng chăm sóc cho bố mẹ, ông bà, anh chị em, hay con mình ốm không – không nhất thiết là bệnh thể chất hay tinh thần?…

Chúng ta đều biết hiện nay chúng ta đang chịu áp lực rất lớn từ đại dịch COVID-19. Toàn thế giới có khoảng 240 triệu người mắc COVID-19 (và có thể rất nhiều người mắc nhưng không có triệu chứng nên không được thống kê). Trong 24 giờ gần đây nhất, đã có khoảng 64 nghìn người mắc COVID-19 và tổng số người đã thiệt mạng do COVID-19 là gần 4.9 triệu người. Nếu mỗi người mắc COVID-19 cần có ít nhất 1 người thân (không kể tới nhân lực ngành y) chăm sóc, thì chúng ta có ít nhất gần ¼ tỷ người đã và đang đối mặt với những lo lắng, bất an, căng thẳng và cô đơn, trong đó khoảng 5 triệu gia đình đối mặt với các sang chấn tâm lý do mất người thân trong hoàn cảnh bị cách ly, không thể gặp mặt để nói lời từ biệt. COVID-19 khiến chúng ta buộc phải cách ly, bằng cách đó nó khiến chúng ta trải nghiệm nỗi cô đơn khi bị tách ra khỏi những người thân và hoàn cảnh sống quen thuộc của mình.

May mắn là trên 80% những người mắc COVID-19 sẽ bị nhẹ, hoặc không có dấu hiệu và khỏi bệnh trong vòng 1 vài tuần. Nhưng tình hình sẽ hoàn toàn khác nếu người thân của bạn mắc trầm cảm. Thời gian khỏi bệnh sẽ tính bằng năm, thậm chí bằng chục năm.

Số liệu từ WHO (2020)

Approximately 20% of patients experienced severe symptoms, and the average development time from initial symptoms to severe is 5-8 days. After severe stage 7-10 days, if there are no symptoms of respiratory failure, the patient’s clinical signs will gradually return to normal and recover from the disease. Under the new treatment regimen, all persons with no and mild symptoms will be treated in general ward. Severe and life-threatening conditions necessitate treatment in an intensive care unit. Because there are currently no effective specific antivirals or drug to cure COVID-19-19, individualized treatment plan should be provided, particularly in severe case.”

Bộ Y tế (cập nhật ngày 06/10/2021): 

Đối với thể alpha, 80% bệnh nhân COVID-19-19 có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng và diễn biến nặng thường khoảng 5-10 ngày và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với biểu hiện suy hô hấp cấp, tổn thương phổi do COVID-19-19, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng cơ quan bao gồm tổn thương thận cấp, tổn thương não, tổn thương tim và dẫn đến tử vong.”

Thường thì tôi luôn muốn cố gắng thuyết phục những người cha, người mẹ, người ông, người bà, người anh, người chị dẫn con, em họ đến tham vấn rằng người thân của họ đang được họ lo lắng, chăm sóc, còn chính bản thân họ thì chưa được chăm sóc đúng mức và sự căng thẳng sẽ có ảnh hưởng qua lại hai chiều.

Có người mẹ nói với tôi ở buổi tham vấn thứ hai rằng chị đã ở lại trong buồng tắm lâu hơn 5’ để tận hưởng cảm giác nước ấm xối trên cơ thể mình và gột rửa những lo toan, vất vả. Chị đã luôn vội vã, hấp tấp đi làm, cuống cuồng qua chợ mua đồ ăn, đầu óc luôn sắp xếp công việc để tận dụng từng giây phút trở về bên con, luôn cảm thấy có lỗi nếu có lần ngồi 15’ để uống với cô bạn thân một cốc trà trước khi về nhà vì đã ăn bớt vào thời gian chăm cho con để lo cho bản thân. 

Những người mẹ, người cha, ông, bà, anh, chị có người thân mắc trầm cảm họ thường cố gắng thuyết phục tôi rằng họ không có thời gian để chăm sóc chính mình, rằng họ không nỡ bỏ con em họ một mình… 

Còn tôi thì ngược lại, tôi tìm cách phân tích với họ rằng khi họ căng thẳng, họ sẽ nhân đôi căng thẳng của người thân lên. Trầm cảm tạo ra những tâm trạng và cảm xúc rất tiêu cực, chúng cần bị triệt tiêu đi, chứ không phải ngược lại. Vậy cho nên nếu chính chúng ta đang căng thẳng, thì làm thế nào mà giúp đỡ và triệt tiêu bớt cảm xúc tiêu cực từ người thân của chúng ta được. Mong muốn ở bên con thêm vài phút là chính đáng, nhưng liệu mong muốn ấy có hiệu quả không nếu chúng ta mệt mỏi, căng thẳng. Ngược lại, sau khi uống cốc trà với bạn 15’ chúng ta có thêm năng lượng tích cực, ở lại thêm dưới vòi nước ấm thêm 5’ chúng ta thư giãn hơn và bình an hơn. 20’ ấy và sự thư giãn của bản thân người chăm sóc sẽ có thể mang lại những giờ phút thư giãn cho người được chăm sóc, người ốm sẽ cảm nhận được sự khỏe khoắn, bình an của cha mẹ, anh chị mình và được hưởng lợi ít nhiều từ năng lượng tích cực này, ví dụ họ có thể quyết định bắt đầu chia sẻ về cảm xúc của họ khi thấy người chăm sóc mình đang ở trong tâm trạng phù hợp, thư thái hơn là cảm thấy người chăm sóc mình lo lắng, vội vã.

Có một vài người chồng có vợ trầm cảm sau sinh nhắn tin hỏi: “tôi phải làm gì khi vợ tôi đóng cửa phòng và không muốn gặp người thân”. Câu trả lời của tôi là anh hãy làm việc của anh, tranh thủ lúc vợ muốn ở một mình để lo một chút cho bản thân và cho con. Nếu anh vẫn rất lo lắng thì đừng đi đâu xa, hãy đảm bảo là khi cô ấy cần có anh thì anh sẵn sàng lắng nghe, chăm sóc cô ấy. Nếu chúng ta không thể thư giãn đôi chút, không thể làm việc của mình lúc có thời gian, có lẽ chính chúng ta đã rơi vào những cơn lo âu kéo dài mất rồi đấy. Hãy cảnh  giác. 

Những người chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm thường luôn luôn cố gắng. Hãy tưởng tượng, sự cố gắng thêm một chút thôi giống như ta đi chợ, sau khi mua đủ đồ ăn, ta đã có 2 túi nặng rau và thịt, cá, nhưng vẫn cố xách thêm 5kg gạo, cố thêm một túi nước giặt 5kg, cố thêm một nải chuối xanh, thêm một bó hoa và nhớ ra cần mua thêm 1kg đường nữa. Và thế là, bỗng nhiên cái lưng của ta “khục” xuống, đĩa đệm của một đốt sống lệch khỏi vị trí của nó và ta chỉ còn cách tới bác sĩ, chữa trị, đôi khi phải can thiệp bằng phẫu thuật, đôi khi để lại di chứng cả đời. Vậy thì, để tránh chấn thương bất ngờ, chúng ta hãy mang những túi thịt, cá và rau về nhà cất đi đã, nếu cần chúng ta sẽ quay trở lại siêu thị để mua những đồ khác. Hãy thư giãn những lúc có thể, ngay và luôn nhé.

Có một bà mẹ ở Huế dẫn con ra Hà Nội để gặp tôi vào một tối muộn thứ bảy. Tôi đã cố gắng thuyết phục chị ấy chăm sóc bản thân nhiều hơn và sau này, mỗi khi chị ấy nhắn tin hỏi tôi rằng chị ấy nên làm gì khi con chị từ chối nói chuyện với mẹ và đòi ở một mình, thì tôi luôn trả lời rằng ít nhất thì chị ấy hãy ngồi xuống tĩnh tâm, tập thở sâu, nếu không bị nỗi lo lắng bám lấy dù chỉ trong vài phút cũng đã là rất tốt. Rồi nếu chị ấy bình tâm hơn, đỡ lo lắng hơn, chị ấy có thể đi dạo hoặc tốt hơn nữa thì ra bãi biển đi bộ khoảng một vài giờ. Các bạn có biết không, con gái chị ấy đã tiếp tục đi học, hiện nay bạn ấy đã kết thúc được năm học khó khăn và thi tốt nghiệp lớp 12 với kết quả cao. Sau khi bàn bạc với mẹ, bạn đã không nghỉ một năm như quyết định trước đây để đi làm từ thiện, giúp đỡ một trại nuôi dưỡng các bé bị bỏ rơi từ khi sinh ra, mà đã nhập học Đại học Sư phạm Huế.

Trong những ngày làn sóng COVID-19 thứ tư nhấn chìm thành phố Hồ Chí Minh vào sự lo âu, có phần hoảng loạn khi mỗi ngày thành phố có từ 3 đến 6 ngàn bệnh nhân mới, từ 1/8/2021 tôi bắt đầu tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành góp phần chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà, hoặc trong khu cách ly với mục đích là hướng dẫn, động viên họ hàng ngày, thăm hỏi để kịp thời phát hiện các ca bệnh trở nặng gửi cấp cứu bệnh viện. Trong số khoảng 500 ca bệnh tôi được phân công theo dõi trong 3 tháng vừa qua, có những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Họ là những người mẹ bản thân mắc COVID-19, đồng thời chăm sóc cho các con và cả gia đình cũng là những bệnh nhân COVID-19. Có những gia đình hơn 10 thành viên đều mắc COVID-19. Có những bạn đã xét nghiệm âm tính với COVID-19, nhưng mỗi buổi chiều lại lên cơn hoảng sợ không có lý do… Ở cách xa họ hàng ngàn cây số, tôi kiên nhẫn nhắc nhở họ uống nước ấm, sát khuẩn họng bằng nước muối sinh lý, đeo khẩu trang và nhất thiết phải tự chăm sóc sức khỏe cho mình, ăn uống đủ chất, chăm sóc giấc ngủ, nghỉ ngơi tất cả mọi lúc khi có thể. Tập thể dục, hít thở sâu, mát-xa đầu, mát-xa gan bàn chân và thư giãn.

Vậy theo các bạn, chăm sóc bản thân có khó lắm không nhỉ? Có bạn nào thấy những câu chuyện tôi vừa kể giống với những gì các bạn đang nghĩ, đang sợ và đã trải qua ko? Những bước tôi vừa khuyên các ông bố, bà mẹ, ông chồng làm có khó làm ko? Không khó lắm phải không nào, nhưng cũng chẳng dễ đâu nhé. Chúng ta chỉ có thể làm được khi chúng ta thay đổi chính nhận thức của mình. Chúng ta sẽ không làm được nếu lúc nào cũng thường trực lo âu, sợ hãi về người thân của mình.

Trở lại câu chuyện của bản thân tôi, từ lúc đưa con vào bệnh viện và cảm giác bầu trời sụp đổ là tôi rơi thẳng xuống tầng cuối cùng của địa ngục, nay tôi đã trở lại mặt đất bình an. Từ cảm giác tủi thân, ứa nước mắt khi thấy những đứa trẻ nắm tay và ríu rít bên bố mẹ chúng, giờ tôi đã lại được nắm tay con mình, được nó chăm sóc khi tôi ốm đau, cảm cúm, tôi đã cảm nhận rất rõ ràng tình yêu của con dành cho mình. Bài học tôi rút ra suốt 8 năm bên con là trước hết phải tự giúp bản thân mình đã, vì khi chúng ta không khoẻ, chúng ta không thể chăm sóc ai được cả. Chúng ta không thể cho người khác điều mà chúng ta không có. Cho nên, chính chúng ta phải khoẻ, chính chúng ta phải an vui, chính chúng ta phải tự tin thì chúng ta mới có thể giúp người thân của chúng ta khoẻ mạnh, an vui và tự tin được. Chính chúng ta mà không hạnh phúc thì sẽ không bao giờ có thể giúp được ai hạnh phúc cả đâu. 

Vậy tôi đã làm gì suốt 8 năm đằng đẵng chiến đấu với căn bệnh trầm cảm của con? Tôi tập thở, yoga và tập thiền. Tôi chọn cho mình một môn thể thao phù hợp với sức và sở thích của tôi là bơi lội để tập hàng ngày, bất kể mùa đông hay mùa hè. Tôi ăn đủ chất, uống thêm dầu cá, theo dõi cân nặng, theo dõi giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ và chất lượng giấc ngủ sâu. Tôi đọc kinh hàng ngày vì thấy việc đọc kinh giúp tôi bình an và tin tưởng vào tương lai. Tôi đọc sách, tìm đọc tất cả các tài liệu cần thiết về căn bệnh mà con tôi mắc phải. Tôi tìm những khoảng thời gian cho bản thân, đi leo núi, học ngoại ngữ, học vẽ … Tôi trở thành con người khác sau 8 năm, cùng với việc khỏi bệnh của con, tôi cũng trở nên hạnh phúc hơn, bình an hơn.

Tôi đã viết được 2 cuốn sách về căn bệnh này và sẽ tiếp tục viết nữa. Tôi trở lại hành nghề tham vấn và nghiên cứu, giảng dạy tâm lý học. Tôi mong muốn giúp được nhiều gia đình lấy lại niềm vui và sự bình an để cùng con em họ vượt qua căn bệnh trầm cảm.

Tất cả chúng ta ai cũng cần được chăm sóc! Tất cả chúng ta cần được chăm sóc đúng cách và đúng lúc. Cầu mong tất cả chúng ta đều mạnh khoẻ.

“Chỉ có bốn loại người trên thế giới. Những người đã từng là người chăm sóc, những người hiện đang là người chăm sóc, những người sẽ là người chăm sóc và những người sẽ cần người chăm sóc.”- Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Rosalynn Carter.

Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa

Chỉnh sửa: Phương Anh (Ban ND – TEDxHUS)

—- (*) Bản quyền bài viết thuộc về TEDxHUS. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: TEDxHUS”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang