Ngày nay, lời phàn nàn về việc những người tự cho mình là trung tâm đã trở nên khá phổ biến. Quá nhiều người trong chúng ta bị “ám ảnh với bản thân”, chỉ nghĩ đến bản thân và coi bản thân là “trung tâm của vũ trụ”, và rồi câu chuyện cứ thế tiếp diễn. Nhưng có đơn giản là như vậy không? Trong câu chuyện trên, vẫn có một sự thật thường bị bỏ sót. Càng hướng vào bản thân, hầu hết chúng ta cũng lại càng khó khăn với chính mình, lại càng phê bình bản thân nhiều hơn, với lầm tưởng rằng việc đó sẽ khiến ta nỗ lực hơn, thành công hơn, và rồi hạnh phúc hơn. Bài viết này sẽ giải thích tại sao ta lại liên tục có những hành vi tự phê bình và tự hủy hoại như trên? Vấn đề cốt lõi của chúng là gì? Hậu qảu lâu dài mà chúng đem lại là gì?
Chúng ta cần hiểu về cốt lõi của thói quen tự phê bình để tìm ra phương án thay thế lành mạnh hơn, cho một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc hơn.
Cha mẹ và giá trị bản thân
Bạn có một vấn đề cá nhân ư? Vậy hãy truy ngược lại thời thơ ấu của bạn và trách cứ cha mẹ bạn. Trong trí tưởng tượng phổ biến thời đại này, đây là một trong những ý tưởng khuôn sáo nhất về tâm lý học nói chung và phân tâm học nói riêng. Tất nhiên, đây là một sự đơn giản hóa quá mức, cả những vấn đề của chúng ta và cách tâm lý học nói về chúng. Nhưng khi ta đối mặt với sự tự phê bình và cảm giác thiếu sót, thực sự ở đây có một yếu tố của sự thật: Xu hướng tự phê bình và cảm thấy thiếu thốn của ta thường bắt nguồn từ thời thơ ấu. Nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng ta có nhiều khả năng chỉ trích bản thân khi trưởng thành nếu hồi còn nhỏ cha mẹ thường chỉ trích ta. Xét cho cùng, để lớn lên, ta phụ thuộc vào cha mẹ để hướng dẫn ta vượt qua những thử thách trong cuộc sống, giúp ta hiểu thế giới xung quanh, khiến ta cảm thấy an toàn và được yêu thương. Do đó, một cách tự nhiên, ta có xu hướng tin tưởng vào đánh giá của họ và tìm kiếm sự chấp thuận từ họ.
Bây giờ, hãy kết hợp xu hướng đó với một người cha mẹ rất hay chỉ trích, thế là bạn đã có một công thức thảm họa. Để biết lý do tại sao, hãy tưởng tượng bạn là một đứa trẻ và cha mẹ bạn chỉ trích từng hành động nhỏ của bạn, từ cách bạn dùng bữa ăn đến cách bạn ăn mặc khi đi học và giả sử họ cũng chỉ trích bạn bằng những nhận xét miệt thị. Họ gọi bạn là đồ ngu ngốc vì đã làm điều gì đó sai trái, chẳng hạn như băng qua đường mà không nhìn xung quanh. Sau một thời gian, những lời chỉ trích và hạ thấp liên tục sẽ tạo thành một “bản cáo trạng chung” về con người bạn. “Tôi không ổn, con người tôi không tốt, tôi cần phải tốt hơn nữa và nếu tôi không hoàn hảo, tôi sẽ không đáng được yêu thương”.
Kiểu suy nghĩ đó có thể khiến những lời chỉ trích của cha mẹ bạn tác động nặng nề lên bạn khi còn nhỏ. Đương nhiên, bạn sẽ muốn tránh điều đó xa nhất có thể. Và điều đó có thể khiến bạn bắt đầu lường trước những lời chỉ trích của cha mẹ. Để tránh phải nghe chúng, bạn sẽ phê bình bản thân trước cả khi họ có cơ hội làm điều đó với bạn. Bằng cách đó, bạn có thể sửa đổi hành vi của mình và tránh được sự chối bỏ của họ trước khi họ làm thế. Ở thời điểm này, bạn đã chấp nhận sự chỉ trích của cha mẹ mình. Những lời phán xét và lời nói của họ đã trở thành một phần của những bình luận bên trong tâm trí bạn. Nếu chẳng hạn, bạn làm rơi một cốc nước, bạn có thể tự gọi mình là đồ ngốc và chỉ trích bản thân vì sự vụng về của mình. Kết quả chung cuộc là thói quen tự phê bình và cảm giác kém cỏi đã ăn sâu vào tuổi trưởng thành của bạn.
Các cấu trúc xã hội và tác động mà chúng có thể có
Vậy thì đổ hết lỗi cho cha hay mẹ mình chăng? Không đơn giản như vậy. Trước hết, không chỉ cha mẹ ta mới có thể khiến ta hình thành thói quen tự phê bình và cảm giác bản thân thiếu sót. Đó cũng có thể là anh chị em, cô dì chú bác, huấn luyện viên, giáo viên hoặc bất kỳ ai khác mà những lời chỉ trích của họ đã để lại dấu ấn lên ta khi ta còn nhỏ. Thứ hai, không chỉ có những người cụ thể định hình cuộc đời ta. Đó cũng là những xã hội rộng lớn hơn nơi ta đang sống. Áp lực xã hội khuyến khích ta tự phê bình và cảm thấy bản thân không đủ.
Ở phương Tây thì hầu hết con người sống trong chủ nghĩa cá nhân có tính cạnh tranh cao, nơi mọi người đều đọ sức với nhau và bị áp lực phải vượt lên trên nhau, còn ở phương Đông, nền văn hóa “cào bằng”, chỉ trích cá nhân và sĩ diện “cho bằng chị em bạn bè” dễ khiến con người có lòng tự tôn thấp. Ở riêng phương Tây thì con người sẽ đánh đồng cảm giác hài lòng về bản thân với cảm giác mình đặc biệt.
Theo những ý tưởng phổ biến trong nền văn hóa phương Tây (và giới trẻ châu Á đang dần đi theo con đường này) “đặc biệt” có nghĩa là trên mức trung bình, lý tưởng là số một. Nhưng ta đâu thể cho tất cả mọi người trên mức trung bình, thế là ta chỉ có thể “ở đỉnh” nếu những người khác ở dưới ta. Kết quả là, ta xem người khác là đối thủ của mình và trở nên ám ảnh với việc đánh bại họ trong trò chơi cuộc đời. Để theo dõi xem mình đang thắng hay thua, ta liên tục so sánh thành tích của mình với thành tích của người khác. Đồng thời, ta cũng theo dõi sát sao cách ta đo lường bản thân theo các tiêu chuẩn mà xã hội tôn vinh, chẳng hạn như thành công về vật chất và sức hấp dẫn về thể chất.
Ý thức về giá trị bản thân của ta gắn liền với ý thức về việc ta đang làm tốt, hiệu quả và năng suất như thế nào so với những người khác và với các tiêu chuẩn mà ta là người tự đánh giá trước tiên. Tất nhiên, ta sẽ không bao giờ giỏi hơn người khác về mọi thứ. Và sự hoàn hảo sẽ luôn nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Cho dù ta đang ngắm nhìn một doanh nhân giàu có trên một chiếc xe hơi sang trọng hay một người mẫu xinh đẹp không tưởng trên bìa tạp chí, ta vẫn sẽ luôn có thể tìm thấy ai đó thành công, hấp dẫn, thông minh, tài năng, hợp thời trang hoặc thú vị hơn ta. Và cho dù ta giỏi một lĩnh vực nào đó đến đâu, ta vẫn luôn có thể làm tốt hơn thế. Và ta sẽ luôn mắc sai lầm. Sau tất cả, ta vẫn chỉ là con người và ta sẽ luôn có chỗ để cải thiện. Do đó, chừng nào ta còn đánh giá giá trị bản thân qua cách ta so sánh với người khác và với tiêu chuẩn của xã hội, ta sẽ luôn cảm thấy không hài lòng với chính mình. Ta sẽ luôn tìm ra khoảng cách giữa họ và ta. Và chừng nào ta còn tập trung vào hố ngăn cách đó, ta vẫn sẽ luôn tìm thấy cái gì đó để chỉ trích về con người ta là và cái ta đang làm.
Tự phê bình và động lực
Nếu bạn tin vào sự hoàn thiện bản thân, có thể bạn đang cảm thấy hoài nghi vào thời điểm này. “Chắc chắn rồi,” bạn có thể nói. “Có lẽ những trải nghiệm thời thơ ấu ” và áp lực xã hội đã bẫy ta vào một vòng lặp “tự phê bình và cảm thấy mình kém cỏi” nhưng có thể đó lại là một điều tốt. “Chẳng phải nó ngăn ta nghỉ ngơi trên bục vinh quang của mình sao?” Chẳng phải nó thúc đẩy ta tiếp tục cải thiện bản thân sao?” Có và không.
Tự phê bình có thể thúc đẩy ta ở một mức độ nào đó nhưng nó đi kèm với những cái giá nghiêm trọng. Trong phạm vi trong đó sự tự phê bình là động cơ thúc đẩy, ta có thể phân tích điều này với thực tế là ta phải nghe lấy những điều đau đớn. Như ta đã thấy, sự tự phê bình thường đi kèm với những lời chê bai thậm tệ về bản thân, cùng với những phán xét gay gắt về giá trị bản thân nói chung của chúng ta. Nếu bạn hay tự phê bình và trễ hẹn, bạn có thể tự nhủ những điều như, “Ôi chao, mình đúng là đồ bỏ đi. Mình chẳng thể làm đúng bất cứ điều gì.” Nghe một thông điệp như thế rất đau đớn. Vì vậy, bạn sẽ cố gắng tránh nó nếu có thể. Có thể lần tới bạn sẽ nhớ đặt báo thức trên điện thoại. Bằng cách này, sự tự phê bình có thể thúc đẩy ta cải thiện bản thân nhưng chỉ vì ta sợ hãi nỗi đau mà nó gây ra. Đó là một điểm quan trọng cần nhớ vì nếu lấy nỗi sợ hãi làm động lực thì nó sẽ đi kèm với một số nhược điểm nghiêm trọng.
Đầu tiên, nó có thể khiến ta lo lắng, điều này có thể làm giảm cơ hội thành công của ta. Để biết lý do tại sao, hãy tưởng tượng bạn là một diễn viên sắp lên sân khấu. Bạn càng tập trung vào nỗi sợ bị đánh giá khắt khe về màn trình diễn của mình, bạn càng ít tập trung vào việc diễn xuất trong thực tế, bất chấp sự phán xét mà bạn sợ là của khán giả hay của chính bạn. Kết quả là chứng sợ hãi sân khấu sẽ khiến bạn mất tập trung và căng thẳng. Và nếu bạn thực sự lo lắng về nó, bạn thậm chí có thể cố ý thêm thắt những “hiệu ứng phụ” cho vở diễn. Bằng cách đó, bạn có thể loại bỏ những lời chỉ trích bản thân bằng cách tuyên bố rằng diễn xuất tệ hại của bạn không phản ánh chính xác khả năng thực sự của bạn với tư cách là một diễn viên.
Trong tâm lý học, hành vi này được gọi là hành vi “tự làm bản thân khuyết tật (self-handicapping)”. Liên quan mật thiết đến nó là một hành vi khác mà bạn có thể quen thuộc hơn nhiều: Tính trì hoãn (procrastination). Để tránh tự phê bình, bạn cũng có thể tránh luôn cái nhiệm vụ thường khiến bạn tự phê bình. Bạn càng chậm hành động, bạn sẽ càng trì hoãn tới cái ngày đáng sợ, khi bạn tự phán xét chính mình. Nói tóm lại, “lợi ích” của việc tự phê bình có thể dễ dàng bị “chi phí” vượt qua, và ở đây còn chưa tính đến những thiệt hại sâu sắc hơn, lâu dài hơn mà nó có thể gây ra.
Hậu quả của sự tự phê bình gay gắt
Hãy tưởng tượng bạn và một người bạn đang đi trên một con đường băng giá thì bất ngờ người đó trượt chân ngã xuống đất, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn có lẽ sẽ không khoanh tay đứng đó và nói rằng “Trời ơi, cậu đúng là một tên ngốc vô dụng, cậu còn chẳng biết đi nữa!” Đó sẽ là một cách phản ứng rất tồi tệ, bât công và vô nghĩa đối với bất hạnh của người khác. Tuy nhiên, đối với những người trong chúng ta – những người luôn tự phê bình bản thân – đó là cách ta thường xuyên xử lý những thất bại và đau khổ của chính mình.
Sự tự phê bình luẩn quẩn của ta rất phản tác dụng. Điều đó trở nên rõ ràng khi ta tưởng tượng ta nói theo cách này với người khác. Và điều đó càng trở nên rõ ràng hơn nếu ta hình dung mình làm điều đó lặp đi lặp lại với một người luôn tin theo điều đó, chẳng hạn như một đứa trẻ. Ở đây, ta có thể thấy những lời chỉ trích của mình theo cách nó thực sự là: một hình thức ngược đãi bản thân. Sự tự phê bình gay gắt dẫn đến việc ngược đãi bản thân, về lâu dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Để biết lý do tại sao, hãy tưởng tượng một đứa trẻ sẽ phản ứng như thế nào nếu chúng cứ bị nói rằng mình vô dụng, chẳng ra gì hoặc không thể làm được điều gì đúng đắn.
Về lâu dài, những bình luận kiểu này sẽ làm suy sụp tinh thần của đứa trẻ khi lớn lên. Chúng sẽ làm giảm đi ý thức về giá trị bản thân của người đó, và chúng sẽ khiến người đó nhiễm tính “bất lực do học được (learned helplessness)”, liên tục sợ mình thiếu hoàn hảo hoặc sợ làm rối tung mọi việc. Điều này cũng đúng với chúng ta. Và nếu điều đó nghe có vẻ giống như con đường dẫn đến trầm cảm, lo lắng, bất an và không hài lòng về cuộc sống, thì chính xác là như thế. Nghiên cứu cho thấy rằng tự phê bình có thể dẫn đến tất cả những vấn đề này. Nó cũng có thể làm suy yếu những niềm tin về tính hiệu quả của bản thân: niềm tin của ta về khả năng hoàn thành mọi việc trong cuộc sống. Hàng chục nghiên cứu chứng minh rằng những niềm tin này liên quan trực tiếp đến khả năng hoàn thành công việc thực tế của ta. Đó là sự thật: càng tin tưởng vào bản thân, ta càng có nhiều khả năng đạt được mục tiêu của mình. Bây giờ hãy thêm vào đó là những tác động tức thời hơn của việc tự phê bình mà ta đã xem xét trước đây.
Hãy nhớ rằng nỗi sợ hãi có thể khiến ta căng thẳng, mất tập trung, dễ trì hoãn và khó chấp nhận bản thân như thế nào? Nếu ta đặt tất cả các mảnh ghép này lại với nhau, bức tranh sẽ trở nên rõ ràng. Tự phê bình không chỉ có thể khiến ta phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng mà còn có thể làm suy yếu khả năng cố gắng hết mình của ta – chính điều mà nó được cho là khuyến khích ta hành động. Nói cách khác, tự phê bình không giúp ích được gì cho ta, ngay cả theo chuẩn của chính nó. Ngay cả khi ta chỉ muốn cải thiện bản thân, đó vẫn là một chiến lược sai lầm và thà không sử dụng đến nó còn tốt hơn
Thông qua phân tích ở trên, ta có thể thấy rằng tự phê bình là “thủ phạm” khiến ta quá ám ảnh với bản thân, theo hướng không lành mạnh: Ta tức giận với chính mình khi mắc lỗi. Ta luôn tuân theo các tiêu chuẩn cao không thể tưởng tượng được. Và sau đó khi không đạt được chúng thì ta tự trách mình. Ta tự phê bình bản thân một cách vô cùng khắc nghiệt khi trải qua cuộc sống hàng ngày và ta liên tục tự nhủ rằng con người ta như hiện tại là không đủ tốt. Tất cả những điều này để lại cho ta một cảm giác thiếu sót dai dẳng. Vậy đâu là hướng chữa lành cho vấn nạn này? Liệu ta có thể thay thế nó bằng một cách đối xử tử tế hơn, lành mạnh hơn và hiệu quả hơn với bản thân hay không? Tiến sĩ Kristin Neff chuyên nghiên cứu về lòng tự trắc ẩn, sẽ giải đáp cho chúng ta trong bài viết tiếp theo.
Vân Anh tổng hợp
Nguồn: Kristin Neff, Self-Compassion: The Proven Power of Being Kind to Yourself (Blinkist Summary)
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia
One thought on “Tự phê bình có phải là nguồn động lực tốt hay không?”