Đừng lý luận khi dạy con trẻ!
Là phụ huynh, liệu bạn đã bao giờ cố gắng giải thích điều gì đó cho con mình và cho chúng một lời giải thích thực sự quan trọng, trung thực, hợp lý hợp lẽ tại sao chúng nên hoặc không nên làm điều gì đó, hay bạn giảng giải về một quy tắc, hay trả lời “rốt ráo” cho một câu hỏi của chúng chưa? Và sau chừng 10 giây, bạn nhận ra là chúng thực sự không lắng nghe hoặc phản ứng của chúng cho bạn thấy là chúng thực sự không hiểu bạn vừa nói gì.
Đây là một trong những điều khó chịu nhất mà cha mẹ bày tỏ với các bác sĩ nhi hay nhà tâm lý trẻ em: “Chúng tôi cứ nói và tôi cảm thấy như chúng chẳng nghe gì cả” hoặc “chúng không hiểu!”, hoặc “tôi cứ cảm thấy như mình đang nói mà chẳng có lý do gì cả.” “Tôi cứ giảng giải đến tái cả mặt mày.” Thuốc giải cho vấn đề này là: chúng ta phải ngừng cố gắng giảng giải logic với con cái!
Lý do là thế này: Người lớn chúng ta logic, có lý trí, ta là những sinh vật có trí tuệ. Vì vậy, ta xử lý mọi thứ thông qua tâm trí ý thức của mình. Ta sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên nhận thức, trí não để hiểu thế giới. Nhưng trẻ em hiểu thế giới bằng cảm xúc, chúng phi lý trí, chúng chỉ “ở ngay đây và ngay bây giờ”; được thúc đẩy bởi phản ứng của chúng với ngay thời điểm đó mà thôi. Vì vậy, nếu hiểu được điều này, ta sẽ hiểu sâu sắc lý do tại sao chúng như “tắt máy, không nghe, không hiểu”. Và song song với điều đó thường là sự bực bội của cha mẹ khi hỏi con cái “Tại sao con cứ làm vậy? Cái gì khiến con nghĩ đó là một ý tưởng hay? Con nghĩ gì khi đá hay ném cái đó đi?” Câu hỏi điển hình là liên quan đến các hành vi của chúng. Ta hỏi và nhận được câu trả lời bằng một chữ. Con không biết. Con cứ làm thôi. Chúng thực sự không có nhiều thứ để nói, và điều đó có thể rất khó chịu.
Tương tự như vậy, nếu ta hỏi chúng những câu hỏi đóng như Ngày hôm nay của con thế nào? Ổn ạ. Ở trường thế nào? Tốt ạ. Con ổn không? Tàm tạm ạ. Câu trả lời chỉ bằng một từ, và điều đó cũng có thể khiến cuộc trò chuyện bị ngắt quãng và có thể khiến bạn bực bội. Tất cả những tương tác đó không phải là cố ý, cũng không phải muốn chống đối hay thách thức lại bạn, cũng không phải là bất cứ hình thức gây khó khăn nào cho bạn. Con bạn chỉ đơn giản là phi lý trí, chúng không suy luận, và chúng không sử dụng bộ não của chúng.
Trẻ em bị cảm xúc của chúng điều khiển và chi phối cho đến khoảng 12 hoặc 13 tuổi – độ tuổi mà lý luận trừu tượng được phát triển một cách tự nhiên. Trẻ có thể có khả năng lý luận sớm hơn một chút nếu có mục đích và thực hành. Nhưng hầu hết trẻ em sẽ có kỹ năng lập luận trừu tượng vào khoảng 12 hoặc 13 tuổi. Vì vậy, nếu chúng không thể lập luận trừu tượng, chúng sẽ bị sai khiến bởi 100% của bất cứ điều gì chúng cảm thấy, trong bất kỳ thời điểm nào (“ở đây, ngay và luôn” chính là như thế!). Hình ảnh ví von ở đây thường giống như một “công tắc” vận hành bằng phao: cảm xúc cứ dâng lên và dâng lên như nước tràn. Khi lên đến đỉnh, công tắc chuyển mạch và báo hiệu cho não nghỉ ngơi tí chút. Với bất cứ cảm xúc nào chúng đang trải qua, chúng sẽ đáp ứng nhu cầu đó, bằng bất cứ điều gì đáp ứng được cảm giác của chúng trong thời điểm đó. Và rồi sau đó, khi cảm xúc trở lại, công tắc phao lại cho nước dâng lên. Não phân tích khi nãy “lạc đi đâu mất”, nay quay trở lại, và thường bọn trẻ sẽ nhận ra “Ôi chao, mình đi quá xa rồi. Mình không nên la hét. Mình không nên nói câu đó. Mình không nên đánh anh chị em của mình. Mình không nên nói với cha mẹ là mình ghét họ” và trẻ thể hiện sự hối hận với bạn, chúng xin lỗi và thể hiện tình cảm với bạn, bởi vì “não” đã quay trở lại.
Vì vậy, khi đã hiểu rằng trẻ em bị cảm xúc của chúng chi phối và não khi đó không dự phần, thì nếu ta cố gắng khơi mào cuộc tranh luận với những lập luận hợp lý, lôgic, đứa trẻ sẽ “tai nọ qua tai kia”. Không phải vì chúng không quan tâm, không phải vì chúng không muốn hiểu mà bởi vì chúng không có khả năng làm như vậy.
Cách giao tiếp hiệu quả hơn với trẻ nhỏ
Vậy ta nên làm gì khi bảo ban trẻ? Nguyên tắc đầu tiên là trả lời thật ngắn gọn. Đó là một kỹ năng hữu ích: Nếu bạn không thể trả lời trong vòng 10 từ hoặc ít hơn, thì đừng nói.
Với 10 từ, bạn không thể lý lẽ nhiều phải không? Đó là lợi ích số một.
Nguyên tắc thứ hai là câu trả lời cần dựa trên thực tế. Bạn không nên cố gắng khiến trẻ đồng ý với bạn. Khi những đứa trẻ thất vọng, cư xử không đúng mực, hay tỏ ra thịnh nộ, chúng có một số vấn đề về hành vi hoặc cảm xúc. Ta có thể cố gắng giải thích cho chúng thật nhiều lý do hữu ích và thành thật tại sao chuyện đó nên hay không nên xảy ra và thay vào đó chúng nên làm gì, rồi thì bức tranh lớn, quy tắc hay bài học đạo đức – bất cứ điều gì – nhưng ta càng nói nhiều, thì cảm xúc và quan điểm của ta càng gây mù mờ cái thực tế đang diễn ra. Vì vậy, nếu ta giữ cho câu trả lời thực tế và trung lập, trẻ sẽ dễ hiểu hơn.
Ví dụ, đứa trẻ đang nhảy trên một chiếc ghế bành. Bạn đã đặt ra giới hạn là làm vậy không an toàn và ghế bành không phải để nhảy lên. Chúng cứ tiếp tục nhảy và thế là chúng bị ngã và bị thương. Đó thường là cơ hội ta tận dụng để cố gắng truyền đạt một quy tắc hoặc một bài học. Nhưng đây lại là lỗi lớn: Khi một đứa trẻ bị đuối nước, đó không phải là lúc dạy chúng bơi. Vì vậy, khi con bạn bị tổn thương, khi chúng xúc động, bị choáng ngợp, khi đó là một thời điểm rất khó khăn đối với chúng, đó không bao giờ là lúc ta nên cố gắng giúp chúng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cảm xúc của chúng đang đè nặng lên não chúng nên chúng không thể nghe hay đón nhận bất cứ điều gì bạn nói trong thời điểm đó.
Nhưng ta sẽ thường nói với chúng là “Thấy chưa, đây là lý do tại sao ba/mẹ đã bảo con không được nhảy trên ghế. Coi đi, giờ con đã nổi một cục u trên đầu và ba/mẹ phải chườm đá lên đó, ba/mẹ đã luôn cố gắng để con không bị ngã, nhưng khi con làm thế này, con cứ không cẩn thận, thế là…” Ta cứ mải miết nói – còn chúng sẽ “lạc đi” ngay sau 4 đến 5 giây, hoặc 4 đến 5 từ của ta. Ta cứ cố gắng lập luận với chúng nhưng chúng không có khả năng làm được điều đó, và chúng chắc chắn không ở vị thế cảm xúc để tiếp nhận được nó.
Tuy nhiên, nếu ta muốn nói, “ghế bành không phải để nhảy lên, con đã làm thế và con bị ngã đau” thì đó là ngay lập tức, đó là sự thật. Câu nói bình ổn, trung tính, không liên lụy gì với ý kiến hay cảm xúc nào khác. Nó ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Và một đứa trẻ có thể ở trong trạng thái cảm xúc của chúng lúc đó và vẫn nhận được thông điệp ngắn gọn đó. “Con đã chọn nhảy trên ghế bành, việc đó không an toàn và con bị thương.” Vậy nên đây là hai trong số những câu trả lời bạn cần thực hiện để xoay sở với những khoảnh khắc mà ta thường muốn cố gắng lập luận, hợp lý hóa.
Khi hiểu rằng, trước 12 hoặc 13 tuổi đứa trẻ không thể làm việc đó, vậy điều quan trọng hơn ở độ tuổi này là phải thừa nhận những gì chúng đang cảm thấy, trong bất kỳ thời điểm nào. Trong trị liệu bằng trò chơi (play therapy) cơ bản, ta thường nói nhiều về việc phản ánh cảm xúc: ta phản ánh cảm xúc của trẻ, về nơi chúng đang ở, trong thời điểm này, bởi vì chúng là những sinh vật giàu cảm xúc. Người lớn chúng ta là những sinh vật có nhận thức. Còn trẻ mang lại cho bạn tất cả các dạng cảm xúc để bạn phải làm việc cùng, vì vậy hãy ghi nhận chúng, phản ánh với chúng cảm giác của chúng. “Con đang hào hứng.” “Con đang lo lắng,” “Con đang thất vọng.” “Con đang bị kích động đấy.” “Con đang tự hào.” Điều đó rất hữu ích, nhằm giúp trẻ kết nối cảm xúc với cảnh tượng một cách lâu dài. Điều đó giúp trẻ phát triển vốn từ vựng về cảm xúc.
Sau khi phản ánh cảm giác, ta nêu ra thực tế, bình tĩnh, sự thừa nhận hiện trạng và ta giữ cho thông điệp thật ngắn gọn. Đó là hai cách hữu ích nhất để tránh nói, lập luận, giải thích quá nhiều.
Điều quan trọng nữa cần lưu ý: làm sao nhận biết mình đang lý luận? Có hai trường hợp cần xem xét
- Thứ nhất là cuộc “đàm phán” hay “thương lượng”: Bạn đang nói một điều, đứa trẻ nói điều khác và bạn đang cố gắng thuyết phục chúng làm điều bạn muốn, thế là nó trở thành một cuộc thương lượng. Đây là một trong những trường hợp phổ biến nhất mà ta cố gắng diễn giải và lập luận.
- Trường hợp thứ hai là một bên đang cố gắng đưa ra nhiều thông tin hơn những gì bên kia cần trong cuộc tranh giành quyền lực qua lại. “Con không muốn” “nhưng con phải làm như vậy bởi vì điều abc sẽ xảy ra,” và thế là “thế này, thế này và điều này” và vì vậy đó sẽ là một cuộc đấu tranh quyền lực, nhưng quá nhiều đối thoại nghiêng về một bên.
Đây là hai trường hợp ta cần đặc biệt chú ý vì rất dễ rơi vào “bẫy” lập luận, do não trẻ em thực sự rất khác so với chúng ta: Chúng đang ở đây và ngay bây giờ, trong khoảnh khắc, với cảm xúc của chúng, còn ta thì suy nghĩ, phân tích và xử lý theo cách logic. Vì vậy, cố gắng khiến chúng tiếp cận với những gì ta nghĩ và mong chúng lý trí hơn là vô ích.
Vì vậy, chúng tôi khuyến khích bạn sử dụng các lựa chọn thay thế. Các câu trả lời ngắn gọn. Bình tĩnh, trung lập, những tuyên bố về thực tế trước mắt, kết hợp với phản ánh cảm xúc của trẻ. Và rồi bạn sẽ nhận được một phản ứng rất khác, ít gây bực bội hơn nhiều vì trẻ sẽ không chỉ dùng một từ để trả lời bạn, không “nhảy sang kênh đài khác”, cũng không kết thúc cuộc trò chuyện bởi vì bạn đang gặp chúng ở đúng chỗ của chúng, trong thời điểm hiện tại, đó là mối quan hệ hữu ích, mang tính gắn kết và phục hồi nhất mà bạn có thể có với trẻ.
Vân Anh tổng hợp
Nguồn: Tiến sĩ Brenna Hicks, The Kid Counselor (https://www.thekidcounselor.com/2020/08/stop-trying-to-reason-and-rationalize-with-your-child/).
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia