Các nhà nghiên cứu có những cách đánh giá hiệu quả của các liệu pháp cụ thể đối với các chứng rối loạn cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khác đặt trọng tâm trong việc xem xét nhiều loại liệu pháp tâm lý với mục tiêu xác định các yếu tố chung góp phần vào hiệu quả điều trị (Wampold, 2001). Với các liệu pháp thành công, các yếu tố này thường xuất hiện nhiều nhất:
- Khách hàng có những kỳ vọng tích cực và hy vọng vào sự cải thiện.
- Nhà trị liệu có thể củng cố những kỳ vọng đó và nuôi dưỡng hy vọng.
- Liệu pháp cung cấp lời giải thích cho cách khách hàng sẽ thay đổi và cho phép khách hàng thực hành các hành vi giúp đạt được sự thay đổi đó.
- Liệu pháp cung cấp một kế hoạch điều trị rõ ràng.
- Khách hàng và nhà trị liệu hình thành một mối quan hệ được đặc trưng bởi sự tin tưởng, ấm áp và chấp nhận.
Trong số các yếu tố chung này, các nhà nghiên cứu đã đặc biệt chú ý tập trung đến mối quan hệ giữa nhà trị liệu và khách hàng. Bất kể hình thức điều trị nào, điều quan trọng là cá nhân đang tìm kiếm sự trợ giúp phải tham gia vào mối quan hệ liên minh trị liệu. Một liên minh trị liệu là một mối quan hệ tương hỗ mà thân chủ thiết lập với một nhà trị liệu: Cá nhân và nhà trị liệu cộng tác để mang lại sự giảm nhẹ hoặc chữa lành. Nghiên cứu để xuất rằng chất lượng của liên minh trị liệu có tác động đến khả năng cải thiện sức khỏe tâm thần của liệu pháp tâm lý (Goldfried & Davila, 2005). Nói chung, càng tích cực thì liên minh trị liệu, khách hàng càng nhận được nhiều hỗ trợ (Horvath và cộng sự, 2011).
Khái niệm về liên minh trị liệu có một số thành phần, mỗi thành phần cũng góp phần tích cực kết quả. Ví dụ: khách hàng được cải thiện nhiều hơn từ liệu pháp tâm lý khi họ và nhà trị liệu cùng chia sẻ quan điểm về các mục tiêu của liệu pháp và đồng ý về các quá trình sẽ đạt được các mục tiêu đó (Tryon & Winograd, 2011). Nếu tham gia vào liệu pháp, khách hàng nên tin rằng người đó có thể thiết lập một liên minh trị liệu mạnh mẽ với nhà trị liệu.
Một nguyên tắc sống còn của trị liệu: Bất kể hiệu quả của việc điều trị, việc ngăn chặn một rối loạn sẽ tốt hơn là chữa lành nó một khi nó phát sinh.
Các chiến lược phòng ngừa
Các liệu pháp truyền thống đã xem xét sự chia sẻ trọng tâm trong việc thay đổi một người đã gặp đau khổ hoặc gặp khuyết tật. Trọng tâm này là cần thiết vì phần lớn thời gian, người ta không biết rằng họ có nguy cơ bị rối loạn tâm lý. Họ chỉ xuất hiện để điều trị một khi họ đã bắt đầu gặp các triệu chứng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định một số yếu tố sinh học và tâm lý khiến con người có nguy cơ mắc rối loạn tâm lý. Mục đích của phòng ngừa là áp dụng kiến thức về các yếu tố nguy cơ đó để giảm khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của rối loạn.
Phòng ngừa có thể được thực hiện ở một số cấp độ khác nhau. Phòng ngừa sơ cấp tìm cách ngăn chặn một tình trạng bệnh trước khi nó bắt đầu. Ví dụ, có thể là cung cấp cho các cá nhân các kỹ năng đối phó để họ có thể kiên cường hơn hoặc để thay đổi các khía cạnh tiêu cực của môi trường có thể dẫn đến lo lắng hoặc trầm cảm (Boyd và cộng sự, 2006; Hudson và cộng sự, 2004). Phòng ngừa thứ cấp cố gắng hạn chế thời gian và mức độ nghiêm trọng của rối loạn khi nó đã bắt đầu. Mục tiêu này được thực hiện nhờ các chương trình cho phép nhận biết sớm và điều trị kịp thời. Ví dụ, dựa trên đánh giá hiệu quả điều trị, chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể đề nghị kết hợp liệu pháp tâm lý và điều trị bằng thuốc để tối ưu hóa việc phòng ngừa thứ cấp (Manber và cộng sự, 2008). Phòng ngừa cấp ba hạn chế tác động lâu dài của một rối loạn tâm lý bằng cách tìm cách ngăn ngừa tái phát. Ví dụ, những người mắc bệnh tâm thần phân liệt nếu ngừng điều trị bằng thuốc có tỷ lệ tái phát rất cao (Fournier và cộng sự, 2010). Để tham gia vào việc ngăn ngừa cấp ba, bác sĩ tâm thầnĩ sẽ khuyến nghị rằng bệnh nhân tâm thần phân liệt tiếp tục dùng thuốc chống loạn thần.
Trong tâm lý học, lĩnh vực tâm lý học cộng đồng (community psychology) đóng một vai trò đặc biệt trong nỗ lực ngăn ngừa bệnh tâm lý và nâng cao sức khỏe (Schueller, 2009). Các nhà tâm lý học cộng đồng thường thiết kế các biện pháp can thiệp giải quyết các đặc điểm của cộng đồng khiến thành viên trong đó gặp rủi ro. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã phát triển các chiến lược toàn cộng đồng để giảm thiểu lạm dụng chất ở trẻ vị thành niên thành thị (Diamond và cộng sự, 2009). Những chương trình cố gắng thay đổi các giá trị cộng đồng liên quan đến ma tuý và rượu và chúng cũng mang lại cho thanh thiếu niên các hoạt động xã hội không có ma tuý và rượu.
Phòng ngừa rối loạn tâm thần là một công việc phức tạp và khó khăn. Nó không chỉ liên quan đến việc hiểu các yếu tố nhân quả liên quan, mà còn vượt qua sự phản kháng của cá nhân, thể chế và chính phủ đối với sự thay đổi. Một nỗ lực nghiên cứu lớn sẽ là cần thiết để chứng minh tiện ích tầm xa của việc phòng ngừa và phương pháp tiếp cận sức khỏe cộng đồng đối với bệnh lý tâm thần. Cuối cùng mục tiêu của các chương trình phòng ngừa là bảo vệ sức khỏe tâm thần của tất cả các thành viên trong xã hội của chúng ta.
TRỊ LIỆU TRÊN INTERNET CÓ HIỆU QUẢ KHÔNG? Các liệu pháp tâm lý lớn đều có chung giả định rằng nhà trị liệu và khách hàng sẽ gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, vì Internet đã trở thành một yếu tố tiêu chuẩn trong cuộc sống của hầu hết mọi người, các nhà trị liệu tâm lý đã bắt đầu khám phá khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mà không dùng đến liên hệ cá nhân. Hãy xem xét một ví dụ về một ví dụ thành công của Phương pháp điều trị chứng ám ảnh sợ xã hội dựa trên Internet. Người mắc chứng sợ xã hội trải nghiệm sự lo lắng khi họ dự đoán những tương tác công khai sắp tới họ phải thực hiện. Vì lý do đó, Internet giữ lời hứa cung cấp điều trị mà không yêu cầu mọi người mắc rối loạn này phải để bước vào vòng tròn tương tác xã hội. Trong một nghiên cứu, những người mắc chứng sợ xã hội đã hoàn thành chương trình 10 tuần, trong đó các mô-đun Internet đã hướng dẫn họ trải qua một khóa học liệu pháp nhận thức- hành vi (Berger và cộng sự, 2009). Các nhà trị liệu đã tham gia vào quá trình này qua e-mail. Họ đã trả lời câu hỏi của bệnh nhân và gửi thông điệp động viên. Vào lúc kết thúc quá trình điều trị, mức độ đau khổ của bệnh nhân được so sánh với nhóm đối chứng gồm các cá nhân cũng đã được chẩn đoán mắc chứng sợ xã hội. Những bệnh nhân đã hoàn thành điều trị dựa trên Internet cho thấy cải tiến đáng kể đối với nhóm đối chứng đó. Những thành công của loại hình này khuyến khích các nhà trị liệu đi tiên phong trong các liệu pháp sáng tạo được cung cấp qua Internet. Tuy nhiên, các nhà trị liệu cũng đã lùi lại một bước để xem xét một số vấn đề đạo đức cụ thể có thể phát sinh khi nhà trị liệu và khách hàng duy trì một khoảng cách xa (Fitzgerald et al., 2010; Ross, 2011). Ví dụ, các nhà trị liệu lo lắng rằng bệnh nhân có thể bị chẩn đoán sai nếu họ có biểu hiện hạn chế hoặc thông tin bị bóp méo mà không có sự giám sát kỹ lưỡng hơn khi gặp nhau trực diện. Hơn nữa, khách hàng hiếm khi có thể xác minh thông tin của các nhà trị liệu trực tuyến; trong không gian mạng ai cũng có thể tự nhận là một chuyên gia. Cuối cùng, các nhà trị liệu sử dụng Internet không thể đảm bảo bí mật cho khách hàng của họ. Có một nguy cơ thực sự là thông tin cá nhân có thể bị “tấn công” và bị kéo vào không gian công cộng. Mối quan tâm về tính bảo mật này có thể đặc biệt khẩn cấp bởi vì bằng chứng nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp trực tuyến dẫn đến sự bộc lộ tự do (disinhibition): Tính ẩn danh tương đối của hình thức trị liệu này cho phép khách hàng tiết lộ những vấn đề và mối bận tâm cấp bách nhất của họ nhanh chóng hơn và ít bối rối hơn (Richards, 2009). Các cá nhân có thể trung thực hơn khi họ không có lo lắng về phản ứng công khai của bác sĩ trị liệu trước những lời thú nhận khó khăn của họ. Nhưng khi xem xét sự ào ạt của thông tin đó trong bối cảnh Liên minh trị liệu. Nhớ lại rằng chất lượng của liên minh trị liệu có tác động mạnh mẽ đến khả năng mang lại sự cải thiện sức khỏe tâm thần của liệu pháp tâm lý (Goldfried & Davila, 2005; Horvath và cộng sự, 2011). Một số nhà trị liệu lo lắng rằng liên minh trị liệu nhất thiết sẽ bị suy yếu nếu họ không bao giờ đối mặt với khách hàng của họ (Ross, 2011). Tuy nhiên, các nhà trị liệu khác đã đề xuất rằng liệu pháp dựa trên Internet có khả năng mang lại sự giảm nhẹ vấn đề bởi vì nó kích hoạt các yếu tố chung làm nền tảng cho hiệu quả của các liệu pháp truyền thống (Peck, 2010). Câu hỏi cần suy ngẫm cho các nhà trị liệu và chúng ta là: Ngoài ám ảnh xã hội, có rối loạn tâm lý nào khác có thể đặc biệt thích hợp với liệu pháp dựa trên Internet?Các nhà trị liệu có thể làm gì để đối phó với các vấn đề bảo mật trên mạng? |
Vân Anh dịch và tổng hợp
Nguồn: Tâm lý học và đời sống, Richard J. Gerrig, Philip G. Zimbardo, bản in thứ 16, 2002, Pearson Education Inc, bản dịch 2020 của Van Lang Culture JSC. Người dịch Kim Dân
Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc
Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia