VẤN ĐỀ VĂN HÓA TRONG ĐIỀU TRỊ TÂM LÝ (TIẾP THEO)
Hiện nay, ngoài đặc thù về văn hóa trong cách trị liệu thường mang tính phi chính thức và dựa vào các nghi lễ tâm linh (như ở bài viết trước), các phương pháp tiếp cận trị liệu tâm lý phổ biến ở Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Bắc Mỹ và Tây Âu. Bài viết này sẽ làm rõ hơn bối cảnh lịch sử trong việc điều trị các vấn đề tâm lý tại hai nền văn hóa trên. Trong các thế kỷ qua, việc nhìn nhận và tiếp cận các vấn đề tâm lý đã trải qua nhiều thay đổi lớn. Trong phần lớn lịch sử, rất có thể việc điều trị các rối loạn tâm lý không những không giúp mà còn có thể gây hại cho bệnh nhân. Trước thế kỷ 21, việc điều trị là trong các trung tâm tập trung, hay được gọi là tập trung hóa/thể chế hóa điều trị (institutionalization). Ở thế kỷ 21, trong đó việc phi thể chế hóa (deinstitutionalization) — cách thực hành chuyển mọi người từ các bệnh viện tâm thần đến các địa điểm khác để điều trị — đã trở thành một vấn đề quan trọng.
Lịch sử trị liệu tâm lý tại Tây Âu
Sự gia tăng dân số và di cư đến các thành phố lớn ở Tây Âu vào thế kỷ 14 đã tạo ra thất nghiệp và bất hòa trong xã hội. Những điều kiện này dẫn đến nghèo đói, tội phạm, và các vấn đề tâm lý. Các thể chế, trung tâm đặc biệt sớm được tạo ra để chứa ba kiểu người mới nổi và được cho là « lầm lạc, kém thích nghi với xã hội » : người nghèo, tội phạm, và người rối loạn tâm thần. Năm 1403, một bệnh viện ở London — St. Mary of Bethlehem — đã nhận bệnh nhân đầu tiên có vấn đề về tâm lý. Suốt 300 năm về sau, bệnh nhân tâm thần của bệnh viện bị xích, bị tra tấn, và làm vật trưng bày cho một công chúng trả tiền để vào thăm. Theo thời gian, một từ phát âm sai của Bethlehem — bedlam — đã xuất hiện, với nghĩa là sự hỗn loạn do sự lẫn lộn khủng khiếp ngự trị trong bệnh viện và việc điều trị phi nhân tính cho bệnh nhân ở đó (Foucault, 1975). Mãi cho đến cuối thế kỷ 18, nhận thức về các vấn đề tâm lý như bệnh tâm thần mới xuất hiện ở châu Âu. Năm 1792, bác sĩ người Pháp Philippe Pinel nhận được sự cho phép từ chính phủ được thành lập sau Cách mạng Pháp, đã thả gông xích ra cho một số tù nhân ở bệnh viện tâm thần.
Lịch sử trị liệu tâm lý tại Mỹ
Tại Mỹ, các cá nhân có tâm lý bị xáo trộn đã bị giam giữ để « bảo vệ chính họ và để an toàn cho cộng đồng », nhưng họ không được điều trị. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1800, khi tâm lý học như một lĩnh vực nghiên cứu đã đạt được một số uy tín và sự tôn trọng, “một sự sùng bái khả năng chữa bệnh” đã nổi lên khắp nước Mỹ. Được thúc đẩy bởi kinh nghiệm làm việc trực tiếp đầu tiên trong môi trường nhà tù, Dorothea Dix (1802–1887) làm việc liên tục từ năm 1841 đến năm 1881 để nâng cao điều trị về thể chất cho người bệnh tâm thần.
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều người lập luận rằng bệnh tâm thần phát sinh từ những căng thẳng từ môi trường xung quanh, do sự hỗn loạn của các thành phố mới phát triển gây ra. Để giảm bớt những căng thẳng đó, những người có rối nhiễu đã bị giới hạn trong các nhà thương (asylum) ở các vùng nông thôn, cách xa sự căng thẳng của thành phố, không chỉ để bảo vệ mà còn để điều trị (Rothman, 1971). Không may, nhiều nhà thương trở nên quá tải. Các mục tiêu mang tính nhân đạo giúp giảm nhẹ bệnh tâm thần đã được thay thế bằng mục tiêu thực dụng là chứa những người « lạ lùng » ở những nơi xa khu dân cư. Các bệnh viện tâm thần lớn của tiểu bang thiếu nhân sự trở nên thái quá hơn cả « cái kho chứa những cá nhân bị rối nhiễu » (Scull, 1993). Bắt đầu từ những năm 1960, các nhà cải cách bắt đầu mở phong trào kích động chống lại những « kho chứa người » này, ủng hộ việc phi thể chế hóa ít nhất là những bệnh nhân tâm thần có thể phát triển mạnh với điều trị ngoại trú và hỗ trợ cộng đồng thích hợp.
Thật không may, hiện nay ở Tây Âu và Bắc Mỹ, dù vẫn có nhiều bệnh nhân được ra khỏi trung tâm nhưng vẫn không được hỗ trợ đầy đủ trong cộng đồng của họ. Khi có cái nhìn sơ lược về các xu hướng lịch sử và một số khác biệt văn hóa về cách tiếp cận thế giới tinh thần, cũng như những đặc thù trong cách tiếp cận với rối loạn tâm lý ở các nền văn hóa Tây Âu, Bắc Mỹ và vài dân tộc bản địa khác, ta mới có thể đi sâu hơn vào từng dạng liệu pháp điều trị tâm lý chính được tiến hành ngày nay tại Tây Âu, Bắc Mỹ và các xã hội chịu ảnh hưởng từ hai nền văn hóa này (trong đó có Việt Nam), và khả năng tích hợp điều trị phù hợp với hoàn cảnh văn hóa, giới tính, gia đình và tình trạng cá nhân của từng bệnh nhân.
Dịch và biên tập: Vân Anh
Trình bày: Thu Thủy
Nguồn: Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc
—-(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.