1. Hãy học cách thở!
Hít thở là một phản xạ của sinh vật, nhưng việc nhận thức thực sự về quá trình này có thể dẫn đến một trạng thái thư giãn nhất định. Đây là một thực hành có thể được thực hiện bất cứ lúc nào (ví dụ như trước một buổi thuyết trình căng thẳng trước những khách hàng khó tính!). Tốt nhất nên ngồi hoặc nằm một cách thoải mái, dễ chịu ở nơi yên tĩnh. Hít vào bằng mũi và đếm đến 4. Sau đó thở ra bằng miệng đếm đến 5. Lặp lại bài tập này 5 lần.
2. Lợi ích của thiền
Thiền là một môn học kết hợp giữa cơ thể và tâm trí, có mục tiêu là tìm ra sự hòa hợp nhất định giữa hai phần này. Một số nghiên cứu chứng minh rằng thiền là một phương thuốc rất hiệu quả chống lại căng thẳng. Thật vậy, được thực hành đúng cách, nó đặc biệt làm dịu nhịp tim và nhịp hô hấp và tác động lên mức cortisol (hormone căng thẳng mãn tính). Có một số kiểu thiền (thiền siêu việt, thiền có định hướng, hoặc “chánh niệm”).
3. Yoga, một bộ môn chống căng thẳng
Yoga, giống như hầu hết các bộ môn phương Đông, dựa trên hơi thở có ý thức và sự chú ý có định hướng, thư giãn và tái định hình cơ thể một cách sâu sắc nhưng dần dần. Có một số kiểu, với dạng này “linh hoạt” và đòi hỏi nhiều về thể chất cao hơn dạng khác. Nhưng tất cả các loại yoga đều có cùng mục tiêu: Một mặt là cải thiện khả năng tập trung và sự thanh thản về tinh thần, mặt khác tăng tính linh hoạt thể chất.
4. Ăn thảnh thơi
Tất cả chúng ta đều biết những ngày đó, khi ta ăn một chiếc bánh sandwich trước máy tính văn phòng chỉ trong 10 phút. Và ta biết rằng điều đó rất có hại cho cơ thể, và do đó cho cả tâm trí của chúng ta (và tất nhiên là cả mức độ căng thẳng của chúng ta!). Vì vậy, hãy cố gắng thực hiện một đợt thư giãn thực sự, ngay cả khi nó chỉ kéo dài 20 phút: bạn sẽ thấy bộ não quá nóng của mình cảm ơn bạn thật nhiều cho đợt nghỉ mà nó luôn hằng mong. Và ăn chậm, bình tĩnh, nhận thức được những gì bạn đang nhai.
5. Thực phẩm chống căng thẳng
Có một số loại thực phẩm hữu ích trong việc chống lại căng thẳng. Ví dụ, sô cô la đen có chứa các chất tạo ra endorphin (nhưng hãy cẩn thận đừng ăn quá nhiều!). Các loại thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, cá ngừ, cá mòi, quả óc chó, hạt lanh) cũng rất bổ dưỡng, vì chất này kích thích hệ thống miễn dịch và làm giảm việc sản xuất các hormone có liên quan đến căng thẳng. Cuối cùng, hãy chọn trà xanh thay vì cà phê hoặc ngũ cốc nguyên hạt thay cho cơm và bánh mì trắng.
6. Tinh dầu… thiết yếu!
Tinh dầu chủ yếu liên quan đến khứu giác, là một trong những giác quan cổ xưa nhất mà ta có và có liên quan trực tiếp đến hệ thống limbic (não hệ viền) của chúng ta, nơi chứa đựng cảm xúc và tâm trạng. Chúng có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau (tùy thuộc vào loại dầu): chỉ cần một vài giọt trên gối, trong bồn tắm nước nóng, hít hay xoa bóp nhẹ nhàng. Ưu tiên tinh dầu hoa oải hương, chanh, quýt xanh, cam bergamot, hoa cúc hay kinh giới ô.
7. Khám phá lại vẻ đẹp của thiên nhiên
Thiên nhiên giúp ta đặt lại góc nhìn về những lo lắng hàng ngày: đối mặt với sự bao la và vẻ đẹp kỳ vĩ, ta nhận ra rằng các vấn đề của mình cuối cùng cũng tầm thường và sự tồn tại của chúng ta không quan trọng hơn một giọt nước trong đại dương. Nhưng ngoài quan sát này, việc khám phá lại thiên nhiên còn là một quá trình tâm linh: sự im lặng cũng như hàng ngàn tiếng động nhỏ của nó, màu sắc và nhiều mùi hương của nó làm dịu ta và giúp ta lùi lại một bước khỏi cuộc sống căng thẳng…
8. Biết cách nghỉ giải lao
Khi bạn cắm đầu vào tay lái cả ngày, giữa công việc, chuyến đi, con cái và những công việc hàng ngày, bạn không thể nào lùi bước. Đột nhiên, các vấn đề của ta dường như không thể vượt qua và lịch trình của ta chỉ chực bùng nổ. Do đó, điều quan trọng là phải biết cách nghỉ ngơi thường xuyên để thư giãn hoặc thả lỏng… Và nếu bạn sợ không có thời gian, hãy đánh dấu những khoảng thời gian nghỉ ngơi này vào nhật ký của bạn giống như cách bạn làm với các cuộc hẹn quan trọng!
9. Đừng bỏ bê những người thân yêu của bạn!
Các nghiên cứu về chủ đề này rất rõ ràng: những người có khả năng chống lại căng thẳng tốt nhất thường là những người dành thời gian tận hưởng bên cạnh những người thân yêu của họ. Tại sao? Bởi vì những người thân yêu là chỗ dựa đầu tiên của ta khi cuộc đời “giáng những cú mạnh nhất”. Tuy nhiên, nghịch lý là khi ta căng thẳng, đôi khi ta có xu hướng không dành đủ thời gian và năng lượng cho người thân yếu và bạn bè, bởi vì ta nghĩ rằng ưu tiên là ở chỗ khác… Vì vậy, muốn sạc lại pin, hãy nhớ quây quần bên người thân yêu!
10. Tập trung vào các ưu tiên của bạn
Dù là trong công việc hay trong cuộc sống cá nhân, ta cũng cần có những mục tiêu rõ ràng để giúp ta sắp xếp thứ tự ưu tiên trong số vô số những việc ta cần hoàn thành. Đặc biệt, điều này cho phép ta tận dụng thời gian của mình tốt hơn, truyền năng lượng và vượt qua căng thẳng hàng ngày. Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân hai câu hỏi: ngày hôm nay bạn đang theo đuổi mục tiêu cụ thể gì? Và quan trọng nhất: bạn có dành đủ thời gian cho điều quan trọng đối với mình không?
50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 1)
50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 2)
50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 3)
50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 4)
Vân Anh biên tập và trình bày
—- (*) Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia
2 thoughts on “50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 5)”