Liệu pháp nhận thức cố gắng thay đổi hành vi và cảm giác có vấn đề bằng cách thay đổi cách thân chủ nghĩ về các trải nghiệm sống nổi bật. Giả định cơ bản của liệu pháp là các mô hình hành vi bất thường và cảm xúc đau khổ bắt đầu với những vấn đề ở cái (what) người ta nghĩ (nội dung nhận thức) và cách (how) họ suy nghĩ (quá trình nhận thức). Các liệu pháp nhận thức tập trung vào việc thay đổi các kiểu quá trình nhận thức khác nhau và cung cấp các phương pháp tái cấu trúc nhận thức khác nhau. Bài viết này thảo luận một số cách tiếp cận này như là cách để đối phó với căng thẳng và cải thiện sức khỏe. Nội dung sau đây mô tả hai dạng chính của liệu pháp nhận thức: thay đổi hệ thống niềm tin sai lầm và liệu pháp nhận thức – hành vi (cognitive behavioral therapy – CBT) cũng như một số điều mà bạn có thể quan tâm về hình thức trị liệu này.
THAY ĐỔI NIỀM TIN SAI LẦM
Một số nhà trị liệu hành vi nhận thức coi các mẫu (pattern) niềm tin, thái độ và thói quen suy nghĩ là mục tiêu cho sự thay đổi. Các nhà trị liệu nhận thức này cho rằng nhiều vấn đề tâm lý nảy sinh do cách người ta suy nghĩ về bản thân họ trong mối quan hệ với những người khác và các sự kiện họ phải đối mặt. Suy nghĩ sai lầm có thể dựa trên:
(1) những thái độ không hợp lý (“Trở nên hoàn hảo là đặc điểm quan trọng nhất mà sinh viên phải có”),
(2) tiền đề sai (“Nếu tôi làm mọi thứ họ muốn tôi làm thì tôi sẽ nổi tiếng”)
(3) các quy tắc cứng nhắc gây ra các hành vi theo cơ chế tự động khiến các mẫu hành vi trước đó bị lặp lại ngay cả khi chúng không còn tác dụng (“Tôi phải tuân theo chính quyền”).
Đau khổ về cảm xúc là do những hiểu lầm về nhận thức và do không phân biệt được giữa thực tế hiện tại và tưởng tượng (hoặc kỳ vọng).
LIỆU PHÁP NHẬN THỨC CHO BỆNH TRẦM CẢM
Một nhà trị liệu nhận thức giúp thân chủ sửa chữa các kiểu suy nghĩ bị lỗi bằng cách thay thế bằng những kỹ thuật giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Aaron Beck (1976) đã thành công trong việc đi tiên phong trong liệu pháp nhận thức cho vấn đề trầm cảm. Ông nêu công thức điều trị ở dạng đơn giản: “Nhà trị liệu giúp bệnh nhân xác định tư duy bị biến tướng của mình và tìm hiểu những cách thực tế hơn để hình thành nên các trải nghiệm của anh ấy” (tr. 20). Ví dụ, những người bị trầm cảm có thể được hướng dẫn để viết ra những suy nghĩ tiêu cực về bản thân họ, tìm ra lý do tại sao những lời tự phê bình này là không hợp lý và đưa ra những nhận thức thực tế hơn (và ít mang tính phá hoại hơn) về bản thân.
Beck tin rằng bệnh trầm cảm bị duy trì bởi vì bệnh nhân trầm cảm không biết về những suy nghĩ tự động mang tính tiêu cực mà họ thường tạo ra, chẳng hạn như “Tôi sẽ không bao giờ tốt như anh trai mình”; “Không ai thích tôi nếu họ thực sự biết con người tôi”; và “Tôi không đủ thông minh để thành công trong ngôi trường đầy cạnh tranh này.”
Sau đó, một nhà trị liệu sẽ sử dụng bốn chiến thuật để thay đổi nền tảng nhận thức hỗ trợ chứng trầm cảm (Beck & Rush, 1989; Beck và cộng sự, 1979):
Thách thức các giả định cơ bản của khách hàng về chức năng của người ấy.
Đánh giá bằng chứng mà khách hàng có để ủng hộ và chống lại độ chính xác của những suy nghĩ tự động đó.
Quy lại trách nhiệm là ở các yếu tố tình huống thay vì sự kém cỏi của bệnh nhân.
Thảo luận về các giải pháp thay thế cho các nhiệm vụ phức tạp có thể dẫn đến trải nghiệm thất bại của bệnh nhân.
Liệu pháp này tương tự như liệu pháp hành vi ở chỗ nó tập trung vào trạng thái hiện tại của thân chủ. Một trong những tác dụng phụ tồi tệ nhất của trầm cảm là phải sống với tất cả những cảm giác tiêu cực và thờ ơ liên quan đến trầm cảm. Trở nên ám ảnh với những suy nghĩ về tâm trạng tiêu cực của một người gợi lên ký ức về tất cả những khoảng thời gian tồi tệ trong cuộc sống, điều đó làm trầm trọng thêm cảm giác trầm cảm. Bằng cách lọc tất cả đầu vào qua lăng kính u tối của bệnh trầm cảm, những người trầm cảm nhìn thấy lời chỉ trích ở cả những nơi không có chúng và nghe thấy những lời chế nhạo kể cả khi họ được nghe những lời khen ngợi — thêm những “lý do” khiến người ta thêm chán nản. Liệu pháp nhận thức đã chứng minh sự thành công trong việc ngăn chặn trầm cảm đi tiếp theo vòng luẩn quẩn đi xuống (Hollon và cộng sự, 2006).
LIỆU PHÁP LÝ TRÍ – CẢM XÚC (Rational-Emotive Therapy)
Một trong những hình thức sớm nhất của liệu pháp nhận thức là liệu pháp cảm xúc hợp lý (rational-emotive therapy (RET)) được phát triển bởi Albert Ellis (1913–2007). RET là một hệ thống thay đổi nhân cách toàn diện dựa trên sự biến đổi của những niềm tin phi lý gây ra những phản ứng cảm xúc thái quá, không mong muốn, chẳng hạn như lo âu nghiêm trọng (Ellis, 1962, 1995; Windy & Ellis, 1997). Bệnh nhân có thể có những giá trị cốt lõi đòi hỏi họ phải thành công và được chấp thuận, khăng khăng rằng họ phải được đối xử một cách công bằng, và ra lệnh vũ trụ phải tử tế với họ hơn.
Các nhà trị liệu lý trí – cảm xúc dạy thân chủ cách nhận biết những điều “nên làm”, “cần làm” và “phải làm” đang kiểm soát và ngăn cản họ lựa chọn cuộc sống mà họ muốn. Họ cố gắng phá vỡ suy nghĩ đóng kín của khách hàng bằng cách cho thấy rằng một phản ứng cảm xúc sau một số sự kiện thực sự là ảnh hưởng của những niềm tin không được công nhận về sự kiện. Ví dụ, không đạt được cực khoái trong khi giao hợp (sự kiện) được theo sau bởi một phản ứng cảm xúc trầm cảm và tự hạ thấp bản thân.
Niềm tin gây ra phản ứng cảm xúc có thể là “Tôi không có khả năng tình dục và có thể bị liệt dương vì không làm được như mong đợi.” Trong trị liệu, niềm tin này (và những niềm tin khác) được công khai tranh cãi thông qua việc đối mặt với nó bằng các lý lẽ hợp lý và xem xét các lý do thay thế nhằm giải thích cho sự kiện, chẳng hạn như do mệt mỏi, do rượu, quan niệm sai lầm về tình dục hoặc do miễn cưỡng quan hệ vào thời điểm hoặc với đối tác cụ thể đó. Kỹ thuật đối đầu này được theo sau bởi các biện pháp can thiệp khác, thay thế tư duy giáo điều, phi lý trí với những ý tưởng hợp lý, phù hợp với tình huống.
Liệu pháp lý trí – cảm xúc được sử dụng nhằm mục đích nâng cao ý thức về giá trị bản thân của một cá nhân và tiềm năng được tự hiện thực hóa bằng cách thoát khỏi hệ thống niềm tin sai lầm ngăn cản cá nhân phát triển. Do đó, nó chia sẻ nhiều điểm với các liệu pháp nhân văn.
LIỆU PHÁP NHẬN THỨC – HÀNH VI (Cognitive Behavioral Therapy – CBT)
“Bạn chính là những gì bạn tự nói với bản thân bạn có thể là, và bạn được chỉ dẫn bởi những gì bạn tin rằng bạn phải làm.”
Đây là một giả định khởi đầu của liệu pháp nhận thức hành vi. Phương pháp điều trị này kết hợp sự nhấn mạnh của nhận thức vào việc thay đổi những niềm tin sai lầm, với hành vi tập trung vào các trường hợp dự phòng giúp củng cố trong việc thay đổi cách thực hiện công việc (Goldfried, 2003). Các mẫu hành vi không được chấp nhận được sửa đổi bằng cách tái cấu trúc nhận thức—thay đổi những tuyên bố tiêu cực của một người trở thành các cơ chế đối phó có tính xây dựng hơn.
Một phần quan trọng của phương pháp trị liệu này là việc nhà trị liệu và thân chủ khám phá ra cách mà thân chủ nghĩ về và thể hiện vấn đề mà liệu pháp muốn xử lý. Khi cả nhà trị liệu và thân chủ đều đã hiểu rằng kiểu suy nghĩ này đang dẫn đến các hành vi không hiệu quả hoặc rối loạn chức năng, họ sẽ phát triển các tuyên bố cá nhân mới mang tính xây dựng và giảm thiểu việc sử dụng những cách tự chê trách bản thân vốn gây ra lo lắng hoặc giảm lòng tự tôn (Meichenbaum, 1977, 1985, 1993). Dưới đây là một ví dụ về cách một phiên nhà trị liệu nhận thức-hành vi có thể thực hiện với bệnh nhân:
—Một phiên minh họa với một nhà trị liệu nhận thức-hành vi:
Thân chủ: Tôi có cảm giác như người bạn thân nhất của tôi, Marjorie, đang chối bỏ tôi.
Nhà trị liệu: Tôi chắc chắn rằng đó là một cảm giác khó chịu. Điều gì làm cho cô nghĩ rằng cô ấy đang chối bỏ cô?
Thân chủ: Khi chúng tôi tình cờ gặp nhau ở trung tâm mua sắm ngày hôm qua, Marjorie gần như không nói lời chào tôi. Cô ấy nói, “Cậu có khỏe không” và sau đó chạy biến đi nhanh nhất có thể. Thực sự nó chẳng có vẻ gì là cô ấy có quan tâm đến việc trò chuyện cùng tôi.
Nhà trị liệu: Hmm…, cô đã nói với tôi rằng hai cô đã là bạn thân từ rất lâu rồi, phải không?
Thân chủ: Đúng vậy, nhưng tại sao hôm qua cô ấy lại thô lỗ với tôi như thế? Cô ta khiến tôi cảm thấy thật tệ.
Nhà trị liệu: Tôi có thể biết lý do tại sao cô cảm thấy khó chịu. Cô có thể nghĩ về điều gì đó khác giải thích cho hành vi của cô ấy không? Hãy suy nghĩ về điều đó.
Thân chủ: À, mẹ cô ấy bị ốm, và cô ấy đã chuyển về nhà cha mẹ để chăm sóc bà ấy. Có thể cô ấy đang cảm thấy tồi tệ về việc mua sắm trong khi mẹ cô ở nhà một mình. Đó có thể là một lý do khác.
Nhà trị liệu: Điều đó có thể có ý nghĩa đấy. Giờ làm thế nào để cô có thể biết rằng điều này là đúng?
Thân chủ: Tôi cho là tôi có thể gọi cho cô ấy để hỏi xem cô ấy có ổn không? Tôi có thể nói rằng trông cô ấy có vẻ căng thẳng ở trung tâm mua sắm đêm qua và xem liệu có bất cứ điều gì tôi có thể làm để giúp cô ấy không.
Nhà trị liệu: Đó có vẻ là một cách tuyệt vời để lấy thông tin về các giả định của cô. Tại sao cô không thử làm điều đó trước phiên trị liệu tiếp theo của hai ta và sau đó ta có thể nói về những gì cô đã biết?
——
Như bạn có thể thấy, nhà trị liệu giúp bệnh nhân xem xét lại các bằng chứng ủng hộ bản thân tin rằng bạn thân của cô muốn kết thúc mối quan hệ của họ. Ngoài ra, như một bài tập về nhà, bệnh nhân đồng ý tập hợp thêm bằng chứng để khám phá các khả năng khác cho hành vi của bạn cô ấy.
Liệu pháp nhận thức – hành vi đã được sử dụng thành công trong việc điều trị nhiều loại rối loạn. Dưới đây là ví dụ về cách nó được sử dụng để điều trị cho khách hàng mắc chứng rối loạn mua sắm cưỡng chế (compulsive buying disorder), được định nghĩa là “có những chi tiêu quá mức và chủ yếu là vô nghĩa hoặc có những xung năng mua sắm quá mức gây ra tình trạng đau khổ rõ rệt, can thiệp vào những hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp, và thường dẫn đến các vấn đề tài chính”(Mueller và cộng sự, 2008, trang 1131).
Các nhà nghiên cứu đã chỉ định ngẫu nhiên 60 người mắc chứng rối loạn mua sắm cưỡng chế đến nhóm có sử dụng liệu pháp nhận thức – hành vi hoặc nhóm đối chứng (Mueller và cộng sự, 2008). Những người tham gia điều trị nhóm đã có một buổi trị liệu trong tuần trong suốt liệu trình 12 tuần. Liệu pháp có nhiều cấu phần (Burgard & Mitchell, 2000).
Một cấu phần của liệu pháp là để những người tham gia xác định các dấu hiệu (chẳng hạn như tình huống mang tính xã hội hoặc tâm lý) trong cuộc sống của họ đã kích hoạt hành vi mua sắm. Khi những người tham gia đã xác định những dấu hiệu này, các nhà trị liệu đã làm việc với họ để phát triển các chiến lược nhận thức nhằm phá vỡ hoặc tránh tác động của tín hiệu kích hoạt hành vi mua sắm.
Một cấu phần khác của liệu pháp là để người tham gia tự tin rằng họ có thể kiểm soát hành vi của họ. Các nhà nghiên cứu khuyến khích những người tham gia làm suy yếu những tuyên bố tiêu cực của bản thân (ví dụ: “Tôi không thể kiểm soát ham muốn mua sắm của mình”) bằng cách thu thập bằng chứng chống lại những tuyên bố như vậy và bằng cách tạo ra các kế hoạch nhằm lấy lại sự kiểm soát. Chương trình trị liệu này đã dẫn đến cải thiện cả khi kết thúc điều trị và đánh giá theo dõi sáu tháng sau khi việc trị liệu kết thúc.
Lưu ý rằng các nhà nghiên cứu cần nhóm đối chứng để chứng minh hiệu quả của phương pháp điều trị (nghĩa là các thành viên của nhóm được điều trị cho thấy sự cải thiện lớn hơn thành viên của nhóm đối chứng). Tuy nhiên, các thành viên của nhóm đối chứng cũng được điều trị sau khi nghiên cứu đã đi đến hồi kết.
Như bạn có thể thấy từ ví dụ này, liệu pháp nhận thức – hành vi xây dựng kỳ vọng về tính hiệu quả. Các nhà trị liệu biết rằng việc xây dựng những kỳ vọng này làm tăng khả năng khách hàng sẽ cư xử một cách hiệu quả. Thông qua việc thiết lập các mục tiêu có thể đạt được, phát triển các chiến lược thực tế để đạt được chúng và đánh giá phản hồi một cách thực tế, con người sẽ phát triển cảm giác làm chủ và tính hiệu quả của bản thân (self-efficacy) (Bandura, 1992, 1997). Ý thức về tính hiệu quả của bản thân ảnh hưởng đến nhận thức, động lực và hiệu suất của con người theo nhiều cách. Các đánh giá về tính hiệu quả bản thân ảnh hưởng đến mức độ nỗ lực bạn bỏ ra và thời gian bạn kiên trì đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống (Bandura, 2006).
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh tầm quan trọng của tính hiệu quả bản thân trong việc phục hồi sau các rối loạn tâm lý (Benight và cộng sự, 2008; Kadden & Litt, 2011). Hãy xem xét một nghiên cứu trên 108 phụ nữ với rối loạn ăn uống vô độ (Cassin và cộng sự, 2008):
Phụ nữ trong nhóm đối chứng nhận được một cuốn sổ tay cung cấp thông tin về chứng rối loạn. Phụ nữ trong nhóm điều trị không chỉ nhận được cuốn sổ tay mà còn tham gia vào một buổi trị liệu được thiết kế để nâng cao tính hiệu quả của bản thân. Ví dụ: mỗi phụ nữ được khuyến khích “nhớ lại những kinh nghiệm trong quá khứ mà cô ấy [đã] thể hiện khả năng làm chủ trước khó khăn, thử thách”(tr. 421). Và 16 tuần sau khi điều trị, 28% phụ nữ trong nhóm điều trị đã kiềm chế được chứng ăn uống vô độ so với chỉ có 11 phần trăm trong nhóm đối chứng. Trong quá trình điều trị nhóm, những phụ nữ có khả năng kiềm chế ăn uống vô độ đã báo cáo mức độ hiệu quả của bản thân cao hơn. Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy các phương pháp tiếp cận nhận thức – hành vi trong trị liệu có thể mang lại sự giảm nhẹ vấn đề cho bệnh nhân.
Nguồn: Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc
Dịch và biên tập: Vân Anh
Trình bày: Thu Thủy
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.