Tổng quan về các liệu pháp sinh y

Hệ sinh thái của tâm trí được tổ chức trong một sự cân bằng tinh tế. Khi có vấn đề nào đó xảy ra với não bộ, ta sẽ thấy hậu quả trong các kiểu hành vi, nhận thức và phản ứng cảm xúc bất thường. Tương tự, các rối loạn về môi trường, xã hội hoặc hành vi, chẳng hạn như ma túy và bạo lực, có thể thay đổi sắp xếp hóa học và chức năng của não. Các liệu pháp y sinh thường gặp nhất coi các rối loạn tâm thần như các vấn đề trong não. Bài viết này mô tả bốn phương pháp tiếp cận y sinh: liệu pháp điều trị bằng thuốc, phẫu thuật tâm lý, liệu pháp sốc điện (ECT) và kích thích từ trường xuyên sọ lặp đi lặp lại (rTMS).

Điều trị bằng thuốc

Trong lịch sử điều trị rối loạn tâm thần, không có gì sánh ngang được với cuộc cách mạng được tạo ra bởi việc khám phá ra các loại thuốc có khả năng làm dịu những bệnh nhân lo lắng, khôi phục mối liên hệ với thực tế đối với bệnh nhân có tâm thế rút lui và ngăn chặn ảo giác ở người bệnh loạn thần (psychotic). Kỷ nguyên trị liệu mới này bắt đầu vào năm 1953 với sự ra đời của các loại thuốc an thần, đặc biệt là chlorpromazine, trong các phác đồ điều trị của bệnh viện. Các liệu pháp điều trị bằng thuốc mới nổi đạt được địa vị và sự công nhận gần như ngay lập tức, như một cách để chuyển đổi hành vi của bệnh nhân. Psychopharmacology (Tâm lý-dược học) là nhánh tâm lý học nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc đối với hành vi. Các nhà nghiên cứu về tâm lý dược học làm việc để tìm hiểu tác động của thuốc đối với một số hệ thống sinh học và các thay đổi như hệ quả trong việc phản hồi với thuốc.

Việc khám phá ra các liệu pháp điều trị bằng thuốc có ảnh hưởng sâu sắc đến điều trị bệnh nhân rối loạn nặng. Nhân viên bệnh viện tâm thần không còn phải đóng vai trò như những người bảo vệ, đưa bệnh nhân vào nơi tách biệt hoặc bó họ trong áo khoác; tinh thần nhân viên được cải thiện khi việc phục hồi chức năng được thay thế bằng việc chăm sóc giám hộ đơn thuần cho người bệnh tâm thần (Swazey, 1974). Hơn nữa, cuộc cách mạng điều trị bằng thuốc đã có tác động lớn đến quần thể bệnh viện tâm thần tại Mỹ. Hơn nửa triệu người đã sống trong các viện tâm thần vào năm 1955, mỗi người ở trung bình vài năm. Sự ra đời của chlorpromazine và các loại thuốc khác đã làm đảo ngược số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Vào đầu những năm 1970, người ta ước tính rằng ít hơn một nửa số bệnh nhân thực sự cư trú tại bệnh viện tâm thần; những người được điều trị thường xuyên cũng chỉ ở trung bình vài tháng.

Các loại thuốc làm giảm các triệu chứng của các rối loạn tâm thần khác nhau được kê đơn rộng rãi. Khi chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng đi kèm  với sự chỉ đạo của các tổ chức duy trì sức khỏe (health maintenance organization (HMO)), các phương pháp cắt giảm chi phí hạn chế số lượng những lần bệnh nhân đến gặp nhà trị liệu để được điều trị tâm lý trong khi thay thế các liệu pháp điều trị bằng thuốc rẻ hơn. Các nhà nghiên cứu có ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong đơn thuốc cho các liệu pháp điều trị bằng thuốc (Stagnitti, 2007). Vì lý do đó, điều quan trọng là phải hiểu là các liệu pháp điều trị bằng thuốc có các khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Ba loại thuốc chính được sử dụng ngày nay trong các chương trình trị liệu: thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu. Như tên gọi của chúng gợi ý, những loại thuốc này về mặt hóa học thay đổi các chức năng não cụ thể chịu trách nhiệm về các triệu chứng loạn thần, trầm cảm và lo lắng tột độ.

Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần làm thay đổi các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt như hoang tưởng, ảo giác, thu mình lại với xã hội và thỉnh thoảng bị kích động. Thuốc chống loạn thần hoạt động bằng cách giảm hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong não (Keshavan và cộng sự, 2011). Các nhà nghiên cứu thuốc sớm nhất được phát triển, như chlorpromazine (ở Mỹ được tiếp thị dưới tên Thorazine) và haloperidol (tiếp thị là Haldol) chặn hoặc giảm độ nhạy của các thụ thể dopamine. Mặc dù những loại thuốc đó hoạt động bằng cách giảm mức độ hoạt động tổng thể của não, chúng không chỉ là thuốc an thần. Đối với nhiều bệnh nhân, chúng đã làm nhiều thứ hơn là loại bỏ sự kích động đơn thuần. Chúng cũng làm nhẹ hoặc suy giảm các triệu chứng tích cực của bệnh tâm thần phân liệt, bao gồm ảo tưởng và ảo giác.

Thật không may, đã có những tác dụng phụ tiêu cực của những thuốc chống loạn thần sớm. Bởi vì dopamine đóng một vai trò trong kiểm soát vận động, rối loạn cơ thường đi kèm như tác dụng phụ của điều trị bằng thuốc. Rối loạn vận động chậm trễ là một rối loạn đặc biệt về kiểm soát vận động, nhất là cơ mặt, do thuốc chống loạn thần gây ra. Bệnh nhân gặp tác dụng phụ này trải nghiệm chuyển động hàm, môi và lưỡi không tự nguyện.

Theo thời gian, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại thuốc mới, được gọi là thuốc chống loạn thần không điển hình (atypical), tạo ra ít tác dụng phụ lên vận động cơ. Thành viên đầu tiên của danh mục này, clozapine (tên tiếp thị là Clozaril), đã được chấp thuận ở Hoa Kỳ vào năm 1989. Clozapine đều trực tiếp làm giảm hoạt động của dopamine và tăng mức độ hoạt động của serotonin, ức chế hệ thống dopamine. Mô hình hoạt động này ngăn chặn các thụ thể dopamine một cách có chọn lọc hơn, dẫn đến xác suất các rối loạn vận động thấp hơn. Thật không may, chứng mất hạt bạch cầu (agranulocytosis), một căn bệnh hiếm gặp trong đó tủy xương ngừng tạo ra các tế bào bạch cầu, phát triển ở 1 đến 2 phần trăm bệnh nhân được điều trị bằng clozapine.

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loạt các thuốc chống loạn thần không điển hình hoạt động trong não tương tự như clozapine.

Các nghiên cứu quy mô lớn cho thấy rằng mỗi loại thuốc này đều có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt — nhưng từng loại cũng có khả năng xảy ra các phản ứng phụ. Ví dụ: những người dùng thuốc này có nguy cơ tăng cân và tiểu đường (Rummel-Kluge và cộng sự, 2010; Smith và cộng sự, 2008). Không may, các tác dụng phụ thường khiến bệnh nhân ngừng điều trị bằng thuốc. Tỷ lệ tái phát khi bệnh nhân không dùng thuốc là khá cao — thậm chí chỉ dùng thuốc liều thấp hơn liều khuyến cáo, cũng đã làm tăng đáng kể nguy cơ gia tăng các triệu chứng (Subotnik và cộng sự, 2011). Những bệnh nhân sử dụng các loại thuốc mới hơn như clozapine vẫn có khoảng 15 đến 20% khả năng tái phát (Leucht và cộng sự, 2003). Vì vậy, thuốc chống loạn thần không chữa khỏi tâm thần phân liệt — chúng không loại bỏ được bệnh lý tâm thần cơ bản. May mắn thay, chúng có hiệu quả hợp lý trong việc kiểm soát các triệu chứng gây rối loạn nhất của bệnh tâm thần.

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm hoạt động bằng cách tăng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine và serotonin (Thase & Denko, 2008). Các tế bào thần kinh giao tiếp bằng cách giải phóng chất dẫn truyền thần kinh vào các khe tiếp hợp sy-náp (khoảng trống nhỏ giữa các nơ-ron). Thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclics), chẳng hạn như TofranilElavil, giảm hấp thu lại (loại bỏ) chất dẫn truyền thần kinh từ khe tiếp hợp.

Các loại thuốc như Prozac được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) vì chúng đặc biệt làm giảm sự tái hấp thu của serotonin. Chất ức chế monoamine oxidase (MAO) hạn chế hoạt động của enzyme monoamine oxidase, chịu trách nhiệm phân hủy (chuyển hóa) norepinephrine. Khi  MAO bị ức chế, nhiều chất dẫn truyền thần kinh còn lại được để yên làm những việc khác. Do đó mỗi loại thuốc để lại nhiều chất dẫn truyền thần kinh có sẵn hơn giúp mang lại tín hiệu thần kinh cho các việc khác.

Thuốc chống trầm cảm có thể thành công trong việc làm giảm các triệu chứng trầm cảm, mặc dù có tới 50% bệnh nhân sẽ không cải thiện (Hollon và cộng sự, 2002). Trên thực tế, đối với những người có các triệu chứng trầm cảm nhẹ hoặc trung bình, thuốc chống trầm cảm cho thấy ít tác động ngoài giả dược (viên uống không chứa dược tính); chúng mang lại nhiều lợi ích đáng kể hơn cho những người bị trầm cảm nặng (Fournier và cộng sự, 2010). Bởi vì thuốc chống trầm cảm có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống dẫn truyền thần kinh trong não, chúng có tiềm năng mang lại những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Ví dụ: những người sử dụng SSRI như Prozac có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, mất ngủ, căng thẳng và rối loạn chức năng tình dục. Thuốc chống trầm cảm ba vòng và chất ức chế MAO có thể gây khô miệng, khó ngủ và suy giảm trí nhớ. Nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm chính gần như ngang nhau, giữa các cá nhân, trong khả năng mang lại sự giảm nhẹ triệu chứng (Hollon và cộng sự, 2002). Vì lý do đó, điều rất quan trọng là mỗi cá nhân cần tìm ra loại thuốc mang lại ít tác dụng phụ nhất cho cá nhân anh ta hoặc cô ta.

Các nhà nghiên cứu cũng tiếp tục tìm kiếm các loại thuốc sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm với ít tác dụng phụ hơn.

Nhóm thuốc mới nhất được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine, hoặc SNRI. Như tên cho thấy, những loại thuốc này, chẳng hạn như Effexor và Dalcipran, ngăn chặn sự tái hấp thu của cả serotonin và norepinephrine. Thử nghiệm lâm sàng bằng cách sử dụng những loại thuốc này không thấy sự khác biệt lớn về hiệu quả liên quan đến SSRI (Machado & Einarson, 2010). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn phải xác định SNRIs nào hoạt động mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng (Perahia và cộng sự, 2008).

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã xem xét các câu hỏi về việc liệu các cá nhân — và đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên — những người dùng thuốc chống trầm cảm đang ở mức có nguy cơ tự tử cao hơn. Mặc dù các kết luận vẫn còn gây tranh cãi, phần lớn bằng chứng ủng hộ tuyên bố rằng điều trị bằng thuốc trên thực tế, đối với chứng trầm cảm, làm tăng nhẹ nguy cơ tự tử (Möller và cộng sự, 2008). Câu hỏi quan trọng là tại sao điều này xảy ra. Một số nhà nghiên cứu tin rằng các loại thuốc – đặc biệt là SSRI – hoạt động trong não để làm tăng suy nghĩ tự tử.

Các nhà nghiên cứu khác gợi ý rằng sự gia tăng nhỏ nguy cơ tự tử là một hậu quả đáng tiếc của sự giảm nhẹ triệu chứng mà thuốc mang lại: Bởi vì trật tự não bị trầm cảm nghiêm trọng làm suy yếu động lực, người ta có thể muốn thực hiện các hành vi tự sát chỉ khi sức khỏe tâm thần của họ bắt đầu cải thiện. Vì lý do đó, những người bắt đầu điều trị bằng thuốc cho chứng rối loạn trầm cảm nặng nên nhận được chú ý lâm sàng để theo dõi các ý nghĩ hoặc ý định tự tử có thể xảy ra. Cũng cần lưu ý là nhiều nhà nghiên cứu đã lập luận rằng, bởi vì thuốc chống trầm cảm giúp giảm trầm cảm, chúng ngăn chặn nhiều vụ tự tử hơn chúng gây ra; lợi ích của chúng lớn hơn rủi ro của chúng (Bridge và cộng sự, 2007).

Các muối liti (lithium salt) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị rối loạn lưỡng cực (Thase & Denko, 2008). Những người trải qua giai đoạn phấn khích thái quá không kiểm soát được, khi năng lượng của họ dường như vô hạn và hành vi của họ ngông cuồng thái quá, nhờ một liều lượng lithium nhất định, trạng thái hưng cảm của họ sẽ được hạ xuống. Ngoài ra, nếu người bệnh tiếp tục dùng lithium khi các triệu chứng thuyên giảm, họ ít có khả năng bị tái phát rối loạn (Biel và cộng sự, 2007).

Tuy nhiên, đối với những người bị rối loạn lưỡng cực, thường xuyên xoay vòng giữa các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm, lithium dường như kém hiệu quả hơn các phương pháp điều trị khác như thuốc valproate, ban đầu được phát triển như một loại thuốc để ngăn ngừa co giật (Cousins ​​& Young, 2007).

Thuốc chống lo âu

Như thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm, thuốc chống lo âu nói chung có tác dụng bằng cách điều chỉnh mức độ hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh trong não. Các thuốc khác nhau có hiệu quả nhất trong việc giảm bớt các loại rối loạn lo âu khác nhau (Hoffman & Mathew, 2008). Rối loạn lo âu tổng quát được điều trị tốt nhất bằng thuốc benzodiazepine, chẳng hạn như Valium hoặc Xanax, làm tăng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh GABA. Vì GABA điều chỉnh các tế bào thần kinh ức chế, làm tăng hoạt động GABA và làm giảm hoạt động của não trong các khu vực của não liên quan đến các phản ứng lo âu tổng quát. Rối loạn hoảng sợ, cũng như chứng ảm ảnh sợ hãi như sợ dám đông (agoraphobia), có thể được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ cơ chế sinh học liên quan. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế, có thể phát sinh từ mức serotonin thấp, phản ứng đặc biệt tốt đối với các loại thuốc, như Prozac, thuốc này đặc biệt ảnh hưởng đến chức năng serotonin.

Cũng như các loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt và rối loạn tâm trạng, benzodiazepine ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền thần kinh chính và do đó có một loạt các tác dụng phụ tiềm ẩn (Macaluso và cộng sự, 2010). Những người bắt đầu một liệu trình trị liệu có thể gặp buồn ngủ ban ngày, nói ngọng và các vấn đề phối hợp cơ thể. Thuốc cũng có thể làm giảm quá trình nhận thức chẳng hạn như khả năng chú ý và trí nhớ (Stewart, 2005). Hơn nữa, những người bắt đầu điều trị bằng benzodiazepine thường xuyên trải qua sự dung nạp thuốc — họ phải tăng liều lượng để duy trì hiệu ứng ổn định (xem Chương 5). Ngừng điều trị cũng có thể dẫn đến hội chứng cai (Tan et al., 2011). Vì tiềm năng phụ thuộc về tâm lý và thể chất, bệnh nhân nên tiến hành điều trị bằng thuốc chống lo âu với sự tư vấn cẩn thận của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Phẫu thuật tâm lý (Psychosurgery)

Khi các liệu pháp khác không mang lại hiệu quả giảm nhẹ, các bác sĩ đôi khi còn xem xét các biện pháp can thiệp trực tiếp vào não.

Phẫu thuật tâm lý (psychosurgery) là thuật ngữ chung cho các thủ tục phẫu thuật thực hiện trên mô não để giảm bớt các rối loạn tâm lý.

Sự can thiệp như vậy bao gồm việc giảm bớt (cắt đứt) các kết nối giữa các phần của não hoặc loại bỏ các phần nhỏ của não. Hình thức phẫu thuật tâm lý được biết đến nhiều nhất là phẫu thuật thùy trước trán (lobotomy), một phẫu thuật cắt đứt các sợi thần kinh kết nối thùy trán của não với màng não, đặc biệt là những sợi của vùng đồi thị và vùng dưới đồi. Quy trình này được phát triển bởi nhà thần kinh học Egas Moniz (1874–1955), người, vào năm 1949, đã giành được giải Nobel cho phương pháp điều trị này.

Các ứng cử viên ban đầu cho phẫu thuật lobotomy là những bệnh nhân bị kích động do bệnh tâm thần phân liệt và bệnh nhân bị cưỡng chế và lo âu dâng trào. Tác động của phẫu thuật tâm lý này rất ấn tượng:

Một nhân cách mới xuất hiện mà không có cảm xúc kích thích dữ dội và do đó, không có lo lắng, cảm giác tội lỗi hoặc tức giận.

Tuy nhiên, hoạt động này đã phá hủy vĩnh viễn các khía cạnh cơ bản của bản chất con người. Lobotomy dẫn đến việc không thể lập kế hoạch trước, thờ ơ với ý kiến ​​của người khác, hành động trẻ con và sự thiếu vắng trí tuệ lẫn cảm xúc ở một người không có ý thức chặt chẽ về bản thân. (Một trong những bệnh nhân của Moniz đã rất đau khổ bởi những hậu quả bất ngờ này mà cô đã bắn Moniz, làm tê liệt một phần cơ thể ông.)

Bởi vì tác dụng của phẫu thuật tâm lý là vĩnh viễn, việc tiếp tục sử dụng đến nó là rất hạn chế. Các bác sĩ lâm sàng chỉ xem xét phẫu thuật tâm lý khi các phương pháp điều trị khác liên tục thất bại. Ví dụ, một nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của một thủ thuật mở bỏ liên hợp khứu hải mã (cingulotomy), trong đó bác sĩ phẫu thuật tạo ra các tổn thương ở cấu trúc hệ thống hệ viền não (limbic) được gọi là hồi đai (cingulate gyrus) (Shields và cộng sự, 2008). 33 bệnh nhân trong nghiên cứu có bệnh lý trầm cảm khó chữa — họ đã không đáp ứng được bốn liệu trình điều trị bằng thuốc trở lên cũng như các phương pháp điều trị tiêu chuẩn khác. Sau các cuộc phẫu thuật, 75 phần trăm bệnh nhân cho thấy sự nhẹ nhõm từ các triệu chứng của họ. Thủ tục cingulotomy cũng có giảm các triệu chứng của bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tương tự, cũng không có phản ứng với điều trị bằng thuốc (Kim và cộng sự, 2003).

ECT và rTMS

Liệu pháp co giật điện.sốc điện (Electroconvulsive therapy (ECT) là sử dụng sốc điện được áp dụng cho não để điều trị các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, hưng cảm, và thường xuyên nhất là trầm cảm. Kỹ thuật bao gồm áp dụng dòng điện yếu vào da đầu của bệnh nhân cho đến khi cơn co giật xảy ra. Cường độ dòng điện được điều chỉnh để phản ánh ngưỡng co giật cho những bệnh nhân cụ thể (Kellner và cộng sự, 2010). Cơn co giật thường hết sau 45 đến 60 giây. Bệnh nhân được chuẩn bị cho sự can thiệp gây chấn thương này bằng liều an thần với một barbiturat tác dụng ngắn và thư giãn cơ, khiến cho bệnh nhân bất tỉnh và giảm thiểu các phản ứng vật lý bạo lực.

Liệu pháp sốc điện đã được chứng minh là khá thành công trong việc giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm nghiêm trọng (Lisanby, 2007). ECT đặc biệt quan trọng vì nó hoạt động nhanh chóng. Thông thường, các triệu chứng của bệnh trầm cảm được giảm bớt trong quá trình điều trị ba đến bốn ngày, so với khoảng thời gian từ một đến hai lần cho các liệu pháp điều trị bằng thuốc. Mặc dù vậy, hầu hết các nhà trị liệu chỉ vận dụng đến ECT như một phương pháp điều trị cuối cùng. ECT thường được đặt hẹn trước để điều trị khẩn cấp cho trường hợp tự tử hoặc suy dinh dưỡng nghiêm trọng, cho bệnh nhân trầm cảm và bệnh nhân không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm hoặc không thể chịu đựng được các tác dụng phụ của chúng.

Mặc dù ECT có hiệu quả, nó vẫn còn gây tranh cãi dưới tư cách là một phương pháp điều trị. Sự không thoải mái của giới khoa học với ECT tập trung ở sự thiếu hiểu biết về cách nó hoạt động. Các nhà nghiên cứu đã suy đoán rằng phương pháp điều trị có thể tái cân bằng chất dẫn truyền thần kinh hoặc kích thích tố; họ cũng gợi ý là các cơn động kinh lặp đi lặp lại thực sự có thể tăng cường trí não (Keltner & Boschini, 2009).

Phần lớn sự không chắc chắn vẫn còn bởi vì các nhà nghiên cứu không thể tiến hành các thí nghiệm phù hợp về mặt đạo đức đối với những người tham gia là con người để đưa ra câu trả lời dứt khoát.

Các nhà phê bình cũng lo lắng về tác dụng phụ tiềm ẩn của ECT. ECT tạo ra sự mất phương hướng tạm thời và nhiều loại thâm hụt về nhận thức. Ví dụ, bệnh nhân thường bị mất trí nhớ đối với các sự kiện trong khoảng thời gian trước khi điều trị cũng như khó hình thành ký ức mới (Ingram và cộng sự, 2008). Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân phục hồi sau những thâm hụt này trong vài tuần đầu tiên sau khi điều trị. Như một cách để giảm thiểu cả những thiếu hụt ngắn hạn, ECT bây giờ thường chỉ được chỉ định cho một bên của não để giảm khả năng suy giảm khả năng nói. ECT đơn phương như thế làm giảm bớt một số hậu quả nhận thức của việc điều trị và nhờ thế vẫn được coi là một loại thuốc chống trầm cảm hiệu quả (Fraser và cộng sự, 2008).

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra một giải pháp thay thế cho ECT được gọi là kích thích từ xuyên sọ lặp đi lặp lại (rTMS). Những người trải qua rTMS nhận các xung kích thích từ trường lặp đi lặp lại đến não. Như với ECT, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được lý do tại sao rTMS có thể mang lại cứu trợ cho chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng và các dạng khác của tâm bệnh học. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rTMS có thể hiệu quả như một số loại thuốc chống trầm cảm (Schutter, 2008). Các nhà nghiên cứu đang làm việc để xác định cách các biến chẳng hạn như cường độ của kích thích từ ảnh hưởng đến khả năng mang lại sự giảm nhẹ của của rTMS (Daskalakis và cộng sự, 2008).

Vân Anh dịch và tổng hợp

Nguồn: Tâm lý học và đời sống, Richard J. Gerrig, Philip G. Zimbardo, bản in thứ 16, 2002, Pearson Education Inc, bản dịch 2020 của Van Lang Culture JSC. Người dịch Kim Dân

Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc

Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang