“Rên rỉ về một bất hạnh trong quá khứ là cách tốt nhất để thu hút thêm bất hạnh khác.”
William Shakespeare
Tam giác kịch tính của Karpman
Tam giác kịch tính là một khái niệm xuất phát từ cái được gọi là phân tích các mối trao đổi, một lý thuyết về nhân cách và cách giao tiếp do Eric Berne tạo ra trong những năm 1950 đến 1970. Một trò chơi tâm lý xác định một mối quan hệ không tự nguyện (ở cấp độ có ý thức), lặp đi lặp lại (thường trong cùng một hoàn cảnh và với cùng một người) dường như lỗi chỉ đến từ người kia và gây cảm giác lẫn cảm xúc khó chịu cho “người chơi”. Tam giác kịch tính là một “trò chơi tâm lý” bao gồm một vị cứu tinh, một tên đao phủ và một nạn nhân. Nhìn chung, đao phủ khát khao được công nhận, muốn có quyền lực hoặc được tôn vinh giá trị. Hầu hết thời gian, anh ta là người độc đoán, thậm chí chuyên quyền và sử dụng nhiều cách khác nhau (chế nhạo, sỉ nhục, gây hấn) để làm hại nạn nhân của mình. Anh ta hiếm khi tấn công người mạnh hơn mình.
Nạn nhân rõ ràng không phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ của người đó với tên đao phủ. Người đó phải chịu đựng mối quan hệ độc hại này nhưng vì một lý do nào đó mà không phản ứng lại việc bắt nạt, bởi vì anh ta tìm thấy một lợi ích nhất định ở đó (“lợi ích thứ cấp”).
Ngược lại, vị cứu tinh ở bên ngoài mối quan hệ, nhưng chỉ ở vẻ bề ngoài, bởi vì anh ta cũng củng cố nạn nhân trong tư cách nạn nhân của mình, bằng cách an ủi và lắng nghe nạn nhân, nhưng không hành động, hoặc tồi tệ hơn, anh ta có thể cũng trở thành một tên đao phủ khi mối quan hệ giúp đỡ trở nên vô vọng…
Tất cả chúng ta thường xuyên chuyển từ vai trò này sang vai trò khác, đặc biệt là trong những cuộc đụng độ nhỏ với người thân hoặc đồng nghiệp của chúng ta. Ví dụ, hãy lấy một hình tam giác với người mẹ và hai đứa con, A (trai) và B (gái). Con gái B (Nạn nhân) đến gặp mẹ (Đấng cứu thế) khóc và nói với mẹ: “A (Đao phủ) đã kéo tóc con.” Người mẹ (Đao phủ) sau đó mắng A (Nạn nhân) và trừng phạt nó. B (Cứu thế) sau đó đến gặp mẹ và yêu cầu bà dỡ bỏ hình phạt để A có thể chơi với mình… Hình tam giác này có thể áp dụng cho nhiều tình huống trong cuộc sống hàng ngày.
Nhưng có những trường hợp tam giác này sẽ kéo dài, và mang tính phá hoại rất lớn, đặc biệt là đối với nạn nhân.
Vị trí của lòng tự tôn trong tất cả những chuyện này?
Rõ ràng, một người có lòng tự tôn thấp, khá yếu đuối, ít nói, sống nội tâm sẽ dễ dàng bước vào trò chơi hơn với tư cách là nạn nhân và do đó thu hút những kiểu người tồi tệ. Mối quan hệ tam giác sau đó có thể diễn ra. Nạn nhân không phản ứng với sự quấy rối của kẻ tra tấn mình, do đó, kẻ này ngày càng đi xa hơn. Sau đó, nạn nhân sẽ yêu cầu sự chú ý ngày càng tăng từ vị cứu tinh của mình, nhưng sẽ không phản ứng trực tiếp, thường để không làm trầm trọng thêm tình hình, hoặc đơn giản là vì sợ hãi (sợ mất việc, sợ phản ứng). Nạn nhân không còn lùi lại để suy xét tình huống và đôi khi thậm chí còn tự hỏi liệu mình có xứng đáng với cách đối xử này không.
Một người có lòng tự tôn thấp thường gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn lực của bản thân để ngừng trò chơi, bởi vì họ không nhận thức được các phương tiện mà họ có (đáp lời lại với cùng một giọng điệu, tấn công lại hoặc chỉ đơn giản là khẳng định mình), hoặc vì sợ những hậu quả mà người đó mường tượng là sẽ rất tàn khốc.
Tuy nhiên, kẻ ra tay cũng chẳng có lòng tự tôn lành mạnh hơn nhiều so với của nạn nhân là bao nhiêu, mặc dù anh ta thể hiện điều đó theo cách khác. Cả hai đều có chung một vấn đề về lòng tự tôn. Họ cảm thấy bất lực khi đối mặt với xung đột, trong chừng mực họ không biết cách điều chỉnh hành vi của mình để khiến họ dừng lại. Sau đó, họ áp dụng hành vi bạo lực hoặc phục tùng, họ cũng gặp khó khăn ngang nhau trong việc quản lý tính hiếu chiến: một người thì có quá nhiều, trong khi người kia không có đủ. Vị cứu tinh có một vai trò phụ trợ, nhưng quan trọng nhất: bằng cách lắng nghe nạn nhân nói nhưng không thể hành động, cuối cùng anh ta đã cô lập nạn nhân trong vai trò của mình.
Video tóm tắt nội dung cần nhớ:
Các bài viết được biên tập theo cuốn sách Phát triển lòng tự tôn (Développer son estime de soi), 2012, tác giả Marie-Laure Cuzarq
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
—- (*) Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia