Giáo dục trong gia đình và tâm lý giới

1. Đặt vấn đề

Trong bất kỳ thời kỳ nào của lịch sử, gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay càng có vai trò quan trọng, từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như giáo dục con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trở thành những công dân có ích đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Tại mỗi cái nôi ấy, những đứa trẻ được sinh ra là những minh chứng rõ ràng nhất cho văn hóa đặc trưng của từng gia đình, từng nhóm cộng đồng. 

Người ta hay ví mỗi đứa trẻ khi sinh ra như một trang giấy trắng, bởi khi ấy bản thân trẻ chưa hình thành một tính cách rõ rệt. Những nét vẽ đầu tiên lên trang giấy đó có thể sẽ quyết định cả cuộc đời của các em. Vậy nên, môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc – gia đình – sẽ là những ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đối với sự phát triển tâm lý và tính cách của trẻ. Một môi trường gia đình bình đẳng, hiểu biết và ấm áp sẽ giúp trẻ khắc phục tâm lý nhút nhát, cho trẻ dũng khí và tự tin, thúc đẩy sự phát triển tính cách tốt đẹp của trẻ, khiến trẻ càng thêm thông minh, dũng cảm, nhanh nhạy, đạt được thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc đời.

Xét về khía cạnh giới, sự phát triển tâm lý giới tính ở trẻ không chỉ chịu sự tác động của những nhân tố bên trong bản thân trẻ mà còn ở chính những kỳ vọng, thái độ giáo dục của cha mẹ cũng có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của trẻ trong tương lai. Bởi lẽ khi một đứa bé được sinh ra, câu hỏi đầu tiên của mọi người luôn là “Trai hay gái?”. Và câu trả lời không chỉ cho ta biết về giới tính của đứa bé mà còn cho ta có thể hình dung ra hướng phát triển cả cuộc đời của đứa bé. Hơn thế nữa giới tính của đứa bé không chỉ được đặt ra khi đứa bé vừa mới chào đời mà ngay cả trước khi đứa bé sinh ra. Giới tính đặc biệt quan trọng trong những xã hội phụ quyền như xã hội Việt Nam của chúng ta. Trẻ khi lớn lên có gặp trở ngại trong việc nhận biết giới tính và trở ngại về xu hướng giới tính hay không… chủ yếu có liên quan tới những ảnh hưởng trong cách giáo dục giới tính từ môi trường khi trẻ còn nhỏ, tức là nó được quyết định bởi những mong muốn về giới tính, cũng như thái độ, phương thức chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin bàn luận một số vấn đề về sự ảnh hưởng của giáo dục gia đình tới sự hình thành tâm lý giới của trẻ em (0-12 tuổi)

2. Một số lý thuyết liên quan

Có rất nhiều công trình lý thuyết về phát triển giới nhưng tựu chung có bốn khuynh hướng lý thuyết lớn sau đây (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2000)

  • Lý thuyết sinh vật học xã hội: Lập luận của lý thuyết sinh vật học xã hội cho rằng nếu những khác biệt của trai và gái đã tồn tại từ ngay từ khi sinh ra thì những khác biệt trên phản ánh ảnh hưởng của yếu tố sinh lý bởi lẽ quá trình xã hội hóa sẽ chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ trong những năm tháng đầu tiên.
  • Lý thuyết về sự học hỏi thông qua xã hội: Cũng như nhiều hành vi khác của con người, việc học hỏi những hành vi về giới thường thông qua việc phối hợp các biện pháp như tưởng tượng, củng cố, trừng phạt. Trong những năm tháng đầu tiên và trong thời niên thiếu, lấy trường hợp một bé trai, nó sẽ được khen ngợi nếu hành xử “như là con trai” và sẽ bị trừng phạt nếu bị chê “như là con gái”. Bằng cách đó đứa trẻ học được cách bắt chước hành vi của những người cùng giới hoặc hành động theo mong muốn của những người xung quanh để có thể được chấp nhận và khen ngợi. Tương tự với các bé gái. Đây là lý thuyết được ủng hộ khá rộng rãi.
  • Các lý thuyết nhận thức: Lý thuyết này cho rằng sự khác biệt về giới tính xuất hiện qua một quá trình phạm trù hóa, mà qua đó những bé trai đặt mình một nhóm (phạm trù) nam giới và ứng xử theo nhóm này cụ thể qua suy nghĩ “Mình là con trai, mình phải làm những điều con trai làm”. Ngược lại, các bé gái cũng nhận thức và suy nghĩ như vậy. Ngoài ra, thuyết cân bằng và bất đồng nhận thức của Heider & Festinger cũng giải thích rõ cách thức mà bé trai và bé gái định hình hành vi và thái độ của mình cho phù hợp với những kỳ vọng về giới mà cha mẹ thể hiện với chúng.
  • Các lý thuyết về động thái tâm lý: các lý thuyết này bắt nguồn từ thuyết phân tâm của S. Freud. Theo quan điểm của Freud, quá trình xã hội hóa nói chung là một quá trình hình thành nhân cách trong việc đấu tranh chống lại những xu hướng bẩm sinh Trong khi đó quá trình xã hội hóa về giới hình thành do đấu tranh về cảm xúc giữa trẻ và những người nuôi chúng trong những năm tháng đầu tiên. Cơ cấu cảm xúc của bé trai hình thành do xung đột tình yêu dành cho mẹ và nỗi sợ bố. Mối xung đột này nếu được giải quyết thành công sẽ dẫn đến việc đứa bé đồng hóa mạnh mẽ với cha mình và do đó mang sự nam tính.

3. Những vấn đề giáo dục trong gia đình Việt Nam và tâm lý giới

3.1. Trước khi đứa trẻ được sinh ra 

Từ lâu người Việt đã quan niệm “dạy con từ thuở còn thơ”. Tuổi còn thơ ở đây chỉ lúc niên thiếu, nhưng trên thực tế họ đã quan niệm từ ngay khi đứa bé chưa sinh ra, những hành vi, thái độ, tình cảm của người mẹ trong lúc mang thai cũng có ảnh hưởng đến những yếu tố thể chất và tâm lý của đứa trẻ sau này. 

Trong quan hệ xã hội , trong giao tiếp người phụ nữ mang thai phải rất ý tứ bởi lẽ cũng là theo quan niệm truyền thống “người phụ nữ mang thai vía rất nặng” “Sáng sớm ra đường gặp phụ nữ mang thai thì xui xẻo cả ngày”… Do đó người phụ nữ khi mang thai không được đi đám cưới đám ma, sáng sớm không được vào nhà người khác, trong gia đình không được lên nhà trên (nơi thờ cúng tổ tiên).

Về phía bản thân, người phụ nữ mang thai phải giữ gìn, không được buồn tủi, hờn giận, ghen tuông bởi lẽ sẽ ảnh hưởng đến tính khí của đứa trẻ sau này. Một số người còn tin rằng, muốn có con trai thì phải mượn con trai của người khác để bồng bế, ngắm nhiều ảnh các bé trai… tương tự nếu muốn có con gái. Ngoài ra, do kinh nghiệm dân gian, một số người nhận xét khi mang thai nếu thèm đồ ngọt thì sinh con trai, thèm đồ chua thì sinh con gái. Do đó nếu muốn có con trai thì ăn nhiều đồ ngọt và ngược lại. Theo quan niệm âm dương, một số lại cho rằng ăn nhiều đồ nóng, thịt của những con vật trên mặt đất như bò, gà, heo… thi sinh con trai và ăn thịt những loài chim hay thủy hải sản… thì sinh con gái. (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2000)

Việc đặt tên cho con cái trong gia đình chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố và trên nguyên tắc, tên chính của nam nữa không hoàn toàn cho phép ta phân biệt được giới tính. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, căn cứ vào ý nghĩa cái tên chính phối hợp với tên đệm (Văn, Thị ..) thì ta có thể đoán được tương đối chính xác một tên là nam hay nữ. Mặc dù không hoàn toàn tuyệt đối nhưng tên nam phải mang thuộc tính dương, động, chủ động còn tên nữ phải mang thuộc tính âm, tĩnh, thụ động.

Những cách đặt tên cho con trai có thể theo những đặc điểm sau:

  • Những phẩm chất đức tính mạnh mẽ: Trung, Hiếu, Hùng, Dũng,…
  • Những mong ước, hoài bão về sự nghiệp: Thành, Đạt, Công, Danh, Huy Hoàng…
  • Những sự vật, hiện tượng to lớn, trọng yếu trong tự nhiên: Thiên, Nhật, Sơn, Phong, Vũ…

Cách đặt tên cho con gái có thể theo những đặc điểm sau:

  • Những phẩm hạnh của con gái: Công, Dung, Hạnh, Hiền, Thảo..
  • Một số loài hoa đẹp, mềm mại hoặc loài cây nhỏ, yểu điệu: Mai, Hồng, Huệ, Cúc, Liễu, Trúc…
  • Các loài chim đẹp: Loan, Phụng, Oanh, Yến…

Như vậy, ngay từ cách đặt tên cho con, người Việt nói chung đã có một ý thức phân biệt nam nữ rất rõ ràng, và tên của bé trai bé gái đã ít nhiều mang những mong muốn dự định của cha mẹ với con cái mình.

Về việc xác định giới tính của bào thai, trước đây điều này cũng là một vấn đề khá nhức nhối ở xã hội Việt Nam. Như đã nói, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán. Trong đó, có tục “trọng nam, khinh nữ” gắn liền với thực hành thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, do là nước nông nghiệp nên con trai được đánh giá cao hơn do sự vượt trội về sức khỏe. Vì thế, nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên; giúp đỡ nhiều cho gia đình trong lao động sản xuất, là chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ khi về già… Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 khẳng định rằng, đối với người dân, giá trị của con trai đã thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể người dân (36,7% người trả lời độ tuổi 18-60) ủng hộ quan niệm nhất thiết phải có con trai. Động cơ có con trai để có người nối dõi tông đường là lý do chính trong số những người cần có con trai (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan khác, 2008). Kết quả một cuộc nghiên cứu khác về các yếu tố xã hội và văn hóa tác động tới tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam năm 2010 của Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho thấy, nhiều cặp vợ chồng đã sử dụng siêu âm để xác định giới tính của thai nhi và nạo thai loại bỏ những thai gái không mong muốn. Các tác giả nghiên cứu cho biết, mặc dù những người mong muốn có con trai thường sử dụng nhiều biện pháp và chiến lược khác nhau để đạt được ước nguyện, nhưng phương pháp hiệu quả nhất là sử dụng chẩn đoán bằng siêu âm kết hợp với nạo thai. Bởi vậy có không ít dịch vụ y tế vì lợi nhuận đã hình thành để phục vụ, hỗ trợ cho những gia đình khao khát có con trai “quý tử”. (VnExpress, 2011)

Có thể nói, ngay từ trước khi trẻ được sinh ra, tư tưởng và nhận thức của cha mẹ, những người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ đã chịu ít nhiều ảnh hưởng từ xã hội nói chung và truyền thống của gia đình nói riêng. Từ đó, thái độ đối xử cũng như cách giáo dục trẻ sau này cũng đã sớm được định hình.

3.2. Từ thơ ấu đến vị thành niên.

Khi trẻ nhỏ phát triển từ 18-24 tháng, chúng bắt đầu khám phá vai trò giới và ý nghĩa của việc là trai hay gái. Khả năng nhận biết khi mọi thứ giống hoặc khác nhau là một kỹ năng quan trọng mà trẻ phát triển theo thời gian. Một bé gái bắt đầu đặt câu hỏi để về sự khác biệt giữa con trai và con gái một cách rất tự nhiên khi nó thấy có “cái gì đó” khác giữa cơ thể mình và cơ thể của một bé trai. Sự định hình về giới dần trở nên rõ ràng hơn trong những năm tiếp theo, khi trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới xung quanh và nhận được sự giáo dục từ gia đình.

Cách ăn mặc, đồ chơi, trò chơi mà trẻ học được qua sự hướng dẫn của cha mẹ, người thân cũng cho ta thấy sự khác biệt giữa bé trai và bé gái. Ngay từ đầu qua cách ăn mặc, cha mẹ muốn truyền dạy cho con cái những tính cách của nam giới và nữ giới. (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2000)

Từ khi sinh ra đến khoảng 2 tuổi, về cách ăn mặc, màu sắc, kiểu dáng quần áo chưa có sự khác biệt nhiều giữa bé trai và bé gái. Sau đó mới dần dần xuất hiện những khác biệt không chỉ về kiểu dáng mà còn cả màu sắc. Những màu trắng, xanh, đen, với các họa tiết sọc, caro thường dành cho con trai trong khi đó con gái hay được hướng đến những gam màu nhẹ hơn như hồng, trắng, xanh nhạt cùng họa tiết hoa văn mềm mại tươi tắn hơn, lòe loẹt hơn. Cách ăn mặc của con trai cũng đơn giản và ít phụ kiện hơn. 

Cách dạy về hành vi cử chỉ cũng bắt đầu có những khác biệt lớn giữa trẻ trai và gái từ 2 tuổi trở đi. Trước hết trong hành vi cử chỉ, cha mẹ dù thuộc tầng lớp xã hội nào vẫn hướng các con về các khuôn mẫu: con trai thì phải có những hành vi mạnh mẽ cứng rắn, con gái dịu dàng, nhẹ nhàng, ý tứ. Ví dụ “Con trai có thể chạy nhảy, đi đứng tùy thích còn con gái được cha mẹ nhắc nhở nhiều hơn, không cười nói to tiếng, đi đứng nhẹ nhàng, đặt để đồ vật không được mạnh tay…” Tương tự, trong việc giáo dục những hành vi cho trẻ, trẻ nam ít bị đưa vào khuôn phép hơn trẻ gái. “Con gái phải ăn trông nồi, ngồi trông hướng, ở đâu cũng phải khép nép, con trai thi sao cũng được…” Theo ý kiến của nhiều bậc phụ huynh được phỏng vấn, những khuôn mẫu này là do bản chất tâm lý khi sinh ra, giáo dục như vậy nhằm chuẩn bị cho trẻ có thể dễ dàng tiếp cận đảm nhận những vai trò sau này. Nói cách khác, họ xem những khuôn mẫu ứng xử này là “tự nhiên”. Tuy nhiên, trong xã hội hiện tại, vai trò của nam và nữ đã thay đổi và cân bằng hơn khá nhiều. Thái độ của người lớn đối với các hành vi của giới trẻ cũng đã cởi mở hơn khi ở nhiều gia đình, những định khuôn như đã nói ở trên không còn quá khắt khe. Con gái có thể mặc đồ của con trai và con trai cũng trong cư xử cũng phải lịch thiệp, ý tứ, ăn nói nhẹ nhàng. Các yêu cầu về thái độ, cách ứng xử trở thành chuẩn mực chung cho cả bé trai và bé gái chứ không còn là của riêng một giới nào.

Đồ chơi, trò chơi cũng là phạm trù gắn liền với trẻ ngay từ khi trẻ được một vài tháng tuổi. Cha mẹ thường mua cho các con những đồ chơi nhiều màu sắc, phát ra âm thanh vui tai treo quanh nôi để giúp trẻ phát triển các giác quan. Trẻ cũng phát triển sự khác biệt về giới qua việc thể hiện sở thích, các mối quan tâm về các loại đồ chơi khác nhau khi lên 3-4 tuổi. Các bé gái được mua cho những con búp bê đầu tiên, những “đồ hàng” để chơi buôn bán. Các bé trai thì có hàng loạt xe ô tô, súng, kiếm, máy bay… Từ các chất liệu như đất sét, vải, bông, nhựa, gỗ cho tới các chất liệu từ kim loại và kể cả có gắn động cơ. Các em trai cũng thích chó mèo, vì đây vốn là những con vật nuôi rất gần gũi trong gia đình nhưng tỉ lệ các em trai thích những con thú nhỏ này thấp hơn so với các em gái. Đối với các con vật như voi, sư tử, khủng long thì tỉ lệ các em trai yêu thích lại cao hơn nhiều. Lý do được đưa ra là các em thích sự mạnh mẽ, dữ dằn, to khỏe oai phong của các con thú này. 

Đi cùng với đó, trẻ ở giai đoạn này cũng bắt đầu phát triển nhận thức về những khuôn mẫu hành vi xã hội qua trò chơi nhập vai thành những người thân quen như bố mẹ, anh chị, thầy cô giáo ở nhà trẻ, y tá, bác sĩ… Các em gái thường thích các trò chơi đóng vai “vợ chồng”, nội trợ, làm y tá bác sĩ, cô giáo… Các em trai ngoài vai trò “người cha” còn đóng vai trò tài xế, thích làm người hùng trong các câu chuyện cổ tích được nghe kể hoặc nhìn thấy trong phim như siêu nhân, hiệp sĩ, Batman, Tôn Ngộ Không… Gia đình cũng khuyến khích các bé trai tham gia nhiều trò chơi, hoạt động thể thao như đá bóng, chạy bộ hơn là đối với các bé gái.

Về sự tham gia các công việc trong gia đình, ngoài những công việc mà chúng ta có thể thấy ở bất kỳ gia đình nào như quét nhà, nấu ăn, đi chợ , giặt giũ, sửa chữa đồ điện, các vật dụng trong gia đình… các em cũng có thể làm thêm một số việc phụ giúp người lớn như phụ cha mẹ giao hàng, dọn hàng ở các gia đình kinh doanh buôn bán, thậm chí đi bán rong, ve chai … ở một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sự phân chia lao động theo giới tính ở Việt Nam không rõ ràng nhưng không có nghĩa không tồn tại. Sự phân công ấy càng rõ ràng hơn khi trẻ lớn lên. Trẻ gái tiếp tục bắt chước những công việc của mẹ, của bà, đảm nhận những công việc của người phụ nữ trong gia đình, còn trẻ trai thì làm những công việc của bố, của những người đàn ông trong gia đình.

Công việc

Bé trai (%) Bé gái(%)
Quét nhà

Không làm

20 12
Có làm 80 88
Là quần áo Không làm 45.6 30.3
Có làm 54.4 69.7
Giặt quần áo Không làm 51.7 29.6
Có làm 48.3 70.4
Rửa chén bát Không làm 48.9 25.9
Có làm 51.1 74.1
Nấu ăn Không làm 66.3 40.4
Có làm 33 59.6
Đi chợ Không làm 70 41.3
Có làm 30 58.7
Sửa điện Không làm 66.7 94.4
Có làm 33.3

5.6

Đến thời kỳ trẻ bước vào môi trường xã hội (6-7 tuổi trở lên), được đi học và bắt đầu kết nối nhiều hơn với thầy cô, bạn bè và những luồng thông tin, kiến thức từ trường lớp, những kiến thức về giới trở thành một nhu cầu thiết yếu. Công tác giáo dục giới tính cho trẻ cũng bắt đầu được gia đình và nhà trường quan tâm nhiều hơn đặc biệt là khi trẻ chuẩn bị bước vào độ tuổi dậy thì (14-15 tuổi). Những kỳ vọng của gia đình ở giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc học tập và định hướng tương lai cho trẻ. Trẻ nam thì thường được kỳ vọng nhiều hơn vào điểm số, giải thưởng, học lực nhất là ở các môn học tự nhiên như toán, lý, hóa… Đi kèm với đó là khá nhiều áp lực về việc trở thành “con ngoan trò giỏi” để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ của các em. Mức kỳ vọng ở trẻ nữ thì thấp hơn và chủ yếu các em hay được định hướng lựa chọn các bộ môn xã hội như văn, sử, địa, ngoại ngữ… tuy nhiên cũng giống như các bạn nam, trẻ gái cũng có những áp lực nhất định về thành công, chủ yếu các em phải thể hiện thật tốt trước mặt người lớn khi ở nhà. 

Có thể nói, trong suốt quá trình trẻ lớn lên và tiếp nhận những sự giáo dục từ gia đình, những khác biệt với và vai trò giới đã sớm được nhen nhóm và ăn sâu vào nhận thức của trẻ. Trẻ liên tục tò mò và muốn khám phá những sự khác biệt về giới đồng thời cũng phải cân bằng giữa những điều mà chúng nhìn nhận thấy và những gì mà người lớn thể hiện ra hoặc nói với chúng. Kết quả của quá trình đó là trẻ hiểu được vị trí và vai trò của giới trong các mối quan hệ gia đình mình cũng như có thể định hình được mẫu hành vi ứng xử đặc trưng của giới mà chúng cần phải làm theo để hạn chế những xung đột, mâu thuẫn chúng gặp phải khi so sánh sự khác biệt giữa hai giới. Mặc dù không thể phủ nhận có một số lợi ích khi làm theo những khuôn mẫu về vai trò giới (cảm giác an toàn, tạo điều kiện cho việc ra quyết định…), nhưng có những hậu quả nhất định khi duy trì những khuôn mẫu như vậy. Những hậu quả này có thể là việc hạn chế cơ hội cho cả bé trai và bé gái, bỏ qua tài năng và duy trì sự bất công và là tiền đề cho sự hình thành bất bình đẳng trong xã hội. 

4. Lý tưởng giáo dục và chiến dịch lồng ghép giới vào công tác quản lý giáo dục học sinh.

Giáo dục gia đình ở đây được hiểu là toàn bộ những tác động của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trước hết của lớp trẻ. Khi nói về lý tưởng giáo dục của gia đình chúng ta thường kỳ vọng vào một sự “giáo dục toàn diện”. Cụ thể hơn, đó là quá trình xã hội hóa con người nhằm hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ. Muốn làm được điều ấy thì cha mẹ phải dạy trẻ từ những điều nhỏ nhặt, bình thường và đơn giản nhất.

Các bậc cha mẹ phải thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói và những đức tính quan trọng như: Kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, lối sống trong sáng, đức độ… Mặt khác cha mẹ cũng cần uốn nắn và phê phán ngay những biểu hiện tiêu cực, ngăn chặn những cử chỉ thái độ bất hiếu, khiếm nhã của con cái trước khi quá muộn. Điều này chẳng khác gì việc uốn nắn một cái cây non, nếu để nó phát triển lệch lạc theo lẽ tự nhiên thì bạn sẽ chẳng có những cành cây phát triển theo ý muốn. Đó còn là sự kết hợp giữa giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại trong nội dung giáo dục con cái trong gia đình, phát huy mặt tích cực của nho giáo, đạo giáo trong quan hệ lễ nghĩa và tiếp nhận một cách tích cực những nét văn hóa hiện đại tốt đẹp. Tất cả điều đó đều nhằm xây dựng cho trẻ một nếp sống lành mạnh, khoa học trong gia đình, hướng đến lý tưởng giáo dục toàn diện cho trẻ. 

Đứng trước quan điểm như vậy và thực trạng bất bình đẳng giới đang diễn ra hiện nay, chiến dịch lồng ghép giới vào công tác quản lý giáo dục được phát động mạnh mẽ. Lồng ghép giới “là một chiến lược nhằm đưa những mối quan tâm và kinh nghiệm của phụ nữ và nam giới vào quá trình thiết kế, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách, chương trình như là một phần không thể thiếu của các chính sách, chương trình đó,… để phụ nữ và nam giới cùng được thụ hưởng một cách bình đẳng và để tình trạng bất bình đẳng không còn bị kéo dài dai dẳng. Mục đích cuối cùng của lồng ghép giới chính là bình đẳng giới” (Dựa theo định nghĩa của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp quốc). Mục đích của lồng ghép giới là làm thay đổi tư duy, thái độ và cách thức hành động của cá nhân và tổ chức trên quan điểm bình đẳng giới; đảm bảo nam, nữ được đối xử bình đẳng; được tạo cơ hội và điều kiện phù hợp để phát triển đầy đủ năng lực của bản thân và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững của gia đình, tổ chức và xã hội. Như vậy, lồng ghép giới vừa là biện pháp, vừa là phương tiện giúp đạt được mục tiêu bình đẳng giới không chỉ trong gia đình mà còn cả trong trường học, xã hội… 

5. Tổng kết

Các nghiên cứu xã hội đã chứng minh, yếu tố quan trọng trong việc quyết định sự phát triển tương lai của trẻ nhỏ nằm ở sự giáo dục gia đình chứ không phải giáo dục tại trường học. Cha mẹ là tấm gương tốt nhất cho trẻ nhỏ, từng lời nói và hành động của cha mẹ đều sẽ ảnh hưởng tới hành vi của trẻ.  Những biến đổi mạnh mẽ trong vai trò của phụ nữ và nam giới trong và ngoài gia đình đã xảy ra trong nửa thế kỷ qua ở hầu hết thế giới công nghiệp hóa. Hình ảnh truyền thống của gia đình hai cha mẹ với người cha làm người trụ cột gia đình và người mẹ làm người nội trợ không còn là chuẩn mực ở nhiều nước công nghiệp. Thay vào đó, hầu hết các bà mẹ có thể theo đuổi công việc bên ngoài và nhiều người cha cũng có trách nhiệm chăm sóc con. Nhưng dù là gì, để trẻ lớn lên trong sự cân bằng nhận thức về giới thì chính những bậc làm cha làm mẹ cũng cần nhận thức thật rõ ràng, cởi mở về vai trò giới và giữ được sự nhất quán giữa những suy nghĩ, lời nói với các cử chỉ, hành động khi đối xử với bé trai và bé gái. 

Thu Thủy biên tập.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Xuân Nghĩa (2000), “Tổng quan các lý thuyết về sự phát triển vai trò giới”, tr. 77-122, trong Quá trình xã hội hoá về giới ở trẻ em, BXB, ĐHM-BC TPHCM.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch- Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, UNICEF (2008), Kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006. Hà Nội.

VnExpress (2011). Truy xuất từ:  https://vnexpress.net/doi-song/khat-con-trai-nhieu-ba-bau-can-rang-pha-thai-gai-2307798.html

Bộ LĐTB&XH – UN Women (2014) Tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hà Nội

The National Center  on Parent, Family, and Community Engagement (2018) Healthy Gender Development  and Young Children. “A Guide for Early Childhood Programs and Professionals”.  

—-

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Fanpage Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông: https://www.facebook.com/InstituteofPsychologyandMedia

Thủy Trần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Lên đầu trang