Làm sao thoát khỏi hội chứng “cô gái ngoan”?

Bài viết trước đã làm rõ chân dung một Cô gái ngoan: Cô là người quan tâm đến những gì người khác nghĩ và cảm nhận về cô hơn là cách cô nghĩ và cảm nhận về chính mình. Cô hay giảm nhẹ sự bất bình của mình với những hành vi sai trái của người khác bằng cách cố gắng hiểu “nỗi khổ tâm” của người đó, hơn là tin ở trực giác của mình. Trong mọi phụ nữ đều có thấp thoáng một phần bóng dáng của Cô gái ngoan, kể cả những phụ nữ quyền lực nhất trong xã hội chúng ta.

Bài viết này sẽ đưa ra những bước để cô gái ngoan trở thành người phụ nữ trưởng thành, gặt hái những niềm hạnh phúc thật sự mà cô xứng đáng.

Để thoát khỏi hình ảnh Cô gái ngoan, chắc chắn ta cần thay đổi cái nhìn về thế giới xung quanh và bản thân mình dưới lăng kính thực tế hơn, chấp nhận những mặt trái của chính mình, dám sống là chính mình để có thể phát triển một cái tôi tốt đẹp nhất trong khả năng của chúng ta. Chỉ khi đã hiểu chính mình, biết yêu thương và chăm sóc chính mình thì chúng ta mới có thể yêu thương người khác thật sự.

Cẩm nang chung giúp “giải phóng sự ngoan”

Tìm lại chính mình

Chỉ cần một ít thời gian nghĩ về chính mình, về những nỗi buồn, nỗi đau, một vài khoảnh khắc cô độc để thư giãn… ta đã đi những bước đầu tiên đến với việc chữa lành trái tim của chính mình.

Chỉnh sửa các niềm tin, phát triển một thế giới quan thực tế

Khi chúng ta đã nhìn nhận rằng những sự kiện lớn hay nhỏ trong cuộc đời ta phần lớn là sản phẩm của những mong ước nơi bản thân mình, ngay cả những mong ước thầm kín mà chính ta còn chưa biết, ta sẽ ngưng “làm nạn nhân” và kết tội những người khác về những đau khổ của mình. Bước chuyển biến từ việc xem mình là nạn nhân thành sự ý thức về trách nhiệm của chính mình về cuộc sống là một thay đổi quan trọng nhất trong cuộc đời một con người. Nó tương đương với sự trưởng thành.

Chấp nhận những mảng tối trong tâm hồn

Ai trong chúng ta cũng đều mang trong lòng những phần tối. Thừa nhận những khuyết điểm trong bản thân mình là điều không dễ dàng. Nhất là khi chính những khuyết điểm đó xưa nay vốn đứng đầu danh sách đen của chúng ta khi nhìn thấy ở người khác: sự ích kỷ, giả dối, tính toán, để bụng, thích trả đũa… Nhưng hãy tiếp tục trên con đường này. Bởi đó là cách duy nhất cho phép một con người hiểu mình trọn vẹn và được sống trọn vẹn.

Năng lượng chúng ta sẽ không hoang phí vào những xung đột nội tâm nữa, có thể dùng để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ta thông cảm nhiều hơn với người khác, vì hiểu rằng ai cũng có một phần phần ánh sáng và một phần bóng tối. Ta không kết tội oan cho người bạn đời và người xung quanh nữa, và đó là một khởi đầu rất tốt đẹp cho việc cải thiện mọi mối quan hệ.

Trở thành “cái tôi” tốt đẹp nhất

Tìm hiểu về bản chất, những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình sẽ giúp chúng ta trở thành một con người toàn diện, trung thực với chính mình và đủ tự tin mở lòng ra trước thế giới. Trở thành “cái tôi” tốt đẹp nhất chính là khái niệm này.

Dưới đây là 10 nguyên tắc vàng ngọc mà Cô gái ngoan cần « thuộc nằm lòng » :

  1. Ngưng xem trọng những nhu cầu của người khác hơn của chính bản thân mình.
  2. Không tiếp tục ngây thơ, khờ khạo
  3. Từ bỏ niềm tin rằng vỏ bọc Cô gái ngoan sẽ bảo vệ bạn
  4. Ngưng lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn
  5. Ngưng theo đuổi sự cầu toàn
  6. Bắt đầu bảo vệ những quyền lợi chính đáng của bạn
  7. Bắt đầu trung thực thể hiện sự giận dữ
  8. Học cách giải quyết các xung đột
  9. Nhìn rõ bản chất của người khác
  10. Tự nâng đỡ và chăm sóc chính mình

Từ Cô gái ngoan đến một Phụ nữ trưởng thành

Đã phá vỡ được lớp vỏ bọc Cô gái ngoan, con đường đưa các bạn trở thành một phụ nữ trưởng thành vẫn còn một số bước nữa. Đó là các bạn gái phải tìm cách phát triển ở chính mình lòng tự tin, các khả năng của riêng bạn, sức thuyết phục và lòng cam đảm. Đó là các yếu tố mà đứng từ góc nhìn xã hội, chúng liên hệ đến nam tính nhiều hơn. Phụ nữ không được khuyến khích biểu lộ những nét tính cách đó. Nhưng bạn cần chăm lo cho chính bản thân bạn, trở thành một con người mà chính bạn có thể tin cậy được để không lệ thuộc vào người khác. Bạn vẫn có thể phát triển các nét tính cách trên mà không nhất thiết phải phô trương chúng ra.

Phát triển lòng tự tin

Bài tập một: Bạn rất quý giá

• Tìm một nơi yên tĩnh. Hình dung ra trái tim bạn đang đập nhẹ nhàng trong lồng ngực. Dùng giọng nói nội tâm đọc lên tên mình, rõ ràng, mạch lạc, trìu mến. Bạn hãy nhớ trên cuộc đời này bạn là duy nhất, không có người thứ hai hoàn toàn giống bạn. Bạn rất quý giá, đối với bản thân bạn và những người thương yêu bạn.

• Để tên bạn vang vọng, ngập tràn trong trái tim bạn. Cho đến khi bạn thấy mình tràn đầy sinh lực. Bạn rất quý giá. Mỗi một người trên đời này đều quý giá.

Bài tập hai: Yêu quý con người thật và không hoàn hảo của bạn.

• Chia một tờ giấy làm hai cột, viết ra các ưu điểm, đức tính của bạn một bên và những khuyết điểm, tật xấu của bạn một bên. Viết một cách khách quan, không cường điệu.

• Đọc lại hai danh sách trên một cách khách quan, không quá tán thưởng và nhất là không chỉ trích, miệt thị bản thân. Bạn là như vậy, thế thôi.

• Đọc lại một lần nữa những ưu điểm và đức tính của bạn cho đến khi nhập tâm. Cho phép mình tự hào là thật ra, mình cũng có nhiều mặt tích cực.

Bài tập ba: Nhớ lại sức mạnh của bạn

• Nhớ lại một kỷ niệm khiến bạn thấy mình mạnh mẽ, một lần nào bạn đã vượt quá sự mong đợi của bạn, làm được điều bạn tưởng chừng quá sức mình.

• Hãy cho phép bạn hài lòng với bản thân mình khi nhớ lại kỷ niệm đó. Bạn mạnh mẽ hơn bạn tưởng, hãy để nhận thức này thấm sâu vào con người bạn.

Phát triển các khả năng

Để phát triển các khả năng, bạn có thể thực hiện những bài tập sau:

• Viết ra ba điều hạn chế của bạn, thường kìm hãm bạn trong cuộc sống, ví dụ: Tôi non nớt thiếu kinh nghiệm. Tôi quá già. Tôi không biết tính toán…

• Viết ra ba lĩnh vực bạn cảm thấy mình có khả năng.

• Xem xét, hình dung bằng cách nào bạn có thể áp dụng những khả năng của mình vào những nơi mình thiếu khả năng. Ví dụ:

Tôi là nhà báo và rất giỏi thu thập tài liệu, hệ thống thông tin. Nhưng tôi không thể tính toán chi tiêu gia đình vì tôi tính toán rất dở ! Xem nào, bạn có thể bắt đầu lấy cuốn sổ nhỏ và ghi lại những lần thu, chi như cách bạn thu thập thông tin để viết báo.

Sau đó, cuối tháng bạn chỉ cầm máy tính, rút thông tin về các khoản thu chi và làm tính cộng trừ. Cách làm này hợp với bạn hơn là dùng các bảng, các cột… hay tính toán trên Excel!

Xây dựng sức thuyết phục

Bài tập xây dựng cách nói thuyết phục:

• Lưu ý cách bạn hay nói chuyện với người khác. Bạn có hay dùng những câu mở đầu bằng: Có thể tôi lầm, nhưng… Tôi không rành chuyện này lắm, nhưng… Đây chỉ là cảm nhận riêng của tôi thôi… Tôi chỉ… Tôi không rõ lắm, nhưng… Lưu ý những cách mở lời này làm câu nói của bạn kém sức thuyết phục đi như thế nào.

• Lưu ý cách bạn hay kết thúc câu. Bạn có hay nói …, phải không?…, đúng không nhỉ? … anh hiểu ý tôi không? Lưu ý cách nói đó làm cho câu nói của bạn yếu đi như thế nào.

• Bạn có thường lên giọng vào cuối câu, làm các câu khẳng định của bạn nghe như không chắc chắn lắm, và chờ đợi một sự khẳng định từ người khác?

• Bạn có hay làm những cử chỉ như nhún vai, rụt cổ? Hãy lưu ý, dù câu nói của bạn có hùng hồn đến mấy, những cử chỉ này cũng biểu lộ bạn không tự tin ở chính điều bạn nói.

Nhận thức được những cử chỉ vô thức này và hạn chế chúng sẽ khiến bạn tự tin hơn về những điều mình biểu hiện ra. Bạn cứ thử xem !

Tôi luyện lòng can đảm

Bài tập một: Mỗi ngày một hành động can đảm

• Những hành động can đảm không nhất thiết phải liên quan đến thể chất, mà có thể là những điều rất khác. Ví dụ như: Đứng lên và nói rõ ràng: Tôi không đồng ý. Không nói và yêu cầu người khác tôn trọng bạn, mà bằng tư thế và ánh mắt bạn làm cho người đối diện hiểu bạn không chấp nhận ai giẫm lên chân mình.

Không để người khác bảo bạn rằng bạn phải làm gì. Thừa nhận dứt khoát rằng chồng / người yêu / cha/ cô bạn thân… thật ra có những hành vi không thể chấp nhận được, và dứt khoát không tìm cách bào chữa cho họ nữa…

• Viết ra một danh sách các hành động can đảm bạn định thực hiện, và mỗi ngày cố gắng thực hiện một việc trong danh sách.

Bài tập hai: Để có thể can đảm khi cần thiết.

Sau đây là ba câu hỏi bạn có thể học thuộc lòng để nhớ tự hỏi mình trong những tình huống mà quyền lợi của bạn có thể bị đe dọa và bạn cần can đảm để bảo vệ chính mình:

• Tình huống này có tốt cho mình không?

• Mình hay làm gì để nhắm mắt cho qua những tình huống khó chịu này? Ví dụ: lảng tránh xung đột, im lặng vì sợ cơn giận của người khác, không làm gì và sau đó phàn nàn sau lưng…).

• Mình thật sự muốn gì vào thời điểm này?

Với tất cả những gợi ý và bài tập trên, hy vọng các Cô gái ngoan sẽ nhanh chóng trở thành những phụ nữ trưởng thành, có được một cuộc sống, tình yêu và tình dục viên mãn. Các bạn xứng đáng được nhận điều đó. Các bạn xứng đáng giành được quyền kiểm soát cuộc đời của chính mình.

Vân Anh tổng hợp

Nguồn : Vũ Phi Yên, Một nửa của tôi ở đâu, NXB Phụ nữ, 2010

Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang