Lòng tự tôn và cái nhìn của người khác

“Những người giống nhau sẽ tụ lại với nhau.”

Ngạn ngữ Pháp

Lòng tự tôn ảnh hưởng đến những cuộc gặp gỡ của chúng ta: do nhu cầu có sự nhất quán

Con người cần nhất quán. Quan điểm của người đó về bản thân phải phù hợp với quan điểm mà người đó nghĩ người khác có về anh ta. Nhu cầu có sự nhất quán này là cần thiết, bởi vì nó cho phép tạo ra các mối quan hệ xã hội “bình thường”. Hãy tưởng tượng bạn có lòng tự tôn thấp, nhưng mọi người xung quanh bạn đều nghĩ, “Chà, anh chàng này tự tin về bản thân gớm nhỉ.” Điều này sẽ dẫn đến hành vi không phù hợp của cả hai bên, hiểu lầm, thậm chí là xung đột, vì bạn sẽ không hiểu là người khác nghĩ như thế về bạn (ngay cả trong chốc lát nó có thể giúp bạn ổn hơn, bạn vẫn sẽ nhanh chóng sợ mình không đạt được kỳ vọng…).

Hiện tượng tự xác minh: câu trả lời cho nhu cầu nhất quán của chúng ta

Nhu cầu nhất quán này bao hàm một hiện tượng tự xác minh. Trên thực tế, ta tìm kiếm sự xác nhận từ những người khác về biểu hiện mà ta có về bản thân và ta thể hiện bản thân một cách tự phát để dẫn đến sự xác nhận này. Rõ ràng, nếu bạn đặt câu hỏi cho một người trên đường và hỏi, “Bạn có cố gắng thể hiện bản thân thật tốt khi gặp ai đó lần đầu tiên không?”, người đó sẽ trả lời bạn: “Có chứ, tất nhiên.” Và điều đó sẽ đúng. Nhưng nó không đơn giản như vậy. Bất chấp những nỗ lực của ta, ta đang gửi một số tín hiệu đến người khác. Lòng tự tôn tốt hay xấu được nhìn thấy, một cách vô thức: qua cử chỉ, giọng điệu, cử chỉ ngập ngừng hoặc vững vàng.

Nói cách khác, ta là bạn thân hay kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình… Bởi vì một người có lòng tự tôn tích cực sẽ tìm kiếm những ai mang lại cho anh ta hình ảnh tốt đẹp mà anh ta có về bản thân. Và kỳ lạ là điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp lòng tự tôn tiêu cực. Và nhu cầu tự xác minh này đôi khi lớn hơn các nhu cầu khác, chẳng hạn như nhu cầu cảm thấy hạnh phúc…

Ta thích được đánh giá cao về những gì ta nghĩ mình là hay muốn được ái mộ vì những gì ta thể hiện ra?

Thật vậy, nhu cầu tự xác minh của ta thường mâu thuẫn với nhu cầu khẳng định giá trị của ta – nghĩa là sự thôi thúc tỏ ra thông minh, sắc sảo trong xã hội – điều này về lâu dài khá mệt mỏi. Nó chỉ ra rằng nhu cầu khẳng định giá trị là quan trọng, nhưng nó chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, nghĩa là khi bắt đầu một mối quan hệ, trong giai đoạn tán tỉnh và lý tưởng hóa lẫn nhau. Điều này giải thích tại sao những cuộc hôn nhân tồn tại lâu nhất là những cuộc hôn nhân trong mà mỗi người đều “sáng suốt” về bạn đời của mình, không giống như những trường hợp mà một trong hai người có hình ảnh quá lý tưởng về người kia.

“Em/anh quá tốt với anh/em”… hội chứng kẻ mạo danh

Tuy nhiên, đôi khi có một khoảng cách giữa những gì một người nghĩ về mình và những gì họ tin rằng người kia nghĩ về họ. Ví dụ, một người có lòng tự tôn thấp nghĩ rằng anh ta không xứng đáng nhận được sự quan tâm của bạn đời và cuối cùng người đó sẽ vạch mặt “kẻ mạo danh”… Vậy nên anh ta làm mọi thứ để người kia “sáng mắt ra”: ghen tuông hung hãn, nổi cơn khủng hoảng lo hãi hay tự ti thường trực. Sau khi gây ra rạn nứt, người đó sẽ tự nói với mình: “Đúng quá rồi, tôi là đứa tệ hại”, do đó sẽ xác nhận những gì người đó đã nghĩ về mình…

Trường hợp này là cực đoan, nhưng “hội chứng kẻ mạo danh” này cũng xuất hiện hàng ngày: do đó ta có xu hướng giảm thiểu những lời khen ngợi mà ta cho là không công bằng (“Ồ, tôi chỉ nấu theo công thức thôi mà” hoặc “Ai cũng làm được như vậy cả”). Đây là cái ta có thể gọi là khiêm tốn.

Khi bị chỉ trích, những người “nói sự thật” sẽ giáng cho ta cú đánh nặng hơn những người ta nghĩ là đang phóng đại. Nhưng những lời phê bình phản ánh những gì ta nghĩ có thể cho ta một cú hích và “tiến lên” (sau khi tạm thời hạ thấp lòng tự tôn của ta). Đây là những lời phê bình hiệu quả nhất.

Video tóm tắt các nội dung cần nhớ:

Các bài viết được biên tập theo cuốn sách Phát triển lòng tự tôn (Développer son estime de soi), 2012, tác giả Marie-Laure Cuzarq

Vân Anh dịch, biên tập và trình bày

—- (*) Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Vân Anh Nguyễn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang