Tâm lý học xã hội: Khi nào nên tuân theo bậc thẩm quyền?

Các bài viết trước đã trình bày một số sức mạnh tình huống có tác động đến các quyết định mà các nhóm đưa ra. Trong bài viết này ta sẽ xem xét một trong những quyết định quan trọng nhất mà mọi người đưa ra với tư cách cá nhân: Khi nào họ nên tuân theo thẩm quyền?

Vâng lời Chính quyền

Điều gì đã khiến hàng nghìn lính Đức quốc xã sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của Hitler và đưa hàng triệu người Do Thái vào phòng hơi ngạt? Tại sao binh lính Hoa Kỳ tuân theo mệnh lệnh của cấp trên và tàn sát hàng trăm công dân vô tội ở làng Mỹ Lai tại Việt Nam (Hersh, 1971; Opton, 1970, 1973)? Có phải khiếm khuyết về mặt tính cách đã dẫn dắt người ta thực hiện mệnh lệnh một cách mù quáng? Họ không có giá trị đạo đức nào hay sao? Stanley Milgram (1965, 1974), một học trò của Solomon Asch, đã thực hiện một loạt nghiên cứu cho thấy rằng việc người ta vâng lời mù quáng ít khi là một sản phẩm của khuynh hướng tính cách, đúng hơn đó là kết quả của các sức mạnh tình huống có thể nhấn chìm bất kỳ ai.

Chương trình nghiên cứu về sự vâng lời của Milgram là một trong những chương trình gây tranh cãi vì những tác động đáng kể của nó đối với những hiện tượng trong thế giới thực và các vấn đề đạo đức mà nó đặt ra.

Mô thức về sự vâng lời

Để phân tách các biến về tính cách và tình huống, Milgram đã sử dụng một loạt 19 thí nghiệm trong 19 phòng thí nghiệm được kiểm soát, với hơn 1.000 người tham gia. Các thí nghiệm đầu tiên của Milgram đã được tiến hành tại Đại học Yale, với các cư dân nam của New Haven và các cộng đồng xung quanh đã nhận được tiền thanh toán để tham gia. Trong các biến thể sau đó, Milgram đã rời phòng thí nghiệm ra xa trường đại học. Ông thiết lập một đơn vị nghiên cứu ở Bridgeport, Connecticut, tuyển dụng thông qua quảng cáo báo chí trên một bộ phận rộng rãi dân số, khác nhau rộng rãi về độ tuổi, nghề nghiệp, học vấn và bao gồm các thành viên của cả hai giới.

Mô hình thử nghiệm cơ bản của Milgram bao gồm những cá nhân tham gia thực hiện một loạt cử chỉ được cho là sẽ gây điện giật cực kỳ đau đớn lên một người khác. Những tình nguyện viên nghĩ rằng họ đang tham gia vào một nghiên cứu khoa học về trí nhớ và học tập. Họ tin rằng mục đích giáo dục của nghiên cứu là khám phá cách trừng phạt ảnh hưởng đến trí nhớ, do đó việc học tập có thể được cải thiện thông qua sự cân bằng thích hợp giữa thưởng và phạt. Trong vai trò xã hội của họ là giáo viên, những người tham gia phải trừng phạt từng lỗi do người nào đó đóng vai người học thực hiện. Quy tắc chính mà họ được yêu cầu làm theo là tăng mức độ sốc điện mỗi khi người học mắc lỗi cho đến khi việc học không còn sai sót.

Người thử nghiệm mặc áo trắng đóng vai trò là nhân vật có thẩm quyền hợp pháp — anh ta trình bày các quy tắc, sắp xếp việc phân bố vai trò (bằng cách bốc thăm gian lận), và ra lệnh cho các giáo viên thực hiện công việc của họ bất cứ khi nào họ do dự hoặc bất đồng quan điểm. Biến phụ thuộc là mức độ sốc cuối cùng — trên một máy gây sốc điện có công suất lên đến 450 vôn, với các nấc nhỏ là 15 vôn một – giáo viên sẽ thực hiện các mức độ sốc điện này trước khi từ chối tiếp tục tuân theo thẩm quyền.

Tình huống thử nghiệm

Nghiên cứu được bày ra để làm cho người tham gia nghĩ rằng, bằng cách làm theo mệnh lệnh, họ đang gây ra đau đớn và thậm chí có thể giết chết một người vô tội.

Mỗi giáo viên đã được cho một cú sốc mẫu 45 vôn để cảm nhận mức độ đau đớn mà nó gây ra. Người học là một người đàn ông lịch sự, dễ chịu, khoảng 50 tuổi, đã đề cập gì đó về tình trạng bệnh tim nhưng sẵn sàng đi theo quy trình. Ông ta bị trói vào một “chiếc ghế điện” trong phòng bên cạnh và giao tiếp với giáo viên qua hệ thống liên lạc nội bộ. Nhiệm vụ của ông là ghi nhớ các cặp từ, đưa ra từ thứ hai của cặp khi nghe thấy từ đầu tiên. Người học sớm bắt đầu mắc lỗi — theo một lịch trình đã sắp xếp trước — và giáo viên bắt đầu gây sốc cho người học. Sự phản kháng của nạn nhân tăng với mức độ sốc. Ở mức 75 vôn, ông ta bắt đầu rên rỉ và càu nhàu; vào mức 150 volt, ông yêu cầu được thả ra khỏi thí nghiệm; mức 180 volt, ông kêu rằng mình không thể chịu đựng thêm cơn đau nữa. Ở mức 300 vôn, ông khẳng định là không còn tham gia vào thí nghiệm nữa và phải được trả tự do. Ông gào lên về tình trạng bệnh tim của mình. Nếu một giáo viên do dự hoặc phản đối gây ra cú sốc tiếp theo, người thử nghiệm nói, “Thí nghiệm yêu cầu anh chị tiếp tục” hoặc “Anh chị không có lựa chọn khác, anh chị phải tiếp tục.”

a – c Thử nghiệm về sự vâng lời của Milgram: “giáo viên” (người tham gia) với người thử nghiệm (nhân vật có thẩm quyền), máy sốc điện và “Người học” (thuộc liên minh thí nghiệm). Những khía cạnh nào của tình huống ảnh hưởng đến khả năng giáo viên sẽ tiếp tục mức độ sốc tối đa?

Như bạn có thể tưởng tượng, tình hình này là căng thẳng đối với những người tham gia. Hầu hết những người tham gia đều phàn nàn và phản đối, liên tục khẳng định họ không thể tiếp tục. Tuy nhiên, ngay cả khi phải đối mặt với xung đột rõ nét ấy, nhiều người trong số những người tham gia vẫn tiếp tục gây sốc cho người học đến nút được đánh dấu “Nguy hiểm: Sốc nghiêm trọng XXX (450 vôn).” Để đạt được sự vâng lời, nhân viên thí nghiệm chỉ cần nhắc nhở những người tham gia rằng thử nghiệm yêu cầu họ tiếp tục.

Tại sao người ta tuân theo thẩm quyền?

Khi 40 bác sĩ tâm thần đã được Milgram yêu cầu dự đoán hiệu suất của những người tham gia thử nghiệm này, họ ước tính là hầu hết sẽ không vượt quá 150 vôn (dựa trên mô tả của thí nghiệm). Theo ý kiến ​​chuyên môn của họ, ít hơn 4% những người tham gia vẫn sẽ vâng lời ở mức 300 vôn, và chỉ khoảng 0,1% sẽ tiếp tục đến 450 vôn. Các bác sĩ tâm thần cho rằng chỉ có một số người là bất thường theo một cách nào đó, chỉ những kẻ tàn bạo thích gây ra nỗi đau cho người khác, mới mù quáng tuân theo mệnh lệnh để tiếp tục mức sốc tối đa.

Các bác sĩ tâm thần dựa trên đánh giá của họ về phẩm chất theo xu hướng (dispositional) của những người sẽ thực hiện vi bất thường; Tuy nhiên, họ đã coi thường sức mạnh của tình huống đặc biệt này trong việc ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của hầu hết mọi người bị cuốn vào bối cảnh xã hội của nó. Kết luận đáng chú ý và đáng lo ngại là các chuyên gia này đã sai: Đa số người tham gia hoàn toàn tuân thủ bậc thẩm quyền. Không người tham gia nào bỏ cuộc dưới 300 volt. 65% đã đặt mức tối đa 450 vôn cho người học. Lưu ý rằng hầu hết mọi người thể hiện sự bất đồng bằng lời nói, nhưng đa số không làm trái về mặt hành vi. Từ quan điểm của nạn nhân, đó là một sự khác biệt quan trọng. Nếu bạn là nạn nhân, nếu những người tham gia cho biết họ không muốn tiếp tục làm tổn thương bạn (họ bất đồng) nhưng sau đó họ lại liên tục gây sốc điện cho bạn (họ nghe lời) thì có gì quan trọng nữa không?

Nghiên cứu của Milgram cho thấy rằng, để hiểu tại sao mọi người tuân theo thẩm quyền, bạn cần phải xem xét kỹ lưỡng sức mạnh tâm lý nào đang vận hành trong tình huống đó. Trước đó ta đã thấy các yếu tố tình huống thường xuyên hạn chế hành vi như thế nào; trong nghiên cứu của Milgram, ta thấy một ví dụ đặc biệt sống động của nguyên tắc chung đó. Milgram và các nhà nghiên cứu khác đã thao túng một số khía cạnh của hoàn cảnh thí nghiệm để chứng minh rằng hiệu ứng tuân lệnh là hoàn toàn do các biến số tình huống và không phải là các biến nhân cách. Ví dụ, Hình dưới cho thấy cách mà sự gần gũi của người học đã thay đổi xác suất người tham gia thực hiện các cú sốc đến mức giới hạn 450 volt. Khi khoảng cách giảm xuống, sự vâng lời cũng giảm theo.

HÌNH: Sự vâng lời trong các thử nghiệm của Milgram

Biểu đồ cho thấy tác động của biến số tình huống của sự gần gũi lên mực độ tuân lệnh thẩm quyền của người tham gia. Ở điều kiện phản hồi xa, người tham gia chỉ nghe thấy tiếng đập vào tường từ phòng bên cạnh. Với điều kiện phản hồi bằng giọng nói, những người tham gia cũng nghe thấy phản đối bằng lời nói xuyên tường. Trong điều kiện gần nhau, người học đã ở cùng phòng với những người tham gia. Trong điều kiện gần nhau và chạm nhau, người tham gia phải nắm tay người học trên đĩa sốc điện.

Dữ liệu từ cuốn Sự tuân theo Quyền lực của S. Milgram, bản quyền © 1974 Harper & Row.

Tất cả những phát hiện này đều chỉ ra ý tưởng rằng tình huống, chứ không phải sự khác biệt giữa cá nhân những người tham gia, đã kiểm soát phần lớn hành vi.

Khi sinh viên đương đại tìm hiểu về nghiên cứu của Milgram, họ thường bày tỏ niềm tin chắc rằng, vì đã có những thay đổi văn hóa kể từ đầu những năm 1960, mọi người sẽ không còn tuân lệnh nữa. Để trả lời khẳng định này, nhà tâm lý học xã hội Jerry Burger (2009) đã thực hiện bản sao một phần của một trong những thử nghiệm của Milgram. Burger đã sửa đổi thử nghiệm để giải quyết mối quan tâm về vấn đề đạo đức hiện diện trong quy trình ban đầu của Milgram. Đặc biệt, Burger sẽ tạm dừng người tham gia nếu họ tiếp tục tuân theo sau khi tin rằng họ đã tạo ra một cú sốc 150 volt. Như đã nói trước đó, 150 vôn là điểm mà người học yêu cầu được thả ra từ thí nghiệm. Dựa trên dữ liệu gốc của Milgram, Burger lý luận rằng những người tham gia tiếp tục sau 150 vôn sẽ có nhiều khả năng tiếp tục vượt quá điểm đó. Trong thử nghiệm ban đầu của Milgram, 82,5% những người tham gia tiếp tục vượt quá 150 volt; ở phiên bản sao chép của Burger, 70,0% đã làm như vậy. Do đó, trong bản sao, phần lớn những người tham gia vẫn tiếp tục tuân theo người thử nghiệm. Burger kết luận rằng “các yếu tố tình huống giống nhau ảnh hưởng đến sự tuân thủ ở những người tham gia thí nghiệm của Milgram vẫn có hiệu lực ngày nay”(tr. 9).

Hai lý do khiến mọi người tuân theo thẩm quyền trong những tình huống này có thể được truy lại về tác động của những nguồn ảnh hưởng mang tính thông tin (informational) mang tính quy chuẩn (normative): Mọi người muốn được yêu thích (ảnh hưởng quy chuẩn), và họ muốn đúng (ảnh hưởng thông tin). Họ có xu hướng làm những gì người khác đang làm hoặc yêu cầu được xã hội chấp nhận và chấp thuận. Ngoài ra, khi một tình huống là mới lạ và không rõ ràng — như tình huống thử nghiệm — mọi người dựa vào những người khác để biết cách ứng xử gì là phù hợp và đúng đắn. Họ có nhiều khả năng làm như vậy khi các chuyên gia hoặc những người giao tiếp đáng tin cậy cho họ biết phải làm gì. Yếu tố thứ ba trong mô hình Milgram là những người tham gia có thể bối rối về cách để bất tuân thủ; không có điều bất đồng nào mà họ nói khiến chính quyền hài lòng. Nếu họ có một cách đơn giản, trực tiếp để thoát khỏi tình huống — ví dụ: bằng cách nhấn nút “thoát” — họ có nhiều khả năng bất tuân lệnh hơn (Ross, 1988). Cuối cùng, việc tuân theo thẩm quyền trong tình huống thử nghiệm này là một phần của thói quen đã ăn sâu (ingrained habit) mà trẻ em đã học được trong nhiều môi trường khác nhau—đó là tuân theo thẩm quyền mà không cần thắc mắc (Brown, 1986). Điều tự nghiệm này thường phục vụ tốt cho xã hội khi chính quyền hợp pháp và đáng được vâng lời. Vấn đề là khi quy tắc bị áp dụng thái quá (overapplied). Tuân theo quyền hạn một cách mù quáng có nghĩa là tuân theo tất cả và bất kỳ nhân vật có thẩm quyền nào, chỉ đơn giản là do địa vị được chỉ định của họ, cho dù những yêu cầu hay mệnh lệnh của họ đúng hay không đúng.

Bạn rút ra ý nghĩa cá nhân gì sau nghiên cứu về sự vâng lời này? Bạn sẽ lựa chọn gì khi đối mặt với tình huống đạo đức khó xử trong suốt cuộc đời bạn? Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về các kiểu tình huống tuân theo thẩm quyền có thể nảy sinh trong trải nghiệm hàng ngày của bạn. Giả sử bạn là một nhân viên bán hàng. Bạn có lừa dối khách hàng nếu sếp của bạn khuyến khích hành vi như vậy không? Giả sử bạn là một thành viên của Quốc hội. Bạn sẽ bỏ phiếu theo đường lối của đảng, hơn là bỏ phiếu theo lương tâm của bạn?

Nghiên cứu về sự vâng lời của Milgram thách thức huyền thoại rằng cái ác ẩn náu trong tâm trí của những người xấu xa – “những người xấu” khác với “chúng ta” hoặc “các bạn” tốt đẹp, những người sẽ không bao giờ làm những điều như vậy. Mục đích của việc kể lại những phát hiện này không phải để làm suy yếu bản chất con người mà là để làm rõ rằng ngay cả những cá nhân bình thường, khỏe mạnh cũng có khả năng trở nên yếu đuối khi đối mặt với các sức mạnh xã hội và tình thế mạnh mẽ.

Các nghiên cứu về Tâm lý học xã hội đã lập luận rằng mọi người được kết nối với nhau bằng các quy tắc, chuẩn mực và tình huống mà họ chia sẻ.

Toàn bộ các bài viết theo chuyên đề:

  1. Vai trò và quy tắc trong Tâm lý học xã hội
  2. Các chuẩn mực xã hội
  3. Thí nghiệm về quy tắc xã hội và sự tuân thủ
  4. Sự tuân thủ trong cuộc sống hàng ngày
  5. Cách ra quyết định theo nhóm
  6. Khi nào nên tuân theo bậc thẩm quyền?

Vân Anh biên dịch

Nguồn: Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc

Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

2 thoughts on “Tâm lý học xã hội: Khi nào nên tuân theo bậc thẩm quyền?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang