1. Lên danh sách
Bỏ thuốc lá (hoặc chấm dứt bất kỳ thói quen xấu nào khác) rất khó. Trước khi bắt đầu, bạn nên phân tích lý do khiến bạn nghiện và những lý do khuyến khích bạn ngừng nghiện; điều gì sẽ giúp ích cho bạn và điều gì sẽ gây ra những khó khăn cụ thể cho bạn. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn khi cám dỗ xảy đến.
2. Chấp nhận những lời chỉ trích
Những lời chỉ trích chuyên môn không bao giờ nên mang tính cá nhân mà phải liên quan đến công việc. Thật không may, các vấn đề giao tiếp của cả hai bên thường khiến người kia cảm giác cá nhân mình bị công kích. Hãy biết cách nắm ý và tạo khoảng cách để quan sát. Nếu cần thiết, hãy diễn đạt lại những lời chỉ trích theo nhu cầu của cả hai. Ví dụ, thay vì tự nhủ, “anh ấy nghĩ tôi quá chậm”, hãy tự nhủ “anh ấy cần báo cáo này thật nhanh” và cùng nhau tìm ra giải pháp.
3. Đối mặt với thất bại
Lòng tự tôn lành mạnh giúp bạn có thể phản ứng tốt trước thất bại: chấp nhận nó, rút ra hậu quả và bài học để tiến về phía trước. Để đạt được sự tự tôn như vậy, bạn phải hiểu rõ bản thân, nhận ra ưu điểm cũng như khuyết điểm của mình, có cái nhìn khách quan về bản thân, không quên sự nhân từ.
4. Ước mơ hay thất vọng?
Những giấc mơ của ta có thể làm hại ta không?
Theo đuổi ước mơ có thể là một điều tốt nếu bạn xem chúng là động lực và cho mình phương tiện để biến chúng thành hiện thực. Nếu không, chúng sẽ độc hại: những giấc mơ biến thành nỗi thất vọng làm ô nhiễm hình ảnh ta có về bản thân. Hãy đặt mục tiêu thực tế và bao dung với bản thân, không phải điều gì cũng phụ thuộc vào bạn.
5. Lên những mục tiêu tốt
Ăn kiêng, bỏ thuốc lá, trau dồi bản thân, dành nhiều thời gian hơn cho con cái… ta đều có kế hoạch cải thiện bản thân. Hãy cẩn thận không tích lũy quá nhiều mục tiêu quyết tâm, bạn có nguy cơ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào… và rồi tự trách mình. Hãy bao dung bản thân một chút và thực hiện từng bước: đưa ra quyết định và cho mình phương tiện để thực hiện nó. Cũng hãy chấp nhận khó khăn của việc đó và khả năng thất bại… và bắt đầu lại.
6. Cái nhìn của người khác
Chăm sóc hình ảnh bản thân không chỉ đòi hỏi suy nghĩ cá nhân. Đó cũng là một trải nghiệm xã hội. Bằng cách nhân từ với người khác, bạn cũng sẽ kích hoạt cả một nguồn động lực tích cực mới. Với một lời nói tử tế, một lời khen, một sự quan tâm, một điều tốt mà bạn làm cho người khác, họ sẽ tự động làm điều đó với bạn.
7. Bật trở lại
“Bất hạnh là tốt, với bất cứ điều gì,” ngạn ngữ có câu như vậy. Chắc chắn khi ta đang ở giai đoạn tồi tệ nhất, điều đó thật khó chấp nhận nhưng vẫn đúng. Nghịch cảnh cho phép ta trở nên mạnh mẽ hơn, phát triển những năng lực mới. Hãy kiểm lại những trải nghiệm khó khăn của bạn và tìm ra mặt tích cực. Hãy ghi nhớ hai phiên bản này và sử dụng chúng để giải quyết những lúc khó khăn.
8. Vượt qua sự nhút nhát
Làm thế nào để vượt qua sự nhút nhát?
Tính nhút nhát tự duy trì chính nó: bạn càng ít dám làm, bạn càng cảm thấy mình ít có phương tiện để dám hành động. Tất nhiên, để thoát khỏi nó đòi hỏi bản thân phải nỗ lực rất nhiều và không thể một sớm một chiều. Do đó, bạn nên đi theo từng giai đoạn. Hãy đặt ra cho mình những thách thức nhỏ, chẳng hạn như với người bán hàng. Chọn một chỗ bán hàng mà bạn chắc chắn sẽ không quay lại và hãy là một khách hàng khó khăn: thử mười đôi giày và không mua đôi nào. Nếu bạn vượt qua thử thách này, hãy hình dung bước tiếp theo.
9. Vượt qua những mặc cảm
Làm thế nào để vượt qua những mặc cảm của mình? Khi điều gì đó khiến ta mặc cảm, ta tự nhiên có xu hướng so sánh mình với người khác. Nhưng không phải với tất cả những người khác, những người không đau khổ vì “sự ô nhục” của ta. Hãy thử cách tiếp cận ngược lại. Ví dụ: nếu bạn mặc cảm vì cân nặng của mình, vậy đừng tập trung vào những người gầy hơn mà hãy tập trung vào những người mập hơn bạn. Bài tập này giúp ta có thể tương đối hóa và nhận ra rằng phức cảm được nuôi dưỡng dựa trên những so sánh “theo hướng thua cuộc” này.
10. Bị thời gian nuốt chửng
Bạn có thể có ý chí lớn nhất thế giới, nhưng bạn thường không thấy có thời gian cho bản thân được thoải mái và dễ chịu. Nếu bạn đã thử mọi cách (ủy quyền, trì hoãn…) nhưng vẫn không thấy có ích, đừng bỏ cuộc. Hai giờ là lý tưởng, nhưng năm phút đã là tốt rồi. Điều quan trọng là trạng thái tinh thần. Cái nào tốt hơn? Mất hàng tháng để đọc hết một cuốn sách hay hoàn toàn không đọc nó? Sự hài lòng cá nhân bạn nhận được từ những thành tựu nhỏ này sẽ là phần thưởng lớn nhất của bạn.
50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 1)
50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 3)
50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 4)
50 lời khuyên giúp phát triển năng lực bản thân (phần 5)
Vân Anh biên tập và trình bày
—- (*) Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia