Tất cả các phương pháp điều trị được nêu cho đến nay chủ yếu là được thiết kế như mối quan hệ 1-1 giữa một bệnh nhân hoặc khách hàng và một nhà trị liệu. Tuy nhiên, nhiều người giờ đây trải nghiệm liệu pháp như một phần của một nhóm. Có một số lý do tại sao liệu pháp nhóm đã phát triển mạnh mẽ gần đây. Một số lợi thế là tính thực tế của nó: Liệu pháp nhóm ít tốn kém hơn với những người tham gia và cho phép một số lượng nhỏ người chăm sóc sức khỏe tâm thần giúp đỡ nhiều khách hàng hơn. Lợi thế khác liên quan đến sức mạnh của việc thiết lập nhóm.
(1) Nhóm là tình huống ít đe dọa hơn đối với những người có vấn đề trong việc một mình đối mặt với bậc thẩm quyền;
(2) Nó cho phép các quy trình nhóm được sử dụng để tác động đến hành vi không thích hợp của cá nhân;
(3) Nó cung cấp cho mọi người cơ hội quan sát và thực hành kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân trong buổi trị liệu; và
(4) đem lại một sự tương đồng với nhóm gia đình chính, cho phép các trải nghiệm cảm xúc giúp điều chỉnh được diễn ra.
Liệu pháp nhóm cũng đặt ra một số vấn đề đặc biệt (Motherwell & Shay, 2005). Ví dụ, một số nhóm tạo ra một nền văn hóa mà ở đó có thể đạt được rất ít tiến bộ — các thành viên tạo ra tiêu chuẩn khuyến khích sự thụ động và hạn chế tiết lộ bản thân. Ngoài ra, hiệu quả của nhóm có thể thay đổi đáng kể khi các thành viên rời khỏi hoặc tham gia nhóm. Cả việc đến và đi đều có thể thay đổi sự cân bằng mong manh cho phép các nhóm hoạt động tốt như một đơn vị. Các nhà trị liệu chuyên về trị liệu nhóm phải quan tâm đến các động lực nhóm này.
Một số tiền đề cơ bản của liệu pháp nhóm khác với những liệu pháp cá nhân. Bối cảnh xã hội của các liệu pháp nhóm tạo cơ hội để tìm hiểu cách một người gặp những người khác, cách mà hình ảnh bản thân được quy chiếu khác với hình ảnh được dự định hay hình ảnh do cá nhân trải nghiệm được. Ngoài ra, nhóm cung cấp xác nhận rằng các triệu chứng, vấn đề, và phản ứng “lệch lạc” của một người không phải là duy nhất của người đó mà thường khá chung. Bởi vì người ta có xu hướng che giấu khỏi người khác những thông tin tiêu cực về bản thân, có thể nhiều người chịu cùng một vấn đề với niềm tin rằng “Chỉ có mình tôi bị như vậy”. Sự chia sẻ trải nghiệm nhóm có thể giúp xóa tan sự thiếu hiểu biết đa nguyên này trong đó nhiều người có cùng niềm tin sai lầm về những thất bại “chỉ bản thân mới có”. Ngoài ra, nhóm đồng đẳng có thể mang lại hỗ trợ bên ngoài cơ sở trị liệu.
Liệu pháp cặp đôi và gia đình
Phần lớn liệu pháp nhóm bao gồm những người lạ đến với nhau theo định kỳ để hình thành các liên kết tạm thời có thể đem lại lợi ích cho họ. Liệu pháp cặp đôi và gia đình mang lại những đơn vị ý nghĩa, hiện tồn vào một bối cảnh trị liệu.
Liệu pháp cặp đôi cho các vấn đề trong hôn nhân tìm cách làm rõ các mô hình giao tiếp điển hình của đối tác và sau đó cải thiện chất lượng tương tác của họ (Snyder & Balderrama-Durbin, 2012). Bằng cách nhìn thấy một cặp đôi cùng nhau, và thường xuyên bằng cách quay video và phát lại các tương tác của họ, một nhà trị liệu có thể giúp họ đánh giá phong cách ngôn từ và phi ngôn ngữ mà họ sử dụng để thống trị, kiểm soát hoặc làm nhau lẫn lộn. Mỗi bên được dạy cách củng cố phản hồi được mong muốn ở bên kia và rút lại sự củng cố cho phản ứng không mong muốn. Họ cũng được dạy các kỹ năng lắng nghe không chỉ thị để giúp người kia làm rõ và bày tỏ cảm xúc và ý nghĩ của mình. Liệu pháp cặp đôi đã được chứng minh là làm giảm các cuộc khủng hoảng trong hôn nhân và giữ nguyên vẹn các cuộc hôn nhân (Christensen và cộng sự, 2006).
Trong liệu pháp gia đình (family therapy), khách hàng là cả một gia đình hạt nhân, và mỗi thành viên gia đình được coi như một thành viên của một hệ thống các mối quan hệ (Nutt & Stanton, 2011). Một nhà trị liệu gia đình làm việc với các thành viên gặp khó khăn trong gia đình để giúp họ nhận thức những gì đang tạo ra vấn đề cho một hoặc nhiều người trong số họ. Cùng xem xét trường hợp một đứa trẻ đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu. Nghiên cứu để xuất rằng không may, một số phương pháp nuôi dạy con cái nhất định có thể duy trì sự lo âu của trẻ em (McLeod và cộng sự, 2011). Ví dụ, nếu cha mẹ không cho phép con cái họ tự chủ đầy đủ, những đứa trẻ có thể không bao giờ đạt mức độ hiệu quả bản thân đủ để đối mặt thành công với các nhiệm vụ mới. Trong hoàn cảnh đó, các nhiệm vụ mới sẽ tiếp tục kích thích sự lo âu. Liệu pháp gia đình có thể tập trung vào cả sự lo âu của trẻ và những hành vi của cha mẹ có thể duy trì sự lo âu đó.
Các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 45 trẻ em, từ 9 đến 13 tuổi, tham gia vào một nghiên cứu điều trị (Podell & Kendall, 2011). Tất cả trẻ em này đều đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu (chẳng hạn như rối loạn lo âu tổng quát hoặc ám ảnh sợ xã hội). Những đứa trẻ này nhận được một chương trình trị liệu hành vi nhận thức giúp chúng nhận ra các tình huống gây lo lắng và phát triển các kỹ năng để đối phó với sự lo lắng trong những tình huống đó.
Cha và mẹ của những đứa trẻ cũng tham gia vào các buổi trị liệu. Cha mẹ học được các chiến lược đối phó bên cạnh con cái họ. Ngoài ra, liệu pháp còn cố gắng sửa đổi các hành vi không phù hợp của cha mẹ liên quan đến trải nghiệm lo âu của con cái và thay thế những hành vi đó bằng những phản hồi mang tính xây dựng. Các phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy: những đứa trẻ có cha mẹ tham gia nhiều hơn vào các buổi trị liệu cho thấy sự cải thiện nhiều hơn.
Nghiên cứu này minh họa tầm quan trọng của cách tiếp cận thuộc liệu pháp gia đình. Bằng cách thu hút sự tham gia của cả gia đình, liệu pháp can thiệp thay đổi các yếu tố môi trường có thể đã giúp duy trì mức độ lo lắng của trẻ.
Liệu pháp gia đình có thể làm giảm căng thẳng trong một gia đình và cải thiện hoạt động của các thành viên cá nhân bằng cách giúp đỡ khách hàng nhận ra những mặt tích cực cũng như những mặt tiêu cực trong các mối quan hệ của họ. Virginia Satir (1916–1988), một nhà phát triển các phương pháp tiếp cận liệu pháp gia đình, lưu ý rằng nhà trị liệu gia đình đóng nhiều vai trò, hoạt động như một người phiên dịch và làm rõ các tương tác đang diễn ra trong phiên trị liệu và như tác nhân gây ảnh hưởng, người hòa giải và trọng tài (Satir, 1967). Hầu hết các nhà trị liệu gia đình cho rằng các vấn đề được đưa vào liệu pháp đại diện cho những khó khăn mang tính tình huống (situational) giữa mọi người hoặc các vấn đề của tương tác xã hội, chứ không phải là mang tính khuynh hướng (dispositional) của các cá nhân. Những khó khăn này có thể phát triển theo thời gian, khi các thành viên buộc phải tham gia hoặc chấp nhận các vai trò không thỏa đáng. Các mẫu giao tiếp không hiệu quả có thể được thiết lập để đáp ứng với chuyển đổi trong một hoàn cảnh gia đình — mất việc làm, một đứa trẻ tới trường học, hẹn hò, kết hôn, hoặc sinh con.
Công việc của nhà trị liệu gia đình là hiểu cấu trúc của gia đình và nhiều lực tác động lên nó. Sau đó, người này làm việc với các thành viên trong gia đình để giải thể các yếu tố cấu trúc “rối loạn chức năng” đồng thời tạo và duy trì các cấu trúc mới, hiệu quả hơn (Fishman & Fishman, 2003).
Các nhóm hỗ trợ cộng đồng
Một sự phát triển mạnh mẽ trong liệu pháp là sự gia tăng của sự quan tâm và tham gia vào các nhóm hỗ trợ lẫn nhau (mutual support group) và các nhóm tự lực (self-help group). Ở Mỹ, có hơn 6.000 trong số các nhóm này, tập trung vào các vấn đề sức khỏe tâm thần; nhóm tự lực báo cáo hơn 1 triệu thành viên (Goldstrom và cộng sự, 2006). 5 triệu người trên 12 tuổi tham gia các nhóm tự lực cai rượu và ma túy bất hợp pháp mỗi năm ở Hoa Kỳ Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện, 2008a). Các phiên trị liệu nhóm hỗ trợ này thường miễn phí, đặc biệt là khi chúng không được hướng dẫn bởi chuyên gia chăm sóc sức khỏe, và chúng cho mọi người cơ hội gặp gỡ những người khác cùng những vấn đề đang tồn tại và đôi khi phát triển mạnh. Khái niệm tự lực được áp dụng cho các thiết lập nhóm cộng đồng do Cộng đồng những người nghiện rượu ẩn danh (Alcoholholics Anonymous (AA)) được thành lập vào năm 1935, đi tiên phong. Tuy nhiên, chính phong trào nâng cao ý thức của phụ nữ ở những năm 1960 đã giúp mở rộng khả năng tự lực ra ngoài lĩnh vực của chứng nghiện rượu. Bây giờ các nhóm hỗ trợ giải quyết bốn các loại vấn đề: hành vi gây nghiện, rối loạn thể chất và tinh thần, các giai đoạn chuyển đổi trong cuộc sống hoặc các cuộc khủng hoảng khác, và những tổn thương mà bạn bè hoặc người thân của những người có vấn đề nghiêm trọng phải trải qua.
Trong những năm gần đây, mọi người bắt đầu chuyển sang sử dụng Internet như một địa điểm khác cho các nhóm tự lực (Barak và cộng sự, 2008; Finn & Steele, 2010). Nhìn chung, các nhóm tự lực trên Internet thu hút sự tham gia của cùng một loạt các vấn đề với bối cảnh nhóm vật lý (Goldstrom và cộng sự, 2006). Tuy nhiên, Internet mang lại một nơi gặp gỡ quan trọng cho những người bị bệnh hạn chế khả năng vận động, chẳng hạn như hội chứng mệt mỏi mãn tính và bệnh đa xơ cứng: việc không có khả năng tham gia các cuộc họp trực tiếp không còn loại bỏ lợi ích của trị liệu tự lực nữa.
Các nhóm tự lực dường như phục vụ được một số chức năng cho các thành viên của họ: Ví dụ: họ mang lại cho mọi người cảm giác hy vọng và kiểm soát các vấn đề của mình, họ tham gia hỗ trợ xã hội cho những đau khổ của người khác và họ cung cấp một diễn đàn để phân phát và thu thập thông tin về các rối loạn và phương pháp điều trị (Groh và cộng sự, 2008). Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu chứng minh rằng các nhóm tự lực có thể giúp mang lại sự giảm nhẹ vấn đề cùng với các hình thức trị liệu khác. Ví dụ, tham gia vào các nhóm tự lực có khả năng làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm (Pfeiffer và cộng sự, 2011).
Một sự phát triển khác có giá trị trong nhóm tự lực là việc áp dụng các kỹ thuật trị liệu nhóm đối với các tình huống của bệnh nhân mắc bệnh nan y. Mục tiêu của liệu pháp này là giúp bệnh nhân và gia đình sống cuộc sống viên mãn nhất có thể trong thời gian họ bị bệnh, để đối phó một cách thực tế với cái chết sắp xảy ra và điều chỉnh thái độ với những bệnh giai đoạn cuối (Kissane và cộng sự, 2004). Một trọng tâm chung của nhóm hỗ trợ người bệnh nan y là để giúp bệnh nhân học cách làm thế nào để sống trọn vẹn cho đến khi họ “nói lời tạm biệt”.
Các liệu pháp nhóm là ví dụ cuối cùng của các loại liệu pháp hoàn toàn dựa trên các can thiệp tâm lý. Các liệu pháp y sinh, ngược lại, thực hiện thay đổi não bộ nhằm tác động đến tâm trí.
Vân Anh dịch và tổng hợp
Nguồn: Tâm lý học và đời sống, Richard J. Gerrig, Philip G. Zimbardo, bản in thứ 16, 2002, Pearson Education Inc, bản dịch 2020 của Van Lang Culture JSC. Người dịch Kim Dân
Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia