Khi bạn chấp nhận một vai trò xã hội hoặc tuân theo một chuẩn mực xã hội, ở một mức độ nào đó, bạn sẽ tuân thủ (conforming) với mong đợi của xã hội. Sự tuân thủ (conformity) là xu hướng mọi người chấp nhận hành vi và ý kiến do các thành viên nhóm khác trình bày. Tại sao bạn tuân thủ? Có những hoàn cảnh nào mà bạn bỏ qua những ràng buộc xã hội và hành động độc lập được hay không? Các nhà tâm lý học xã hội đã nghiên cứu hai loại lực có thể dẫn đến sự tuân thủ:
- Các quá trình ảnh hưởng mang tính thông tin (informational influence) — muốn trở nên đúng đắn và hiểu đúng cách để hành động trong một tình huống nhất định.
- Các quá trình ảnh hưởng mang tính chuẩn mực (normative influence) — muốn được yêu thích, được chấp nhận và được những người khác chấp thuận.
Ảnh hưởng thông tin: Hiệu ứng tự vận động (Autokinetic Effect) của Sherif
Có nhiều tình huống trong cuộc sống mà bạn phải đưa ra quyết định về những hành vi khá mơ hồ. Ví dụ, giả sử bạn đang dùng bữa trong một nhà hàng thanh lịch với một nhóm nhiều người. Mỗi nơi trên bàn được xếp một loạt các đồ dùng bằng bạc rực rỡ. Làm sao bạn biết phải sử dụng nĩa nào khi món đầu tiên được mang đến? Việc điển hình là bạn sẽ tìm đến các thành viên khác của nhóm để giúp bạn có lựa chọn thích hợp. Đây là ảnh hưởng mang tính thông tin.
Một thi nghiệm cổ điển, được Muzafer Sherif (1935) thực hiện, đã chứng minh ảnh hưởng của thông tin có thể dẫn đến sự kết tinh chuẩn mực (norm chrystallization) như thế nào – sự hình thành và “kết đặc” một quy chuẩn.
Những người tham gia được yêu cầu đánh giá lượng chuyển động của một điểm sáng, nó thực sự là điểm đứng tại chỗ nhưng khi nhìn trong bóng tối hoàn toàn và không có điểm tham chiếu thì nó dường như di chuyển. Đây là một ảo giác về mặt tri giác, được gọi là hiệu ứng tự chuyển động (autokinetic effect). Ban đầu, các phán đoán cá nhân khác nhau rất nhiều. Tuy nhiên, khi những người tham gia được đưa vào cùng một nhóm bao gồm những người lạ và những người này lớn tiếng tuyên bố phán đoán của họ, các ước tính bắt đầu “hội tụ”. Họ bắt đầu thấy ánh sáng chuyển động cùng chiều và theo một lượng tương tự. Thú vị hơn nữa là phần cuối cùng trong nghiên cứu của Sherif — khi ở một mình trong cùng một căn phòng tối sau lần xem nhóm, những người tham gia này tiếp tục tuân theo tiêu chuẩn nhóm đã xuất hiện khi họ ở cùng với những người kia.
Một khi các chuẩn mực được thiết lập trong một nhóm, chúng có xu hướng tự duy trì. Trong nghiên cứu sau này, các tiêu chuẩn tự vận động theo nhóm này vẫn tồn tại ngay cả khi được thử nghiệm một năm sau đó và không còn các thành viên trước đây trong nhóm để chứng kiến các phán quyết (Rohrer và cộng sự, 1954).
Các tiêu chuẩn có thể được truyền từ thế hệ thành viên nhóm này sang thế hệ tiếp theo và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi của mọi người rất lâu sau khi nhóm ban đầu tạo ra quy chuẩn không còn nữa (Insko và cộng sự, 1980). Làm sao ta biết liệu các tiêu chuẩn có thể có ảnh hưởng xuyên thế hệ hay không? Trong các nghiên cứu hiệu ứng tự vận động, các nhà nghiên cứu đã thay thế một thành viên trong nhóm bằng một thành viên mới sau mỗi nhóm thử nghiệm cho đến khi tất cả các thành viên của nhóm trở thành người mới. Chuẩn mực tự vận động của nhóm vẫn được truyền lại và khớp với chuẩn mực ở một vài thế hệ kế tiếp (Jacobs & Campbell, 1961). Bạn có thấy cách thí nghiệm này nắm bắt các quy trình cho phép chuẩn mực của cuộc sống thực được truyền qua nhiều thế hệ không?
Ảnh hưởng mang tính chuẩn mực: Hiệu ứng Asch
Đâu là cách tốt nhất để chứng minh rằng mọi người đôi khi sẽ tuân theo nhóm vì ảnh hưởng chuẩn mực — mong muốn của họ là được thích, chấp nhận và chấp thuận bởi những người khác? Một trong những nhà tâm lý học xã hội quan trọng thời kỳ đầu, Solomon Asch (1940, 1956), đã tạo ra những hoàn cảnh trong đó những người tham gia đưa ra phán đoán trong những điều kiện trong đó thực tế vật lý hoàn toàn rõ ràng — nhưng những người còn lại trong nhóm báo cáo rằng họ thấy một thực tế khác. Các nam sinh viên đại học tin rằng họ đang ở trong một nghiên cứu về nhận thức trực quan đơn giản. Họ đã được đem cho xem những lá bài có ba dòng với độ dài khác nhau và được yêu cầu cho biết dòng nào trong số ba dòng có cùng độ dài với dòng tiêu chuẩn. (xem hình dưới).

HÌNH TRÊN: Sự tuân thủ trong các thử nghiệm Asch
Trong bức ảnh này từ nghiên cứu của Asch, có thể thấy rõ rằng người tham gia ngây thơ, Số 6, đang khổ sở từ nhận định sai lầm nhưng được đa số nhất trí.

Hình trái thể hiện tấm thẻ bài kích thích.
Đồ thị bên phải thể hiện tính tuân thủ theo 12 lượt thử nghiệm – ở đó người tham gia đơn độc được xếp nhóm với đa số nhất trí, và tính độc lập của họ cao hơn khi được cặp với một đối tác bất đồng quan điểm. Tỷ lệ ước tính đúng thấp hơn cho thấy mức độ tuân thủ của cá nhân cao hơn trong nhóm dù nhóm đa số này đưa ra ước tính sai.
Các dòng đủ khác nhau để sai sót hiếm khi xảy ra, và chiều dài tương đối của chúng được thay đổi sau mỗi chuỗi thử nghiệm.
Cuối cùng những người tham gia được ngồi lại cạnh nhau theo hình bán nguyệt. Những người tham gia không biết những người kia là “liên minh thí nghiệm” — đồng phạm của người làm thí nghiệm — người này đang theo một kịch bản được sắp xếp trước.
Trong ba lần thử nghiệm đầu tiên, mọi người đều thống nhất về sự so sánh chính xác. Tuy nhiên, liên minh đầu tiên phản hồi về loạt thí nghiệm thứ tư là hai dòng khớp nhau dù chúng rõ ràng là khác nhau.
Kết quả tương tự với tất cả các thành viên của nhóm cho đến cả người tham gia. Sinh viên đó phải quyết định xem anh ta có nên thuận theo quan điểm của những người khác về tình huống và tuân thủ hay không, hay sẽ duy trì sự độc lập, dựa trên những gì anh ta đã thấy rõ ràng. Thế tiến thoái lưỡng nan đó bị lặp lại với người tham gia ngây thơ suốt 12 lượt trong tổng số 18 lượt thử nghiệm. Những người tham gia có dấu hiệu không tin tưởng và rõ ràng là khó chịu khi phải đối mặt với đa số người có thế giới quan quá khác biệt. Họ đã làm gì?
Khoảng một phần tư số người tham gia vẫn hoàn toàn độc lập — họ nhất quyết không tuân theo. Tuy nhiên, từ 50 đến 80 phần trăm số người tham gia (trong các nghiên cứu khác nhau thuộc chương trình nghiên cứu) đã thuận theo ước tính sai của đa số ít nhất một lần và một phần ba số người tham gia đã đi theo các phán đoán sai lầm của đa số suốt một nửa hay hơn một nửa số lượt thử nghiệm.
Asch mô tả một số người tham gia phần lớn thời gian có vẻ “mất phương hướng” và “nghi ngờ”; họ “đã trải qua một thôi thúc mạnh mẽ để không tỏ vẻ khác với số đông ”(1952, tr. 396). Những người đã nhượng bộ theo nhóm đánh giá thấp ảnh hưởng của áp lực xã hội và tần suất tuân thủ của họ; một số thậm chí còn tuyên bố rằng họ thực sự đã thấy ba đường kẻ có cùng độ dài, bất chấp sự khác biệt rõ ràng giữa chúng.
Trong các nghiên cứu khác, Asch thay đổi ba yếu tố: kích thước của đa số nhất trí, sự hiện diện của một đối tác bất đồng với đa số và quy mô của sự khác biệt giữa so sánh kích thích vật lý cụ thể và vị trí của đa số. Ông nhận thấy rằng các hiệu ứng tuân thủ mạnh mẽ được đưa ra với đa số nhất trí gồm chỉ ba hoặc bốn người. Tuy nhiên, chỉ cần cho người tham gia ngây thơ một liên minh duy nhất không đồng tình với ý kiến đa số là đã có tác động mạnh mẽ giảm sự tuân thủ.
Cùng một đối tác, người tham gia thường có thể chống lại áp lực tuân thủ đa số (Asch, 1955, 1956).
Chúng ta nên giải thích những kết quả này như thế nào? Chính Asch cũng bất ngờ với tỷ lệ mà những người tham gia không tuân thủ (Friend và cộng sự, 1990). Ông đã báo cáo nghiên cứu này như các nghiên cứu về “Sự độc lập.” Trên thực tế, 2/3 trường hợp, những người tham gia đã đưa ra câu trả lời chính xác, không tuân thủ theo nhóm. Tuy nhiên, hầu hết mô tả về thử nghiệm của Asch đã nhấn mạnh tỷ lệ tuân thủ của 1/3. Phần diễn giải của thử nghiệm này cũng thường không lưu ý rằng không phải tất cả những người tham gia đều giống nhau: trong số những cá nhân không bao giờ tuân thủ, khoảng 25%, gần bằng số người luôn luôn hoặc hầu như luôn luôn tuân thủ. Vì vậy, thử nghiệm của Asch dạy hai bài học bổ sung. Một mặt, ta thấy rằng mọi người không hoàn toàn bị lung lay bởi ảnh hưởng quy chuẩn — họ khẳng định sự độc lập của họ trong hầu hết các trường hợp (và một số mọi người luôn làm như vậy). Mặt khác, ta thấy rằng mọi người đôi khi sẽ tuân thủ, ngay cả trong những tình huống rõ ràng nhất. Tiềm năng tuân thủ đó là một yếu tố quan trọng của bản chất con người.
Hãy cùng xem ví dụ về sự tuân thủ trong cuộc sống hàng ngày trong bài viết tiếp theo.
Toàn bộ các bài viết theo chuyên đề:
- Vai trò và quy tắc trong Tâm lý học xã hội
- Các chuẩn mực xã hội
- Thí nghiệm về quy tắc xã hội và sự tuân thủ
- Sự tuân thủ trong cuộc sống hàng ngày
- Cách ra quyết định theo nhóm
- Khi nào nên tuân theo bậc thẩm quyền?
Vân Anh biên dịch
Nguồn: Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia
4 thoughts on “Thí nghiệm về quy tắc xã hội và sự tuân thủ trong Tâm lý học xã hội”