Các giai đoạn trong đời, khi phân chia một cách khái quát thường có ba giai đoạn: thời thơ ấu, tuổi trưởng thành và tuổi già. Hoặc có thể là bốn: giai đoạn trẻ nhỏ, thời thơ ấu, thiếu niên và trưởng thành. Theo tâm lý học phát triển, đời người được chia thành chín giai đoạn như sau:
- Phát triển tiền sản
- Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi
- Lứa tuổi mầm non
- Lứa tuổi tiểu học
- Tuổi mới lớn
- Người lớn trẻ – lứa tuổi trưởng thành sớm
- Lứa tuổi trưởng thành-trung niên
- Tuổi trung niên, trưởng thành muộn
- Lão niên, cuối đời
Danh sách này phản ánh các khía cạnh độc đáo của các giai đoạn khác nhau của thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Vì vậy, trong khi cả trẻ 8 tháng tuổi và trẻ 8 tuổi đều được coi là trẻ em, chúng có khả năng vận động, các mối quan hệ xã hội và kỹ năng nhận thức rất khác nhau. Nhu cầu dinh dưỡng cũng như các mối quan tâm về mặt tâm lý chính của chúng cũng khác nhau. Điều này cũng đúng với một người 18 tuổi và một người 80 tuổi, cả hai đều được coi là người lớn. Ta cũng cần phân biệt giữa người 28 và 48 tuổi. Nhưng trước tiên, đây là một cái nhìn tổng quan ngắn gọn về các giai đoạn.
Phát triển tiền sản
Sự thụ thai xảy ra và sự phát triển bắt đầu. Tất cả các cấu trúc chính của cơ thể đứa trẻ đang hình thành và sức khỏe của người mẹ được quan tâm hàng đầu. Hiểu biết về dinh dưỡng, những chất có khả năng khiến thai nhi dị dạng (hoặc các yếu tố môi trường có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh), chuyển dạ và sinh nở là những mối quan tâm hàng đầu.
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi
Năm rưỡi đến 2 năm đầu tiên của cuộc đời là những năm phát triển và thay đổi mạnh mẽ. Một đứa trẻ sơ sinh, với thính giác nhạy bén nhưng thị lực rất kém sẽ chuyển sang trẻ biết đi, biết nói trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Những người chăm sóc cũng chuyển đổi từ một người lo cho ăn và ngủ thành người hướng dẫn liên tục và đảm bảo an toàn cho một đứa trẻ năng động lẫn hiếu động.
Lứa tuổi mầm non
Thời thơ ấu còn được gọi là những năm mầm non bao gồm những năm sau khi trẻ mới biết đi và trước khi đi học chính thức. Khi ở độ tuổi từ 3 đến 5, đứa trẻ bận rộn với việc học ngôn ngữ, dần đạt được ý thức về bản thân và sự độc lập cao hơn, và bắt đầu học cách vận hành của thế giới vật chất. Tuy nhiên, kiến thức này không đến nhanh chóng và trẻ mẫu giáo ban đầu có thể có những quan niệm thú vị về kích thước, thời gian, không gian và khoảng cách, chẳng hạn như lo sợ chúng có thể rớt xuống cống nếu ngồi ở phía trước bồn tắm hoặc chứng minh điều gì lớn đến đâu bằng cách đưa hai ngón tay trỏ ra cách nhau vài cm. Lòng quyết tâm nhiệt thành của một đứa trẻ mới biết đi có thể nhường chỗ cho cảm giác tội lỗi của đứa trẻ 4 tuổi vì đã làm điều gì đó khiến người khác không tán thành.
Lứa tuổi tiểu học
Đây là trẻ em thuộc độ tuổi từ 6 đến 11 và phần lớn những gì trẻ trải qua ở độ tuổi này có liên quan đến việc trải qua những năm đầu tiên ở trường học. Giờ đây, thế giới trở thành một nơi học tập và kiểm tra các kỹ năng học thuật mới. Khả năng và thành tích của một người được đánh giá bằng cách so sánh bản thân với người khác. Các trường so sánh học sinh và công khai những so sánh này thông qua các môn thể thao đồng đội, điểm kiểm tra và các hình thức công nhận khác. Tốc độ tăng trưởng ở độ tuổi này chậm lại và trẻ em có thể hoàn thiện các kỹ năng vận động của mình, trẻ cũng bắt đầu tìm hiểu về các mối quan hệ xã hội ngoài gia đình thông qua tương tác với bạn bè.
Tuổi mới lớn
Vị thành niên là một giai đoạn thay đổi thể chất mạnh mẽ, được đánh dấu bằng sự tăng trưởng vượt bậc về thể chất và trưởng thành về giới tính, được gọi là dậy thì. Đây cũng là thời điểm thay đổi nhận thức khi thanh thiếu niên bắt đầu nghĩ về những khả năng mới và xem xét các khái niệm trừu tượng như tình yêu, nỗi sợ hãi và tự do. Trớ trêu thay, thanh thiếu niên có cảm giác bất khả chiến bại khiến họ có nhiều nguy cơ tử vong do tai nạn hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể gây hậu quả suốt đời.
Người lớn trẻ – lứa tuổi trưởng thành sớm
Tuổi hai mươi và ba mươi thường được coi là tuổi trưởng thành sớm. (Nhiều người ở độ tuổi ngoài 30 vẫn có xu hướng thích được gọi là người trẻ!). Đó là thời điểm ta đang ở đỉnh cao về sinh lý nhưng lại có nguy cơ cao nhất vì dính líu đến tội phạm bạo lực và lạm dụng chất kích thích. Đó là khoảng thời gian tập trung vào tương lai và dồn nhiều tâm sức vào việc đưa ra những lựa chọn. Những lựa chọn này sẽ giúp cá nhân có được vị thế của một người trưởng thành hoàn toàn trong mắt người khác. Tình yêu và công việc là những mối quan tâm hàng đầu trong giai đoạn này của cuộc đời.
Lứa tuổi trưởng thành-trung niên
Cuối những năm ba mươi đến giữa những năm sáu mươi được gọi là tuổi trưởng thành trung niên. Đây là thời kỳ mà sự trưởng thành và già đi trở nên đáng chú ý hơn và là thời kỳ mà nhiều người đang ở đỉnh cao năng suất trong tình yêu và công việc. Đây có thể là giai đoạn tích lũy kiến thức chuyên môn trong một số lĩnh vực nhất định và độ tuổi này có thể hiểu được vấn đề và tìm ra giải pháp với hiệu quả cao hơn trước. Đây cũng có thể là thời điểm trở nên thực tế hơn về những khả năng đã được xem xét trước đây trong cuộc sống; nhận ra sự khác biệt giữa những điều khả dĩ và những điều thực sự có thể xảy ra. Đây cũng là nhóm tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch AIDS ở châu Phi, dẫn đến số lượng lao động ở các nền kinh tế đó giảm đáng kể (Weitz, 2007).
Tuổi trung niên, trưởng thành muộn
Khoảng thời gian của độ tuổi này đã tăng lên trong vòng 100 năm qua, đặc biệt là ở các nước công nghiệp phát triển. Ta có thể phân biệt giữa nhóm “người già” với những người từ 65 đến 79 và nhóm “cao niên, lão niên, cây đa cây đề” với những người từ 80 tuổi trở lên. Một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa các nhóm này là nhóm người già vẫn rất giống với những người trưởng thành ở tuổi trung niên; vẫn làm việc, vẫn tương đối khỏe mạnh, và vẫn quan tâm đến cách làm sao làm việc hiệu quả và năng động. “Người già” vẫn năng suất và năng động và phần lớn tiếp tục sống độc lập, nhưng có nguy cơ mắc các bệnh của tuổi già như xơ cứng động mạch, ung thư, và bệnh mạch máu não gia tăng đáng kể. Các vấn đề về nhà ở, chăm sóc sức khỏe và kéo dài tuổi thọ năng động chỉ là một vài trong số các chủ đề được nhóm tuổi này quan tâm. Một cách tốt hơn để đánh giá cao sự đa dạng của những người ở lứa tuổi này là làm sao sống với tuổi tác theo thời gian và kiểm tra xem một cá nhân có đang trải qua quá trình lão hóa tối ưu hay không, quá trình lão hóa ở họ là bình thường (trong đó những thay đổi tương tự như hầu hết những người cùng tuổi), hay lão hóa suy giảm (người đó có nhiều thách thức về thể chất và bệnh tật hơn những người cùng tuổi).
Lão niên, cuối đời
Chủ đề này hiếm khi được đề cập một cách xứng đáng. Tất nhiên, có một sự khó chịu nào đó khi nghĩ về cái chết nhưng cũng có một sự tin tưởng và chấp nhận nhất định có thể đến từ việc nghiên cứu về giai đoạn cuối đời và cái chết. Ở lứa tuổi này, ta sẽ xem xét các khía cạnh thể chất, tâm lý và xã hội của cái chết, khám phá sự đau buồn hoặc mất mát, và làm việc với cái chết. Ta cũng sẽ thảo luận về các biến thể văn hóa trong tang chế, chôn cất và trải qua đau buồn khi người thân, bạn bè ra đi.
Vân Anh dịch và biên soạn
Nguồn: Developmental Psychology Course, Professor Bill Pelz, Herkimer College / SUNY, https://courses.lumenlearning.com/suny-hccc-ss-152-1/
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia