Cốt lõi của các liệu pháp nhân văn là khái niệm về một con người trọn vẹn, trong quá trình liên tục thay đổi và hoàn thiện. Mặc dù môi trường và di truyền đem lại những hạn chế nhất định, người ta vẫn luôn được tự do lựa chọn con người họ sẽ trở thành bằng cách tạo ra các giá trị của riêng họ và cam kết với chúng thông qua các quyết định của riêng họ. Tuy nhiên, cùng với quyền tự do lựa chọn này cũng đi kèm với gánh nặng trách nhiệm bởi vì bạn không bao giờ nhận thức được đầy đủ tất cả các tác động từ hành động của bạn, bạn cảm thấy lo lắng và tuyệt vọng. Bạn cũng chịu đựng cảm giác tội lỗi về những cơ hội bị mất để đạt được đầy đủ tiềm năng. Liệu pháp tâm lý áp dụng các nguyên tắc của lý thuyết chung về bản chất con người này cố gắng giúp thân chủ xác định sự tự do của chính họ, coi trọng bản ngã đang trải nghiệm của họ và sự phong phú của thời điểm hiện tại, trau dồi cá tính của họ và khám phá những cách để nhận ra tiềm năng đầy đủ nhất của họ (tự hiện thực hóa (self-actualization)).
Trong một số trường hợp, các liệu pháp nhân văn cũng tiếp thu bài học về cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện sinh đối với trải nghiệm con người (May, 1975). Cách tiếp cận này nhấn mạnh khả năng người ta thỏa mãn điều kiện hoặc bị choáng ngợp bởi những thách thức hàng ngày của sự sống. Các nhà lý thuyết hiện sinh cho rằng các cá nhân phải chịu đựng các cuộc khủng hoảng hiện sinh: các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, thiếu các mối quan hệ có ý nghĩa giữa con người và thiếu các mục tiêu quan trọng. Một phiên bản lâm sàng của lý thuyết hiện sinh, tích hợp các chủ đề và phương pháp tiếp cận khác nhau của nó, giả định rằng thực tế gây hoang mang của cuộc sống hiện đại làm phát sinh hai loại bệnh tật cơ bản của con người. Trầm cảm và các hội chứng ám ảnh phản ánh sự rút lui khỏi những thực tại này; hội chứng chống xã hội (sociopathic syndrome) và ái kỷ (narcissistic syndrome) phản ánh sự khai thác những thực tế này (Schneider & May, 1995).
Triết lý nhân văn cũng đã làm nảy sinh phong trào tiềm năng con người, nổi lên ở Hoa Kỳ vào cuối những năm 1960. Phong trào này bao gồm các phương pháp giúp nâng cao tiềm năng của con người bình thường lên mức hiệu suất cao hơn và trải nghiệm phong phú hơn. Thông qua phong trào này, liệu pháp ban đầu dành cho những người bị rối loạn tâm lý được mở rộng đến tâm thức của những người khỏe mạnh muốn trở thành con người hiệu quả hơn, năng suất hơn và hạnh phúc hơn.
Ta hãy xem xét hai loại liệu pháp nhân văn truyền thống: liệu pháp Thân chủ trọng tâm và liệu pháp Gestalt.
LIỆU PHÁP THÂN CHỦ TRỌNG TÂM (Client-Centered Therapy)
Được phát triển bởi Carl Rogers (1902–1987), liệu pháp thân chủ trọng tâm (lấy khách hàng – thân chủ làm trung tâm) đã có một tác động đáng kể đến nhiều cách mà các loại nhà trị liệu khác nhau xác định mối quan hệ của họ với thân chủ (Rogers, 1951, 1977). Mục tiêu chính của liệu pháp này là để thúc đẩy sự phát triển tâm lý lành mạnh của cá nhân.
Phương pháp này bắt đầu với giả định rằng tất cả mọi người đều chia sẻ xu hướng cơ bản là tự hiện thực hóa — nghĩa là nhận ra tiềm năng của họ. Rogers tin rằng “đó là xu hướng cố hữu của sinh vật để phát triển tất cả các khả năng của nó theo những cách dường như để duy trì hoặc củng cố chính nó” (1959, trang 196).
Sự phát triển lành mạnh bị cản trở bởi các mô hình học tập bị lỗi, trong đó một người chấp nhận sự đánh giá của người khác thay cho những nguồn lực mà tâm trí và cơ thể của chính họ mang lại. Một cuộc xung đột giữa hình ảnh về bản thân (self-image) tích cực và những lời chỉ trích tiêu cực bên ngoài tạo ra lo âu và những nỗi bất hạnh. Xung đột này, hoặc tính bất tương hợp (incongruence), có thể vận hành bên ngoài nhận thức, do vậy người đó có thể phải trải qua cảm giác bất hạnh và cảm nhận giá trị bản thân thấp mà không biết tại sao.
Nhiệm vụ của liệu pháp Rogerian là tạo ra một môi trường trị liệu cho phép thân chủ học cách cư xử sao cho đạt được khả năng tự nâng cao và tự hiện thực hóa. Bởi vì mọi người được cho là về cơ bản là tốt, nhiệm vụ của nhà trị liệu chủ yếu là để giúp loại bỏ các rào cản hạn chế biểu hiện của xu hướng tích cực tự nhiên này. Chiến lược trị liệu cơ bản là nhận ra, chấp nhận và làm rõ cảm xúc của thân chủ. Điều này đạt được thành trong bầu không khí có cái nhìn tích cực vô điều kiện (unconditional positive regard) — sự chấp nhận không phán xét và tôn trọng thân chủ.
Nhà trị liệu cho phép cảm xúc và suy nghĩ của chính mình minh bạch với thân chủ. Ngoài việc duy trì tính chân thật này, nhà trị liệu cũng cần cố gắng trải nghiệm cảm xúc của người kia. Sự đồng cảm hoàn toàn như vậy đòi hỏi nhà trị liệu phải quan tâm tới thân chủ như một cá nhân xứng đáng, có năng lực — không đánh giá hoặc phán xét thân chủ bất kì điều gì mà hỗ trợ họ trong việc phát hiện ra tính cá nhân của mình (Meador & Rogers, 1979).
Phong cách thể hiện cảm xúc và thái độ của nhà trị liệu là công cụ trong việc lấy lại năng lực (empowering) cho thân chủ tiếp cận được nguồn gốc thực sự của xung đột cá nhân và để loại bỏ những ảnh hưởng gây mất tập trung ngăn cản quá trình tự hiện thực hóa. Không giống những người thực hành các liệu pháp khác, những người diễn giải, đưa ra câu trả lời, hoặc hướng dẫn, nhà trị liệu lấy thân chủ của mình làm trung tâm – chính là người nghe, hỗ trợ, việc của họ là phản ánh và đôi khi, trình bày lại các tuyên bố và cảm nhận mang tính đánh giá của khách hàng. Nỗ lực trị liệu lấy khách hàng làm trung tâm có nỗ lực là không mang tính chỉ thị (non-directive), nhà trị liệu chỉ tạo điều kiện cho việc tìm kiếm sự tự nhận thức và chấp nhận bản thân của chính khách hàng.
Dưới đây là một đoạn trích từ một phiên của liệu pháp thân chủ trọng tâm và nắm bắt những đặc điểm này (Rogers, 1951, tr. 152).
“Trích từ một Phiên với một nhà trị liệu thân chủ trọng tâm:
Alice: Tôi không biết — Có vẻ như cần lần ngược trở lại tuổi thơ của tôi. Tôi đã — vì một lý do nào đó mà tôi đã — mẹ tôi đã nói với tôi rằng tôi là “thú cưng” của cha tôi. Mặc dù tôi chưa bao giờ nhận ra điều đó – ý tôi là họ không bao giờ coi tôi như một con thú cưng cả. Và những người khác dường như luôn nghĩ rằng chỉ có tôi mới được nhận đặc ân trong gia đình. Nhưng tôi chưa bao giờ có bất kỳ lý do gì để nghĩ như vậy. Và giờ khi nhìn lại, tôi có thể thấy: chỉ là gia đình đã để những đứa con khác được đi xa hơn cách họ thường làm với tôi. Và dường như vì một lý do nào đó, họ đã níu tôi lại theo một tiêu chuẩn cứng nhắc hơn so với những đứa con khác trong nhà.
Nhà trị liệu: Cô không chắc mình là một con vật cưng theo bất kỳ nghĩa nào, nhưng đúng hơn là hoàn cảnh gia đình dường như đã giữ cô lại ở mức tiêu chuẩn khá cao…
Alice: Đó thực sự là ý nghĩ mà tôi đã có. Tôi nghĩ toàn bộ mấy chuyện về tiêu chuẩn của tôi hoặc giá trị của tôi là một trong những điều mà tôi cần phải suy nghĩ cẩn thận, vì đã suốt một thời gian dài tôi luôn nghi ngờ liệu mình có những thứ đó một cách chân thành hay không.
Nhà trị liệu: M-hm. Không chắc liệu cô có thực sự có bất kỳ giá trị sâu sắc nào mà cô chắc chắn hay không.
Được in lại với sự cho phép của Natalie Rogers, người quản lý Di sản của Carl Rogers.”
Rogers tin rằng, một khi con người được tự do để chấp nhận bản thân họ và liên hệ một cách cởi mở với những người khác, họ sẽ có tiềm năng dẫn bản thân lấy lại sức khỏe tâm lý. Quan điểm lạc quan này và mối quan hệ nhân văn giữa nhà trị liệu-với tư cách là chuyên gia chăm sóc- và khách hàng-với tư cách là con người- đã tác động đến nhiều chuyên viên thực hành trị liệu.
LIỆU PHÁP GESTALT
Liệu pháp Gestalt tập trung vào các cách hợp nhất tâm trí và cơ thể để làm cho một con người trở nên toàn vẹn, bắt nguồn từ trường phái nhận thức Gestalt. Mục tiêu nhận thức về bản thân của nó có thể đạt được bằng cách giúp khách hàng thể hiện những cảm xúc bị dồn nén và nhận ra những điều chưa hoàn thành từ những xung đột trong quá khứ được mang vào các mối quan hệ mới và phải được hoàn thành để tiếp tục phát triển.
Fritz Perls (1893–1970), người khởi xướng liệu pháp Gestalt, đã yêu cầu thân chủ biểu hiện ra những tưởng tượng liên quan đến xung đột và cảm xúc mạnh mẽ và cũng tái tạo lại những giấc mơ của họ, điều mà ông coi là những phần bị kìm nén của nhân cách. Perls nói, “Ta phải sở hữu lại (re-own) những phần nhân cách được dự đoán, phân mảnh này của ta và sở hữu lại những tiềm năng bị ẩn giấu- được biểu hiện ra trong giấc mơ” (1969, tr. 67).
Trong các hội thảo trị liệu Gestalt, các nhà trị liệu khuyến khích người tham gia tiếp xúc với “tiếng nói bên trong đích thực” của họ (Hatcher & Himelstein, 1996). Trong số các phương pháp tốt nhất được biết đến của liệu pháp Gestalt, có kỹ thuật “chiếc ghế trống (empty chair technique)”:
Nhà trị liệu đặt một chiếc ghế trống gần thân chủ. Thân chủ được yêu cầu tưởng tượng rằng một cảm giác, một con người, một đối tượng, hoặc một tình huống đang ngồi lên chiếc ghế. Sau đó, anh/cô ta phải “nói chuyện” với cái đang ngồi trên ghế. Ví dụ: thân chủ sẽ được khuyến khích tưởng tượng người mẹ hoặc cha của họ trên ghế và bộc lộ những cảm xúc mà họ có thể không muốn tiết lộ. Sau đó họ có thể tưởng tượng ra những cảm xúc đó trên ghế để “nói chuyện” với cảm xúc, về tác động của chúng lên cuộc sống của mình. Kỹ thuật này cho phép thân chủ đối mặt và khám phá những cảm giác mạnh mẽ không được bộc lộ và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý.
Dịch bởi: Vân Anh
Biên tập và trình bày: Thu Thủy
Nguồn: Psychology and life, Richard J. Gerrig, 20th Edition, 2013, Pearson Education Inc.
—-
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.