Trạng thái cân bằng nội môi (Homeostasis) và cách nhìn nhận mới về Stress (Phần 2)

Một định nghĩa mở rộng và có ý thức về homeostasis

Giải thích truyền thống về mặt sinh lý của homeostasis không nắm bắt được sự phong phú của khái niệm và phạm vi các hoàn cảnh mà nó có thể được áp dụng cho các hệ thống sống. Nhà thần kinh học Antonio Damasio kêu gọi một cái nhìn toàn diện hơn về homeostasis: nó cần bao gồm áp dụng cho những hệ thống trong đó có sự hiện diện của tâm trí có ý thức và có chủ ý, vừa về mặt cá nhân lẫn các nhóm xã hội, cho phép tạo ra các cơ chế điều tiết nhằm đạt được những trạng thái sống cân bằng.
Với sự xuất hiện của kinh nghiệm chủ quan, các khái niệm mới, nhất là về tâm lý học, là rất cần thiết để giải thích hiện tượng này. Theo Damasio, “Cảm giác giúp điều chỉnh sự sống, cung cấp thông tin liên quan đến trạng thái homeostasis cơ bản hay về các điều kiện xã hội của trong đời chúng ta.”
Ở những sinh vật như con người, cảm giác cung cấp cho cá nhân thông tin phản hồi về sức khỏe nói chung, ý thức về các vùng cụ thể nào đó trên cơ thể, như ruột, mũi và cổ họng, cũng như nhận thức về các mối quan hệ xã hội. Theo Damasio, tính chủ quan, bị ràng buộc bởi cảm xúc và trí nhớ, sẽ tạo ra cái mà ta gọi là ý thức (consciousness).
Con người luôn hướng đến trạng thái homeostasis, và cảm giác sẽ cung cấp các hướng dẫn để lấy lại trạng thái cân bằng đó.
Homeostasis thúc đẩy con người tìm kiếm sự ổn định cho chính mình và những người xung quanh, bởi ta là những sinh vật có ý thức, là động vật xã hội biết cảm nhận và quan tâm.
Sử dụng cảm giác làm la bàn, ta có thể can thiệp các phản ứng sinh lý nhằm khôi phục homeostasis một cách có ý thức. Ở đây ta sẽ nói về can thiệp rối loạn stress kinh niên.

 Can thiệp stress bằng định nghĩa mở rộng có ý thức về homeostasis

Nếu xem stress là có hại, cơ thể sẽ tiếp tục sử dụng phản ứng vô thức với stress theo cách cổ xưa là chiến-đấu-hay-bỏ-chạy, nghĩa là thông qua các cách đối phó có hại: như uống rượu để giải phóng căng thẳng, chần chừ và trì hoãn, hay tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất. Một nghiên cứu cho thấy: chỉ cần có mục tiêu trốn tránh stress cũng đã làm tăng nguy cơ lâu dài về sức khỏe như trầm cảm, bệnh hiểm nghèo, hay các cú sốc lớn như ly dị, mất việc, do con người vẫn dựa vào các chiến lược đối phó có hại. Theo giáo sư Kelly Mc Gonigal, ngành khoa học mới nổi nghiên cứu cách ta tư duy về stress cho thấy ta có thể thay đổi tất cả các thái độ này, ngay cả khi ta đã quen nghĩ rằng stress là có hại.
Nếu thay đổi cách nhìn nhận về stress, ta sẽ thay đổi được cách cơ thể phản ứng với nó. Nếu nhìn nhận stress một cách tích cực hơn, như là một thách thức cần vượt qua, hay một cơ hội để học hỏi và phát triển, con người sẽ có những cách đối phó lành mạnh hơn nhiều, dù cho là giải quyết nguồn gốc của stress, nhìn ra ý nghĩa trong đó, hay tìm kiếm hỗ trợ từ xã hội.
Ví dụ, khi ta cảm thấy tim mình đập thình thịch vì lo lắng, ta sẽ nghĩ rằng cơ thể đang cố gắng cung cấp cho ta năng lượng ta cần để vượt qua thử thách. Quan trọng hơn, việc thay đổi bất kỳ một trong những thái độ này có thể giúp ta phát triển khi đối mặt với căng thẳng thông thường cũng như căng thẳng mãn tính hay thậm chí chấn thương. Cơ thể lúc này sẽ sản xuất ra hormone adrenaline nhằm kích hoạt hệ thống miễn dịch, thay vì cản trở nó!
Vậy là chỉ một sự tái thiết lập suy nghĩ đơn giản đã có thể giúp ta đối mặt với stress và tìm thấy những điều tốt đẹp nó mang lại cho cuộc sống của mình. Khi stress biến thành “người bạn” của ta, ta sẽ duy trì được trạng thái tỉnh táo, sáng tạo (tốt cho các cuộc phỏng vấn), sẵn sàng vượt qua chính mình, tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng vào hệ thống trí nhớ (cho các bài kiểm tra) hay huy động được nguồn lực cho những công việc khổng lồ (như sinh con hay tham gia các cuộc thi lớn).

Hệ thống miễn dịch khỏe hơn nhờ stress

Stress để lại dấu ấn trong não nhằm chuẩn bị cho ta xử lý những trường hợp tương tự vào lần tới. Vài giờ sau khi ta có phản ứng mạnh mẽ với stress, não sẽ “tự kết nối lại” để ghi nhớ và học hỏi kinh nghiệm. Các nhà tâm lý học gọi quá trình học hỏi và phát triển từ một trải nghiệm khó khăn là “tiêm chủng stress” (stress inoculation), nghĩa là việc trải qua trải nghiệm stress sẽ cung cấp cho não và cơ thể của ta một loại vắc-xin cho stress. Khả năng học hỏi khi đó sẽ được tích hợp vào phản ứng sinh học cơ bản của cơ thể khi đối mặt với stress.
Đây là lý do tại sao các bài tập thực hành khiến con người trải qua các trải nghiệm căng thẳng là kỹ thuật huấn luyện chính cho các phi hành gia, nhân viên ứng cứu khẩn cấp, vận động viên ưu tú và những người cần làm việc dưới cường độ căng thẳng cao.

Kỹ thuật thư giãn giúp chuẩn bị cho stress

Các kỹ thuật như yoga, thiền chánh niệm, thư giãn, quán tưởng, tự thôi miên là những kỹ thuật mạnh, đã được chứng minh tác dụng đáng kể trong việc và ngày càng thu hút đông đảo công chúng tham gia.
Về nguyên lý, khi đi vào trạng thái tự thôi miên, sinh lý sẽ tự làm những điều cần thiết để thay đổi cách phản ứng vô thức với stress như từ thời nguyên thủy. Ở trong trạng thái này, cơ thể sẽ sản xuất sản xuất endorphin, một loại hormone được biết đến là tạo sự thư giãn và cảm giác sảng khoái. Vì vậy, việc ở càng lâu càng tốt trong trạng thái thôi miên sẽ làm dịu cơ thể và tâm trí của ta. Cũng như thiền và yoga, việc tự thôi miên cần sự tập luyện.
Việc lựa chọn nhìn thấy mặt tích cực của stress không phủ nhận thực tế là stress có thể gây hại. Điều quan trong là con người cần cố gắng cân bằng suy nghĩ của mình để cảm thấy bớt choáng ngợp và vô vọng về thực tế là cuộc sống của chúng ta đầy căng thẳng. Ta hiếm khi được chọn lựa kiểu stress nào sẽ đến trong cuộc sống của mình và chắc chắn ta không thể tránh được stress.
Nếu ta thực sự chấp nhận stress và sử dụng các chiến lược ứng phó phù hợp với bản năng tái thiết lập sự cân bằng như được trình bày ở trên, stress có thể khiến ta trở nên mạnh mẽ hơn, thông minh hơn và hạnh phúc hơn.
Biên tập: Vân Anh
Trình bày: Thu Thủy
Nguồn:
Kendra Cherry, How the Process of Homeostasis Works, Very Well Mind, 2020
Owen Flanagan, It All Comes Down to Feelings, the New York Times, 2018
Clifton B.Parker, Embracing stress is more important than reducing stress, Stanford psychologist says, Stanford News, 2015
Nguyễn Hanh, Stress – Bệnh đặc thù của thế kỷ 21, báo Tiền Phong, 2012.
—-
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Thủy Trần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang