Hội chứng “chàng trai ngoan”

Không như thành kiến chung của xã hội (đặc biệt là xã hội phương Đông) rằng đàn ông đa phần là những kẻ độc tài gia trưởng, nhiều người đàn ông hiện đại đã hấp thụ cái nhìn mới về vai trò của người đàn ông trong gia đình, về những nhu cầu và quyền lợi chính đáng của phụ nữ, do những giá trị cũ và những giá trị mới xung đột nảy lửa và thế nào là một người đàn ông, thế nào là một người đàn bà đúng nghĩa là những khái niệm đang chuyển biến.

Chàng trai ngoan là kiểu nhân vật tưởng hiếm mà không hiếm trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, họ càng cố gắng hành xử dễ thương, càng cố làm vui lòng người thân và gia đình, họ lại càng khổ sở, Vậy, hội chứng “Chàng trai ngoan” là gì và có những gì không ổn với nó? Bài viết này sẽ trình bày định nghĩa Chàng trai ngoan và bài viết tiếp theo sẽ chỉ dẫn cách lột xác khỏi hình ảnh đó và trở thành người đàn ông trưởng thành đích thực.

Thế nào là chàng trai ngoan? 

Điểm chung giữa Chàng trai và Cô gái ngoan là ấn tượng mà họ muốn cho chúng ta thấy : sự dễ thương và hòa nhã. Họ đều có chung niềm tin là nếu họ cư xử đúng và là người tốt, họ sẽ được yêu thương, được đáp ứng những nhu cầu, và cuộc sống của họ sẽ yên bình hạnh phúc. Và cách nhìn của họ về khái niệm “người tốt” thường bao gồm sống hòa bình, rộng lượng, hữu ích cho người khác, và hạn chế (hay giấu đi) những khuyết điểm, sai lầm, tình cảm tiêu cực… Họ muốn tỏ ra luôn luôn tốt bụng và thấu hiểu, không bao giờ cho phép mình được nói cao giọng hơn người khác. Ngay cả khi có người lạm dụng họ, họ vẫn muốn được đối xử như một người hiền lành hơn là một kẻ bất công.

Nhiệm vụ chính, với Chàng trai ngoan, là tôn trọng và biết cách làm vừa lòng phụ nữ (trước tiên là mẹ mình), không bao giờ được thực hiện hành vi hay thái độ nào khiến mẹ khóc hay khiến vợ giận, bởi với họ đó là một trọng tội. Niềm tin sâu sắc của họ là như sau: “Tôi sẽ có tất cả nếu tôi tiếp tục là người hiền lành, lịch sự, đứng đắn và không hung dữ.” Đó là lý do tại sao nhiệm vụ thứ hai của họ là để người khác dẫn lên chân mình thường xuyên nhất có thể. Danh tiếng tốt của họ và hình ảnh mà những người khác có về họ là rất quan trọng. Việc đánh mất hình ảnh là một con người dễ thương và hòa ái là điều họ sợ nhất. Để giữ lấy hình ảnh này, họ sẵn sàng van xin “kẻ thù” nếu có thể.

Nhưng vấn đề là ở chỗ, dường như Chàng trai ngoan lúc nào cũng không thể làm vừa lòng bất cứ ai. Đến đỉnh điểm, khi lời cầu xin câm lặng muốn người xung quanh chấp nhận kia bị từ chối, họ sẽ đổ lỗi cho tất cả và sẽ bị giam cầm trong cơn thịnh nộ của bản thân. Điều này sẽ khiến họ bám vào bờ mép của chứng rối loạn ranh giới, hay trầm cảm.

Cơ chế tự vệ xưa cũ

Chàng trai ngoan sống không biết mệt mỏi trong ánh mắt những vị cha mẹ thậm chí còn chẳng ở đó nữa; anh vẫn nhìn và diễn giải những tình huống mới mà mình phải đối mặt bằng con mắt của thời ấu thơ. Đứa trẻ nào cũng sợ bị bỏ rơi, nên nó phải dùng những cơ chế tự vệ trong khả năng bé nhỏ của nó để ngăn chặn bất kỳ dấu hiệu nổi loạn hoặc hung hăng nào có thể khiến nó bị rứt bỏ một cách đau đớn khỏi tình cảm của người cha mẹ mà nó dễ tiếp cận nhất, để nó không bị trừng phạt, không bị bỏ rơi, không bị nhận “ít tình cảm” hơn anh chị em. Thế rồi khi lớn lên, càng bị người ta đánh đập, lạm dụng, khủng bố, Chàng trai ngoan lại càng nương náu vào tính thụ động và vẻ ngoài hoà nhã, trở thành thứ mà người ta gọi trong phân tâm học là “hung tính/gây hấn thụ động”: thuật ngữ chỉ định một con người dịu dàng và thụ động ở bên ngoài nhưng bên trong đầy hung hăng và hờn oán.

Tìm cách trở thành người khác với cha mình.

Nhiều Chàng trai ngoan có cha là người lạnh lùng, hoặc hung dữ, hoặc tình ái lăng nhăng hay nghiện rượu… Họ rất ghét các nét tính cách đó của cha mình và luôn tìm cách sống ngược lại. Để khác với cha, họ luôn tìm cách làm “đúng”, tin rằng mình cần giấu đi những yếu kém, sai lầm. Họ sợ rằng những khuyết điểm, tật xấu hay sai lầm của mình sẽ bị phản ứng nặng nề, người khác sẽ nổi giận, chán ghét hoặc thậm chí từ bỏ họ nếu biết sự thật. Kết quả là họ giấu nỗi sợ đó bằng cách luôn kìm nén cảm xúc của mình, không thích đưa nhu cầu của mình lên trước những nhu cầu của người khác. Vô hình trung họ phủ nhận luôn những tiềm năng hung tính, những bóng tối sẵn có trong lòng mỗi người đàn ông. Họ thường có nhiều bạn là phụ nữ hơn là nam giới, nguyên nhân một phần là do mối quan hệ khó khăn với cha mình khiến họ khó tạo được quan hệ tốt với nam giới, họ nghi kị chính bản chất nam tính của mình và từ chối nhìn vào mọi kiểu gương mặt của nó. Cố gắng mọi cách trở nên khác với cha, họ có nguy cơ rơi vào thái cực ngược lại cũng cực đoan không kém. Nhưng “bóng ma vô thức” sẽ luôn đeo đuổi họ, chỉ chờ có dịp là trồi lên.

Hulk, hay mặt tối của chàng trai ngoan

Cũng như những Cô gái ngoan, chúng ta có thể nghi ngờ rằng dưới lớp vỏ ngoài trơn tru dễ thương của Chàng trai ngoan có thể ẩn chứa những mặt trái. Dù hòa nhã và “biết điều” đến đâu, Chàng trai ngoan vẫn có một “tội lỗi” ẩn ngầm. Cho dù đó là nghiện cờ bạc, tốc độ, rượu, khiêu dâm, tính keo kiệt, lười biếng vô độ hay còn có thể là thói tham ăn, thì thường vẫn có một cái gì đó “trái khoáy” ở họ, một chút gì đó mà họ liều lĩnh bảo vệ tới cùng. Hành vi nghiện ngập đối với họ là một cửa ngõ để giải tỏa stress, xoa dịu những nỗi đau, và nâng đỡ tinh thần. Vì những áp lực thường trực làm họ không chịu nổi, phải tìm cách “xì” ra ở đâu đó. Một sự thật ít người biết đến là dạng nghiện ngập mà các Chàng trai ngoan thường mắc phải nhất là nghiện tình dục và họ cũng thường là người gặp phải rối loạn tình dục.

Vì lẽ đó, Chàng trai ngoan sống hai mặt và không trung thực, họ giấu những lỗi lầm bởi họ không muốn bị chỉ trích, nói những gì họ nghĩ là người xung quanh muốn nghe, và không để lộ ra những cảm xúc của mình.

Hơn nữa, do không dám đưa nhu cầu của mình lên trước, thường không dám đòi hỏi thẳng thắn những gì mình muốn và cần nên Chàng trai ngoan thích khéo léo điều khiển người khác và thích kiểm soát mọi chuyện xung quanh: Một cách vô thức, các Chàng trai ngoan thường bị thu hút bởi những người gặp khó khăn, những tình huống khó xử… vì ở đó, họ có cơ hội giúp đỡ, hào hiệp, trổ tài, và qua đó hy vọng đạt được sự yêu quý của người khác; do đó, họ khó xác định giới hạn với người khác. Tuy nhiên, những sự rộng lượng họ cho đi chắc chắn là để nhằm mục đích thu lại: Dù các Chàng trai ngoan có khuynh hướng rộng lượng, song những gì họ cho đi thường có những mối dây ràng buộc kèm theo.

Các Chàng trai ngoan thường cho mình là những người dễ tính, trầm tĩnh. Sự thật là bao nhiêu bất bình, giận dữ của họ không tiêu biến đi mà bị đè nén như trong một cái “nồi áp suất”.  Khi không được như ý, tính gây hấn thụ động sẽ khiến Chàng trai ngoan chọn cách trả đũa ngầm: Họ có khuynh hướng bộc lộ những bất bình, giận dữ đè nén của họ bằng những cách gián tiếp, quanh co, và không mấy dễ thương: như những nhận xét mang tính xúc phạm và đôi chút mỉa mai yếm thế. Nếu không may, họ gặp phải một người thiếu đồng cảm một cách quá trắng trợn, họ sẽ có những cơn bùng nổ vào những lúc không ngờ nhất và với một cường độ rất đáng sợ. Họ trở nên thù hằn, khinh miệt và đột nhiên bị xâm lấn bởi mọi kiểu viễn cảnh đẫm máu, tống tiền, thao túng, tất cả các phương tiện sau đó sẽ được biện minh để đạt được mục đích của họ. Bộ phim truyền hình The Incredible Hulk (Người khổng lồ xanh) đại diện hoàn hảo cho cấu trúc tâm lý của Chàng trai ngoan. Ở trạng thái bình thường, Hulk là một người đàn ông tốt, làm việc hết lòng vì lợi ích của cộng đồng. Anh là một hình mẫu của lòng tốt bụng và chủ nghĩa hòa bình. Nhưng nếu vào một ngày nào đó không may, khi anh thấy mọi thứ trở nên bất lợi với mình, anh lập tức biến thành con quái vật xấu xí và đáng sợ kia, khiến cả căn phòng bị xé toang chỉ trong vài phút, và dĩ nhiên, kết cục luôn luôn là người đàn ông này gây ra nhiều tổn thất hơn mọi nhân vật phản diện khác.

Sớm hay muộn, những tội lỗi, những chứng nghiện và những cơn giận dữ bộc phát này sẽ khiến Chàng trai ngoan mất mặt. Hoặc họ tiếp tục tự cô lập, tự đè nén và nhập vai để rồi tiếp tục gặp khổ sở, hoặc họ sẽ có cơ hội giải thoát bản thân khỏi ách thống trị của tính thụ động để cuối cùng thừa nhận toàn bộ con người họ. Vâng, ngay cả khi điều đó có làm mẹ khóc, vợ bỏ, và trời đất tưởng như rách toang.

Một cách vô thức, Chàng trai ngoan thường sợ rằng nếu người khác biết bản chất của mình thì mình sẽ mất đi sự tán thưởng và tình yêu thương. Nhưng đó là một niềm tin trẻ thơ, đã lỗi thời và không đúng sự thật. Công việc ta cần làm lúc này là thay thế nó bằng những niềm tin chính xác hơn, có lợi hơn, giúp ta sống một cuộc đời thanh thản, hạnh phúc hơn. Bài viết tiếp theo sẽ chỉ dẫn những hướng giúp cải thiện tình hình và đưa chàng trai đến gần hơn với con người thực của mình, trở thành người đàn ông trưởng thành đích thực.

Vân Anh tổng hợp

Nguồn :

  • Vũ Phi Yên, Một nửa của tôi ở đâu, NXB Phụ nữ, 2010
  • Guy Corneau, Thiếu cha, con trai lạc lối, Cty sách Thái Hà, 2021

Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

2 thoughts on “Hội chứng “chàng trai ngoan”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang