Nếu bạn đã từng cố gắng đưa ra quyết định với tư cách là một phần của nhóm, bạn biết việc đó có thể khá là cực hình. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn vừa xem một bộ phim với một nhóm bạn. Dù bạn nghĩ rằng bộ phim khá “OK”, đến cuối cuộc thảo luận sau khi xem phim bạn lại thấy mình đồng ý rằng bộ phim đó thật “rác rưởi” Sự thay đổi này sau khi thảo luận nhóm có điển hình không?
Các đánh giá do nhóm đưa ra có nhất định là luôn khác với đánh giá cá nhân hay không? Các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội đã ghi lại những lực cụ thể sẽ vận hành khi các nhóm ra quyết định (Kerr & Tindale, 2004). Phần này sẽ tập trung vào phân cực theo nhóm (group polarization) và suy nghĩ theo nhóm (group think).
Trải nghiệm sau khi xem phim của bạn là một ví dụ về phân cực nhóm: Các nhóm có xu hướng đưa ra các quyết định cực đoan hơn những quyết định từng thành viên sẽ đưa ra nếu hành động một mình. Ví dụ: giả sử bạn yêu cầu mỗi thành viên của nhóm phim đưa ra đánh giá về thái độ của người đó về bộ phim; sau đó, với tư cách là một nhóm, các bạn đồng ý về một giá trị duy nhất nhằm phản ánh thái độ nhóm của bạn. Nếu xếp hạng của nhóm cực đoan hơn mức trung bình của xếp hạng từ các cá nhân, đó sẽ là một ví dụ của phân cực. Tùy thuộc vào xu hướng ban đầu của nhóm — hướng tới sự thận trọng hoặc rủi ro — sự phân cực của nhóm sẽ có xu hướng khiến một nhóm trở nên thận trọng hơn hoặc rủi ro hơn.
Các nhà nghiên cứu đã gợi ý có hai loại quy trình làm cơ sở cho sự phân cực nhóm: mô hình ảnh hưởng thông tin (information-influence) và mô hình so sánh xã hội (social comparison) (Liu & Latané, 1998). Mô hình ảnh hưởng thông tin gợi ý rằng các thành viên trong nhóm đóng góp thông tin khác nhau cho một quyết định. Nếu bạn và bạn bè của bạn, mỗi người có một lý do khác nhau để hơi không thích một bộ phim, tất cả thông tin đó được kết hợp với nhau sẽ mang đến bằng chứng rằng bạn thực sự nên “rất” không thích bộ phim. Mô hình so sánh xã hội gợi ý rằng các thành viên trong nhóm cố gắng nắm bắt cái nhìn của những người đồng đẳng bằng cách thể hiện một lý tưởng nhóm cực đoan hơn tiêu chuẩn thực sự của nhóm một chút. Vì vậy, nếu bạn cần đi đến quyết định là mọi người đều không hài lòng với một bộ phim, bạn có thể cố gắng thể hiện bản thân đặc biệt sắc sảo bằng cách nêu thêm một ý kiến cực đoan hơn nữa. Nếu mọi người trong nhóm cố gắng nắm bắt sự ước đoán của nhóm theo cùng kiểu đó, sẽ dẫn đến sự phân cực.
Phân cực nhóm là một hệ quả của một khuôn mẫu tư duy chung được gọi là suy nghĩ nhóm (groupthink). Irving Janis (1982) đặt ra thuật ngữ suy nghĩ nhóm cho xu hướng ra quyết định của nhóm là lọc ra những đầu vào không mong muốn để có thể đạt được sự đồng thuận, đặc biệt nếu nó phù hợp với quan điểm của nhà lãnh đạo.
Lý thuyết về tư duy nhóm của Janis xuất hiện từ phân tích lịch sử về cuộc xâm lược Vịnh Con lợn (Bay of Pigs) vào Cuba năm 1960. Cuộc xâm lược tai hại này đã được Tổng thống Kennedy phê duyệt sau khi các cuộc họp nội các với các thông tin trái ngược bị giảm thiểu hoặc bị đàn áp bởi những cố vấn cho tổng thống – những người háo hức thực hiện cuộc xâm lược. Từ phân tích của mình về sự kiện này, Janis phác thảo một loạt các đặc điểm mà ông tin là sẽ vận hành trước để các nhóm trở thành con mồi của suy nghĩ nhóm: Ví dụ, ông đề xuất là các nhóm có tính gắn kết cao, cách ly với các chuyên gia và hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp sẽ đưa ra quyết định suy nghĩ theo nhóm.
Để kiểm chứng ý tưởng của Janis, các nhà nghiên cứu đặt cả hai tính chất trên vào phân tích lịch sử và thí nghiệm trong phòng thí nghiệm (Henningsen và cộng sự, 2006). Cơ quan nghiên cứu này đề xuất rằng các nhóm đặc biệt dễ bị suy nghĩ nhóm khi chúng thể hiện một mong muốn tập thể muốn duy trì một quan điểm tích cực được chia sẻ về nhóm (Turner & Pratkanis, 1998). Các thành viên trong nhóm phải hiểu rằng sự bất đồng quan điểm có thể thường xuyên cải thiện chất lượng của một quyết định nhóm, ngay cả khi trên bề ngoài, nó có thể làm suy giảm cảm giác tích cực của nhóm.
Bạn vừa thấy một số sức mạnh tình huống có tác động đến các quyết định mà các nhóm đưa ra. Trong bài viết tiếp theo ta sẽ xem xét một trong những quyết định quan trọng nhất mà mọi người đưa ra với tư cách cá nhân: Khi nào họ nên tuân theo thẩm quyền?
Toàn bộ các bài viết theo chuyên đề:
- Vai trò và quy tắc trong Tâm lý học xã hội
- Các chuẩn mực xã hội
- Thí nghiệm về quy tắc xã hội và sự tuân thủ
- Sự tuân thủ trong cuộc sống hàng ngày
- Cách ra quyết định theo nhóm
- Khi nào nên tuân theo bậc thẩm quyền?
Vân Anh biên dịch
Nguồn: Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc.
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia