Vào tháng 12 năm 1969, một người tuần tra đã tìm thấy thi thể của Susan Nason 8 tuổi. Suốt 20 năm, không ai biết ai đã sát hại cô bé. Sau đó, vào năm 1989, Eileen Franklin Lipsker, bạn của Susan, đã liên hệ với các nhà điều tra của quận. Eileen đã báo cáo rằng, với sự trợ giúp của liệu pháp tâm lý, cô đã nhớ lại một ký ức đau buồn khi chứng kiến cha mình, George Franklin, cưỡng hiếp Susan và sau đó lấy một tảng đá đánh cô bé đến chết (Marcus, 1990; Workman, 1990). Lời khai này là đủ để George Franklin bị kết tội giết người cấp một. Theo thời gian, Franklin đã được thả ra do có nhiều mối nghi ngờ liên tiếp về giá trị của trí nhớ con gái ông.
Tuy nhiên, lúc đầu bồi thẩm đoàn nhận thấy ký ức kịch tính được phục hồi sau 20 năm này của cô khá đáng tin cậy.
Về lý thuyết, làm thế nào mà những ký ức này lại bị che giấu suốt 20 năm? Câu trả lời cho bí ẩn này bắt nguồn từ khái niệm của Sigmund Freud về những ký ức bị dồn nén. Freud (1923) đưa ra giả thuyết rằng ký ức về trải nghiệm sống ở một số người đủ mang tính đe dọa đối với sức khỏe tâm lý của họ nên các cá nhân này trục xuất ký ức khỏi ý thức — họ kìm nén chúng. Các nhà tâm lý lâm sàng thường có thể giúp thân chủ kiểm soát cuộc sống của họ bằng cách giải thích các mô hình cuộc sống mang tính đứt gãy như hậu quả của những ký ức bị dồn nén.
Nhưng không phải trải nghiệm nào về những ký ức bị kìm nén cũng được xuất hiện trong văn phòng của nhà trị liệu. Sau một khoảng thời gian dài, các cá nhân đôi khi sẽ đưa ra các cáo buộc về các sự kiện kinh hoàng, chẳng hạn như các vụ giết người hoặc lạm dụng tình dục thời thơ ấu. Những tuyên bố này liệu có thể là sự thật không?
Các nhà lâm sàng lo lắng là nếu nhà trị liệu quá tin tưởng vào những ký ức bị kìm nén sẽ có thể, thông qua các cơ chế của liệu pháp tâm lý, cấy ghép những niềm tin đó vào bệnh nhân của họ (Lynn và cộng sự, 2003).
Các nhà trị liệu tin vào những ký ức bị kìm nén có thể xúi giục bệnh nhân nỗ lực tìm lại những ký ức này — và khen thưởng họ bằng lời nói khi “ký ức” được đưa ra ánh sáng (de Rivera, 1997).
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tuyển 128 người tham gia, tất cả đều tuyên bố rằng họ đã từng bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu (Geraerts và cộng sự, 2007). Đa số những người tham gia (71 trong số 128) có ký ức liên tục về vụ lạm dụng. Đó là, không có khoảng thời gian nào trong đời mà họ không nhớ lại vụ lạm dụng.
57 người tham gia khác có ký ức không liên tục; họ tin là đã quên việc lạm dụng trong một vài khoảng thời gian. Trong nhóm đó, 16 người đã khôi phục ký ức bị lạm dụng trong trị liệu, trong khi 41 người khác đã phục hồi ký ức mà không có bất kỳ gợi ý đặc biệt nào. Các nhà nghiên cứu đã gửi người phỏng vấn vào hiện trường để cố gắng tìm bằng chứng để chứng thực ký ức của những người tham gia về việc lạm dụng. Điều này là có thể đã diễn ra với 45 phần trăm những người tham gia có ký ức liên tục và 37% những người tham gia đã tự khôi phục ký ức của riêng họ. Tuy nhiên, đối với những người tham gia đã khôi phục ký ức trong quá trình trị liệu, những người phỏng vấn nhận thấy 0% chứng cứ chứng thực.
Nghiên cứu này xác nhận rằng một số báo cáo về ký ức được phục hồi là dựa trên điều xảy ra thực tế. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy các quá trình tâm lý trị liệu có tiềm năng dẫn dắt người ta tạo ra những ký ức giả.
Niềm tin vào sự phục hồi của những ký ức bị kìm nén có thể đem lại một lợi ích đo lường được cho bệnh nhân trong trị liệu tâm lý. Nhưng ngay cả như vậy, bệnh nhân vẫn phải đảm bảo rằng họ không chấp nhận một cách thụ động phiên bản cuộc sống của người khác.
Vân Anh dịch và biên tập
Nguồn: Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc.
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia