Niềm tin ảnh hưởng như thế nào đến hành động của ta?

“Cuộc sống là một lời tiên tri tự ứng nghiệm.”

Denis Waitley

Hai kịch bản, hai lòng tự tôn

Hãy tưởng tượng rằng bạn là một người rất dè dặt, bởi vì bạn không thực sự hiểu tại sao người khác lại quan tâm đến bạn. Một đồng nghiệp có thiện chí khăng khăng mời bạn dự tiệc mà bạn chắc chắn sẽ không nói chuyện với bất kỳ ai. Và bạn thực sự dành cả buổi tối để ngồi trên ghế, căng thẳng và khó chịu. Khi bạn đang ở trong phòng tắm, bạn nghe thấy hai người khách khác trò chuyện và nói, “Ôi trời, anh có thấy người kia không, cái người cứ dán vào bức tường cuối phòng ấy? Ai đã mời anh ta vậy? Anh ta trông thật dữ tợn.” Thế là hiển nhiên, bạn bỏ đi khỏi bữa tiệc tối với tâm trạng thậm chí còn tồi tệ hơn, tự nhủ rằng chẳng ai quan tâm đến bạn cả.

Ngược lại, hãy tưởng tượng rằng bạn là một người khá thoải mái với chính mình, không có quá nhiều phức cảm (hãy cho là không quá mức trung bình). Được mời đến cùng bữa tiệc tối đó, bạn tự nhủ rằng đây là dịp để gặp gỡ một vài người. Và bạn bắt gặp một người bạn của đồng nghiệp, bạn đã trải qua một buổi tối dễ chịu với người này. Bạn tự nhủ rằng bạn đã làm rất tốt khi nhận lời mời…

Lòng tự tôn điều kiện hóa hành vi của chúng ta

Tự tôn là biết nhận thức và đánh giá năng lực, kỹ năng của bản thân. Đánh giá này rõ ràng là thiên vị vì nó là kết quả của kinh nghiệm, nhưng cũng là từ cái nhìn của những người khác: họ hàng, bạn bè, người thân. Sự đánh giá về bản thân dẫn đến niềm tin, thường bắt nguồn từ rất sâu, về những gì một người có khả năng hoặc không thể làm. Một đứa trẻ mà cha mẹ luôn nghĩ và nói rằng nó không giỏi việc gì thì cuối cùng sẽ nuôi dưỡng suy nghĩ đó và sẽ tin rằng nó không giỏi việc gì, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy giảm lòng tự tôn của đứa trẻ.

Lời tiên tri tự ứng nghiệm là gì?

Ta có xu hướng chứng minh những gì ta tin tưởng. Có những xã hội nơi đàn ông, và đặc biệt là phụ nữ đã thất bại trong việc học tập vì cha mẹ nghĩ họ không được sinh ra cho việc đó. Tuy nhiên, họ vẫn đã có thể cho mình phương tiện để thành công trong học tập. Đây là cái mà các nhà tâm lý gọi là “sự tự ứng nghiệm của những lời tiên tri”: khả năng thích ứng các hành vi của ta với niềm tin ta mang, để phù hợp với ý tưởng mà ta có về bản thân. Hiện tượng này chung cho tất cả, không ai thoát khỏi nó! Đây là cái mà một số người gọi là “số phận”…

Ngoài ra, thường ta chỉ chọn những thông tin xác nhận những gì ta nghĩ. Đây là cách ta dán “nhãn” cho từng thứ, từng người và cho chính mình, và gỡ chúng ra rất khó. Đó là hiện tượng gây kỳ thị, ví dụ, những người dân tộc thiểu số, từ những vùng khó khăn. Do luôn bị coi là “những kẻ bị ruồng bỏ”, những người này cuối cùng sẽ tương ứng với những định kiến ​​gắn liền với họ. Cần có một niềm tin, một lòng tự tôn thật tốt để có thể thay đổi những cái nhãn này.

Hiệu ứng Pygmalion

Trong lĩnh vực giáo dục, quá trình này được gọi là hiệu ứng Pygmalion. Hiệu ứng Pygmalion này đã được một nhà tâm lý học, Robert Rosenthal chứng minh. Ông nói với các giáo viên là một số học sinh của họ có chỉ số IQ cao hơn những bạn khác (khẳng định này rõ ràng là sai). Sau đó, ông nhận thấy rằng các học sinh “nổi bật”, sau một học kỳ, đã có kết quả cao lên đáng kể, khi bản thân họ không ý thức được rằng họ được cho là có chỉ số IQ cao hơn những bạn khác. Rosenthal giải thích rằng các giáo viên, bị thuyết phục là mình có học sinh giỏi, không chỉ đánh giá tốt việc học của các học sinh này tốt hơn mà còn thành công trong việc thúc đẩy họ, chú ý đến họ và tin tưởng vào họ hơn. Lý thuyết của ông và các thí nghiệm của ông do đó có xu hướng chứng minh rằng những học sinh mà giáo viên đặt nhiều hy vọng có xu hướng thành công hơn những học sinh không được kỳ vọng làm bất cứ điều gì cụ thể…

Video tóm tắt nội dung cần nhớ:

Các bài viết được biên tập theo cuốn sách Phát triển lòng tự tôn (Développer son estime de soi), 2012, tác giả Marie-Laure Cuzarq

Vân Anh dịch, biên tập và trình bày

—- (*) Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang