Những đứa trẻ lại bắt đầu một năm học mới cùng những thử thách đã không còn mới nữa. Đã gần hai năm cuộc sống tại trường lớp, với gia đình và bè bạn của rất nhiều học sinh bị đảo lộn bởi COVID-19, và những khó khăn đó vẫn không hề giảm bớt.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng học cách san sẻ những khó khăn đó với con cái, hay người em trai, em gái trong tuổi vị thành niên của mình bằng cách học quản lý cảm xúc cá nhân, học cách đối đầu với căng thẳng và áp lực một cách lành mạnh.
Rất nhiều học sinh đã bày tỏ thái độ bức bối, theo cách mà chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm được, khi chúng chuẩn bị tiếp tục cho một học kỳ… online, cùng rất nhiều hoạt động ngoại khóa, du lịch và vui chơi bị gián đoạn do COVID-19. Một số thì tuyệt vọng bởi việc quay trở lại trường học với chiếc khẩu trang 24/7 trong mọi hoạt động, cùng biết bao quy định về giữ khoảng cách hay “5K” với người khác. Số khác thì lo lắng về nguy cơ lây nhiễm tại trường học, hay lo lắng khi các hoạt động chúng mong chờ bấy lâu nay sẽ có nguy cơ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ hoàn toàn. Chúng thể hiện sự giận dỗi khi không biết được bao giờ đại dịch mới kết thúc. Với tư cách là người dạy dỗ con trẻ, ta có thể giúp chúng đương đầu với những khó khăn hiện tại như thế nào?
Đầu tiên, hãy chấp nhận rằng tất cả những cảm xúc ta vừa nhắc phía trên, tuy mang lại cảm giác không thoải mái, nhưng lại không gây hại và đáng quan ngại như thường được hình dung. Những cảm xúc đó giúp chúng ta quan sát rõ hơn sức khỏe tâm thần của trẻ. Cách những đứa trẻ không hài lòng với cuộc sống hay năm học sắp tới là những phản ứng hoàn toàn phù hợp trong hoàn cảnh đó, giống như chúng khóc khi buồn vậy. Điều chúng ta cần lưu tâm hơn là cách thanh thiếu niên điều hòa những cảm xúc đó.
Trẻ vị thành niên thể hiện cảm xúc như thế nào?
Nếu bạn có những đứa trẻ vị thành niên xung quanh bạn, như là người em, người con hay các học trò, hãy nghĩ về cảm xúc của chúng như là dòng nước trên một con sông gợn sóng vậy: dòng sông nên chảy, nhưng không nên gây ngập lụt cho các vùng đất ven sông. Đôi khi, chúng cần được “xả” hết những bức bối trong lòng, nhưng cũng có lúc dường như chúng cần phải tích tụ những cảm xúc mãnh liệt tới mức có nguy cơ “ngập lụt”: đắm chìm trong trạng thái mất cân bằng nghiêm trọng.
Tự thân những đứa trẻ có thể điều khiển cảm xúc của chúng rất tốt mà không cần sự công nhận từ người khác. Chúng thường để cho cảm xúc được tuôn ra tự do bằng cách nói về những gì đang gây phiền nhiễu cho chúng. Trong những khoảnh khắc đó, người lớn đôi khi lại bị bản năng bảo vệ xâm chiếm. Thay vì lắng nghe và đồng cảm, người lớn lại có xu hướng phản hồi lại trẻ bằng những cảnh báo và lời khuyên “thừa thãi” trong mắt con mình. Nếu một đứa trẻ nói với cha của em rằng em cảm thấy nhụt chí trước sự tiếp diễn kéo dài của đại dịch, người cha có thể nhận ra rằng sẽ tốt hơn nếu để cho em tiếp tục nói ra những suy nghĩ, thay vì cố gắng tìm ra một giải pháp trong hiện tại.
**Lắng nghe với một tâm thế cầu thị và thể hiện sự đồng cảm thực sự có lẽ là tất cả những gì đứa trẻ cần để giúp em “xả” bớt những cảm xúc tiêu cực và ngăn chúng tràn bờ. **
Tuy vậy, không phải đứa trẻ nào cũng là những người dễ dàng bày tỏ qua lời nói. Một số trong chúng chỉ cần được khóc “cho đã” để trút bỏ hết sự tuyệt vọng về những gì đại dịch đã gây ra cho cuộc sống của chúng. Có những đứa trẻ sẽ tìm lại sự cân bằng trong cảm xúc khi tham gia vào các hoạt động thể chất cường độ cao. Do vậy, chừng nào đó vẫn là những hoạt động an toàn, hãy để bọn trẻ được tự do trong việc điều hòa lại trạng thái tinh thần của chúng. Dù cho bạn chẳng thích tiếng nhạc heavy-metal oang oang từ phòng của bọn trẻ, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng nghe các bản nhạc buồn hoặc giận dữ có thể giúp người trẻ giảm bớt căng thẳng tiêu cực.
Quả nhiên, những đứa trẻ đều biết thể hiện cảm xúc một cách hiệu quả, nhưng đó chưa phải là tất cả khi chúng ta bàn về điều hòa cảm xúc. Chúng cần phải biết cách áp dụng cách phương pháp đối phó trực tiếp với cảm xúc của bản thân hiệu quả hơn, trước khi những cảm xúc đó trở nên “quá tải”. Ví dụ, một học sinh có thể tìm cách cân bằng cảm xúc trước một năm học mới đầy biến động bằng việc sắp xếp tỉ mỉ các dụng cụ học tập mới mua. Hay một đứa trẻ khác lại lựa chọn việc chìm đắm vào những cuốn sách và lướt TikTok liên tục để khỏi phải lo nghĩ về khả năng lây nhiễm của biến chủng Delta mới.
Vậy, người lớn có thể làm gì để hỗ trợ trẻ?
Đặc biệt trong thời kỳ mà chúng ta gặp nhiều khủng hoảng tâm lý do đại dịch, rất nhiều đứa trẻ sẽ không thể biết cách điều chỉnh cảm xúc mà không có sự hỗ trợ từ người khác. Chúng có thể thu mình lại và cần được khuyến khích để mở lòng chia sẻ, hoặc sẽ trở nên bức bối, hậm hực và cần hỗ trợ để bình tĩnh trở lại. Để trở thành những người “kỹ sư” lành nghề trong các vấn đề cảm xúc, sau đây là những phương pháp mà bạn có thể áp dụng với con trẻ và giúp chúng bày tỏ, hoặc tiết chế cảm xúc một cách lành mạnh.
ĐỂ CHO CẢM XÚC KHÔNG BỊ DỒN NÉN:
– Cùng đứng dậy và làm gì đó: Nếu một đứa trẻ bắt đầu thể hiện tâm trạng đi xuống thấy rõ, bạn có thể giúp chúng giải tỏa bằng một hoạt động chung, như là cùng nhau tập thể dục hay nấu bữa cơm tối. Chúng sẽ cảm thấy dễ dàng cởi mở và chia sẻ hơn khi chúng không phải “mặt đối mặt” một cách nghiêm túc với bạn.
– Đừng “hỏi cung” những đứa trẻ: Rất nhiều người trẻ cảm thấy thoải mái giao tiếp hơn khi chủ đề nói chuyện không nhắm thẳng vào chúng. Bạn có thể có những cuộc trò chuyện thân mật, dù không trực tiếp bàn luận về chủ đề đó, bằng cách hỏi han về những vấn đề của những người bạn cùng lớp của trẻ thay vì chính bản thân chúng. Ngoài ra, một số người sẽ bày tỏ sâu sắc hơn những cảm xúc, suy nghĩ chân thật khi nhắn tin chứ không phải đối thoại trực tiếp.
ĐỂ PHÒNG TRÁNH KHỦNG HOẢNG CẢM XÚC:
– Trở thành một chỗ dựa an toàn để trẻ trút ra cảm xúc: Đối với trẻ vị thành niên, chúng sẽ có những lúc mất khả năng kiểm soát hành vi hay cảm xúc tạm thời. Chúng có thể chìm đắm trong nhiều cảm xúc khác nhau, bởi phần não bộ tạo ra các cảm xúc của chúng phát triển không tương xứng với khả năng đánh giá khách quan. Sự hiện diện của một người cha hay người mẹ điềm tĩnh và ân cần sẽ giúp trẻ nhanh chóng kiểm soát được trạng thái căng thẳng tiêu cực. Bạn có thể yên lặng làm việc trong cùng một phòng với con, hoặc hỏi qua về các nhu cầu nhỏ mà bạn có thể đáp ứng như là một bữa ăn nhẹ hay liệu con muốn ở một mình, hay liệu con có muốn hít thở chút không khí ngoài trời (qua ban công hoặc xuống đường đi dạo nếu có thể), điều đó sẽ giúp truyền tải đến con sự vững chãi của bạn và giúp cảm xúc của trẻ dần cân bằng trở lại.
– Tạo sự xao nhãng cần thiết: Đôi khi những đứa trẻ chỉ cần được ngừng suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Trò chuyện trực tiếp về vấn đề có thể giúp chúng giải tỏa, nhưng đôi khi việc bắt chúng đào sâu suy nghĩ thêm về vấn đề lại khiến tình trạng của chúng trở nên tồi tệ hơn. Khi trẻ bắt đầu hoảng loạn với vấn đề (thay vì chỉ quan sát nó) do đã nghiền ngẫm về nó quá lâu, việc giúp chúng xao nhãng khỏi vấn đề đó là một phương pháp lành mạnh và nên làm. Phụ huynh có thể khuyên trẻ hãy gạt vấn đề ra một bên, đi làm một việc khác để giải trí hoặc “hữu ích” hơn như làm việc nhà hay vận động, và sẽ quay trở lại vấn đề đó vào thời điểm khác.
Khi nào thì chúng ta cần quan ngại?
Chừng nào những đứa trẻ vẫn có thể bày tỏ và thể hiện cảm xúc theo một cách lành mạnh và an toàn, bạn có thể tin rằng chúng đang điều hòa cảm xúc một cách hiệu quả. Điều này vẫn đúng kể cả khi chúng cần tìm đến sự trợ giúp từ người lớn – và kể cả khi chúng thường xuyên tỏ ra tức giận. Vậy lúc nào mới là lúc bạn cần lo lắng về sức khỏe cảm xúc của một đứa trẻ?
Hiểu một cách đơn giản, trẻ chỉ gặp vấn đề khi cảm xúc đang dần điều khiển cuộc sống hằng ngày của chúng. Khi lo âu bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ, khiến cho chúng không thể làm những điều chúng thích hay cần nữa – như là dành thời gian với bạn bè hay tập trung làm bài tập – thì đó là lúc chúng cần các hỗ trợ từ các nhà tham vấn chuyên nghiệp. Hoặc khi những đứa trẻ bắt đầu có những hành vi gây tổn hại bản thân và người khác do những giày vò từ cảm xúc tiêu cực và khí sắc u ám, chúng thật sự cần những can thiệp từ nhà tâm lý.
Bạn cũng cần để ý tới trẻ nhiều hơn khi chúng bắt đầu gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc bày tỏ cảm xúc. Việc thường xuyên giữ kín cảm xúc của mình và cố gắng làm mọi việc để che dấu cảm xúc thật có liên quan trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần kém ở trẻ vị thành niên. Khi chúng không thể chọn cách lành mạnh để giảm nhẹ những căng thẳng tiêu cực kéo dài và hầu như mang tính phổ quát do đại dịch gây ra, hay phải dựa vào chất kích thích để làm tê liệt cảm xúc, đó là lúc chúng ta cần đưa trẻ tới gặp các bác sĩ hay nhà tâm lý.
Thật không ngoa khi nói rằng sống dưới đại dịch COVID-19 đã trở thành một thời kỳ dài và “dữ dội” cho cả trẻ vị thành niên lẫn những người chăm sóc chúng. Chừng nào chúng ta vẫn còn phải sống chung với đại dịch với biết bao thử thách mới chưa thể lường trước, các gia đình cần phải hiểu rằng mục tiêu của chúng ta không phải là “triệt tiêu” đi những cảm xúc tiêu cực, điều này có thể an ủi phần nào các bậc cha mẹ. Hơn hết, bài học mà chúng ta muốn dạy cho những đứa trẻ, đó là cách điều hòa cảm xúc cá nhân một cách lành mạnh. Đôi khi chúng có thể làm điều đó một mình, và đôi khi chúng cũng cần đến sự quan tâm, giúp đỡ từ những người lớn biết lắng nghe và yêu thương.
————–
Dịch: Phương Anh
Hiệu đính: Vân Anh
Tham khảo: Damour, L. (2021) How to Support Teenagers as They Head Back to School (Online) Available at: https://www.nytimes.com/…/family/back-to-school-teens.html (Accessed 5 September 2021)
————–
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
————–
Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông – Institute of Psychology & Media
Liên hệ với Viện qua Fanpage: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia