“Khi một người bị đói, dạy anh ta cách câu cá thì tốt hơn là cho anh ta một con cá.”
Khổng Tử
Ở độ tuổi 3, phần lớn trẻ em phải trải qua khoảnh khắc tuyệt vời nhưng đau buồn này: bước vào thế giới của “những người trưởng thành”, ở trường học, sân chơi và có những người bạn đầu tiên. Ảnh hưởng của chúng đến lòng tự tôn là gì?
Quyền tự chủ và sự phụ thuộc
Tính tự chủ và tháo vát thể hiện lòng tự tôn tốt ở trẻ em. Trẻ từ 3 đến 6 tuổi ngày càng đạt được các kỹ năng vận động, nhận thức và cảm xúc quan trọng. Những kỹ năng này, cho phép trẻ thành thạo những nhiệm vụ ngày càng phức tạp, tạo cho trẻ một cảm giác tự hào. Trải nghiệm thành công, và cả thất bại, và đặc biệt là việc học hỏi từ những sai lầm, thúc đẩy việc đạt được lòng tự tôn tốt.
Đứa trẻ học cách tự lập sẽ không ngại khẳng định bản thân, đưa ra quyết định và chấp nhận thử thách. Trẻ linh hoạt trong các thói quen hàng ngày của mình bởi vì trẻ có cảm giác an toàn và kiểm soát. Do đó, tốt nhất là cha mẹ không nên giúp trẻ ngay khi trẻ gặp khó khăn. Ngoài ra, sự giúp đỡ này phải mang tính hoàn cảnh, nghĩa là nó phải được giới hạn ở một khía cạnh của nhiệm vụ, để lợi ích của chiến thắng trở lại với đứa trẻ.
Sự phụ thuộc kéo dài: một phanh hãm cho việc xây dựng lòng tự tôn
Tuy nhiên, một số trẻ em vẫn rất phụ thuộc vào cha mẹ. Điều này, thường vì mục đích bảo vệ, đã hạn chế quyền tự chủ của nó. Sau đó đứa trẻ nghĩ rằng nó không thể tự bảo vệ mình. Về lâu dài, suy nghĩ đó sẽ gây ra lòng tự tôn thấp. Tương tự như vậy, một môi trường quá lỏng lẻo, không kích thích nhiều về mặt trí tuệ, thúc giục đứa trẻ tìm kiếm sự thoải mái tối đa. Do đó, trẻ khó thể hiện sự kiên trì trong việc giải quyết vấn đề và có ít “ý thức nỗ lực” hơn. Trẻ kém tháo vát, phụ thuộc vào người khác trong việc thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên bực bội và có khả năng chịu đựng thấp đối với những khó chịu.
Hình ảnh kém về bản thân cũng thường dẫn đến hành vi sợ hãi hoặc hung hăng, khiến các mối quan hệ trở nên khó khăn và giảm khả năng tự hào về bản thân.
Tham gia vào thế giới xã hội – hay sự nhân rộng các hình mẫu tham khảo
Khoảng 3 tuổi, đứa trẻ thực sự bắt đầu mở ra sự phát triển xã hội và chuyển từ môi trường gia đình sang môi trường học đường. Một sự thay đổi triệt để sau đó sẽ đến: trường học, với nhóm bạn bè của trẻ, cô giáo của trẻ, các nghi thức của trẻ… những điều này sẽ di chuyển các “mốc định vị” của nó. Thứ nhất, cha mẹ sẽ dần đánh mất vị thế là một hình mẫu tham khảo duy nhất, ngay cả khi ý kiến của họ vẫn là chủ yếu. Quá trình “giải thiêng” lâu dài này sẽ đạt đến đỉnh cao ở tuổi thiếu niên. Sau đó, đứa trẻ sẽ bắt đầu so sánh bản thân mình. Đầu tiên với bản thân: trẻ sẽ so sánh những gì mình có thể làm bây giờ với những gì mình không biết làm ngày hôm qua: “Bây giờ tôi có thể viết tên của mình!”. Điều này là khá tích cực, vì sự so sánh vẫn có lợi cho trẻ. Sau đó, điều này sẽ mở rộng ra với những người khác: “Laure, cô ấy có một chiếc váy đẹp” sẽ dần chuyển thành: “Laure, cô ấy có một chiếc váy đẹp hơn tôi! Quá trình tự đánh giá này, thông qua đánh giá của người khác, cũng lên đến đỉnh điểm ở tuổi vị thành niên, do đó gây ra sự khó chịu vốn có ở tuổi đó: luôn có người mạnh mẽ hơn, xinh đẹp hơn, “xuất chúng” hơn mình.
Các quy tắc được nhân lên…
Cuối cùng, quá trình xã hội hóa này đi đôi với việc cần nhập tâm và tôn trọng các quy tắc mới và ứng xử với hành vi mới: cần rộng lượng, hào phóng, biết cách thương lượng, thậm chí gây ảnh hưởng… Nếu được đồng hóa tốt, những mô hình ứng xử này sẽ giúp trẻ hòa nhập tốt hơn, điều này sẽ giúp nâng cao lòng tự tôn bản thân.
… và những tình huống cạnh tranh đầu tiên
Thật vậy, nếu nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy trường học có thể rất khốc liệt: bạn phải nổi tiếng, mạnh mẽ, có kết quả học tập tốt… Điều này có thể tạo ra rất nhiều áp lực cho trẻ. Thời gian trôi qua, trẻ sẽ xác định được điểm mạnh và điểm yếu của mình, điều này sẽ thúc đẩy sự tham gia của trẻ vào một hoạt động cụ thể.Ví dụ, nếu khả năng thể thao không quan trọng với trẻ, trẻ sẽ sống tốt hơn với thất bại của mình trong hoạt động này và lòng tự tôn của trẻ sẽ không suy giảm quá nhiều. Do đó, điều quan trọng là người lớn phải coi trọng điểm mạnh của trẻ, đồng thời tìm cách thúc đẩy trẻ làm việc với điểm yếu của mình, để ngăn trẻ hoàn toàn mất hứng thú với chúng.
Video tóm tắt ý chính:
Các bài viết được biên tập theo cuốn sách Phát triển lòng tự tôn (Développer son estime de soi), 2012, tác giả Marie-Laure Cuzarq
Vân Anh dịch, biên tập và trình bày
—- (*) Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia