Sức mạnh của tình huống
Trong lĩnh vực Tâm lý và Đời sống, các nhà tâm lý học luôn cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của hành vi tìm kiếm ở nhiều nơi khác nhau cho câu trả lời của họ. Một số tìm đến các yếu tố di truyền và những yếu tố khác đến các quá trình sinh hóa và não bộ; còn những người khác tập trung vào ảnh hưởng nhân quả của môi trường.
Các nhà tâm lý học xã hội tin rằng yếu tố quyết định chính của hành vi là bản chất của hoàn cảnh xã hội trong đó hành vi xảy ra. Họ cho rằng các tình huống xã hội kiểm soát đáng kể hành vi cá nhân, thường chi phối tính cách và lịch sử học tập, giá trị và niềm tin của cá nhân. Phần này đánh giá cả nghiên cứu cổ điển và các thí nghiệm gần đây để cùng nhau khám phá ảnh hưởng của các biến số tình huống tinh tế nhưng mạnh mẽ đối với hành vi của con người.
Vai trò và Quy tắc
Có những vai trò xã hội nào dành cho bạn? Vai trò xã hội là một khuôn mẫu hành vi được xã hội xác định được mong đợi ở một người khi hoạt động trong một bối cảnh hoặc nhóm nhất định. Các hoàn cảnh xã hội khác nhau tạo nên những vai trò khác nhau. Khi bạn ở nhà, bạn có thể chấp nhận vai trò là “người con” hoặc “anh chị em”. Khi ở trong lớp học, bạn chấp nhận vai trò của “học sinh”. Vào những lúc khác, bạn là “bạn thân” hay “người yêu”. Bạn có thấy cách các vai trò khác nhau này ngay lập tức tạo ra các các hành vi ít nhiều phù hợp và sẵn sàng cho bạn khôgn?
Các tình huống cũng được đặc trưng bởi hoạt động của các quy tắc, hướng dẫn hành vi cho các bối cảnh cụ thể. Một số quy tắc được nêu rõ ràng trong các biển báo (KHÔNG HÚT THUỐC; KHÔNG ĂN TRONG LỚP) hoặc được dạy rõ ràng cho trẻ em (Tôn trọng người già; không bao giờ lấy kẹo từ người lạ). Các quy tắc khác là ngầm định (implicit)— chúng được học thông qua việc giao tiếp với những người khác trong những bối cảnh riêng. Bạn có thể phát nhạc ở mức độ lớn đến mức nào, bạn có thể đứng gần người khác đến mức độ nào và cách nào là thích hợp khi phản ứng với một lời khen hay một món quà — tất cả những hành động này đều tùy thuộc vào tình huống.
Ví dụ, người Nhật không mở một món quà khi có sự hiện diện của người tặng, vì sợ không thể hiện sự biết ơn đầy đủ; nhưng người nước ngoài không nhận thức được quy tắc bất thành văn này sẽ hiểu sai về hành vi và cho đó là thô lỗ thay vì nhạy cảm. Lần tới khi bạn vào thang máy, hãy thử xác định những quy tắc bạn đã học về tình huống đó. Tại sao người ta thường nói với giọng kín đáo hoặc không nói gì cả?
Thông thường, bạn có thể không nhận thức được ảnh hưởng của các vai trò và quy tắc, nhưng một thí nghiệm tâm lý xã hội kinh điển, Thí nghiệm nhà tù Stanford, đặt những lực này làm việc với kết quả đáng kinh ngạc (Zimbardo, 2007; được tái hiện ở Australia với Lovibond và cộng sự, 1979).
Vào một ngày Chủ nhật mùa hè ở California, một tiếng còi báo động đã phá vỡ sự buổi sáng thư thả của sinh viên đại học Tommy Whitlow. Một xe cảnh sát dừng lại trước nhà anh ta. Chỉ vài phút, Tommy bị buộc trọng tội, được thông báo về quyền hiến định của mình, bị trói buộc, và bị còng. Sau đó anh bị ghi sổ, lấy dấu vân tay, bị bịt mắt và bị đưa đến nhà tù hạt Stanford, nơi anh ta bị tước đồ, phun chất khử trùng và cấp một loại áo khoác đồng phục có số ID ở mặt trước và mặt sau. Tommy trở thành tù nhân 647. Tám sinh viên đại học khác đã cũng bị bắt và gán số.
Tommy và các bạn cùng phòng giam đều là những người tình nguyện đã trả lời một quảng cáo trên báo và đồng ý trở thành người tham gia một thử nghiệm kéo dài hai tuần về cuộc sống trong tù. Bằng cách tung ngẫu nhiên một đồng xu, một số tình nguyện viên đã được giao cho vai trò tù nhân; những người còn lại trở thành lính canh. Tất cả đã được chọn từ một nhóm lớn sinh viên tình nguyện, trên cơ sở các bài kiểm tra tâm lý và phỏng vấn sâu rộng, họ đã được đánh giá là tuân thủ pháp luật, ổn định về tình cảm, thể chất khỏe mạnh, và là người “bình thường-trung bình.” Các tù nhân sống trong nhà tù cả ngày dài; các lính canh đã làm việc theo ca tám giờ tiêu chuẩn.
Điều gì đã xảy ra khi những sinh viên này giả định vai trò được giao ngẫu nhiên của họ? Trong vai trò lính canh, những sinh viên đại học vốn có tình cách “hòa bình” và “tốt đẹp” lại cư xử một cách hung hăng — đôi khi thậm chí còn tàn bạo. Các lính cánh nhấn mạnh rằng các tù nhân tuân theo tất cả các quy tắc mà không đặt câu hỏi hay do dự gì. Không làm như vậy dẫn đến mất đặc quyền. Ban đầu, các đặc quyền bao gồm cơ hội đọc, viết hoặc nói chuyện với các tù nhân khác. Sau đó, sự phản đối nhỏ nhất dẫn đến việc mất “đặc quyền” ăn, ngủ và tắm giặt.
Không tuân thủ các quy tắc cũng dẫn đến bị bắt buộc làm việc nhàm chán hay những trò “mất trí”, chẳng hạn như lau nhà vệ sinh bằng tay không, chống đẩy trong khi một lính canh dẫm lên lưng tù nhân và bị biệt giam hàng giờ. Các lính canh luôn nghĩ ra những chiến lược mới để khiến các tù nhân cảm thấy mình vô dụng.
Khi là phạm nhân, cả những sinh viên có tâm lý ổn định nhất cũng cư xử một cách bệnh lý, khuất phục một cách thụ động với số phận bất ngờ của họ. Chưa đến 36 giờ sau lần bắt giữ, vào buổi sáng, tù nhân 8412-một trong những người cầm đầu của cuộc nổi loạn tù nhân-bắt đầu khóc không kiểm soát được. Người đó trải qua những cơn thịnh nộ, suy nghĩ vô tổ chức và trầm cảm nghiêm trọng. Vào những ngày liên tiếp sau đó, ba tù nhân khác cũng phát triển các triệu chứng tương tự liên quan đến căng thẳng. Một tù nhân thứ năm bị chứng phát ban tâm thể khắp người khi Hội đồng quản trị từ chối kháng cáo của anh ta.

a – d Thí nghiệm nhà tù Stanford đã tạo ra một “thực tế xã hội” mới, trong đó các tiêu chuẩn hành vi tốt là bị choáng ngợp bởi động năng của tình huống. Tại sao “cai ngục” và “tù nhân” chấp nhận vai trò của họ một cách triệt để như vậy?
Theo kết luận từ Thí nghiệm nhà tù Stanford, hành vi của lính canh và các tù nhân hầu như khác nhau ở mọi hướng có thể quan sát được. Tuy nhiên, dữ liệu này không hoàn toàn tiết lộ các hành vi cực đoan của lính canh.

HÌNH 2: Hành vi của cai ngục và tù nhân
Trong Thử nghiệm Nhà tù Stanford, vai trò của tù nhân và cai ngục ảnh hưởng đáng kể đến những hành vi của người tham gia. Các quan sát được ghi lại trong hồ sơ tương tác sáu ngày cho thấy rằng qua 25 giai đoạn quan sát, các tù nhân có những sự kháng cự thụ động hơn, trong khi các lính canh trở nên thống trị, có tính kiểm soát và thù địch nhiều hơn.
Trong nhiều trường hợp, lính canh đã lột trần các tù nhân của họ. Các lính canh trùm đầu và xích các tù nhân. Họ không cấp cho tù nhân thức ăn và chăn ga gối đệm. Danh sách các hành vi này có vẻ quen thuộc với những hành vi lạm dụng mà các lính canh đã thực hiện năm 2003 tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq.
Thí nghiệm Nhà tù Stanford giúp làm sáng tỏ vụ bê bối này: Sức mạnh từ tình huống có thể khiến những người bình thường bộc lộ những hành vi kinh khủng (Fiske và cộng sự, 2004; Zimbardo, 2007).
Trước khi Thí nghiệm nhà tù Stanford bắt đầu, nó đã trải qua quá trình xem xét kỹ lưỡng về các kiểu đối tượng con người, nhưng không ai lường trước được những rủi ro có thể xảy ra phía trước. Mặc dù các nhà nghiên cứu tin vào sức mạnh của tình huống, họ vẫn bị bất ngờ bởi cường độ cực đoan của tình huống và sự nhanh chóng xuất hiện các quá trình tâm lý tiêu cực. Họ đã chấm dứt nghiên cứu hai tuần của họ chỉ sau sáu ngày. Họ thừa nhận rằng khi nhìn lại, họ lẽ ra phải kết thúc thử nghiệm sớm hơn nữa: Các mối quan tâm về đạo đức nên được đặt cao hơn chương trình khoa học của họ.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã thực hiện phỏng vấn chuyên sâu với những người tham gia. Có một phiên họp kéo dài ba giờ ngay sau khi tạm dừng thí nghiệm. Dữ liệu thu thập được sau các phiên thảo luận đó cho thấy cả tù nhân và lính canh đều ở trạng thái cảm xúc có thể so sánh với trạng thái tích cực giống với khi họ bắt đầu nghiên cứu. Hầu hết những người tham gia đều quay lại các cuộc phỏng vấn bổ sung vài tuần sau đó, để xem xét và thảo luận về các băng video từ nghiên cứu. Việc theo dõi trong nhiều năm tiết lộ là không có tác động tiêu cực kéo dài. May mắn thay, các sinh viên về cơ bản đều khỏe mạnh và phục hồi nhanh sau tình huống mạnh như trên.
Khi ta đánh giá sự cân bằng đạo đức như là chi phí mà người tham gia phải trả so với lợi ích về mặt khoa học và xã hội, ta cũng phải xem xét lợi ích cho những người tham gia. Một số người tham gia đã phản ánh về những hậu quả lâu dài của việc tham gia thí nghiệm. Ví dụ, người sinh viên-tù nhân đầu tiên được giải thoát với cảm xúc đau khổ tột độ sau này đã trở thành một nhà tâm lý học lâm sàng pháp y và làm việc tại Hệ thống cải huấn San Francisco. Mục tiêu rõ ràng của anh ta là sử dụng kinh nghiệm của chính mình trong Thử nghiệm nhà tù Stanford để cải thiện các mối quan hệ tù nhân – cai ngục. Tương tự, Tommy Whitlow cho biết, mặc dù anh không muốn trải qua thử nghiệm lần nữa, anh vẫn đánh giá cao trải nghiệm cá nhân vì anh đã học được rất nhiều về bản thân và về bản chất con người.
Một tính năng quan trọng của Thử nghiệm nhà tù Stanford chính là cơ hội duy nhất đó, dưới hình thức phân công ngẫu nhiên, đã quyết định vai trò của những người tham gia với tư cách là lính canh hoặc tù nhân. Những vai trò đó đã tạo ra sự khác biệt về địa vị và quyền lực đã được xác nhận trong hoàn cảnh tù tội. Không ai dạy những người tham gia diễn các vai trò. Những sinh viên tham gia đã trải nghiệm sự khác biệt về quyền lực như vậy trong nhiều tương tác xã hội trước đây của họ: phụ huynh – con cái, giáo viên – học sinh, bác sĩ – bệnh nhân, ông chủ – công nhân, nam – nữ. Những khác biệt này chỉ đơn thuần tinh chỉnh và tăng cường các mẫu hành vi cho bối cảnh cụ thể cai ngục – tù nhân. Mỗi sinh viên có thể đóng vai trò này hoặc vai trò kia. Nhiều sinh viên trong vai cai ngục cho biết họ ngạc nhiên về việc họ dễ dàng thích kiểm soát người khác như thế nào. Chỉ cần mặc đồng phục thôi cũng đủ biến họ từ những sinh viên đại học thụ động thành lính canh nhà tù hung hãn.
Bạn sẽ trở thành người như thế nào khi trượt vào và đi ra khỏi các vai trò khác nhau? Cảm giác về bản ngã cá nhân (personal self) của bạn kết thúc ở đâu và bản sắc xã hội của bạn bắt đầu ở đâu?
Toàn bộ các bài viết theo chuyên đề:
- Vai trò và quy tắc trong Tâm lý học xã hội
- Các chuẩn mực xã hội
- Thí nghiệm về quy tắc xã hội và sự tuân thủ
- Sự tuân thủ trong cuộc sống hàng ngày
- Cách ra quyết định theo nhóm
- Khi nào nên tuân theo bậc thẩm quyền?
Vân Anh biên dịch
Nguồn: Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia
3 thoughts on “Vai trò và quy tắc trong Tâm lý học xã hội”