Rốt cuộc… lòng tự tôn lành mạnh là gì?

“Người nào không đánh mất lòng tự tôn có thể đạt đến những đỉnh cao nhất có thể.”

Daniel Desbiens

Các đặc trưng của lòng tự tôn lành mạnh

Ta biết rằng lòng tự tôn là sự đánh giá mà ta tự đưa ra, dựa trên lịch sử, những thành công của ta và những mối quan hệ tương tác khác nhau mà ta có với những người khác. Tuy nhiên, điều đó không cho ta biết cảm giác có lòng tự tôn tốt là như thế nào, ngoài việc có quan điểm tích cực về bản thân – điều còn khá mơ hồ. Trên thực tế, rất khó để nói về nó một cách chính xác, đó là bởi vì lòng tự tôn về bản chất là chủ quan và nó tốt trong chừng mực nó không khiến ta đau khổ. Nó là cái cho phép ta tiến về phía trước với tốc độ của riêng mình, nhìn vào cuộc sống quá khứ không chút cay đắng và cuộc sống tương lai của ta với sự lạc quan. Để làm điều này, nó phải có một số đặc điểm.

Nó phải chắc chắn, bền vững và ổn định. Nếu lòng tự tôn của ta sụp đổ mỗi khi điều gì đó tồi tệ xảy ra, vậy nó không chắc chắn như ta nghĩ. Rõ ràng, lòng tự tôn tốt không ngăn cản những khoảnh khắc chán nản, nhưng nó cho phép ta không đặt câu hỏi về mọi thứ trước mỗi nguy cơ của cuộc sống. Nó giúp bạn có thể nhìn nhận một cách khách quan hơn những gì là sai, cũng như những gì sẽ xảy ra và không khái quát hóa trong trường hợp thất bại (“Dù gì tôi cũng tệ hại sẵn rồi…”). Ta gọi đây là bằng chứng cho khả năng phục hồi.

Nó phải dựa trên một số kỹ năng, ví dụ như: kỹ năng học tập (và sau này là kỹ năng chuyên môn), sau đó có thể là khả năng lập gia đình và có những người bạn thân thiết. Nó cũng dựa trên sự hiểu biết và chấp nhận bản thân, quá khứ, điểm yếu và điểm mạnh của bản thân. Nhân lên nhiều nguồn gốc cho lòng tự tôn là điều cần thiết, bởi vì nó cho phép bạn không bị suy sụp trong trường hợp thất bại một lĩnh vực và có thể dựa vào các kỹ năng khác của mình (“Tôi đã sai ở điểm này, nhưng tôi biết rằng tôi chỉ đang phản ứng và tôi có thể bù đắp cho nó.”). Đây được gọi là sửa chữa chéo. Nếu bạn đầu tư quá mức vào một lĩnh vực và thất bại, thì thất bại (hoặc việc mất kỹ năng độc đáo đó) sẽ là một thảm họa. Ta cũng có thể đánh mất một phần bản dạng cá nhân của mình ở đó: khi bạn tự định danh bằng một kỹ năng duy nhất và đánh mất nó, thì bạn chẳng là gì cả. Ví dụ, ta đang nói về chứng trầm cảm của một người về hưu khi còn trẻ, người này có cảm giác mình chẳng còn danh tính cá nhân nào khi không còn việc để làm…

Cuối cùng, lòng tự tôn cũng phải dựa trên các yếu tố bên trong nhiều hơn là bên ngoài. Khi ta nhìn chính mình khi chỉ đánh giá bản thân qua con mắt của người khác, thì điều nguy hiểm là suốt đời ta sẽ tìm kiếm sự chấp thuận của họ, mà không bao giờ hài lòng với điều đó. Rủi ro là sống thường xuyên dưới ảnh hưởng bên ngoài và không chịu trách nhiệm về mọi thứ xảy ra với chính mình. Tìm kiếm sự tôn trọng của người khác là quan trọng, nhưng điều này chỉ có thể vững chắc nếu bạn đã đánh giá cao bản thân và chịu trách nhiệm cho tương lai của chính bạn.

Vậy làm sao để nhận ra một người có lòng tự tôn tốt?

Có lòng tự tôn tốt có nghĩa là trước hết chấp nhận bản thân như bạn vốn là. Ai cũng có một “cái tôi lý tưởng”, một hình ảnh bản thân hoàn hảo mà mỗi người đều hướng tới, nhưng trước tiên bạn phải biết giới hạn và điểm mạnh của mình để chọn phương tiện phù hợp để đạt được điều đó. Đây cũng là tôn trọng và xem bản thân mình ngang hàng với những người khác, không thua kém hay vượt trội so với họ. Cuộc sống của con người nào cũng đều có giá trị như nhau. Điều quan trọng nữa là phải hình thành ý kiến ​​của bản thân dựa trên các sự kiện cụ thể, chứ không phải dựa trên các phán đoán cắt xén và những khái quát chung chung. Điều này giúp xác định trách nhiệm của bản thân và tìm ra các giải pháp cụ thể để cải thiện, từng chút một, chậm mà chắc. Cuối cùng, có lòng tự tôn tốt nghĩa là có một mục tiêu thực tế trong cuộc sống và tập trung vào mục tiêu này hơn là vào chính mình…

Video tóm tắt nội dung cần nhớ:

Các bài viết được biên tập theo cuốn sách Phát triển lòng tự tôn (Développer son estime de soi), 2012, tác giả Marie-Laure Cuzarq

Vân Anh dịch, biên tập và trình bày

—- (*) Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang