Trong khi các liệu pháp tâm động học tập trung vào những nguyên nhân giả định ở nội tâm, liệu pháp hành vi tập trung vào các hành vi bên ngoài có thể quan sát được. Các nhà trị liệu hành vi tranh luận rằng các hành vi bất thường được tiếp thu theo cách tương tự như các hành vi bình thường — thông qua quy trình học tập tuân theo các nguyên tắc cơ bản của điều kiện hóa (conditioning) và học tập (learning). Các liệu pháp hành vi áp dụng các nguyên tắc điều kiện hóa (conditioning) và củng cố (reinforcement) để sửa đổi các mẫu hành vi không mong muốn liên quan đến rối loạn tâm thần.
Các thuật ngữ trị liệu/liệu pháp hành vi (behavior therapy) và sửa đổi hành vi (behavior modification) thường được sử dụng thay thế cho nhau. Cả hai đều đề cập đến việc sử dụng một cách có hệ thống các nguyên tắc học tập để tăng tần suất các hành vi được mong muốn và / hoặc giảm tần suất các hành vi có vấn đề. Có một danh sách rộng gồm các hành vi lệch lạc và các vấn đề cá nhân thường được điều trị bằng liệu pháp hành vi, bao gồm cả những nỗi sợ hãi, chứng cưỡng chế, trầm cảm, nghiện ngập, hung tính/tính gây hấn và các hành vi phạm pháp. Nói chung, liệu pháp hành vi có tác dụng tốt nhất với các loại vấn đề cá nhân cụ thể chứ không phải chung chung; và có tác dụng tốt hơn đối với chứng ám ảnh sợ (phobia) hơn là lo âu (anxiety) không tập trung.
Các liệu pháp này xuất hiện từ các lý thuyết về điều kiện hóa và học tập được đặt trên cơ sở của truyền thống nghiên cứu thực dụng và dựa trên thực nghiệm. Nhiệm vụ trung tâm của mọi sinh bvật sống là học cách thích nghi với các đòi hỏi của môi trường vật chất và xã hội hiện tại. Khi sinh vật không học được cách đối phó hiệu quả, phản ứng không phù hợp của chúng có thể được khắc phục bằng liệu pháp dựa trên các nguyên tắc học tập. Hành vi mục tiêu không được giả định là một triệu chứng của bất kỳ quy trình nào ngầm ẩn dưới đó. Chính các triệu chứng mới là vấn đề.
Các nhà trị liệu tâm động học dự đoán rằng chỉ điều trị hành vi bên ngoài mà không đối mặt với vấn đề thực sự bên trong sẽ dẫn đến hiện tượng thay thế triệu chứng, sự xuất hiện của một vấn đề thể chất hoặc tâm lý mới. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào nổi trội ủng hộ tuyên bố rằng khi các hành vi bệnh lý được loại bỏ bằng liệu pháp hành vi, các triệu chứng mới sẽ xuất hiện thay thế (Tryon, 2008). “Ngược lại, những bệnh nhân mà triệu chứng mục tiêu được cải thiện thường được báo cáo là cải thiện ở các triệu chứng khác, ít quan trọng hơn nữa ”(Sloane và cộng sự, 1975, trang 219).Liệu pháp hành vi gồm nhiều hình thức khác nhau. Ở phần 1 này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua về 2 hình thức khá phổ biến đó là: Điều kiện hóa ngược (Counterconditioning) và các liệu pháp tiếp xúc (Exposure Therapies).
ĐIỀU KIỆN HÓA NGƯỢC (COUNTERCONDITIONING)
Tại sao một người lại trở nên lo lắng khi đối mặt với một kích thích vô hại, chẳng hạn như một con nhện, một con rắn không độc, hoặc sợ tiếp xúc xã hội? Lời giải thích về hành vi là sự lo lắng phát sinh do các nguyên tắc điều kiện hóa đơn giản: Phản ứng cảm xúc mạnh mẽ làm xáo trộn cuộc sống của một người “khi không có lý do chính đáng nào” thường là loại phản hồi được điều kiện hóa mà người đó không nhận ra là trước đây mình đã từng học được. Trong liệu pháp điều kiện hóa ngược, người ta tạo ra một phản hồi mới để thể chỗ hoặc đối nghịch lại phản hồi cũ ko còn thích hợp.
Việc sử dụng liệu pháp hành vi sớm nhất được ghi nhận là đi theo logic này. Mary Cover Jones (1924) cho thấy có thể đảo ngược việc học (unlearn) một nỗi sợ hãi thông qua điều kiện hóa.
Trường hợp này có thể được so sánh với Thí nghiệm kinh điển với bé Albert:
“Bệnh nhân của cô là Peter, một cậu bé 3 tuổi, vì vài lý do không được biết rõ, có nỗi sợ hãi thỏ. Liệu pháp liên quan đến việc cho Peter ăn ở góc phòng trong khi thỏ được đưa vào ở đầu bên kia. Dần dần sau một loạt phiên thử nghiệm, con thỏ được đưa lại gần Peter hơn cho đến khi mọi sợ hãi đều biến mất và Peter thoải mái chơi đùa với con thỏ”.
Theo chân Cover Jones, các nhà trị liệu hành vi giờ đây sử dụng một số kỹ thuật điều kiện hóa ngược, bao gồm liệu pháp giải mẫn cảm có hệ thống, “sập đổ (implosion)”, “nhấn chìm (flooding)” và “ác cảm (aversion)”.
CÁC LIỆU PHÁP TIẾP XÚC (EXPOSURE THERAPIES)
Thành phần trung tâm của liệu pháp tiếp xúc là các cá nhân được sắp xếp để đối đầu với đối tượng hoặc tình huống gây lo lắng. Nguyên tắc điều trị là sự tiếp xúc cho phép tạo ra quá trình phản điều kiện hóa — người đó học cách vẫn thoải mái trong những hoàn cảnh mà trước đây đã từng làm họ rất lo lắng. Các liệu pháp tiếp xúc cho cá nhân khác nhau về thời gian và hoàn cảnh mà người ta được cho tiếp xúc với các nguồn gây lo lắng cho họ.
Ví dụ, Joseph Wolpe (1958, 1973) đã quan sát thấy rằng hệ thống thần kinh không thể được thư giãn và kích động cùng một lúc vì các quy trình không tương thích không thể được kích hoạt đồng thời. Đây là trung tâm của lý thuyết về sự ức chế tương hỗ (theory of reciprocal inhibition) mà Wolpe đã áp dụng để điều trị nỗi sợ hãi và ám ảnh sợ. Wolpe đã dạy bệnh nhân thư giãn cơ bắp của họ và sau đó hình dung trực quan tình huống đáng sợ. Họ làm như vậy theo các bước dần dần chuyển từ các liên kết ban đầu từ xa sang những hình ảnh trực tiếp. Việc đối mặt về mặt tâm lý với kích thích sợ hãi trong khi được thư giãn, theo một trình tự được chia độ là kỹ thuật điều trị được gọi là Giải mẫn cảm có hệ thống (systematic desensitization).
Giải mẫn cảm có hệ thống: Một kỹ thuật trị liệu hành vi trong đó thân chủ được dạy để ngăn chặn sự kích động cơn lo hãi bằng cách đối mặt với kích thích gây sợ hãi trong khi vẫn thư giãn.
Liệu pháp giải mẫn cảm hệ thống bao gồm ba bước chính:
Đầu tiên, thân chủ xác định các kích thích gây ra lo âu và sắp xếp chúng theo thứ bậc được xếp hạng từ yếu nhất đến mạnh nhất. Ví dụ, một học sinh bị chứng lo lắng nghiêm trọng về các bài kiểm tra cần được xây dựng hệ thống phân cấp. Giả sử người đó xếp hạng việc dự đoán ngay trước một kỳ thi (số 14) là căng thẳng hơn bản thân việc làm bài thi (số 13).
Thứ hai, khách hàng được đào tạo trong một hệ thống thư giãn cơ sâu dần dần. Đào tạo thư giãn yêu cầu thực hiện một số phiên, trong đó khách hàng học cách phân biệt giữa cảm giác căng thẳng và thư giãn và học cách loại bỏ căng thẳng để đạt được trạng thái thể chất và tinh thần thư giãn hơn.
Cuối cùng, quá trình giải mẫn cảm thực tế bắt đầu: Người khách hàng đã được thư giãn sẽ tưởng tượng một cách sinh động về kích thích yếu nhất gây lo lắng trên danh sách. Nếu hình dung được về nó mà không khó chịu, khách hàng chuyển sang kích thích mạnh hơn tiếp theo. Sau một số phiên, các tình huống đau khổ nhất trong danh sách có thể được tưởng tượng mà không gây lo lắng.
Hệ thống phân cấp các kích thích gây lo âu cho một sinh viên đại học lo âu về thi cử (theo cấp độ lo âu tăng dần)
1. Một tháng trước khi thi.
2. Hai tuần trước khi thi.
3. Một tuần trước khi thi.
4. Năm ngày trước khi thi.
5. Bốn ngày trước khi thi.
6. Ba ngày trước khi thi.
7. Hai ngày trước khi thi.
8. Một ngày trước khi thi.
9. Đêm trước khi thi.
10. Tờ giấy thi úp xuống.
11. Chờ phát bài thi.
12. Trước những cánh cửa phòng thi chưa mở.
13. Trong quá trình trả lời trên tờ bài thi.
14. Trên đường đến trường đại học vào ngày thi.
Giải mẫn cảm có hệ thống thể hiện một quá trình tiếp xúc dần dần với các kích thích gây lo lắng. Các nhà trị liệu đã khám phá nhiều kỹ thuật khác nhau, một số kỹ thuật mang lại khả năng tiếp xúc với nỗi sợ với độ trễ nhỏ hơn.
Ví dụ, trong một kỹ thuật được gọi là “nhấn chìm (flooding)”, khách hàng đồng ý được đưa trực tiếp vào tình trạng gây ám ảnh sợ. Một người mắc chứng sợ không gian kín được để ngồi trong một tủ quần áo tối, và một đứa trẻ sợ nước được đưa vào một hồ bơi. Các nhà nghiên cứu đã điều trị thành công cho một sinh viên 21 tuổi bị ám ảnh sợ bóng bay vỡ lên bằng cách cho người đó trải qua ba phiên, trong đó anh ta chịu đựng hàng trăm quả bóng bay bị chọc vỡ (Houlihan và cộng sự, 1993). Trong phiên thứ ba, anh ta đã có thể tự chọc vỡ 115 quả bóng bay cuối cùng. Một dạng khác của liệu pháp cơn lũ bắt đầu bằng việc sử dụng trí tưởng tượng. Trong quy trình này, khách hàng có thể nghe một đoạn băng mô tả phiên bản kinh hoàng nhất của nỗi ám sợ một cách thật chi tiết trong một hay hai giờ. Khi nỗi kinh hoàng lắng xuống, khách hàng sẽ được đưa vào tình huống đáng sợ.
Khi các kỹ thuật phơi bày lần đầu tiên được tạo ra, các nhà trị liệu mang lại sự tiếp xúc thông qua hình ảnh tinh thần hoặc tiếp xúc thực tế. Trong những năm gần đây, các bác sĩ lâm sàng đã chuyển sang sử dụng thực tế ảo để cung cấp liệu pháp tiếp xúc (Powers & Emmelkamp, 2008). Ví dụ, người ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi khi đi máy bay thông qua trải nghiệm ảo của chuyến bay (ví dụ: ngồi trong một máy bay, cất cánh và hạ cánh) thay vì mạo hiểm tới một sân bay thật sự (Rothbaum và cộng sự, 2006).
Ngoài ra, có một nghiên cứu sử dụng liệu pháp thực tế ảo để điều trị nhóm phụ nữ mắc chứng sợ gián.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát triển một hệ thống thực tế ảo, mang lại cho bệnh nhân ảo giác là họ đang nhìn thấy gián trong môi trường vật chất xung quanh (Botella và cộng sự, 2010). Ví dụ, hệ thống đã làm cho bệnh nhân có thể nhìn thấy gián bò trên bàn tay. Hệ thống cũng cho phép các nhà trị liệu điều khiển các tính năng như số lượng, kích thước và chuyển động của con côn trùng. Do đó, nó đem lại sự linh hoạt cần thiết cho các nhà trị liệu để điều chỉnh liệu pháp tiếp xúc sao cho phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân.
Sáu bệnh nhân trong nghiên cứu có tiếp xúc một cách có hệ thống với những con gián ảo trong một phiên duy nhất, phiên kéo dài trung bình chỉ dưới hai giờ. Sau một buổi trị liệu duy nhất đó, các bệnh nhân đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về khả năng tiếp cận con gián. Trong các lần đánh giá tiếp theo vào 3, 6 và 12 tháng sau khi điều trị ban đầu, bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện giảm đáng kể khỏi nỗi ám ảnh sợ của họ.
Các liệu pháp tiếp xúc đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc điều trị chứng rối loạn lo âu. Các kỹ thuật thực tế ảo hứa hẹn cung cấp trải nghiệm tiếp xúc mạnh mẽ mà không tốn thời gian và chi phí mạo hiểm bước ra thế giới thực.
Liệu pháp tiếp xúc cũng đã được sử dụng để chống lại các rối loạn ám ảnh. Tuy nhiên, liệu pháp bổ sung thêm một thành phần: phòng ngừa ứng phó. Khách hàng không chỉ được tiếp xúc với những gì họ sợ hãi, họ còn bị ngăn cản thực hiện các hành vi cưỡng chế thường được sử dụng để làm giảm các cơn lo lắng của họ. Một nghiên cứu về 20 trẻ em và thanh thiếu niên bị OCD (Bolton & Perrin, 2008) đã cho thấy kết quả. Bởi vì mỗi người tham gia có những ám ảnh và cưỡng chế khác nhau, việc điều trị cần phải phù hợp với từng cá nhân. Tuy nhiên, các thành phần cốt lõi vẫn như cũ: Mỗi người tham gia được tiếp xúc với các đối tượng gây ám ảnh của người đó trong khi đó vẫn thực hiện các bài tập để ngăn chặn các hành vi cưỡng chế. Chương trình trị liệu này đã mang lại sự giảm nhẹ đáng kể chứng ám ảnh.
(còn tiếp)
Nguồn: Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc
Dịch bởi: Vân Anh
Biên tập và Trình bày: Thu Thủy
—-(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.