Bạn có thể nghĩ rằng: Thời đại nào rồi mà vẫn còn những cô gái ngoan? Tuy nhiên hãy nghĩ lại, họ đông hơn ta tưởng! Trong mọi phụ nữ đều có thấp thoáng một phần bóng dáng của Cô gái ngoan, kể cả những phụ nữ quyền lực nhất trong xã hội chúng ta.
Hãy cùng nhìn vào những sự thật “khó nghe” bên trong và bên ngoài của một Cô gái ngoan để hiều vì sao ta nên thoát khỏi hình ảnh đó. Nhận ra hình ảnh Cô gái ngoan trong mình, hiểu rằng sự có mặt của Cô không phải lỗi của bạn, và bạn có khả năng cải thiện Hội chứng đó, là một bước để bạn trở thành người phụ nữ trưởng thành, gặt hái những niềm hạnh phúc thật sự mà bạn xứng đáng.
Thế nào là Cô gái ngoan?
Một Cô gái ngoan quan tâm đến những gì người khác nghĩ và cảm nhận về cô hơn là cách cô nghĩ và cảm nhận về chính mình. Cô hay giảm nhẹ sự bất bình của mình với những hành vi sai trái của người khác bằng cách cố gắng hiểu “nỗi khổ tâm” của người đó, hơn là tin ở trực giác của mình.
Dễ chịu, dễ thương, hay là dễ dãi và giả tạo?
Cụm từ Cô gái ngoan không có ý muốn nói về phương diện đạo đức. Khái niệm này cũng không đồng nghĩa với sự tử tế, rộng lượng hay đáng tôn trọng. Có những phụ nữ có cả ba phẩm chất như trên, nhưng dứt khoát họ không phải là Cô gái ngoan. Người khác sẽ thường không muốn đụng độ với họ hay giẫm chân lên họ.
Trái lại, trong cách nhìn nhận thông thường và nhất là ở những Cô gái ngoan, sự tử tế, rộng lượng, hào phóng hay bao dung bị nhầm lẫn với sự dễ dãi, dễ chịu, dễ dụ, làm những gì người khác đòi hỏi, vì các Cô gái ngoan đã học được rằng làm theo những gì người khác bảo thì dễ hơn là tranh cãi hay thể hiện sự không đồng ý. Vì không quan tâm đến suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình, chỉ muốn làm vui lòng người xung quanh mọi lúc nên các Cô thường thụ động, thích để mọi chuyện xảy ra tự nhiên, cư xử mờ nhạt và ba phải, vì lúc này Cô đồng ý với người này, lúc khác lại đồng ý với người khác mà hai ý kiến đó có thể trái ngược hay mâu thuẫn nhau.
Cô còn có nguy cơ bị quy kết là giả dối bởi cô hay làm bộ: tỏ ra thích một người mà thật ra trong bụng không ưa, hay làm như thích cuộc nói chuyện, cuộc đi chơi, bộ phim đang xem… mà thật ra là không thích. Các Cô thường sợ không dám bảo vệ chính kiến của mình. Có khi các Cô không khác gì những tấm thảm chùi chân mà người ta đạp lên không chú ý tới.
Gọi ai đó là giả dối, hay dễ dãi, hay thụ động, hay mờ nhạt… thì hơi tàn nhẫn, đặc biệt là nhiều Cô gái ngoan sẽ biện hộ cho cách cư xử của họ là cách đúng và hợp với họ nhất. Họ nghĩ đó là cách sống tốt, đạo đức và cuộc sống sẽ hòa bình hơn nếu càng có nhiều người “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quý” như họ.
Chắc chắn là có những nguyên nhân khiến họ xử sự như thế. Có những điều kiện văn hóa, giáo dục gia đình, và kinh nghiệm cuộc sống đã tạo điều kiện khiến họ không thể làm khác. Do đó, việc phải trở nên ngoan hiền không phải là lỗi của họ. Hồi nhỏ, các cô thường được dạy dỗ để trở nên hiền hậu, cư xử thuận hoàn cảnh, dịu dàng, ngọt ngào. Trong nhiều thế kỷ, tính từ ngoan ngoãn, dễ thương cũng đồng thời gợi nhớ đến nữ tính. Ngay cả ngày hôm nay, nữ tính cũng còn được đánh đồng với ý nghĩa làm vui lòng người khác, không coi trọng cái tôi của mình, ngoan ngoãn, xinh xắn, xem trọng người khác hơn bản thân mình…
Ngoài ra, gia đình cũng có thể là nguồn gốc cho sự hình thành một Cô gái ngoan: Ví dụ như gia đình có người mẹ thụ động và một người cha độc tài, gia trưởng. Gia đình rất sùng đạo, gia đình có tư tưởng coi thường phụ nữ, hay gia đình có xu hướng đánh giá rất cao ở phụ nữ các đức tính như thông cảm, công bằng, dịu dàng, hy sinh cho người khác. Cuối cùng là gia đình có cha hoặc mẹ rất ích kỷ, chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình mà quên đi nhu cầu của các con.
Các thông điệp vô thức lên Cô gái ngoan, do đó được truyền đi thông qua tấm gương của người mẹ, những kinh nghiệm mà đứa trẻ rút ra được khi quan sát mối quan hệ giữa cha và mẹ… Những thông điệp này in hằn rất sâu vào tâm trí của bé gái. Đến nỗi những cách cư xử này sau này vẫn tồn tại ngay cả ở những phụ nữ học thức rất cao, rất thành đạt về mặt xã hội.
Lãng quên nhu cầu của bản thân khiên các cô tự làm khổ mình
Hầu hết phụ nữ có thể chấp nhận những hành vi rất khó ưa của bạn bè, gia đình, người yêu vì họ muốn mình là người biết thông cảm, vị tha, giàu lòng thương, nhưng nếu quá dễ thương , ta sẽ làm khổ chính bản thân mình. Khi bị xử tệ, thay vì nổi giận hay nói thẳng rằng hành vi đó là không chấp nhận được, thì Cô gái ngoan lại cố gắng “hiểu” người kia, mất nhiều thời gian suy nghĩ xem tại sao người kia lại cư xử như vậy.
Các Cô gái ngoan thường là đích ngắm của những kẻ lừa đảo, những kẻ biến thái, tội phạm, tấn công phụ nữ: vì các cô tập trung sự chú ý của mình ra bên ngoài, bận rộn giúp đỡ người khác, tế nhị không muốn làm tổn thương ai, nên các cô quên chú ý đến cảm xúc của bản thân, đến bảo vệ chính mình.
Nếu không có nhiều Cô gái ngoan đến thế, thì con số các cuộc bạo hành gia đình không nhiều đến vậy, những vụ khủng bố tinh thần, quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục trẻ em và hiếp dâm đã bớt đi rất nhiều. Số lượng những trường hợp những phụ nữ cứ chần chờ không dám chấm dứt mối quan hệ dù bị chồng hay người yêu xử tệ, lợi dụng, hành hạ cũng sẽ bớt đi, vì họ sẽ dám lên tiếng về những điều xảy ra, họ không còn sợ người xung quanh biết về tình thế tồi tệ của họ nữa.
Nếu không phải là những kẻ biến thái thì các Cô gái ngoan vẫn dễ trở thành con mồi ngon cho những kẻ lợi dụng, lừa bịp, lạm dụng, hay dễ bị người yêu hay chồng mình bỏ rơi để đến với những phụ nữ “không-ngoan-cho-lắm”, vì các Cô gái ngoan muốn tin vào phần tốt bên trong mỗi con người và không muốn vội vã kết tội một ai, hay nói ra cảm nghĩ thực sự của mình.
Và cuối cùng, ở nơi làm việc, Các Cô gái ngoan cũng thường không được người ta tôn trọng; họ phải làm việc nhiều hơn, được trả lương thấp hơn, ít được thăng chức, và mọi người xem đó là chuyện hiển nhiên.
Mặt tối bên trong cô gái ngoan
Trên kia, chúng ta đã bàn về những lý do bên ngoài khiến bạn không nên giữ mãi hình ảnh Cô gái ngoan. Ngoài ra, những lý do bên trong cũng rất quan trọng.
Các Cô gái ngoan không phải lúc nào cũng dễ thương. Các cô còn có phần tối của mình, đó là sự hèn nhát, và thâm hiểm. Các cô thường nói xấu người khác sau lưng, vì đơn giản là các cô không dám đương đầu trực diện. Các cô có thể tươi cười thụ động, nhưng trong thâm tâm đang sôi lên vì giận. Các cô mỉm cười làm như không có chuyện gì xảy ra, nhưng khi có cơ hội thì chơi cho người đó một vố, vì những gì người đó đã xử tệ với các cô. Trong thời gian gần đây, các nhà tâm lý bắt đầu nghiên cứu vì sao phụ nữ hay nhiều chuyện, nói xấu và đâm sau lưng người khác, vì sao sếp nữ thường bị đánh giá là “hẹp hòi” từ chính nhân viên nữ hơn với sếp nam, và họ còn nghiên cứu về cái gọi là “bạo lực phái nữ”.
Trong xã hội loài người, có thể nói là phụ nữ đã được cài đặt để kết nối hơn là đối đầu. Điều này hiển nhiên là có mặt tốt, nhưng nó cũng khiến cho phụ nữ buộc phải ỉm đi bản năng gây hấn chủ động của mình, đưa nó vào phần tối và trở thành gây hấn thụ động. Trong thế giới phụ nữ, để thể hiện bản năng bạo lực này, họ sẽ vạch mặt chỉ tên, xì xào ác ý, liếc xéo, nhìn khinh khỉnh, nói cạnh khóe, gieo rắc tin đồn bất lợi nếu muốn hăm dọa, « dằn mặt” và cô lập người kia, bởi vì đối với phụ nữ, việc được cộng đồng công nhận rất quan trọng. Còn trong mối quan hệ với nam giới, những hành vi gây hấn thụ động của phụ nữ là khoác lên vẻ ngoài”an tĩnh”, lãnh đạm nhưng cư xử thì trái ngược: một mặt thì rất chịu đựng chồng, mặt kia thì cực kỳ hà khắc, nóng nảy với những người yếu hơn như con cái; rất nhẫn nhịn và hòa bình ở nơi làm việc, nhưng lại khó tính và độc tài trong gia đình. Những bất bình nội tâm bị kìm nén quá lâu do nỗ lực tỏ ra dễ thương mọi lúc, mọi nơi, chịu đựng bị người khác dẫm lên chân nhiều lần, khi bùng nổ sẽ rất dữ dội. Bạo lực khi đó sẽ thể hiện qua những ngón trả thù đầy tiểu xảo hay những lời nói gây tổn thương, dẫn đến việc hai giới bất lực trong việc tìm hiểu lẫn nhau: người đàn ông, với lòng tự ái bị tổn thương, sẽ bị xung năng xâm lấn và sử dụng đến những cú đấm, để rồi vòng xoáy bạo lực cứ thế tiếp diễn, cho đến những thế hệ sau này…
Tất nhiên không phải chỉ có các Cô gái ngoan gặp khổ, còn đó những Chàng trai ngoan với những mặt tối và bi kịch của họ. Tuy nhiên, dù là Chàng trai hay Cô gái ngoan thì ta cũng đều thấy rõ rằng cả hai phía đều gặp vấn đề trầm trọng ở khả năng độc lập, ở lòng tự tin sống là chính mình, ở sự nhận biết và đáp ứng những nhu cầu của chính mình. Họ đều lấy thế giới bên ngoài là trọng tâm chú ý. Họ mang nhiều niềm tin sai lầm về bản thân, về đối phương, về cuộc đời đến nỗi hầu như mọi cố gắng của họ đều không đem lại kết quả như mong đợi. Họ lấy việc làm vừa lòng người xung quanh là điều quan trọng bậc nhất và xem sự đánh giá của người xung quanh là thước đo giá trị của bản thân mình. Và ta thấy rõ ràng cuộc đời và những mối quan hệ của hai kiểu người này đều nhuốm màu bi kịch, với những vòng lặp hợp-tan, cũng như sự bất mãn, trầm cảm hay cuồng nộ bạo lực…
Do vậy, để thoát khỏi hình ảnh những Cô gái và Chàng trai ngoan, ta cần thay đổi cái nhìn về thế giới xung quanh và bản thân mình dưới lăng kính thực tế hơn, chấp nhận những mặt trái của chính mình, dám sống là chính mình để có thể phát triển một cái tôi tốt đẹp nhất trong khả năng của chúng ta. Chỉ khi đã hiểu chính mình, biết yêu thương và chăm sóc chính mình thì chúng ta mới có thể yêu thương người khác thật sự. Bài viết tiếp theo sẽ trình bày nguyên tắc, cũng như các thực hành nhận diện bản thân để các Cô gái ngoan chấp nhận, yêu thương chính mình, thật sự trưởng thành và có tình yêu xứng đáng với cô.
Vân Anh tổng hợp
Nguồn : Vũ Phi Yên, Một nửa của tôi ở đâu, NXB Phụ nữ, 2010
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia
One thought on “Hội chứng “cô gái ngoan””