Đồng hành cùng bạn bè đang trải qua nghịch cảnh

Một lời khuyên từ Giáo sư tâm lý học Adam Grant và Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg

Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành của Facebook, được biết đến tại Việt Nam với những chia sẻ giúp giải phóng và nâng cao quyền tự quyết cho phụ nữ trong cuốn Lean in (Dấn thân), đã trải qua nỗi đau mất mát khi chồng cô, Dave Goldberg, đột ngột qua đời do tai nạn. Cô đã từng bước phục hồi, vượt qua nỗi đau mất mát và tìm lại niềm vui sống với sự giúp đỡ của bạn thân là giáo sư tâm lý học trường Wharton, Đại học Pennsylvania Adam Grant, và giúp đỡ hàng ngàn người khác vượt qua khó khăn. Bạn bè, do đó, đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ người gặp nghịch cảnh có thể phục hồi sau chấn thương. Những lời khuyên thiết thực cho bạn bè người gặp nghịch cảnh được miêu tả chi tiết trong cuốn sách Option B (Phương Án B – Đối Mặt Nghịch Cảnh, Rèn Tính Kiên Cường, Và Tìm Lại Niềm Vui, NXB Trẻ, 2019), được hoài thai từ chương trình nghiên cứu về khả năng phục hồi do Adam Grant và Sheryl Sandberg đồng chủ bút. Bài viết này sẽ giúp giới thiệu và tổng hợp các nét chính về lời khuyên được đề xuất trong cuốn sách.

Cần nói gì với người đang gặp nghịch cảnh?

Nói một cách cởi mở về mất mát và khó khăn

Mọi người trên khắp thế giới thường rất khó nói về nghịch cảnh. Nó giống như có một “con voi trong phòng”: sờ sờ ra đó nhưng không mấy ai nói về nó một cách rõ ràng. 

“Hai tuần, thậm chí hai tháng sau khi Dave chết, khi tôi gặp lại một số người bạn cũ vậy mà họ dường như không thừa nhận điều đó, tôi cảm thấy hoàn toàn vô hình, tôi cảm thấy như họ không hiểu gì cả và tôi thực sự thấy cô đơn, dù tôi biết rằng, họ chỉ làm giống như cách tôi sẽ làm khi ở vị trí của họ, đó là: vì không biết phải nói gì nên đành chọn không nói gì cả.” 

Theo Adam Grant, các nhà tâm lý nhiều năm trước đã đưa ra một thuật ngữ cho việc này, họ gọi đó là Hiệu ứng Mum, ngầm chỉ ý rằng không ai muốn truyền đi tin xấu. Một số người sợ rằng người truyền tin sẽ phải chịu gánh nặng nhiều nhất, còn đối với những trường hợp khác, nhiều khả năng là vì ta không muốn nhắc với người kia về điều gây đau đớn. Một cách giúp ta có thể vượt qua Hiệu ứng Mum là cởi mở lòng mình, bằng cách nói rằng: “Đây là những gì tôi đang trải qua…” 

“Tôi ngày càng cảm thấy cô đơn và bị cô lập, vì thế tôi bắt đầu nói lên những gì tôi sẽ nói nếu tôi nói chuyện với ai đó vừa trải qua nghịch cảnh để cố gắng thừa nhận “con voi trong phòng”, và tôi đã viết điều này trong một bài đăng trên Facebook. Trong đó tôi đã viết: “Đừng hỏi tôi”Chị thế nào rồi?”, dù nó được nói với ý định tốt nhất nhưng tôi vẫn cảm thấy nó quá vô cảm. Được thôi, chồng tôi mới chết. Tôi thế nào ấy hả? Anh chị có nghiêm túc khi hỏi tôi vậy không? Thay vào đó, hãy hỏi: “Hôm nay chị thế nào?” Đây là một cách nói ngắn gọn của “Tôi biết bạn đang đau khổ, tôi thừa nhận nỗi đau của bạn nhưng tôi muốn biết hôm nay bạn vượt qua nó như thế nào.” Và câu hỏi đó trở thành một cách thực sự nhanh chóng giúp thể hiện sự đồng cảm của bạn, nó thực sự sẽ giúp ích nhiều cho tôi.”                  

Quy tắc Bạch kim của Tình bạn

“Lớn lên, nhiều người trong chúng ta thường được dạy những nguyên tắc vàng: Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn được đối xử. Vấn đề là, đối với người gặp chấn thương, mọi việc không diễn ra chính xác như vậy, vì tôi không rõ người kia muốn được đối xử như thế nào và tôi cũng lo mình hiểu sai họ.” Cách mà ta muốn được đối xử có thể hoàn toàn khác với những gì người khác thực sự cần khi họ đang vật lộn với nghịch cảnh. Do đó ở đây, “quy tắc bạch kim của tình bạn” là: Đối xử với người khác như cách họ muốn được đối xử. Một trong những người cố vấn của Adam Grant, Brian Little, đã thực hiện nghiên cứu về những người bị đặt trong hoàn cảnh căng thẳng: họ thường thấy khó chịu khi phải cố gắng làm việc giữa những tiếng ồn quá lớn xung quanh, không ai thích chúng cả. Thế nhưng, khi họ biết rằng mình có thể nhấn một nút bấm để dừng tiếng ồn đó lại, họ sẽ có nhiều khả năng chịu đựng được tiếng ồn hơn. Thế nhưng cuối cùng, không ai trong số những người tham gia đó thực sự nhấn nút! Chỉ cần biết rằng có một nút bấm họ có thể nhấn là đủ! Do đó, một phần của việc trở thành một người bạn tốt cho người gặp nghịch cảnh là: hãy trở thành một “nút bấm” cho người đó!

Thay vì hỏi “Tôi có thể làm gì cho anh/chị không?”, bạn hãy làm điều gì đó, bởi vì câu hỏi trên là một đề xuất tốt đẹp, nhưng lại không mấy hữu ích vì nó chuyển gánh nặng cho người đau khổ: họ phải nói với bạn những gì họ cần và việc đó thực sự khó khăn. Họ sẽ tự hỏi “Biết yêu cầu gì đây nhỉ? Lỡ đòi hỏi của tôi nhỏ nhặt quá, hay lại lớn lao quá thì sao?”, vì vậy hãy hành động. Đồng nghiệp của Adam vừa mất đi đứa con, vậy là bạn anh, lúc trên đường đến thăm anh tại bệnh viện, đã nhắn tin: “Tôi đang đến, tôi sẽ mang cho anh một chiếc hamburger. Có phần nào anh muốn bỏ ra không? Hành? Kem béo hay cà chua? Vv.” Một người bạn khác đến sảnh của bệnh viện và nói với anh, “Tôi đang ở trong sảnh bệnh viện, nếu vài giờ tới anh muốn một cái ôm, dù anh có xuống lại đây hay không, tôi sẽ ở đó vì anh.” Chỉ một hành động đơn giản làm điều gì đó cũng sẽ tốt hơn nhiều so với câu hỏi “Tôi có thể làm gì?”.                                                      

Đau buồn, bi kịch, bệnh tật, mất mát, vv. Có thể xảy ra với tất cả mọi người. Đây là trải nghiệm của toàn nhân loại. Những biến cố xảy ra không phải là chuyện của riêng một người và một mình người đó phải gánh chịu. Sau biến cố, chúng ta và những người thân, bạn bè học được rất nhiều về chính mình và về cuộc đời, do đó, biến cố là nhân tố thúc đẩy ta đối mặt với  nghịch cảnh, tìm ra ý nghĩa cuộc sống và chiến đấu để có một ngày mai tốt đẹp hơn. Nhờ cuốn sách Phương án B, những phương pháp đối diện, trải qua nghịch cảnh và hỗ trợ bạn bè trước nghich cảnh, đã được đúc kết từ những người đã vượt qua nỗi đau mất mát, tìm ra ý nghĩa của nỗi đau và phát triển, với sự giúp đỡ của khoa học thần kinh, và tâm lý học.

Nguồn:

  • Adam Grant, Sheryl Sandberg, Phương Án B – Đối Mặt Nghịch Cảnh, Rèn Tính Kiên Cường, Và Tìm Lại Niềm Vui, NXB Trẻ, 2019
  • Adam Grant, Sheryl Sandberg, “Sheryl Sandberg and Adam Grant on Option B: Building Resilience”, LinkedIn course, 2018
  • Robert I. Sutton, The Mum Effect and Filtering in Organizations: The “Shoot The Messenger” Problem, Psychologytoday.com, 2010
  • Timothy D. Wilson, Daniel T. Gilbert, Afective forecasting, Advances in Eperimental social psychology, Vol. 35, 2003
  • Kristin Neff, Self-Compassion : The Proven Power of Being Kind to Yourself, 2011.

Vân Anh tổng hợp

Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang